BORN TO RUN – SINH RA ĐỂ CHẠY – CHƯƠNG 11

Ann Trason, cô gái thách thức những vị thần

—–

“Tôi đã bảo mà!” Rick Fisher bắt đầu gáy.

Anh ta đã đúng về một chuyện khác nữa: đột nhiên, tất cả mọi người đều muốn giành phần của mình từ Những người Chạy bộ. Fisher hứa hẹn rằng Đội Tarahumara sẽ trở lại vào năm sau, và cây đũa thần đó đã biến Leadville từ một giải đua sức bền khó nhằn nhưng ít tên tuổi thành một sự kiện truyền thông lớn. ESPN giành được quyền phát sóng; Wide World of Sports phát số đặc biệt Những Tay Đua Siêu Đẳng Này Là Ai; hãng bia Molson ký hợp đồng làm nhà tại trợ cho giải Leadville. Hãng giày Rockport Shoes còn trở thành nhà tài trợ chính thức của đội chạy bộ duy nhất trên thế giới ghét giày chạy bộ.

Các phóng viên từ các tờ báo, tạp chí The New York Times, Sports illustrated, Le Monde, Runner’s World, và nhiều tờ báo khác, liên tục gọi Ken và đặt ra cùng một câu hỏi:

“Liệu có ai đánh bại được những gã này không?”

“Có,” Ken trả lời. “Annie có thể làm được.”

Ann Trason. Người giáo viên ba mươi ba tuổi dạy môn khoa học ở trường đại học cộng đồng đến từ California. Nếu bạn nói rằng bạn có thể nhận ra cô ấy trong đám đông, thì ắt hẳn bạn phải là chồng cô ta, hoặc là bạn đã nói dối. Ann hơi thấp, hơi gầy, có dáng vẻ uể oải, gần như vô hình sau mớ tóc mái màu nâu lông chuột – đúng kiểu người mà bạn trông đợi từ một giáo viên khoa học ở trường đại học cộng đồng. Cho đến khi ai đó nổ súng hiệu lệnh xuất phát.
Nhìn Ann phóng vọt đi tại điểm xuất phát một cuộc đua cũng giống như nhìn chàng phóng viên rụt rè Clark Kent tháo bỏ cặp kính và khoác lên tấm áo choàng siêu nhân màu đỏ. Với cằm ngẩng cao, hai bàn tay nắm lại, mái tóc của cô xoã ra trên mặt như dải mây sau đuôi máy bay phản lực, phần tóc mái bị thổi ngược ra sau, làm lộ ra cặp mắt báo màu nâu lấp lánh. Khi mặc quần áo hàng ngày, Ann chỉ nhỉnh hơn một mét rưỡi; còn khi mặc quần chạy bộ, cô biến hoá thành người mẫu Brazil, với đôi chân thon gọn và lưng thẳng như nghệ sĩ múa ba lê với phần bụng màu nâu rám nắng, rắn rỏi đến mức gậy bóng chày quật vào cũng phải gãy nát.

Ann từng chạy trong đường chạy sân vận động hồi còn học phổ thông trung học, nhưng cô đã quá ngán ngẩm việc phải chạy như một con chuột lang trong một đường chạy hình ô van nhân tạo, theo cách cô miêu tả, rồi sau đó từ bỏ khi vào đại học để trở thành một nhà hoá sinh học (để thấy được rằng đối với cô, chạy trong sân vận động chán nản tới mức nào, như thể bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học còn hấp dẫn hơn vậy). Trong nhiều năm liền, cô chạy chỉ để khỏi hoá điên: khi não của cô sắp chập mạch vì việc học, hay sau khi cô tốt nghiệp và bắt đầu làm một công việc nghiên cứu vất vả ở San Francisco, Ann lại giải toả căng thẳng bằng một buổi chạy nhanh gọn quanh công viên Golden Gate.

