Hành trình Richmond marathon (phần 1)

Phần 1. Trước ngày chạy giải

Từ giữa tháng 7, khi có kế hoạch công tác cuối năm ở tiểu bang North Carolina, tôi và vợ đã tìm hiểu để tham gia một giải marathon. Cuối cùng, chúng tôi chốt giải Richmond Marathon. Nó được bình chọn là giải chạy thân thiện nhất nước Mỹ, cũng lọt tốp những cuộc đấu có tỉ lệ BQ (Boston Qualifier) cao nhất. Với tôi, BQ là niềm mơ ước từ lâu, là mục tiêu phấn đấu từ hơn ba năm nay.

Hiển nhiên, không chỉ mình tôi có ước mơ ấy. Ngành công nghiệp chạy bộ Hoa Kỳ đã nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của runner và thống kê tỉ lệ BQ của các giải đấu, đưa lên Runner’s World hay Running Competitor. Các ban tổ chức giải chạy thì tìm nhiều cách để cuộc chơi của mình thuận lợi hơn cho những người tham gia. Win-Win, hai bên cùng có lợi!

Bang Virginia nằm ngay sát North Carolina. Từ Carrboro lên Richmond có thể tự lái xe hoặc đi Megabus. Chúng tôi quyết định đi Megabus để có thêm thời gian nghỉ ngơi trên xe. Ngoài ra, tôi chưa thông thạo giao thông ở đây lắm, chạy xe liên tục 3-4h cũng oải.

Sáng thứ Sáu, chúng tôi lái xe lên Durham, rồi bắt Megabus từ đó. Hôm ấy là ngày lễ Cựu chiến binh (Veteran Day) nên chỗ đậu xe ở Durham downtown khá sẵn. Tầm 12 giờ trưa chúng tôi tới Richmond, cố đô của các bang miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ. Một ngày thu ngập nắng, trời xanh trong vắt. Thành phố công nghiệp Richmond ồn ào và ít cây, khác hẳn những ngọn đồi yên tĩnh ở Carrboro, nơi tôi vẫn tập chạy hàng ngày.

Vì còn 3 tiếng nữa mới tới giờ nhận phòng khách sạn, chúng tôi tranh thủ đi lấy bib luôn. Expo là một khu phức hợp thể thao trong nhà. Richmond mùa này khá lạnh, dù giữa trưa, nắng chói chang, nhưng nhiệt độ cũng chỉ tầm 7-8ºC, gió từ sông James thổi vào rét cóng.

Cảm giác ở expo khi nào cũng vậy, rất sôi nổi và háo hức. Tôi nghĩ rằng chạy bộ – như một tôn giáo – có những tín đồ riêng của nó, chỉ nhìn vào mắt là có thể nhận ra nhau. Khu expo là “thánh đường” đầu tiên của mọi giải chạy.

Chạy bộ, theo một cách nào đó, cũng là một phần của văn hoá, như âm nhạc (nhạc rap chẳng hạn) hay thói quen tiêu dùng. Thật thú vị khi nhận ra trên Megabus phần lớn là người da đen (dân Mỹ trắng đa số sẽ tự lái xe nếu khoảng cách trong vòng 10 tiếng lái xe, xe hơi với họ là nhà), còn ở expo gần như chỉ gặp người da trắng.

Chúng tôi rời expo đi ăn trưa ở một nhà hàng Trung Quốc. Đồ ăn Tàu đắt, nhưng quen miệng và nhiều rau xanh.

Hệ thống giao thông công cộng của Richmond có xe bus GRTC khá tiện. Chạy 5 km từ quán ăn về khách sạn chỉ mất 10 phút. Trong ngày cuối cùng trước race, kinh nghiệm là cần “tiết kiệm” chân cẳng tối đa. Ngồi mọi lúc có thể, hạn chế đi bộ. Khách sạn, thực ra là một hostel, với các phòng 6 giường như kí túc xá, bài trí sạch sẽ và lịch sự. Nhà bếp rộng rãi, có tủ lạnh cỡ “khủng long” để khách gửi đồ ăn. Khi nhận phòng, chúng tôi được biết tối nay sẽ có buổi load carb miễn phí dành cho các VĐV ngày mai. Quả là một cử chỉ thân thiện đáng yêu.

Lá cờ rất to treo trong phòng khách thực ra là màn hình TV. Trong tuần lễ trước Richmond marathon, hostel này tổ chức “Harry Potter”-thon, mỗi tối chiếu một tập, cả tuần là trọn bộ 7 tập phim.

