Mục Tiêu Bất Khả Thi

Vào những ngày đầu năm Canh Tý cũng là ngày giải đua Surf City Marathon & Half Marathon diễn ra ở quận Cam, Hoa Kỳ nơi có người Việt định cư đông nhất thế giới. Ở giải đua năm nay có sự xuất hiện của một chân chạy gốc Việt 48 tuổi, anh Quý Nguyễn. Mới đến với chạy bộ chỉ khoảng một năm trời và chạy đúng 3 cái marathon thôi nhưng anh liên tục đạt được các thành tích thật khó tin. Tôi biết về Quý từ những ngày anh mới mon men chạy bộ, điều tôi ấn tượng nhất là anh liên tục chạy ở công viên Miles Square, quận Cam vào những giờ giấc không được bình thường, chẳng hạn nửa đêm.

Hãy tưởng tượng vào những đêm khuya thanh vắng, một cái bóng lướt đi vi vu, kèm theo là bước chân rầm rập ngày này qua tháng nọ giữa lòng thủ đô của người Việt hải ngoại. Điều ấn tượng thứ hai là những bài chạy anh đăng trên strava luôn kèm theo các thông điệp được trích ra từ những câu ngạn ngữ nổi tiếng mang đầy tính triết lý, chẳng hạn như “Bạn cần đặt ra những mục tiêu gần như ngoài tầm với. Nếu bạn đặt mục tiêu có thể đạt được không cần công sức hoặc suy tính thì bạn bị mắc kẹt ở giới hạn dưới tài năng và tiềm năng của chính mình — Steve Garvey”.

Từ Florida Chay365 đã kết nối đến miền Nam California để có cuộc phỏng vấn dài qua mạng với anh Quý. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng Anh ngữ và chính người phỏng vấn dịch sang tiếng Việt.

BV: Trước tiên xin chúc mừng bạn với thành tích vô cùng ấn tượng ở giải Surf City Marathon, thời gian 2:54:42 thật là kinh khủng. Đây có phải là mục tiêu bạn tập luyện và mong đợi không?

QN: Tôi không nghĩ nó đến sớm như vậy, nhưng đó là mục tiêu tôi nhắm sẽ đạt được vào một ngày nào đó.

BV: Và ngày đó đã đến. Bạn có thể tự giới thiệu, sinh ra ở đâu, đến Mỹ năm nào, và định cư ở đâu trước khi chuyển về vùng miền Nam Cali.

QN: Tôi sinh ngày 5 tháng 6, 1971 ở Đà Nẵng và sang Mỹ năm 1980, sống ở tiểu bang Iowa với một gia đình Mỹ trắng trước khi dọn về California sống với ba tôi. Tôi làm nghề tóc và tôi thích giúp người khác như tôi từng được người khác giúp mình.

BV: Giờ chúng ta hãy bàn về chế độ tập luyện. Tôi nghe kể bạn không theo phương pháp tập luyện nào hết, chỉ chạy và chạy, kiểu như Forrest Gump. Điều đó đúng không?

QN: Đúng thế, tôi chỉ cố làm sao chạy đều.

BV: Tôi cũng nghe kể là bạn không tập Interval cũng như Tempo. Bạn chỉ nhồi mileage ở pace chậm theo hướng dẫn của Dr. Phil Maffetone, Maximum Aerobic Function (MAF), đúng không?

QN: Đúng vậy, đó là cách tôi tập luyện, đơn thuần là thưởng thức.

BV: Tính trung bình mỗi tuần bạn chạy bao nhiêu miles?

QN: Khoảng 60 hoặc hơn chút xíu. Tôi cố gắng tránh bị chấn thương. Tôi cũng đã thử 80 miles/tuần hai tuần liên tiếp và 100 miles/tuần 2 hai tuần liên tiếp, nhưng với tốc độ rất chậm để tránh chấn thương. Điều cốt yếu là phải khỏe mạnh để có thể chạy mỗi ngày, qua đó tôi có thể quảng bá cho Tổ chức SJVRC OneMile4OneChild ngay tại quận Cam này.

BV: Chúng ta sẽ bàn đến tổ chức từ thiện ở phần 2. Bạn có nghĩ là những tuần lễ 100 miles đã tạo ra sự khác biệt lần này không?

