Sức mạnh tinh thần và sự dẻo dai

Chương 4: Chạy giải như Meb

Bí quyết để chạy đua: Sức mạnh tinh thần và sự dẻo dai

Khi tiếng súng lệnh đã vang lên, 90 phần trăm của việc chạy đua là về tinh thần, và 10% là về thể chất.

Tôi không nói rằng bất kỳ ai cũng có thể chỉ dùng ý chí mà giành được chiến thắng trong cuộc đua hoặc lập được một kỷ lục cá nhân. Về cơ bản, các kết quả mà bạn đạt được tùy thuộc vào việc ngày hôm đó bạn khoẻ mạnh đến mức nào. Ý của tôi là, khi cuộc đua đã bắt đầu, với tình trạng sức khoẻ đó, bạn đạt tới gần hiệu quả tối đa đến mức nào hầu hết phụ thuộc vào việc đưa ra các quyết định đúng đắn và mạnh mẽ về mặt tinh thần.

Các cuộc đua vốn đã là thử thách. Hãy coi chúng như những cơ hội để làm được tốt nhất mà bạn có thể. Không phải ngày mai, không phải tuần sau hay tháng sau, mà là ngày hôm nay. Hãy đưa ra một quyết định khôn ngoan và đúng đắn để tối đa hoá hiệu quả của việc tập luyện.

Bạn có thể giúp bản thân ngay cả trước khi bắt đầu đua bằng cách giữ tinh thần thoải mái. Một số người chạy bộ trông cực kỳ hoảng sợ trên vạch xuất phát. Tôi chưa từng ở trạng thái tệ như thế, nhưng trước đây tôi đã từng lo lắng hơn rất nhiều khi đứng ở vạch xuất phát so với bây giờ. Tôi từng lo lắng, “Liệu mình sẽ làm thế nào? Mình sẽ làm gì? Ai ở bên phải mình? Ai ở bên trái mình? Ngay lúc này mình nên làm gì?”

Khi đã có kinh nghiệm, tôi đã trở nên thoải mái hơn rất nhiều trước lúc xuất phát. Chắc chắn là tôi có lo lắng. Nhưng tôi cũng đồng thời cảm thấy hào hứng – thời khắc mà tôi đã tập luyện chăm chỉ để chuẩn bị cho nó trong suốt nhiều tháng qua cuối cùng đã tới! Tôi cũng đã trở nên thoải mái khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trước khi đua và nói chuyện với những người chạy bộ khác. Tôi cố gắng giữ không khí vui vẻ và không sử dụng đến năng lượng tinh thần mà tôi sẽ cần tới trong khi đua.

Một trong những quyết định quan trọng nhất trong một cuộc đua sẽ đến ở ngay dặm đầu tiên. Liệu bạn có đủ sự khôn ngoan và chín chắn để bắt đầu với tốc độ phù hợp, hoặc bạn có bị cuốn theo cảm giác gấp gáp của một cuộc đua và xuất phát ở một tốc độ mà bạn không thể duy trì cho đến vạch đích?

Khi bạn đã chạy một đoạn ở tốc độ phù hợp, thì các trò chơi trí não bắt đầu. Cách để chiến thắng trong các trò chơi trí não – và làm tốt nhất có thể vào ngày hôm đó – là có một kế hoạch.

the New York City Marathon, Sunday, Nov. 1, 2009. (AP Photo/Henny Ray Abrams)

Khi tôi nói “một kế hoạch”, có nghĩa là một bộ đầy đủ các mục tiêu, từ A đến Z. Mục tiêu A là mục tiêu cao nhất bạn hy vọng đạt được vào ngày hôm đó. Mục tiêu B là mục tiêu dự phòng thứ nhất; và nó vẫn phải là một mục tiêu tuyệt vời. Mỗi một mục tiêu thấp hơn phải thấp dần đi một chút so với mục tiêu A. Mỗi mục tiêu nên là một điều gì đó có thể giúp bạn tập trung và có quyết tâm, trong trường hợp các mục tiêu cao hơn rõ ràng là không thể đạt được vào ngày hôm đó.

Đối với tôi, mục tiêu A thường là giành chức vô địch. Đối với bạn, nó có thể là đạt một kỷ lục cá nhân, hoặc, nếu đó là lần đầu bạn chạy đua ở cự ly đó, thì là về đến đích. Mục tiêu B của tôi thường là lên được bục nhận giải (hoàn thành ở vị trí 3 người đứng đầu). Đối với bạn thì có thể là chạy nhanh nhất bạn đã từng chạy được với cự ly này trong 5 năm qua. Mục tiêu C của tôi có thể là đứng đầu trong các vận động viên người Mỹ. Đối với bạn thì có thể là đạt được thành tích tốt nhất của bạn trên đường đua đó. Cứ như thế, các mục tiêu xuống thấp dần theo các kết quả có thể xảy ra.

Cách này sẽ giúp bạn có động lực để tiếp tục nỗ lực cho tới vạch đích. Hãy xem một tình huống khác: Bạn nói rằng “Hôm nay, mục tiêu duy nhất của tôi là lập kỷ lục cá nhân.” Nhưng sau đó, khi đã chạy được nửa đường, kết quả chạy từng chặng trước đó của bạn cho thấy điều đó sẽ không xảy ra. Lúc đó thì sao? Ngay lúc bạn đang bắt đầu phần khó khăn nhất của cuộc đua, thì bạn bị mất tinh thần. Khi trong đầu bạn xuất hiện giọng nói nhỏ hỏi rằng, “Tại sao mình lại đang làm điều này nhỉ?” thì sẽ chẳng có câu trả lời nào hay ho cả. Bạn sẽ mất tập trung và động lực, rồi kết cục là sẽ chạy chậm hơn nhiều so với khả năng của bạn. Sau đó bạn sẽ dành hết phần còn lại trong ngày để tự chán ghét bản thân.