Nhà bếp đầy đủ tiện nghi. Chỉ cần nhớ tự rửa đồ của mình là được

Phòng ăn rộng này là nơi mỗi tháng lại tổ chức một buổi dạy nấu ăn, do các vị khách bốn phương tự “đứng lớp”. Ý tưởng của chủ hostel là “nấu ăn cũng là một ngôn ngữ để kết nối mọi người”

Tôi thích ở hostel, nơi mọi người từ rất nhiều nền văn hoá cùng chia sẻ một không gian sinh hoạt chung. Giá phòng, dù đã đắt lên gấp rưỡi trong đợt giải chạy này, vẫn rẻ hơn chán chê so với thuê khách sạn. Phòng 6 giường nhưng chỉ có 5 người. Ngoài 2 vợ chồng tôi còn một cậu da đen đến từ New Jersey, sẽ chạy marathon lần đầu, và một cặp sinh viên đến từ Charleston. Cậu giai chạy half marathon (cũng lần đầu), cô bạn gái chỉ đi theo cổ vũ. Chúng tôi trò chuyện đôi chút về cuộc thi, về tiết trời giá lạnh sáng sớm mai, về tấm huy chương rất đẹp nhân kỉ niệm 40 năm Richmond marathon. Nói chung các bạn này đều mới chạy, chưa có nhiều thứ để trao đổi.

Bữa tối miễn phí khá đầy đủ và ngon lành, gồm có mì spaghetti, cánh gà chiên, xúc xích nướng, bánh mì bơ tỏi, salad, tráng miệng có bánh táo. Đêm trước giải chạy là dịp hiếm hoi để có thể ăn đồ ngọt thoải mái.

Trong bữa tối, chúng tôi trò chuyện với một số người đã đến nấu giúp bữa ăn. Ở Mỹ có khá nhiều công việc thiện nguyện để mọi người có thể đóng góp cho cộng đồng. Như đi thu gom sách cũ rồi tổ chức buổi bán lấy tiền cho thư viện (mỗi quyển chỉ có 1 USD), lau chùi quét dọn cho nhà tế bần, hoặc dành vài giờ nấu các bữa ăn miễn phí kiểu này. Thật ngạc nhiên khi biết hostel đang ở là hostel duy nhất ở Richmond và trong cả tiểu bang Virginia, nằm trong chuỗi HI hostel. Đây là một chuỗi nhà khách phi lợi nhuận, với mục tiêu thúc đẩy giao lưu văn hoá, “For good, not for profit”. Bà Jennifer ngồi cùng bàn là người đã dành rất nhiều năm để quyên tiền xây dựng hostel này. Vì thế mỗi phòng ngủ hay locker đều khắc những chữ “Do Mr. X, Y, Z đóng góp”. Buổi load carb miễn phí có lẽ cũng nằm trong tinh thần ấy. Nếu mọi người đi du lịch ở Mỹ, đặc biệt bang California hay mấy bang sầm uất bờ Đông, hãy chọn HI hostel nhé.

Sau bữa tối, tôi tranh thủ làm việc. Hai cô cậu sinh viên đến từ Charleston cắm cúi ngồi làm bài tập về nhà. Chàng trai có vẻ thư giãn trước race đầu tiên, cũng không phấn khích gì nhiều lắm. Tôi khác cậu ấy, chạy giải là một trải nghiệm bắt đầu từ lúc ấn nút “Register”, trải dài qua vài tháng tập luyện, khi ta phải cân nhắc các mục tiêu, nghiên cứu giáo án, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập bổ trợ cơ bắp, sắp xếp công việc và cuộc sống để đảm bảo thời gian luyện tập. Ngày chạy, chính xác hơn là 3-4h chạy bộ, chỉ là điểm cuối cùng của hành trình đầy thú vị đó. Nếu may mắn, hành trình ấy sẽ càng đẹp bởi những chuyến đi đến các miền đất mới, tìm hiểu nhiều nền văn hoá khác nhau.

Dựa theo mileage trung bình, VDOT,  và kết quả chạy trước đó, công thức của Runner’s World dự tính thời gian chạy marathon của tôi vào khoảng 3h 12 phút. Tôi lập ra vài chiến lược chạy, với các mục tiêu:

  • A+: 3h 07. Đây là thành tích đủ để chạy Boston năm 2018 cho nhóm tuổi 35-39
  • A: 3h 10. Đây là thành tích BQ của nhóm tuổi 35-39
  • B: 3h 15. Đây là thành tích tôi có thể tạm hài lòng, vượt PR 18 phút
  • C: 3h 20. Dưới mục tiêu C thì sẽ cực kì thất vọng
  • D: Kiên trì chạy cùng pacer 3h 15 trong 10km đầu tiên, bất kể hưng phấn đến thế nào. Đây là mục tiêu tối thiểu, bắt buộc phải đạt được.

Tiết trời Richmond ngày chạy khá lạnh. Tôi trao đổi thêm với Poon Zi Li, cậu bạn Singapore (sub3 marathoner) hay chạy giải nước ngoài, và anh Bruce Vũ, đều được khuyên mặc nhiều lớp áo. Anh Bruce cổ vũ tôi rất nhiều, nhắc tôi chạy chậm trong những dặm đầu tiên (rất phù hợp với mục tiêu D của tôi). Thích nhất ở anh  là tác phong bài bản và nghiêm túc của một nhà khoa học, dù là trong một hoạt động mang tính “sở thích” như chạy bộ.

Phần 2

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Richmond Marathon năm 2017, khi tôi giảm được gần 30 phút (từ […]

  • […] tháng. Đợt đó mình đang luyện chưởng cho Richmond, nhưng thấy 150 USD không đáng. Ngoài ra công việc […]

  • >
    159 Shares