Cha đẻ của jogging, Arthur Lydiard, và bài chạy dài tốc độ chậm LSD

Arthur Lydiard

Người ta thường nhắc đến Arthur Lydiard như “cha đẻ của jogging”, nhưng ông xứng đáng với danh hiệu Huấn luyện viên chạy đường dài vĩ đại nhất thế giới. Ông đã thu thập các vận động viên điền kinh ngay ở quanh nơi ông sống tại New Zealand rồi biến họ thành các nhà vô địch Olympic hoặc các kỉ lục gia thế giới. Ông cũng được ghi nhận công lao trong việc giữ mạng sống cho rất nhiều người có bệnh về tim mạch. Bằng cách chứng minh rằng jogging có lợi cho sức khoẻ, ông đã giúp những người bệnh đó cải thiện được cuộc sống của mình.

Bài viết này sẽ miêu tả mối liên hệ giữa Lydiard, jogging và LSD (Long Slow Distance – Bài chạy dài tốc độ chậm). Phần sau của bài viết sẽ nói về các loại bài tập LSD mà các học trò của ông đã tập để giành huy chương vàng Olympic, phá các kỉ lục thế giới, và tại sao hệ thống tập luyện của ông lại đạt được thành công như vậy.

KHỞI ĐẦU

Arthur Lydiard sinh ra ở Auckland, New Zealand vào năm 1917, và cũng như hầu hết người dân nơi đây, ông lớn lên cùng môn bóng bầu dục. Sau một lần chạy 5 dặm (~8km) cùng với một người bạn khi đã ở cuối độ tuổi hai mươi, Arthur nhận ra rằng sức khoẻ mình rất tệ, đang ngày càng béo lười biếng hơn. “Nếu mới chỉ 27 tuổi mà đã thế này, thì không hiểu sức khoẻ mình còn tồi tệ đến thế nào khi lên tới 47 tuổi?” ông tự hỏi. Đó là lúc ông quyết định mình phải rèn luyện sức khoẻ cho đến hết đời.

Sau khi liên tục thử nghiệm trên bản thân mình, ông quyết định sẽ huấn luyện chocác vận động viên trong vùng với những phương pháp của mình. Khởi đầu từ giữa những năm 1940, sau 10 năm liên tục thử và sai, ông đã xây dựng được một hệ thống tập luyện khiến ông hài lòng. Trong quãng thời gian thử nghiệm đó, các tuần luyện tập của ông có khối lượng trải từ 80 cho đến 400km mỗi tuần, gồm cả chạy nhanh và chạy chậm để tìm ra sự kết hợp tốt nhất của các loại tốc độ chạy. Trong suốt thời gian này, ông không chỉ kết hợp làm công việc làm giày, mà còn đi giao sữa, mà vẫn ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Một khẩu hiệu phổ biến của thể thao nói chung, và chạy bộ nói riêng là “no pain, no gain”(hiểu theo nghĩa đen cho thể thao là “không chịu đau thì đừng mong tiến bộ”). Thế nhưng, quan điểm của Arthur lại là “train, don’t strain” (dịch nôm na “luyện tập hăng, nhưng đừng quá căng”). Đây là ý tưởng nền tảng cho hệ thống tập luyện mà tất cả các học trò của ông, bao gồm cả các vận động viên cự li 800m, đã áp dụng. Ông nói rằng trái tim cũng như bất kì cơ bắp nào khác, và nếu được luyện tập, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Thời gian này, các bác sĩ vẫn khuyên các bệnh nhân tim mạch phải nằm nghỉ. Còn Arthur lại tự hào đã giúp các bệnh nhân ở độ tuổi trung niên từng bị đau tim vượt qua được chặng đường marathon và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

SỰ BÙNG NỔ CỦA BỘ MÔN JOGGING

Trở lại New Zealand, mùa hè 1961 – 1962, một năm sau thế vận hội Olympic Rome, nơi mà chỉ trong khoảng thời gian 30 phút, các vận động viên học trò của Lydiard đã giành được hai huy chương vàng, trong đó có một chiếc huy chương của Peter Snell, một vận động viên hoàn toàn không tên tuổi vào thời điểm đó. Một học trò khác của Lydiard là Barry Magee đã giành được huy chương đồng ở cự li marathon, (cùng vào ngày mà Bikilla người Ethiopia giành huy chương vàng marathon bằng chân đất).