“Tôi yêu chạy bộ chỉ vì thích cảm giác gió luồn qua tóc,” cô nói. Cô chẳng màng gì đến các cuộc đua; mà chỉ bị cuốn theo cảm giác được trốn thoát khỏi cảnh tù túng. Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu giải toả trước căng thẳng trong công việc bằng cách chạy bộ chín dặm đến phòng thí nghiệm mỗi buổi sáng. Và khi cô nhận ra rằng chân mình lại khoẻ khoắn hoàn toàn vào lúc kết thúc giờ làm, cô lại chạy về nhà. Rồi sau đó, khi cô bắt đầu quen với việc chạy mười tám dặm một ngày trong tuần làm việc, thì sẽ chẳng có gì to tát nếu duỗi chân duỗi cẳng vào một ngày Thứ Bảy lười biếng, với một buổi chạy hai mươi… hay hai mươi lăm… hay ba mươi dặm…

Vào một ngày Thứ Bảy, Ann dậy sớm và chạy hai mươi dặm. Cô nghỉ ngơi ngay trong bữa sáng, rồi lại quay ra chạy tiếp hai mươi dặm nữa. Cô phải làm mấy việc vặt liên quan đến đường ống nước trong nhà, nên sau khi chạy xong cuộc thứ hai, cô lôi đống dụng cụ ra và bắt tay vào việc. Cuối ngày, cô cảm thấy rất hài lòng với bản thân; cô đã chạy bốn mươi dặm và tự mình giải quyết được một việc khá rắc rối. Và để tự thưởng cho bản thân, cô chạy thêm mười lăm dặm nữa.

Năm mươi lăm dặm trong một ngày. Các bạn của cô băn khoăn lo lắng. Liệu có phải Ann mắc một chứng bệnh rối loạn về ăn uống? Một chứng ám ảnh về vận động? Hay cô đang chạy trốn khỏi một cơn dằn vặt tâm lý vô thức bằng cách chạy trốn? “Các bạn tôi thường bảo rằng tôi không nghiện ma tuý, mà là nghiện endorphins,” Trason nói, và cách mà cô trả lời những người bạn của mình cũng chẳng làm họ yên tâm hơn chút nào: cô thích nói với họ rằng chạy số dặm nhiều như vậy trên núi là “rất lãng mạn.”
Rõ rồi. Chạy một mình một cách điên rồ trên đường mòn, mệt đến nhừ tử, thậm chí cả đổ máu lại có thể so sánh với thưởng thức rượu sâm-panh dưới ánh trăng.

Nhưng thật vậy, Ann quả quyết, chạy bộ rất lãng mạn; và tất nhiên là các bạn của cô chẳng thể hiểu được điều này, vì họ chẳng bao giờ làm thử. Đối với họ, chạy bộ là hai dặm khổ sở với mục đích ních vừa vào quần bò cỡ số 6: họ leo lên bàn cân, cảm thấy thất vọng, rồi đeo tai nghe vào, và chạy cố cho xong. Nhưng bạn không thể gồng mình kiểu đó trong suốt năm giờ đồng hồ được; bạn phải thả mình nhẹ nhàng vào việc chạy, như trườn người vào trong một bồn tắm nước nóng, cho tới khi cơ thể không chống cự cơn sốc nữa và bắt đầu tận hưởng.

Thư giãn thả lỏng đúng mức, thì cơ thể của bạn sẽ trở nên quen thuộc với nhịp điệu đều đặn như đưa nôi đó, tới mức bạn gần như quên rằng mình đang di chuyển. Và khi bạn vượt ngưỡng để đạt tới trạng thái trôi chảy nhẹ nhàng, nửa như đang lơ lửng đó, thì ánh trăng và rượu sâm-panh sẽ xuất hiện: “Bạn sẽ hoà nhịp với cơ thể mình, và biết khi nào có thể gắng thêm và khi nào cần phải nhả bớt,” Ann thường giải thích như vậy. Bạn phải chú ý lắng nghe tiếng hơi thở của chính mình; nhận biết được bao nhiêu giọt mồ hôi đang rịn ra trên lưng; đảm bảo rằng mình uống nước mát đầy đủ, kèm theo đồ ăn nhẹ có muối và tự hỏi bản thân, một cách thành thực và thường xuyên rằng mình đang cảm thấy thế nào. Còn gì khoái lạc hơn là chú ý một cách tinh tế tới cơ thể của chính mình. Và khoái lạc thì được tính là lãng mạn, phải không?