QN: Có đấy, nhưng với điều kiện bạn chạy với tốc độ rất chậm và là một người chạy bộ hàng ngày như tôi thì bạn mới bảo vệ được đôi chân của bạn và tích lũy được số mileage cần thiết. Hãy nhớ rằng tôi chia số dặm thành 2 phần vì vậy tôi không phải chạy hết chỉ một phát, thay vì vậy tôi chạy một phần vào buổi sáng và một phần vào buổi tối.

BV: Làm thế nào để bạn có thể chạy được nhiều dặm với lịch trình bận rộn? Bạn có chạy vào sáng sớm và tối muộn không? Trong một cuộc phỏng vấn khác, bạn nói rằng thường chạy vào ban đêm khi sau khi các con đi ngủ. Bạn vẫn làm như vậy chứ?

QN: Trước đây tôi chỉ chạy được 35-45 dặm một tuần nên chạy vào ban đêm là đủ vì lịch trình bận rộn của tôi với công việc và con cái. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng tôi muốn cải thiện hơn nữa vì vậy tôi cảm thấy phải chạy rất nhiều mileage quá muộn vào ban đêm như 11-11:30 pm là quá tải vì vậy tôi đã chia nó ra và chạy sau khi tôi đưa con đến trường và lao đến Công Viên Miles Square chạy nhanh trước khi đi làm và sau đó một vài dặm ngắn vào ban đêm sau khi con tôi đi ngủ. Vì vậy, thay vì thực hiện với thời khóa biểu chạy như trước kia vào lúc 12:30 sáng hoặc 1 giờ sáng, tôi sẽ hoàn thành sớm trước 12 giờ để nghỉ ngơi nhiều hơn cho ngày hôm sau.

BV: Bạn đã từng tập luyện một mình, nhưng khi chúng ta gặp nhau vào tháng 10 năm ngoái, bạn cho biết bắt đầu tập chung với một câu lạc bộ chạy bộ. Kể cho chúng tôi nghe về câu lạc bộ này.

Quý và Bruce Vũ, tháng 10/2019, công viên Miles Square, Orange County, CA

QN: Tôi chạy vào thứ bảy lúc 7 giờ sáng với runner mới tại công viên Mile Square và Chủ nhật tại bến tàu Huntington lúc 7:30 sáng với một nhóm khác mà chúng tôi gọi là Fun Run SJVRC, và vào thứ ba tôi chạy với một nhóm lớn các vận động viên người Mỹ được gọi là Chạy Đêm Thứ Ba ở Laguna Niguel để giúp quảng bá cho Tổ chức SJVRC OneMile4OneChild. Còn lại hầu hết thời gian nếu tôi không giúp đỡ các runner khác, tôi tự tập luyện đến 80% thời gian.

BV: Bạn có một dáng chạy khác thường, bạn đã đề cập rằng không giống như những người chạy khác khi chạy đổ người về phía trước, bạn chạy với dáng thẳng đứng. Nói cho tôi nghe rõ về việc này.

QN: Vâng, tôi chạy và vươn lưng thẳng đứng, giống như kiểu chạy thái cực quyền. Tôi tin rằng tập trung vào dáng chạy và kỹ thuật hít thở theo nhịp điệu là chìa khóa thành công, bên cạnh việc kiên nhẫn với quá trình tập luyện và tập đều đặn. Ngay cả khi tôi chạy chậm hoặc chạy cool-down, tôi vẫn tập trung vào dáng chạy và hơi thở. Sau khi chạy xong, tôi luôn hạ nhiệt bằng cách chạy lùi nửa cây số.

BV: Bạn cũng là một tay đua xe đạp, bạn vẫn đạp xe trong khi tập luyện cho marathon? Đó là một phần cross-training của bạn hay không?

QN: Bây giờ tôi đã quyết định ngừng đạp xe vì tôi muốn tập trung vào việc thành thạo các kỹ năng chạy của mình để tôi có thể hiểu rõ về việc chạy marathon nhiều hơn, từ đó tôi có thể giúp những người khác muốn luyện tập và thử chạy marathon.

BV: Bạn là một tay đua xe đạp giỏi và một người chạy tuyệt vời. Kỹ năng bơi của bạn thế nào? Bạn có kế hoạch để trở thành một triathlete một ngày nào gần đây không?

QN: Tôi dự định sẽ trở lại luyện tập xe đạp vào năm 2021, còn chuyện bơi, mục tiêu của tôi là dành năm 2020 để tập trung vào việc học bơi đúng cách. Tôi chỉ biết một kiểu bơi giống như hầu hết người Việt là môn bơi kiểu chó! Còn về việc trở thành Ironman, vâng, ước mơ của tôi là làm được điều đó vào năm 2021 nhưng tùy thuộc vào việc tôi học bơi nhanh như thế nào. Tôi biết rõ Ironman có thời gian giới hạn mà tôi cần phải hoàn thành trong phần bơi, không hoàn thành phần đó thì tôi không thể tiếp tục đạp xe hoặc chạy.

BV: Bạn tiếp tục có những bước nhảy vọt trong bộ môn chạy bộ. Mới tháng trước, bạn đã chạy 1:22 tại San Diego Half và đủ chuẩn tham gia giải NYC marathon, và bây giờ là 2:54 để đủ chuẩn Berlin và London. Nếu tôi không nhầm, bạn mới bắt đầu chạy vào tháng 9 năm 2018. Bạn phải làm điều gì đó rất đúng. Chia sẻ với chúng tôi bí mật của bạn bên cạnh tất cả những điều bạn đã đề cập ở trên.

QN: Không, tôi bắt đầu chạy vào tháng 1 năm 2019 khi quyết định đăng ký tham gia giải LA marathon vì áp lực từ bạn bè, đăng ký xong tôi không biết làm sao tập luyện cho cuộc đua marathon cho đến khi tôi thấy bài đăng của chị Tara Đặng trong 100 ngày thử thách trên trang từ thiện SJVRC. Tôi thấy rất ấn tượng nên quyết định theo dõi hành trình của chị ấy và sau đó vài tuần, tôi quyết định nhắn tin cho chị trên Facebook và hỏi chị ấy làm thế nào để có thể chạy mà không bị chấn thương. Chị ấy giới thiệu tôi đến Lương Lê là người giúp tôi có được ngày hôm nay bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và tập luyện của anh ấy. Anh bảo tôi thực hiện 100 ngày thách thức qua việc chạy 3 dặm mỗi ngày và điều đó sẽ giúp tôi chạy cái marathon đầu tiên và cũng có thể giúp đỡ người khác trong khi làm việc đó. Tôi thấy đây là ý tưởng hay nên đồng ý. Tôi sẽ không nói dối nhưng 20 ngày đầu tiên phải chạy mỗi ngày thật khó khăn nhưng sau đó tôi yêu nó và tôi vẫn chạy mỗi ngày cho đến ngày hôm nay, đó là 380 ngày mà tôi đang chạy mỗi ngày để thúc đẩy tầm nhìn OneMile4OneChild của SJVRC, giúp nâng cao nhận thức để quyên góp tiền cho những đứa trẻ kém may mắn ở Việt Nam. Bí quyết là bạn cần tìm ra đam mê của mình tại sao bạn bắt đầu những gì bạn đã bắt đầu. Vì vậy, đối với tôi, tôi đã tìm thấy niềm đam mê chạy bộ mỗi ngày để giúp thúc đẩy sứ mệnh OneMile4OneChild của Tổ chức SJVRC. Đại loại như chạy với một mục đích.

BV: Bây giờ hãy bàn về SJVRC OneMile4OneChild. Tổ chức từ thiện này được thành lập tại San Jose, Bắc CA. Bạn từ miền Nam Cali sao có sự liên hệ?

QN: Giống như tôi đã nói nó đến với tôi vào đúng thời điểm khi tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong quá trình luyện tập cho cuộc đua marathon đầu tiên của mình vào ngày 20 tháng 1 năm 2019, và tôi đã bắt gặp 100 ngày thử thách từ thiện của họ mỗi ngày. Tôi thực sự tin rằng khoảnh khắc tôi bắt gặp bài đăng trên Facebook đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Tôi vẫn luôn muốn làm một công việc từ thiện nào đó, nhưng không có gì đánh vào trái tim tôi nhiều như Tổ chức SJVRC vì họ giúp đỡ quê nhà tôi ở thị trấn Đà Nẵng Việt Nam.

