Rạn Xương (Stress Fracture)

Hai chữ “stress fracture”, tạm hiểu là vết rạn trên xương chân do chịu lực nặng liên tục, là cơn ác mộng của dân chạy bộ. Ai mà bị dính chấn thương này sẽ phải ngưng chạy từ 4 đến 6 tuần. Bài viết dưới đây được ghi lại từ kinh nghiệm đau thương của tác giả và một phần cũng dựa trên các tài liệu tham khảo. Mục đích bài viết là giải thích tại sao dân chạy bộ phải lo sợ chấn thương này, và một khi bị dính thì phải làm gì.

Hiểu nôm na thì Stress Fracture (SF) là vết nứt trên xương, nó không đủ dài để cắt ngang phần xương đưa đến hậu quả gãy xương. Có hai nguyên nhân dẫn đến SF: (1) sức nặng được áp dụng liên tục lên phần xương và (2) sự suy thoái của xương. Điều hiển nhiên là nếu trạng thái căng thẳng liên tục ép lên xương lớn hơn sức chịu đựng của nó thì nó sẽ phải rạn nứt. SF là hậu quả khi VĐV phạm lỗi lầm là tập chạy căng quá và sớm quá. SF xảy ra ở phần xương chậu, bắp chân, hay bàn chân.

Ngược dòng thời gian, một tháng về trước, tôi vừa dạy xong khóa học mùa Xuân ở đại học Florida Tech. Khi các em được nghỉ hè là lúc tôi có nhiều thời giờ rảnh hơn và tôi quyết định tăng phần tập luyện chạy bộ, đặc biệt là nâng cao tốc độ cho các bài chạy interval và tempo trong tuần.

Tôi rất ngạc nhiên là mấy bài interval 400m và 800m khi tôi chạy ở pace 6:26’/mile (4:00’/km) tuy có hơi mệt nhưng tôi đều hoàn tất thành công. Thừa thắng xông lên, tôi tha hồ tăng tốc trong các bài chạy tempo 20 phút hay 25 phút, thậm chí có hôm tôi chạy 5K dưới 24 phút, có nghĩa là ở pace 4:47’/km. Tốc độ này bình thường tôi chỉ chạy khi ra race. Một điều tối kỵ mà HLV hồi xưa dạy chúng tôi là khi tập luyện không nên chạy race pace.

Khi biết mình phạm lỗi lầm thì đã quá trễ, bắp đùi chân phải của tôi bắt đầu trở chứng. Sáng dậy bước xuống giường nó rất buốt, phải đi tới đi lui 10 phút sau nó mới đỡ chút đỉnh. Tôi vẫn tiếp tục tập, và có một điều lạ là khi chạy ở 2km đầu tiên thì chân phải bị cà nhắc, sau đó thì cơn đau biến mất.

Trong một bài viết trước tôi đã ghi lại kinh nghiệm này và lúc đó tôi nghĩ là chân của mình bị đọng chất lactic acid. Tôi đã đi gặp physical therapist, chuyên gia massage, thậm chí đi chụp X-quang. Ai cũng nghĩ là tôi chỉ bị viêm bắp chân do luyện tập quá độ. Tôi giảm cường độ tập luyện nhưng đồng thời vẫn tiếp tục có mặt ở các cuộc đua 5K và 10K.

Mỗi lần ra race tôi đều phải đeo tất bó (compression socks) và phải khởi động thật kỹ để vượt qua cơn đau của 2km ban đầu. Tuy kết quả race không như ý muốn nhưng tôi vẫn lảnh được giải ở độ tuổi của mình, một phần là nhờ ý chí của tôi rất cao cho nên nén đau là chuyện nhỏ.

Cho đến tuần rồi, tôi thấy rõ ràng khả năng chạy của mình tuột dốc. Mặc dù tôi cố gắng trong các bài tập nhưng không thể chạy nhanh được. Cuối tuần chạy dài thì vẫn được, sau 2km đầu khi cơn đau qua đi thì tôi có thể chạy và không để ý đến chân phải nữa, nhưng tốc độ không thể cải tiến được, đặc biệt là khả năng negative splits (tăng tốc phút chót) coi như mất tiêu.

Tôi bắt đầu tham khảo qua mạng. Một điều chúng ta phải lưu ý là thông tin trên mạng Internet thì tràn ngập, và thông tin sai lệch cũng nhiều không kém, do đó chúng ta phải thật cẩn thận khi tham khảo thông tin miễn phí, và chỉ nên tìm đến những trang có uy tín.