Ngược lại, nếu như bạn có mục tiêu B là chạy nhanh nhất mà bạn đã từng làm được trong vòng 5 năm qua, bạn sẽ tiếp tục nỗ lực. Bạn sẽ tiếp tục cố gắng, bởi vì khi giọng nói nhỏ đó cất tiếng hỏi “Tại sao mình lại đang làm điều này?”, bạn có thể nói rằng “Bởi vì tiếp tục cố gắng đến cùng có nghĩa là mình sẽ hoàn thành cự ly này nhanh hơn thành tích trong 5 năm qua. Và đó là một điều đáng tự hào.” Bạn về đích mạnh mẽ, mà không quá xa so với kỷ lục cá nhân, chúc mừng bản thân đã làm tốt, và có động lực để tiếp tục tập luyện chăm chỉ để phá kỷ lục cá nhân vào một lần khác.

Ý tưởng ở đây là tìm điểm tích cực bất kể tình huống hiện tại đang như thế nào là một cách để giữ bản thân có động lực. Khi bạn có các mục tiêu cho một cuộc đua, hãy sẵn sàng cho mọi tình huống. Hy vọng điều tốt đẹp nhất, sẵn sàng cho điều xấu nhất; đó là một phần của chạy đua. Trong quá trình chạy đua, liên tục đánh giá xem mọi việc đang diễn ra như thế nào, và linh hoạt trong việc quyết định chọn mục tiêu nào cho mình, tùy theo tình hình diễn ra vào ngày hôm đó.

Điều này hoàn toàn không có ý nghĩa là hạ thấp tầm ngắm của mình ngay khi mọi việc diễn ra không hoàn hảo. Tôi chiến đấu vì từng mục tiêu của mình ngay cả khi chỉ có cơ hội rất mong manh để tôi đạt được nó. Và sau cuộc đua, tôi thành thật với bản thân về việc tôi đã chạy gần với tiềm năng của mình ngày hôm đó đến mức nào.

Như đã nói, tôi không phải người tài giỏi nhất. Tôi đã từng bị vượt một vòng trong các cuộc đua 10.000 mét trong sân vận động. Trong kỳ Olympic đầu tiên của tôi, tại Sydney năm 2000, trong nửa sau của cuộc đua, tôi có thể trông thấy những người dẫn đầu ở phía bên kia đường chạy. Tôi đã có thể nghĩ rằng, “Thật xấu hổ làm sao. Cả thế giới đang theo dõi. Mình thì ở quá xa phía sau, như vậy thì mình về đích vị trí thứ mấy có quan trọng gì?” Thay vào đó, khi mọi chuyện đã xảy ra như vậy, tôi chuyển mục tiêu của mình xuống trở thành người Mỹ về đích đầu tiên. Tôi tập trung vào việc đánh bại người Mỹ còn lại trong cuộc đua, là Abdi Abdirahman. Tôi đã nghĩ, “Nếu anh ta thắng được mình, thì anh ta cũng sẽ phải gắng sức để giành được điều đó.” Cuối cùng thì, Abdi đã về đích thứ 10 còn tôi về thứ 12. Nhưng cả hai chúng tôi đều lập được kỷ lục cá nhân.

Sau đó, khi tôi thực hiện đánh giá sau cuộc đua, tôi đã nghĩ, “Được rồi, mình đã bị cúm. Mình đã hơi yếu khi tham gia cuộc đua. Như thế thì vẫn còn chỗ để tiến bộ.” Trong cuộc đua 10K trong sân vận động tiếp theo, tôi đã hạ thấp kỷ lục cá nhân bớt 40 giây và lập một kỷ lục Hoa Kỳ đứng vững trong vòng 9 năm. Việc có các mục tiêu linh hoạt cho phép tôi làm tốt nhất có thể tối hôm đó ở Sydney và giúp tôi chuẩn bị cho một thành tích còn tốt hơn nữa trong lần tiếp theo tôi thi đấu ở cự ly này.

Một ví dụ khác về việc chuẩn bị tâm lý kiểu này đã giúp tôi chạy đua tốt nhất vào bất kỳ ngày nào là ở cự ly Marathon trong kỳ Olympic 2012 tại Lon Don. Tôi về đích thứ tư ở tuổi 37, 8 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic, bất chấp thực tế là cuộc đua đó đã là một cuộc vận lộn trên toàn bộ quãng đường.

Tôi đã đã gặp một vài chấn thương trong quá trình tăng khối lượng và còn cách vài tuần mới đạt đỉnh về thể lực. Tôi xác định rằng cuộc đua sẽ bắt đầu nhanh, do đó, kế hoạch chạy đua của tôi là để những người dẫn đầu chạy trước, chạy ở nhóm bám đuổi, và vượt càng nhiều người trong nhóm đầu tiên càng tốt ở các dặm sau đó.

Ở các kỳ Olympic, cũng như các giải marathon lớn như Boston và New York City, cứ mỗi 5km lại có một trạm tiếp tế. Các vận động viên hàng đầu như chúng tôi có thể để chai đựng đồ uống yêu thích của mình, loại đồ uống mà chúng tôi đã dùng trong luyện tập, ở mỗi trạm tiếp tế. Ở một trong các trạm tiếp tế đầu tiên ở London, tôi được đưa cho chai nước đáng ra phải đến tay một đồng đội của tôi, