New York City marathon 2017: Chiến thắng của Shalane Flanagan

Shalane Flanagan, nữ VĐV 36 tuổi người Mỹ, đã có khoảnh khắc về đích đầy cảm xúc khi vô địch New York City marathon, giải Major cuối cùng trong năm.

Từ 5, 6 năm nay, Flanagan đã là một tượng đài trong giới chạy bộ đường dài. Cô là tâm điểm của truyền thông, là ngôi sao sáng nhất kể từ sau Deena Kastor, là niềm hy vọng lớn nhất của Mỹ trong mỗi giải đấu lớn. Nói thêm, Deena Kastor hiện giữ kỉ lục quốc gia Mỹ ở cự ly marathon (nữ), huy chương đồng Athens 2004, vô địch Chicago 2005 và London 2006. Phim tài liệu “Spirit of the marathon” chọn Deena là một trong các nhân vật chính, tập trung mô tả quá trình cô vượt qua chấn thương để chiến thắng ở Chicago 2005.

Là một tượng đài, giữ vị trí số một, nghĩa là đã lên tới đỉnh cao sự nghiệp. Theo dõi Flanagan, người hâm mộ cảm giác cô luôn lỡ hẹn với mục tiêu ở các giải đấu lớn, dù chưa bao giờ ra khỏi tốp đầu: hạng 10 ở Thế vận hội 2012, hạng 7 ở Boston 2014, hạng 9 Boston 2015, hạng 6 Rio 2016. Những thất bại liên tiếp thật khó nuốt trôi, như năm 2014, Flanagan quyết tâm vô địch trên quê nhà Boston (cô sinh ra ở Massachussetts), dẫn đầu đoàn đua suốt 30 km, để rồi hụt hơi khi nhà vô địch Rita Jeptoo bắt đầu tăng tốc. Như ai cũng biết, sau đó Jeptoo bị phát hiện dương tính với chất cấm. Khi được hỏi về vấn đề này, Flanagan cay đắng trả lời “Bây giờ thật khó để biết ai chạy nhanh hơn ai, nhưng ít nhất tôi biết rằng tôi yêu chạy bộ hơn họ”.

Giải Berlin Marathon 2014 (khi Dennis Kimetto lập kỉ lục thế giới đứng vững cho tới tận ngày nay), Shalane cũng dư mất 2 phút để có thể hoàn thành mục tiêu phá kỉ lục quốc gia của Deena Kastor. Nhưng kể cả khi trở thành người nhanh nhất, cô cũng vĩnh viễn chưa được “xếp cùng mâm” với Deena, chừng nào chưa vô địch một giải Major.

Sự nghiệp của Shalane Flanagan tưởng chừng sẽ kết thúc trong buồn bã khi đầu năm nay cô phải bỏ Boston vì chấn thương lưng. Nhưng hoá ra thời gian nghỉ ngơi lại là điều hay. Flanagan, lần đầu tiên chỉ phải chạy một giải marathon duy nhất trong năm, có 10 tuần dưỡng sức trước khi quay lại giáo án tập luyện. Cô tăng khối lượng bài tập, chạy 130 dặm (khoảng 210 km) một tuần, sẵn sàng cho chặng đường đầy gió và dốc ở New York.

NYC Marathon với cô là một kỉ niệm ngọt ngào, trong giải chạy marathon đầu tiên (NYC năm 2010), Flanagan cán đích số 2. Hai người cùng podium với cô hồi đó cũng có mặt hôm nay, chỉ khác là họ đã liên tục bỏ túi vài ba danh hiệu lớn. Kiplagat (vô địch NYC 2010) vừa thắng ở Boston 2017. Mary Keitany (hạng 3 NYC 2010) sở hữu bảng thành tích hoành tráng hơn nhiều: độc cô cầu bại vô địch NYC 3 năm liên tiếp, tháng Tư năm nay giật giải nhất kiêm kỉ lục thế giới ở đường chạy London. Sự quen thuộc với đại lộ số 5 và Central Park hẳn sẽ đem lại cho vận động viên Kenya đôi chút lợi thế, ít nhất về mặt tâm lý. Nếu theo dõi cuộc đua sẽ thấy nhiều lúc Keitany di chuyển hơi khác các đối thủ, có lẽ vì cô biết đó là lộ trình cắt góc tối ưu nhất. Keitany tới New York không chỉ với tư cách đương kim vô địch, mà là VĐV marathon xuất sắc nhất thế giới tại thời điểm hiện tại.

Kết quả cuối cùng thì ai cũng biết. Trong một ngày điều kiện chạy không quá thuận lợi, Shalane Flanagan kiên trì đeo bám tốp đầu trước khi tung cú nước rút mạnh mẽ trong 5 km cuối cùng. Sau một hồi đeo bám, đương kim vô địch Mary Keitany quyết định chạy lệch hẳn sang lề đường đối diện, âm thầm chờ cơ hội bứt phá. Bình luận viên và máy quay phải mãi mới tìm thấy, chắc hẳn nếu Flanagan quay đầu lại cũng chẳng thấy đối thủ đâu. Nhưng Flanagan không một lần nhìn về phía sau. Tất cả những gì cô làm là tăng tốc để đạt pace 4:52 và 5:12 cho 2 dặm cuối cùng (tương đương tốc độ trung bình khoảng 3:06/km). Cô đã mải miết tìm kiếm vinh quang suốt một thời gian dài. Hôm nay là ngày của cô. Có ai từng chạy bộ, dù nhanh hay chậm, mà không biết cảm giác hưng phấn khi sải những bước chân đầy năng lượng trong những km cuối cùng của cuộc đua? Khoảng cách được nới dần từ 14 giây, lên nửa phút, và gần 1 phút khi cô cán đích. Quá ấn tượng ở một cuộc đấu giữa các elite.

Khi vạch đích hiện ra trước mắt, Flangan giơ nắm tay lên trời, mắt nhoè lệ đầy xúc động. Cô hét lên điều gì, không ai biết. Hình ảnh Shalane Flanagan khóc khi cán đích chắc hẳn sẽ còn xuất hiện nhiều trên truyền thông. Cô đã có màn trình diễn đẹp nhất trong sự nghiệp của mình.

Có những nhà vô địch sinh ra đã sẵn tố chất siêu sao, với VO2 max vượt trội. Họ chỉ cần chăm chỉ luyện tập là sẽ cực kì “bá đạo”, thống trị tất cả các giải đấu mà họ tham gia (hãy nhìn Usain Bolt hay Eluid Kipchoge). Nhưng nhiều VĐV khác không phải khi nào cũng chiến thắng dễ dàng như thế, chức vô địch chỉ đến vào điểm cuối sự nghiệp, sau rất nhiều nỗ lực và đau thương. Thành công của Flanagan là cái kết ngọt ngào cho hành trình bền bỉ đi cùng môn thể thao mình yêu thích, là động lực cho những người đã và đang kiên trì tập luyện hàng ngày.

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Shalane Flanagan, cô ấy sinh ra đã là nhân tài chạy bộ. Cô rất yêu và rất cạnh tranh trong các cuộc đua. Cô rất chịu khó luyện tập và luôn khuyến khích mọi người. Ngay cả với những người thi đua với cô. Cô là một người rất tốt bụng. […]

  • >
    47 Shares