Chỉ chạy chơi cho vui, Ann đã đạt được số dặm nhiều hơn khá nhiều vận động viên marathon nghiêm túc, vì vậy, tới năm 1985, cô nhận ra rằng đã tới lúc thử xem mình so với những người chạy bộ thực sự thì như thế nào. Có thể là giải Marathon L.A chăng? Ôi, vậy thì cô thà trở thành con chuột lang chạy vòng quanh sân vận động trường trung học còn hơn là tốn ba giờ đồng hồ chạy quanh các toà nhà trong thành phố. Cô muốn tham gia một cuộc đua hoang dại và thú vị để có thể đắm mình trong đó, y như cách mà cô vẫn thường làm với các cuộc dạo chơi trên núi của mình.

Vụ này mới là thú vị đây, cô nghĩ, khi nhìn thấy mẩu quảng cáo trong một tờ tạp chí thể thao tại địa phương. Cũng như giải Western States, giải American River Endurance Run 50 dặm là một cuộc đua ngựa mà không có ngựa, một cuộc ngao du xuyên đồng quê với đường đua trước đây là lối đi của các kỵ sỹ cưỡi ngựa qua vùng nôn thôn. Nhiệt độ nóng bức, đường thì nhiều dốc và có nhiều hiểm hoạ. (“Cây sồi độc mọc khắp nơi trên đường mòn,” các tay đua được cảnh báo như vậy. “Bạn có thể sẽ gặp cả ngựa hoang và rắn chuông. Chúng tôi khuyến nghị bạn đầu hàng những con vật này.”) Kể cả tránh được nanh rắn hay vó ngựa, thì bạn vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho một cú đấm giữa mặt, chờ đợi bạn ngay trước khi kết thúc cuộc đua: sau bốn mươi bảy dặm chạy đường mòn, bạn sẽ đụng phải một con dốc leo cao hơn ba trăm mét trong ba dặm cuối đường chạy.

Tóm lại: giải đua đầu tiên của Ann sẽ là một cuộc marathon kép, có điểm xuyết thêm vết rắn cắn và ánh nắng mặt trời thiêu đốt cháy da. Ổn rồi, vậy là yên tâm không sợ nhàm chán.

Và, không có bất ngờ lớn ở đây, giải siêu marathon đầu tay của Ann xuất phát một cách khổ sở. Nhiệt kế chỉ mức nhiệt độ trong phòng tắm hơi, và cô còn quá tay mơ để nhận ra rằng đáng nhẽ phải mang theo một chai nước khi chạy dưới sức nóng hơn 42 độ của ngày hôm đó. Cô cũng chẳng biết tí gì về tính toán tốc độ (liệu cô sẽ tốn bao nhiêu giờ để chạy hết cuộc đua này? Bảy giờ? Mười? Hay mười ba?) và còn biết ít hơn về các chiến thuật chạy giải đua đường mòn (những gã đi bộ lên dốc và chạy vọt qua cô khi xuống dốc bắt đầu làm cô nổi cáu. Chạy cho ra dáng đàn ông xem nào, lũ khốn!).

Nhưng khi cảm giác bất ổn qua đi, cô bắt đầu thả mình vào nhịp chân đều đặn đưa nôi của mình. Đầu cô ngẩng cao, tóc mái hất ra sau, và cô lại có được sự tự tin của một con linh miêu. Tới điểm mốc ba mươi dặm, hàng tá các tay đua khác bắt đầu lảo đảo chùn chân dưới sức nóng, với cảm giác như đang bị kẹt trong một cái bánh nướng mới ra lò. Nhưng mặc dù bị mất nước trầm trọng, Ann dường như chỉ trở nên mạnh mẽ hơn; mạnh tới mức, trên thực tế, cô đã đánh bại tất cả các nữ vận động viên khác trong giải và phá kỷ lục của giải cho nội dung nữ, hoàn thành độ dài bằng hai cuộc marathon trên đường mòn chỉ với bảy giờ và chín phút.

