Thiết Bị GPS Và Các Công Cụ Luyện Tập

Chương 3: Tập luyện như Meb

Thiết bị GPS và các công cụ khác

Hàng ngày tôi chạy với đồng hồ chuyên dụng, kể cả khi chạy đua. Tôi thích nhìn vào các dữ liệu – quãng đường, tốc độ trung bình, tốc độ từng dặm, nhịp tim, độ dài sải chân, thời gian tiếp đất, lượng calorie đã đốt, và hơn thế nữa.

Nhưng đồng thời, tôi vẫn lắng nghe cơ thể mình trước. Những gì tôi nhìn thấy trên đồng hồ chỉ là xác nhận lại những gì tôi đang cảm nhận được, hơn là thông tin để áp đặt bản thân phải làm gì. Ví dụ như, ở đầu một chu kỳ luyện tập, tôi có thể chạy quãng đường 10 dặm ở nhịp tim trung bình từ 135 đến 140. Hai tháng sau, khi tôi đạt đến phong độ chạy đua, tôi có thể có mức nhịp tim trung bình gần tới 120 trong buổi chạy có cùng quãng đường với cùng tốc độ. Tất nhiên, tôi cũng có thể nói luôn mà chẳng cần nhìn vào dữ liệu nhịp tim rằng mình đã khoẻ hơn. Nhưng được đảm bảo bằng các dữ liệu cũng rất hay.

Tôi thường tải các dữ liệu xuống và thỉnh thoảng xem lại giống như cách mà tôi xem lại các nhật ký luyện tập ghi chép bằng tay. Việc xem lại dữ liệu xem nó như thế nào 2 tháng trước khi tôi giành chiến thắng ở Boston và so sánh xem nó có giống dữ liệu hiện tại hay không là rất có ích, như thế, tôi có thể biết được rằng việc tập luyện của mình có đang đi đúng hướng hay không.

Ở nhà, tôi thường chạy cùng trên một số tuyến chạy mà tôi đã xác định từ lâu. Khi xa nhà, tôi cảm thấy tính năng GPS rất hữu ích. Tôi là một trong số những người chạy bộ thích nhìn thấy các con số tròn trịa, ví dụ như 10 dặm thay vì 9,8 hay 10,2 dặm. Trong thâm tâm, tôi hiểu rằng qua thời gian thì chúng sẽ bù trừ hết cho nhau. Nhưng đó là thói quen của tôi. Ngoài ra, tôi là người rất thích các con số và thích được nhìn vào kết quả từng dặm trong các buổi chạy và so sánh với cảm giác của mình trong lúc đang chạy.

Để lặp lại điều tôi đã nói ở trên về việc xuất phát chậm và kết thúc ở tốc độ nhanh hơn, sẽ không hay nếu như đặt ra các tốc độ đã định trước và bắt mình phải chạy theo khi luyện tập. Đừng thường xuyên nhìn vào đồng hồ và tăng tốc lên chỉ vì bạn nhìn thấy khoảng thời gian mà bạn cho là quá chậm. Hãy để cơ thể bạn tự xác định tốc độ phù hợp với nỗ lực mà bạn muốn thực hiện vào ngày chạy đó. Hãy để dữ liệu là kết quả khách quan của trải nhiệm chạy chủ quan của bạn. Dần dần, qua thời gian, bạn sẽ thấy các kết quả này sẽ gần nhau thêm.

About the Author Nguyen Kien Quoc

>
0 Shares