Chạy chỉ vì chạy

Running for Running’s Sake

Đào Trung Thành

Nếu bạn chạy bộ thường xuyên và lâu dài hoặc lựa chọn việc chạy như một phong cách sống (lifestyle) thì hẳn sẽ tìm hiểu ý nghĩa hay giá trị của việc chạy. Đối với nhiều người trong đó có tôi, việc chạy bắt đầu với các lý do như giảm cân, tăng cường thể lực, tham gia một giải chạy, thích thú khi tham gia hoạt động cùng bạn bè, cùng người yêu, chán nản không biết làm gì, thử nghiệm một môn thể thao khác,… hàng ngàn lý do nhưng tựu trung, xem chạy bộ như một tiện ích (utility) và chạy bộ mang giá trị “phương tiện” (“instrumental” value).

Người ta có thê dễ dàng liệt kê, quy kết và yêu mến gán cho sở thích thể thao của mình, ở đây là chạy bộ, những lợi ích vô cùng to lớn như: khỏe mạnh hơn, dáng chuẩn, nâng cao khả năng nhớ, tăng sự tự tin, cải thiện sinh lý, giảm stress, ngủ tốt hơn, năng lượng nhiều hơn, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, vui vẻ hơn, sống thọ hơn…Thế nhưng, mặc cho những lợi lạc quá sức ấy, các “lãn nhân” vẫn thích cái giường, cái ghế dài của mình hơn. Nghĩa là bản thân giá trị phương tiện của việc chạy là giá trị bên ngoài và người ta có thể tìm nhiều lý do để phản đối việc đó. Có nhiều bài báo nói về tác hại của việc chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung. Gần đây, trên mạng lưu hành bài báo dịch từ Daily Mail, trong đó khẳng định “Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu tim mạch Pennsylvania (Mỹ), sau khi quan sát 3.800 người chạy, nhận thấy những người chạy quá nhiều có tuổi ngắn hơn so với những người thường xuyên chạy không quá mức.” Các nhà nghiên cứu khuyến cáo thời gian thích hợp để chạy bộ là 2-3 giờ mỗi tuần. Những người chạy bộ nhiều hơn thế và những người không chạy bộ được biết là đều có tuổi thọ ngắn hơn. Tuy nhiên, tín đồ môn chạy không vì bài báo này mà ngưng niềm đam mê của mình; cũng như những người không tập thể thao không vì những lợi ích to lớn của thể thao dẫn dụ mà động chân tay.

Từ đây trở đi, tôi không có ý định thuyết phục mọi người nên chạy hay cho rằng chạy có lợi ích lớn với tất cả mọi người. Những người không thích chạy có thể ngưng đọc, đời thì ngắn có nhiều thứ khác vui hơn, nhất là vui hơn việc chạy này nhiều. Nhưng với những người thich chạy, đam mê việc chạy thì chắc có một ám ảnh về giá trị của việc chạy. Liệu có một giá trị nội tại (intrinsic value) của việc chạy hay không? Theo Mark Rowlands, tác giả của Running with the Pack (Pegasus, 2013) thì “nếu bạn chạy đủ lâu dài và đủ kiên trì, bạn sẽ thấy giá trị nội tại của nó cũng như một điều gì đó tự cảm thấy vui sướng vị tự thân điều đó”. Hay nói một cách khác là “chạy bộ vị chạy bộ” (Running for running’s sake) bên cạnh “chạy bộ vị nhân sinh” như chúng ta đã biết.

Anh chàng chạy bộ lâu dài sẽ có hành xử giống như chàng Narcissus, tự yêu bản thân mình qua việc chạy. Ngày nào không chạy chàng có vẻ bứt rứt không yên, thông qua chạy chàng tìm thấy chính mình. Chạy càng lâu, càng dài, cấp độ trải nghiệm càng sâu sắc. Ta có thể ví một cuộc chạy 5 km như một truyện ngắn, 10 km như một chuyện vừa, 21 km như một truyện dài, 42 km như một tiểu thuyết và trên 50km như một bản trường ca. Qua kinh nghiệm của mình, qua các cuộc chạy marathon, Rowlands đã mô tả các cấp độ trải nghiệm của việc chạy. Đầu tiên là “giai đoạn Descartes” (Cartesian phase) trong đó thân và tâm tách rời nhau. Thân và tâm mặc cả với nhau về việc chạy, chúng lừa dối nhau trong khi hợp tác với nhau. Đó là tình trạng mà ai trong chúng ta, với tư cách là dân chạy việt dã, đều gặp. Có lúc thân thể bình thường, đang chạy thì tâm yêu cầu ngừng lại. Có lúc thân không thể chạy vì đau quá nhưng tâm kiên trì thuyết phục lê lết về đích. Tiếp đến là “giai đoạn Hume” (“Humean phase”), gọi tên theo triết gia David Hume trong đó, ông coi thân thể là một tập hợp của những suy nghĩ và cảm xúc mà không có một lực bên ngoài nào dẫn đạo. Lúc này người chạy không nghĩ gì hết, đơn giản anh ta chạy để trải nghiệm những vọng niệm từ bên trong thôi thúc. Giai đoạn trải nghiệm sâu sắc nhất, “giai đoạn Sartres” (“Sartrean phase”), gọi tên theo triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre, trong đó người chạy hoàn toàn chìm đắm trong việc chạy, lúc này không còn người chạy chỉ còn hành vi chạy. Bản ngã hầu như không tồn tại, người chạy trải nghiệm một thứ tự do không gì ngăn cản nổi, một thứ tự do nội tại “ngoài thẩm quyền của lý tính” (beyond the authority of reasons).

Còn vài trăm mét cuối của đích, trong cái hổn hển của hơi thở, cái guồng nhanh của đôi chân đang dồn ứ lactic; chính trong thời điểm ấy không có việc gì đáng làm hơn chạy. Chúng ta chạy với một lý do duy nhất: chạy vượt qua nó (run over it) như slogan của SRC (Sunday Running Club). Anh và tôi chạy với nhiều lý do khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng, cứu cánh của việc chạy thì luôn luôn giống nhau. Mục tiêu đẹp nhất, thuần túy nhất của việc chạy đơn giản chỉ là chạy (“At its best, and at its purest, the purpose of running is simply to run”). Bạn có đồng ý với tôi không? Đều đó không quan trọng. Quan trọng là bạn hãy xỏ giày vào và chạy. Bạn sẽ tận hưởng hạnh phúc bất khả tư nghì.

 

About the Author Thành Đào Trung

  • […] Người ta đến với chạy bộ ban đầu là do giá trị phương tiện mà nó đem lại nhưng những kẻ chạy được một thời gian dài, chắc phải ba năm trở lên, sẽ cần phải tìm cho nó một giá trị nội tại ((intrinsic value) nghĩa là bản thân việc chạy có ý nghĩa tự thân, “chạy chỉ vì chạy” (“running for running’s sake”). […]

  • […] Chào mừng bạn đến với chay365.com, trang thông tin lập ra bởi những người yêu chạy bộ, dành cho những người yêu chạy bộ. […]

  • >
    0 Shares