Đánh Giá Giày Chạy Đua Nike Zoom Streak

Trước khi siêu phẩm VaporFly 4% ra đời, Nike Zoom Streak là dòng giày chạy đua cao cấp nhất của Nike. Hãy nhìn các elite chạy marathon ở thế vận hội Rio 2016, hơn một nửa đi đôi giày này.

Bài đánh giá dựa trên cảm nhận về đôi Nike Zoom Streak 6 OC. Hiện tại Nike đã ngừng sản xuất đôi Zoom Streak 6 OC, tuy nhiên các đôi Nike Zoom Streak 6 khác vẫn có nhiều trên thị trường.


Thông tin chung

  • Trọng lượng: 6.4 oz, tương đương 180 gram cho một chiếc giày
  • Chiều cao: gót: 26 mm, mũi: 18 mm
  • Độ dốc gót mũi: 8 mm
  • Loại giày: giày chạy đua (racing)
  • Cự ly: từ 21km đến 42km
  • Mặt đường: đường nhựa (road)

Đánh giá chung

Zoom Streak OC có một túi giày đi kèm, đề chữ “Racing”. Phần lót đế giày cũng được ghi chữ “Racing road”, khẳng định rõ mục đích sử dụng của đôi giày này. RunningWareHouse xếp Zoom Streak vào nhóm “Racing flat”, phù hợp nhất với đường nhựa, phẳng, đòi hỏi tốc độ cao.

Khi nói rằng Zoom Streak là dòng giày cao cấp nhất, không có ý đây là đôi giày bền nhất. Giày racing không bao giờ bền. Trái lại do mỏng và nhẹ, nó xuống cấp khá nhanh. “Cao cấp nhất” nghĩa là nó giúp người chạy đạt được tốc độ cao nhất, đồng thời bảo vệ chân, tránh chấn thương một cách hiệu quả.

Nike Zoom Streak được xếp vào dòng giày Neutral, dành cho người có bàn chân gồ, ngả ngoài. Đây là dòng giày Unisex dành cho cả nam và nữ.


Màu sắc

Cảm nhận ban đầu là đôi Zoom Streak 6 OC phối màu rất đẹp và bắt mắt. Màu vàng tươi ở thân giày phối với hồng ở phần gót sẽ khiến bạn cực kì nổi bật trên đường chạy. Các đôi Zoom Streak 6 khác có màu sắc đơn điệu hơn. Về khoản thẩm mĩ, không biết bao giờ Nike (và cả một đại gia khác là adidas) có thể theo kịp Hoka hay ASICS.

Công nghệ

Giày mỏng và nhẹ. Phần thân trên sử dụng các mắt lưới theo công nghệ Flymesh, nhằm giảm tối đa trọng lượng giày. Tim Noakes, trong cuốn “Lore of Running” đã tính toán cứ giảm được 100 gram trọng lượng thì có thể cải thiện hiệu năng chạy bộ (running economy) được 1%. Đừng đánh giá thấp 1% này. Giả sử thành tích chạy marathon của bạn là 3h 30 phút (210 phút), giảm 1% nghĩa là bạn chạy nhanh hơn 2 phút – hết sức đáng kể khi bạn đã tiệm cận giới hạn bản thân. Hãy chạy những cự ly quá 30 km, khi hai chân bắt đầu nặng như đeo đá, bạn sẽ biết trân trọng từng gram trọng lượng bạn phải mang theo người.

Chạy bộ 42km với đôi Nike Zoom Streak OC

Cảm giác khi xỏ giày

Zoom Streak OC rất ôm chân, phải gọi là quá ôm chân. Trong 2 buổi chạy đầu tiên, phần sau của giày khá cứng khiến gót chân của tôi bị trày xước do giày cọ vào. Điều này chỉ mất đi sau khi đã dùng giày được khoảng 50 km, khi giày mềm dần ra.

Tuy nhiên, phần toe box hẹp khiến các ngón chân của tôi bị ép lại khá khó chịu khi chạy cự ly dài. Khi tập chạy 42 km, tôi đã bị trày xước khá nặng phần mặt ngoài ngón út bàn chân phải. Do vậy, nếu phải chạy dài, bạn nên đợi giày mềm hẳn, và lưu ý đi tất chuyên dụng có 5 ngón.

Một số người trên internet cũng nói rằng giày chật hơn các loại khác khoảng nữa cỡ. Nghĩa là nếu bình thường bạn đi giày cỡ 9 US thì với đôi Nike Zoom Streak, nên chọn cỡ 9.5. Với bản thân tôi, sau khoảng 100 km thì giày ôm vừa khít chân rất dễ chịu.

Khi chạy những cự ly dài từ 15 km trở lên, cảm giác cực kỳ dễ chịu, gần như tôi không nghĩ rằng mình đang đi giày. Chỉ có tiếng giày đạp xuống mặt đường theo từng bước chân.

Các đặc điểm của giày

  • Phần đế giữa (midsole), Zoom Streak sử dụng công nghệ Zoom Air nổi tiếng của Nike, là một “túi không khí” để giảm chấn, do đó giày có tác dụng giảm sóc rất tốt. Khi chạy tốc độ cao (nhanh hơn pace 4:30 phút/km), tôi có cảm giác được đẩy về phía trước sau mỗi bước đạp chân. Đây là ưu điểm về độ nảy (bounce back) của giày.
  • Phần đế ngoài (outsole) dùng vật liệu Brown Rubber, giúp giày nhẹ và linh hoạt.
  • Phần lưỡi giày mỏng và rất dễ chịu.
  • Phần thân trên có nhiều lỗ rất thoáng khí. Tôi chưa sử dụng giày trong điều kiện trời mưa, có lẽ trong hoàn cảnh ấy bạn sẽ phải chấp nhận chân và tất sẽ ướt nhẹp.
  • Xỏ chân và Zoom Streak và thắt dây giày là cả một công đoạn mất thời gian. Bạn cần phải nới lỏng từng lỗ buộc giày, xỏ  chân vào, sau đó thít lại từ lỗ một. Nếu bạn không thít chặt dây giày, giày sẽ không ôm chân nữa.

Độ bền

Như đã nói, độ bền của giày là một hạn chế. Không ai mua Zoom Streak để tập chạy hàng ngày. Hãy chạy nhẹ nhàng khoảng 50-100km, sau đó chỉ dùng đôi giày này để chạy đua thôi. Sau khi chạy khoảng 250 km, tôi chú ý thấy phần Flymesh ở thân giày đã có dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, khả năng giảm chấn và độ nảy của giày vẫn rất tốt. Tham khảo trên internet, tôi thấy nhiều người đánh giá Zoom Streak OC có tuổi thọ mileage khá cao. Dĩ nhiên, tôi còn nhiều giày khác nên vẫn ít khi sử dụng đôi này để tập chạy.

Giá thành

Hiện tại, với giá trên website www.runningwarehouse.com là 110 USD cho một đôi Zoom Streak 6 phiên bản mới, và 80 USD cho phiên bản cũ, đây là sự lựa chọn đáng cân nhắc cho các bạn định sắm một đôi giày chạy đua chất lượng và có độ bền cao. Lưu ý rằng phiên bản cũ (giá thấp hơn) chỉ là màu sắc cũ và giới hạn ở một số size nhất định, còn các đặc điểm khác không có gì thay đổi.

Tổng kết

Ưu điểm:

  • Giày nhẹ, thoáng khí
  • Độ giảm sóc và độ này tốt nếu so với trọng lượng giày
  • Độ bền cao trong dòng giày chạy đua
  • Giá thành hợp lý

Nhược điểm:

  • Giày hơi chật
  • Khoảng 100 km đầu tiên, giày còn cứng nên dễ gây trầy xước chân
  • Thít dây giày chặt rất tốn thời gian

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Đánh giá giày Nike Zoom Streak […]

  • […] đua tân tiến nhất thời điểm đó của Nike (Zoom Streak 6) và adidas (adizero Adios Boost 2). Chính con số 4% này là […]

  • >
    127 Shares