Bill Bowerman, đồng sáng lập hãng Nike và là huấn luyện viên điền kinh kì cựu tại đại học Oregon, được mời đến New Zealand vào năm 1961. Các học trò của ông đã thi đấu với các học trò của Lydiard. Đội chạy tiếp sức “Men of Oregon” của Bowerman vừa phá kỉ lục thế giới cự ly tiếp sức 4 x 1 dặm mà đội tuyển New Zealand vừa lập ra trước đó ở Ireland. Arthur đã tổ chức chuyến đi cho Bowerman và chuyến đi đã thành công tốt đẹp. Họ hẹn gặp ở các điểm tụ tập vui chơi mùa hè quanh New Zealand khi mọi người đang nghỉ lễ Giáng sinh. Cùng trong năm đó, câu lạc bộ jogging đầu tiên của New Zealand đã ra đời ở Auckland, và vì vậy, Arthur mời Bill tham dự hoạt động của câu lạc bộ này trong một buổi cuối tuần với tư cách khách mời đặc biệt. Arthur đã thuyết phục Bill chạy cùng với “nhóm chạy chậm” của câu lạc bộ trong khoảng vài dặm. Mặc dù không còn là vận động viên, Bill Bowerman vẫn bị sốc khi thấy ngay cả những người chạy chậm nhất của câu lạc bộ này cũng biến mất hút trên đỉnh đổi ngay trước mắt ông. Nhưng trong đó, một người đàn ông tên là Andy Steadman đã nhiều lần chạy chậm lại để động viên Bill tiếp tục chạy.

Bowerman không thể tin nổi rằng, Andy, một ông già 74 tuổi, tức là hơn ông những 20 tuổi, từng ba lần bị đau tim, lại khoẻ mạnh hơn hẳn so với mình. Bill quyết định cải thiện sức khoẻ bằng cách đi chạy bộ và giảm được 15cm vòng bụng trong thời gian ngắn ngủi ở New Zealand. Bowerman quay trở lại Hoa Kỳ để truyền bá tin này và đã châm ngòi cho cơn bùng nổ jogging tại Mỹ. Ông đã tổ chức cho 3000 người đến sân vận động ở Oregon để chờ gặp mặt Arthur khi ông tới đây vào năm 1963. Bowerman cũng xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Jogging” vào năm 1967, cuốn sách đã truyền cảm hứng cho người Mỹ đi chạy bộ vì sức khoẻ, trong đó có một bức ảnh của ông già Andy Steadman đang chạy bộ bên hồ ở Auckland. Bowerman từng là một vận động viên tuyệt vời cho cự li chạy nước rút và các môn thi trong đường piste, nhưng ông lại không có chuyên môn như của Arthur trong các cự li đường dài. Hầu hết mọi người nghĩ rằng cuộc bùng nổ jogging bắt đầu ở Mỹ, nhưng trên thực tế, môn này được sinh ra ở Auckland, New Zealand, khi mà một nhóm bệnh nhân tim mạch đã quyết định để Arthur thay đổi cuộc đời mình sang hướng tốt đẹp hơn.

Arthur thường rất hào hứng khi nói về jogging như một biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch. Ông thường nhìn các thương gia thừa cân và nói “Anh mong đợi vợ mình phải thanh mảnh, xinh đẹp. Theo anh thì cô ấy sẽ cảm thấy thế nào khi lên giường và nhìn anh cởi quần áo?”

Ghi chú: Cả Arthur và Bill đều quan tâm đến việc thiết kế giày chạy bộ và họ chia sẻ nhiều ý tưởng về vấn đề này trong chuyến đi New Zealand của Bill Bowerman. Bill đã trở về Mỹ và cùng với một học trò của mình và cái lò nướng bánh xốp của vợ anh ta, họ đã gây dựng nên một thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới.

 

(Còn tiếp. Phần tiếp theo: LSD và phương pháp huấn luyện của Arthur Lydiard)

About the Author Nguyen Kien Quoc

  • […] Arthur Lydiard, và bài chạy dài tốc độ chậm – Phần 1 […]

  • >
    106 Shares