Chiến thắng gây sốc đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi thành tích rực rỡ. Ann tiếp tục trở thành nhà vô địch nữ của giải Western States 100 – được coi như giải Super Bowl đối với môn chạy đường mòn – mười bốn lần, một kỉ lục được giữ suốt ba thập kỷ và khiến Lance Armstrong, người có thành tích bảy lần vô địch giải Tour de France trông chỉ như một ánh sáng loé lên rồi chợt tắt. Và thậm chí chỉ là một ánh sáng mờ nhạt: Lance chẳng bao giờ đạp xe mà không có một đội ngũ chuyên gia bám sát theo anh ta để theo dõi lượng calori anh ta nạp vào và liên tục cung cấp các phân tích từng chặng đạp vào tai nghe của anh ta, trong khi Ann chỉ có chồng cô, Carl, chờ đợi trong rừng với một chiếc đồng hồ Timex và nửa cái bánh kẹp thịt gà tây.

Và không như Lance, người chỉ tập luyện để canh điểm rơi vào một giải duy nhất hàng năm, Ann trở nên điên cuồng với các cuộc đua. Có một giai đoạn, cô chạy trung bình cứ hai tháng một giải siêu marathon, liên tục trong vòng bốn năm. Đáng nhẽ, với mức độ hành hạ cơ thể như vậy, thì cô đáng ra đã phải gục ngã, nhưng Ann, với sức hồi phục như một dị nhân siêu anh hùng; cô dường như vừa chạy vừa tái tạo được năng lượng, trở nên mạnh mẽ hơn ở những thời điểm đáng nhẽ ra phải bị suy yếu. Cứ mỗi tháng trôi qua, cô chạy càng nhanh thêm, và chỉ có một trận cảm cúm mới làm vuột mất được của cô một kỷ lục hoàn hảo: cô đã chiến thắng hai mươi tư giải đua trong suốt bốn năm đó, và chỉ tụt xuống vị trí thứ hai khi tham gia một giải đua sáu mươi dặm khi mà đáng nhẽ cô phải nằm bẹp trên ghế xô-pha với khăn tay chùi mũi cùng bát súp nóng.

Tất nhiên, có một điểm yếu trên giáp trụ của cô. Chắc chắn phải có. Chỉ có điều… chưa ai tìm thấy nó. Ann cứ như một tay lực sĩ trong gánh xiếc, có khả năng đánh bại gã đàn ông đáng gờm nhất trong thị trấn: cô chiến thắng cả trên đường nhựa lẫn đường mòn… trên nền đường bằng phẳng lẫn núi non lởm chởm… ở Mỹ, Châu Âu, và Châu Phi. Cô đã phá kỷ lục thế giới các cự ly 50 dặm, 100 kilômét và 100 dặm, và lập thêm mười kỷ lục thế giới nữa trên cả đường chạy sân vận động và đường nhựa. Cô vượt qua kỳ sát hạch cự ly Marathon Olympic, chạy với tốc độ 6 phút 44 giây một dặm trong 62 dặm và vô địch ở World Ultra Title, và sau đó chiến thắng cả giải Western States lẫn Leadville trong cùng một tháng.

Nhưng có một danh hiệu cứ liên tục tuột khỏi tay cô: trong nhiều năm, Ann không thể vô địch toàn giải ở bất kỳ một cuộc đua cự ly siêu dài danh tiếng nào. Cô đã đánh bại tất cả các vận động viên nam và nữ ở nhiều cuộc thi nhỏ hơn, nhưng ở các giải thi đấu đỉnh cao, luôn luôn có một người đàn ông nào đó về đích trước cô vài phút.

Không thể để như vậy mãi được. Vào năm 1994, cô biết, thời cơ của mình đã tới.

—- Hết chương 11 —-

 

About the Author Thảo Miao

>
0 Shares