Đánh Giá Giày Adidas Ultra Boost

Thông số

  • Trọng lượng: 11,4 oz, tương ứng 320 gr (giày cỡ số 9)
  • Chiều cao: mũi: 17 mm, gót 27 mm
  • Độ dốc gót-mũi: 10 mm
  • Mặt đường chạy: đường nhựa, bê tông

Cảm nhận

Adidas Ultra Boost là sản phẩm mới nhất của hãng Adidas, hướng đến đối tượng người dùng cao cấp, muốn chọn một sản phẩm bền cùng các đặc tính công nghệ mới nhất. Ultra Boost được xếp vào dòng Neutral, dành cho người có bàn chân gồ, ngả ngoài.

Cảm nhận đầu tiên là giày khá nặng. Có thể do mình đang quen sử dụng đôi Newton, thuộc dòng light weight. Adidas Ultra Boost gợi cho mình nhớ về người bạn năm xưa từ những ngày đầu chạy bộ – đôi ASICS Nimbus.

Công nghệ Boost là điểm mạnh của giày chạy Adidas

Công nghệ Boost là điểm mạnh của giày chạy Adidas

Nimbus vẫn tự hào mang danh hiệu “King of cushioning”. Tuy nhiên lần đầu xỏ chân vào đôi Ultra Boost, mình thấy nó còn êm hơn Nimbus. Theo Adidas, phần đế giữa (midsole) chứa khoảng 3000 hạt năng lượng boost, nhiều hơn 20% so với những người “anh em” cùng dòng Boost. Nhờ đó giày có độ đàn hồi và có độ nảy tốt hơn. Các hạt boost được rải dọc toàn bộ đế giày.

Phần thân trên (upper) sử dụng vật liệu PrimeKnit. Đặc biệt, lưỡi gà của giày không tách riêng như những đôi giày khác mà liên tục với cổ giày. Phần viền quanh cổ chân cũng được phủ lớp PrimeKnit, lót dưới là một lớp bọt biển dày. Thiết kế “unibody” này làm giày rất ôm chân. Bạn xỏ chân vào giày và cảm giác như đang xỏ vào một … đôi tất. Có lần mình chạy bị vấp và hơi nghiêng chân, nhưng vẫn giữ được thăng bằng và khớp cổ chân không bị lật.

Mũi giày Adidas thường không nở rộng, nhưng công nghệ PrimeKnit giúp Ultra Boost tăng độ giãn nở. Vì vậy các ngón chân của mình không bị gò bó. Logo ba sọc của Adidas nằm độc lập, khi thắt dây giày thì những “sọc” nhựa này sẽ xiết lại và ôm sát bàn chân người chạy bộ.IMG_8509

Những điểm nhấn công nghệ khác bao gồm hệ thống Torsion ở midsole, là khung nhựa dẻo nối phấn đế giày và mũi giày, giúp hai phần này di chuyển độc lập, phù hợp với địa hình chạy không bằng phẳng cũng như giúp người chạy cân bằng tốt hơn; và lớp đế ngoài (outsole) dùng vật liệu Stretch Web tăng độ bền đồng thời hỗ trợ truyền lực.

Các đôi tất chuyên dụng dành cho chạy bộ thường có phần sau cổ chân dày lên để tránh trầy xước vùng gân Asin. Với Ultra Boost có lẽ điều này không cần thiết vì Adidas đã chủ động thiết kế miếng đệm hình cánh bướm để bảo vệ gân gót cho người chạy bộ.

Rõ ràng, với Ultra Boost, rất khó để bị chấn thương.IMG_6895

Mình đã dùng đôi Ultra Boost được 100 km, thử nghiệm chạy tốc độ chậm (ngưỡng aerobic), tốc độ trung bình (tốc độ marathon, khoảng 5.10 phút/km), và tốc độ cao (pace 4.30 – 4.45). Cự ly dài nhất là 20 km.

Với đường dài, tốc độ chậm đến trung bình, giày tạo cảm giác êm ái dễ chịu. Giày nặng tương đương Nimbus, nhưng có độ nảy tốt hơn.

Khi chạy quen mình có thể duy trì tốc độ 4.55 suốt 20 km mà không gặp vấn đề gì.

Với các cự ly ngắn, chạy tốc độ cao, mình bắt gặp lại cảm giác “trơn trượt” quen thuộc của dòng Boost. Các hạt boost lăn lạo xạo dưới chân, như khi chúng ta trượt trên những hòn bi nhỏ xíu. Tuy nhiên, giày nặng nên không thích hợp để chạy biến tốc, cũng như chạy đua các cự ly trung bình.

Chạy 20 km, pace 4.55

Chạy 20 km, pace 4.55

Nhìn sơ qua, đôi Ultra Boost khá cồng kềnh. Nhưng đôi khi, kích thước giày không phải thứ quan trọng nhất trong chạy bộ đường dài. Hoka One One Cliffton được độc giả Runners’ World chọn là đôi giày yêu thích nhất, trong khi Asics Nimbus cũng thuộc nhóm được chấm điểm cao nhất trên trang mua sắm trực tuyến Amazon.

Dây giày là yếu điểm của đôi Rocket Boost mà mình đang sử dụng. Yếu điểm này đã được Ultra Boost khắc phục. Dù vẫn là loại dây dẹt nhưng nếu buộc kỹ từng nút thì rất chặt.

Mình trao đổi với bạn Long marathon, người sử dụng đôi Ultra Boost trong tập luyện và đôi ASICS HyperSpeed (có trọng lượng chỉ bằng 40%) để chạy đua. Long cũng nhất trí với những nhận xét của mình và bổ sung là sau một thời gian tập bằng Ultra Boost, chuyển sang giày đua có cảm giác như chân bay trên mặt đất. Điều này là tốt hay xấu thì tuỳ đánh giá của từng người.

Ultra Boost sẽ thích hợp trong việc tập luyện thường ngày, vì độ nảy, độ giảm sóc, cũng như độ bền của nó. Giày thích hợp với các bạn muốn chạy êm chân và cần một đôi giày chạy an toàn (tránh chấn thương).

Sắp tới mình dự định chạy 60 km và tin tưởng đôi giày này sẽ giúp chân mình tránh được các vấn đề liên quan đến chạy ultra như blister, trầy xước, hay móng chân đen.

Kết luận

Ưu điểm

  • Êm ái, giảm sóc tốt
  • Thiết kế phần thân trên liền khối bằng vật liệu PrimeKnit nên ôm chân và thông thoáng
  • Bảo vệ chân tốt

Nhược điểm

  • Giày nặng
  • Giá thành cao

Cám ơn Adidas Việt Nam đã gửi tặng website chay365.com đôi giày Ultra Boost để trải nghiệm và đánh giá. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính khách quan của bài viết. 

About the Author Mr Marathoner

  • […] Đánh giá giày adidas UltraBoost […]

  • […] Xem thêm: Đánh giá giày adidas Ultra Boost […]

  • […] nhiều giày khác nhau, đặc biệt là đôi Ultraboost 21. Tôi thích đôi giày đó vì nó nhẹ, […]

  • >
    17 Shares