BV: Giải thích cho chúng tôi làm thế nào một người có thể đóng góp cho tổ chức từ thiện của bạn? Nhiều người muốn quyên góp và nhận hóa đơn để họ có thể trừ thuế vào cuối năm. Điều đó có khả thi không?

QN: Nếu bất cứ ai muốn tặng thì họ có thể PayPal cho SJVRC16@gmail.com hoặc VENMO cho Tổ chức SJVRC. Để tìm hiểu thêm, chỉ cần truy cập trang web của chúng tôi SJVRC.org hoặc theo dõi Tổ chức SJVRC trên Facebook và Instagram để tìm hiểu thêm về sứ mạng của chúng tôi. Vâng, chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận, có nghĩa là đóng góp của bạn được khấu trừ 100% thuế và khi bạn quyên góp, 100% tiền đóng góp sẽ giúp đỡ những trẻ em kém may mắn hơn ở Việt Nam.

Chúng tôi có thể gửi cho họ một bản sao để sử dụng khấu trừ thuế chỉ cần cho chúng tôi biết và chúng tôi rất vui khi cung cấp cho họ một bản.

BV: Khi tôi gặp bạn ở CA năm ngoái, có một runner (chú Tuấn) cũng đang chạy không ngừng nghỉ, như 365 ngày không dừng lại, để gây quỹ. Đó là một khái niệm rất khó hiểu, làm thế nào bạn có thể vừa chạy vừa gây quỹ? Bạn có thể giải thích điều này được không?

QN: Vâng ở miền nam California Bây giờ tôi có chú Tuấn Vũ, 71 tuổi tham gia chạy 100 ngày thử thách từ thiện mỗi ngày và chú vừa hoàn thành và giúp quyên góp hàng ngàn đô la cho hoạt động từ thiện. Và bây giờ chúng tôi cũng có Lisa Ly ở OC, người cũng tham gia vào thử thách chạy từ thiện 100 ngày và cô ấy đã ở trong 76 ngày của 100 ngày tính đến thời điểm này. Chúng tôi cũng có Natasha Vo và Thúy Van Nguyen cũng đang thực hiện thử thách chạy bộ từ thiện 60 ngày nữa. Vì vậy, đội miền nam California OC đang phát triển từng ngày và tôi muốn mời những người khác tham gia với chúng tôi ngay cả khi họ không muốn thực hiện thử thách mà chỉ muốn tham gia giúp đỡ với Tổ chức SJVRC để gặp chúng tôi và tìm hiểu thêm về nhiệm vụ của chúng tôi.

BV: SJVRC cũng sắp xếp các chuyến đi đến Việt Nam để cho phép các thành viên tham gia các sự kiện từ thiện và chạy marathon tại VN cùng một lúc. Bạn có kế hoạch tham gia trong chuyến đi sắp tới không?

QN: Có, tôi dự định đưa cả gia đình trở về Việt Nam để tham gia Tổ chức năm nay vào cuối tháng 7 và cũng sẽ chạy marathon Đà Nẵng với các thành viên còn lại ở đó.

BV: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mục tiêu tiếp theo của bạn trong việc chạy bộ, làm từ thiện và cuộc sống nói chung là gì?

QN: Mục tiêu chính của tôi là cố gắng làm hết sức mình để đưa Tổ chức SJVRC OneMile4OneChild vào vị trí lớn nhất ở tất cả các cuộc đua để chúng tôi có cơ hội tuyệt vời tiếp xúc với cộng đồng chạy bộ cũng như với thế giới về niềm đam mê giúp đỡ và quyên góp tiền  cho những đứa trẻ kém may mắn ở Việt Nam. Mọi thứ khác mà tôi có thể hoàn thành trên đường đi chỉ là phần thưởng cho tôi và phước lành từ Chúa.

BV: Cảm ơn bạn rất nhiều cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc bạn may mắn với những gì bạn đang nổ lực phấn đấu. Hãy tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng tôi. Tôi sẽ gặp bạn tại Boston vào tháng Tư.