 

Trang Runner’s World và Runner’s Connect có lập ra một forum cho dân chạy bộ chia sẻ kinh nghiệm. Tôi vào đó đọc và thấy có một bạn bị trường hợp giống y hệt tôi. Bạn đó xin mọi người cho ý kiến là anh ta đang bị chấn thương gì, một chân anh cảm thấy buốt, nhưng anh vẫn chạy dài bình thường sau khi vượt qua cơn đau ở 1 đến 2 miles đầu. Anh còn cho biết là anh không thể nhảy cò cò một chân với chân bị đau.

À há! Chi tiết này như một tia sáng lóe lên trong forum, vì nó trùng hợp với tình huống của tôi. Tôi chăm chú theo dõi phần trả lời bên dưới, và tin buồn cho tôi là hầu hết mọi người, trong đó có người làm việc trong lĩnh vực y tế, cho rằng anh ta bị Stress Fracture. Còn về vụ chạy sau 1-2 miles cơn đau biến mất thì có người giải thích mà tôi thấy hợp lý đó là một thời gian ngắn sau khi chúng ta chạy não bộ tiết ra chất endorphine làm vô hiệu hóa cơn đau.

Cũng rất may là cách đây 2 tuần tôi đã lấy hẹn gặp bác sĩ chuyên về chân (orthopedist) cho cái hẹn ngày mai, thứ Hai. Cũng ở văn phòng này lần trước tôi đã khám ở đó, nhưng họ chỉ chụp X-quang và không thấy gì hết ngoại trừ phần cơ bắp hơi bị sưng. Theo những thông tin tôi tham khảo thì X-quang không thể xác định được chấn thương SF, phải cần đến những phương pháp hiện đại hơn, như “bone scan” hay MRI. Mặc dù chưa biết chắc chắn có dính chấn thương SF chưa, nhưng tối nay tôi đã tìm hiểu thêm và sẵn tiện chia sẻ với các bạn những gì tôi mới biết.

Ngoài lý do được nêu ở trên là luyện tập quá mức quá sớm, những lý do khác có thể dẫn đến SF là đi giày quá mòn, tham gia quá nhiều cuộc đua trong một thời gian ngắn, chế độ dinh dưỡng thiếu calcium làm thái hóa xương. Phụ nữ và các bé gái cũng dễ bị SF bởi vì hội chứng “amenorrhea” có liên quan đến vấn đề kinh nguyệt.

Về cách chữa trị SF thì không có cách nào khác ngoài việc để phần xương bị rạn nứt tự lành, trung bình thì 4 đến 6 tuần. Thời gian hồi phục tùy theo chỗ bị rạn và cách chữa trị, có nhiều bộ phận xương nằm ở vị trí ít được cung cấp máu thì cần phải di động nhiều để hồi phục hoàn toàn.

Một cuộc nghiên cứu ở Ý chứng minh được SF có thể hồi phục nhanh hơn nếu dùng một thiết bị kích thích hồi phục bằng những dòng điện. Người bị SF có thể đeo thiết bị này khi ngủ, nó sẽ gửi một luồng điện không đau đớn đến chỗ bị rạn và kích thích hồi phục. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên bệnh nhân của họ không được chạy cho đến khi hoàn toàn hồi phục, nôn nóng có thể làm vết rạn tồi tệ hơn. Một tin vui để vớt vát cho những ai dính chấn thương là họ vẫn có thể tập luyện những môn ít va chạm (cross train).

Chiếc xe đạp của tôi để trong garage cả mấy năm nay bị đóng bụi mấy lớp dầy, còn hồ bơi sau nhà thì vẫn được chăm sóc sạch sẽ, nước xanh biếc nhưng không có ai thèm nhảy vào. Ngày mai, nếu bị bác sĩ cấm chạy có lẽ tôi phải cho mấy đôi giày lên kệ chờ bám bụi và sẽ bắt đầu làm bạn lại với chiếc xe đạp và đường đua xanh.

Nếu bị SF, tôi hy vọng mình bị rất nhẹ và chỉ tạm ngưng chạy bộ 4 tuần thôi, bởi vì khoảng giữa tháng 7 là tôi có chuyến du lịch Việt Nam và dự định bỏ thời giờ chạy với các bạn trong câu lạc bộ SRC. Thật là thất vọng nếu chúng ta không thể hội ngộ trên những cung đường chạy bộ.

Bruce Vu

About the Author Mr Marathoner

  • […] Rạn Xương (Stress Fracture) […]

  • […] loại trừ nguyên nhân khác gây đau chân, như rạn xương hay cựa gót chân. Siêu âm hoặc chụp MRI có […]

  • >
    0 Shares