Học hỏi được gì từ phim tài liệu Breaking2?

https://www.youtube.com/watch?v=V2ZLG-Fij_4&t=1760s

Học hỏi được gì từ phim tài liệu Breaking2?

Đinh Linh

Phim tài liệu về dự án Breaking2 của Nike, do National Geographic thực hiện.

Phim của National Geographic, như mọi khi, cực kì chất. Kịch tính, cảm xúc, chân thực, hơi nhuốm màu “sử thi”. Bộ phim nắm đúng mạch mà Nike “khơi” ra, đây không phải là cuộc thi giữa các vận động viên hàng đầu, xem ai chạy nhanh hơn; mà là cuộc chơi của con người với công nghệ, cuộc đọ sức giữa cơ thể con người với các giới hạn tự nhiên. Dù vẫn có giá trị PR, phim khéo léo tránh tối đa thông điệp tiếp thị cho các công nghệ tân tiến nhất của Nike.

Nhờ National Geographic, chúng ta được cùng trải nghiệm hành trình 2 năm của Nike và các vận động viên chinh phục mốc 2h.  Cả ba người đều tập ở quê nhà, chạy bộ trên những con đường đất nắng cháy bụi mù (chắc hẳn điều kiện luyện tập thua xa Galen Rupp ở thánh địa Nike, Oregon). Nói như nhà vô địch Kipchoge, người chỉ lỡ 26 giây – tương ứng mỗi dặm chậm mất 1 giây – để làm nên lịch sử, “Chạy marathon không phải ở đôi chân, nó là cuộc chơi của khối óc và con tim”. 55 phút phim là câu chuyện đầy cảm hứng dành cho người yêu chạy bộ. Chẳng ai trong chúng ta có thể tiếp cận mốc FM 2h hay 2h30, nhưng nhìn các elite sải bước như linh dương trên đường chạy, nghe hơi thở dồn dập của họ, nhìn khuôn mặt và ánh mắt họ – mới thấy chúng ta và họ thật có nhiều điểm chung. Dù chạy nhanh hay chậm, chắc chắn phần lớn suy nghĩ khi chạy bộ của chúng ta và họ giống nhau, đó là vượt qua giới hạn bản thân. Xem phim xong, chỉ muốn xỏ giày ra đường ngay.

Liệu còn có thể học hỏi được gì nữa từ bộ phim này, ngoài việc biết rằng những công nghệ xịn nhất chẳng qua cũng chỉ xoay quanh chế độ ăn, VO2 max, nồng độ lactate?

Dáng chạy 

Sự khác biệt về dáng chạy thể hiện rõ nhất ở Lelisa Desisa với Eliud Kipchoge. Desisa khi chạy lắc vai nhiều hơn, còn Kipchoge thì phần thân trên cơ thể như một khối tĩnh. Đó phải chăng là lý do khiến Desisa chạy kém hiệu quả? Nhân đây nói thêm, hai chức vô địch major của Desisa đều ở giải Boston (2013 và 2015), sân chơi đòi hỏi tính chiến thuật cao nhất. Boston nhiều đồi núi, nhiều gió, không có người dẫn tốc; khác hẳn Berlin hay London, nơi vận động viên chỉ cần hùng hục chạy theo pacer, ai khoẻ và nhanh hơn sẽ thắng. Ở Boston, người nhanh nhất không chắc sẽ là người thắng cuộc. Không chê Desisa kém, nhưng khi đặt anh vào một đường đua chỉ có thể lực, không cần chiến thuật, hạn chế của anh bộc lộ rất rõ. Desisa hụt hơi từ dặm thứ 10, chỉ về đích sau 2h 14 phút.

Tất cả các elite khi chạy đều hơi đổ người về phía trước, tất yếu như một quy luật động lực học. Điều này giúp họ tránh tối đa việc bước quá dài, thân người luôn đi trước bàn chân (dù sải chân của họ rất đáng kể). Dường như chính chuyển động tịnh tiến của thân người mới làm họ đi về phía trước, bước chân đặt xuống chỉ là hệ quả tiếp theo mà thôi. Thêm nữa, phần cột sống và đầu luôn giữ thẳng, tuyệt đối không thấy ai gục đầu hay nhìn xuống đất.

Bài tập chạy phù hợp

Sau khi chạy test half marathon trước ngày chạy FM 2 tháng, Nike đã nhận ra yếu điểm của từng vận động viên và đưa ra bài tập cụ thể.

Zersenay Tadese chạy nhanh (kỉ lục thế giới cự ly HM) nhưng thiếu sức bền, anh cần tập chạy dài nhiều hơn.

Desisa chạy bền tốt, nhưng tốc độ còn chậm (anh là người duy nhất không đạt chỉ tiêu HM sub 1h), anh cần thêm nhiều bài tập tốc độ, interval.

Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc chung này để cải thiện thành tích bản thân. Ví dụ, tôi chạy 10K và HM khá tốt, tương ứng VDOT khoảng 52-53, nhưng thành tích FM lại chậm, tương ứng VDOT 45. Như vậy tôi cần tập chạy dài và tập sức bền nhiều hơn. Tạm thời tôi có thể giảm bớt hoặc bỏ hẳn những bài tập tốc độ. Điều này rất có ý nghĩa vì chính những bài tốc độ sẽ có nguy cơ chấn thương cao nhất.

Negative split rất quan trọng 

Hãy nhìn Desisa. PR của anh cho FM là 2h04, nhưng sau 10 dặm đầu tiên bị cuốn theo tốc độ của sub 2, anh hụt hẳn và cuối cùng chạy chậm hơn PR 10 phút. Khi tham gia Breaking2, chắc chắn anh phải chạy theo tốc độ quy định. Nhưng vào race, hẳn nhiên Desisa sẽ không bao giờ khởi đầu quá nhanh để rồi tụt lại như thế.

Triết lý sống của Kipchoge 

Phim có vài cảnh quay về trại tập luyện của Kipchoge, vận động viên chạy marathon vĩ đại nhất lịch sử. Anh sống đơn sơ trong căn phòng tuềnh toàng, đồ đạc tối giản, chỉ chuyên tâm tập luyện với một sự đều đặn đến kiên định: tập chạy từ 6h sáng mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Lúc rảnh thì ngồi tán gẫu với bạn hoặc đi cọ rửa nhà vệ sinh. Vợ và ba con của anh thì ở thành phố.

“Mục đích của cuộc sống là để hạnh phúc. Tôi tin vào một cuộc sống đơn giản, trầm tĩnh, không phô trương. Bạn sống bình dị,  bạn luyện tập chăm chỉ, bạn trung thực, lương thiện. Và bạn tự do!”

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] 4% được bán đồng thời. Còn nhớ hồi tháng Bảy 2017, hai tháng sau sự kiện Breaking2, lần đầu tiên đôi giày 4% được tung ra thị trường (với màu xanh nước biển […]

  • […] Xem thêm: Học được gì từ phim tài liệu Breaking2? […]

  • […] thí nghiệm với Eliud Kipchoge và các ứng viên tham gia dự án chạy marathon dưới 2 giờ khác để đánh giá khả năng của họ […]

  • >
    58 Shares