QN: Tôi hy vọng tôi đã trả lời được. Vì tôi không phải là một nhà văn và khó cho tôi giải thích mọi thứ bằng lời. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã nghĩ về tôi và giúp tôi truyền thông điệp đến cộng đồng của chúng ta. Ước mơ của tôi là giúp anh Lê Lượng có được một nhóm chạy bộ gốc Việt lớn nhất tại OC để cùng nhau thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của Tổ chức SJVRC OneMile4OneChild. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho sức khỏe của tôi để tôi có thể tiếp tục chạy mỗi ngày để cải thiện bản thân và để đưa Tổ chức SJVRC OneMile4OneChild đến vị trí lớn nhất có thể. Thành thật mà nói anh Lê Lượng là nhân vật chính, tôi chỉ là người đưa tin. Vì vậy, tôi không muốn câu chuyện làm cho tôi lớn hơn tổ chức SJVRC. Tôi quan tâm cho tổ chức SJVRC hơn là cho bản thân tôi. Nó to hơn tôi nhiều lắm. Tôi nợ thành công của mình với SJVRC vì vậy họ là động lực thúc đẩy tôi chạy hàng ngày và trở thành người giỏi nhất tôi có thể trở thành, vì họ. Cảm ơn một lần nữa anh Bruce!

Quý và Lê Lượng, Surf City Marathon, 2/2/2020

Vài nét về Quý Nguyễn:

Qua Mỹ lúc mới 9 tuổi cho nên anh không thể đọc và viết được tiếng Việt, có một lần anh đùa với tôi rằng anh chỉ đọc được thư tình bằng tiếng Việt thôi. Anh đến Mỹ qua ngả Hongkong như là một thuyền nhân lúc bấy giờ. Anh đã theo học ở University of California, Irvine nhưng sau 3 năm rưỡi anh quyết định không tiếp tục nữa. Lúc đó anh như một linh hồn lạc lối, anh cảm thấy không có đủ tập trung để tiếp tục học và lãng phí thời gian và tiền bạc cho nên anh bỏ ra theo nghề làm tóc. Nghề này đã đến với anh một cách tự nhiên. Trong khoảng thời gian đi học, để kiếm thêm tiền Quý vẫn giúp anh trai mình dọn dẹp tiệm tóc, cho đến một hôm khi xem anh mình dạy các học trò cách cắt tóc Quý nói thẳng là anh trai không biết truyền tài năng của mình cho học sinh và đề nghị đưa cái kéo, cây lược cho anh thử. Sau khi làm xong cái vèo động tác mà người anh vất vả làm, ông anh nói: “Wow, tao sẽ đăng cho mày đi thi cắt tóc với tiền thưởng 1 nghìn đô và mày có thể dùng nó đóng tiền học“. Quý đồng ý vì anh thích thử thách và lúc đó đang cần tiền. Và cuối cùng Quý giật được giải nhất, cuỗm gọn 1000 đô cộng với 500 đô mà ông anh hứa sẽ cho nếu Quý đạt vị trí số 1… Từ đó cuộc đời của Quý bước qua ngả rẽ mới, ở tuổi 26 anh đã có tiệm tóc của riêng mình ở thành phố Irvine.

Quý và gia đình

Thành tích chạy bộ:

– 24/3/2019: Hoàn thành giải marathon đầu tiên ở LA với mục tiêu 3:30, gặp nhiều sự cố và phải đi bộ 2 miles cuối, hoàn thành với thời gian 3:47

– 25/8/2019: Hoàn thành giải marathon thứ nhì ở Santa Rosa với thời gian 3:10:14, dư gần 10 phút cho chuẩn Boston và Chicago

– 21/12/2019: Hoàn thành giải San Diego Half Marathon  với thời gian 1:22, dư 3 phút cho chuẩn NYC Marathon

– 2/2/2020: Hoàn thành giải Surf City Marathon với thời gian 2:54:42, đạt chuẩn Berlin và London

– Mục tiêu kế tiếp là 2:40 để đạt chuẩn Tokyo (2:45)

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Quý Nguyễn xuất thân là một cua-rơ, chạy cái marathon đầu tiên ở 2019 LA Marathon với thời gian 3:47, sau đó kiên trì theo đuổi phương pháp MAF và chỉ một năm sau anh đã rút thời gian xuống 2:54:42 ở Surf City Marathon. Thành tích đó không lập được bao lâu thì một tháng sau anh lại lập PR mới ở 2020 LA marathon với thời gian 2:52:31. Quý đã chia sẻ quá trình luyện tập của mình trong một bài phỏng vấn được đăng trên Chay365 (https://chay365.com/muc-tieu-bat-kha-thi/)  […]

  • >
    427 Shares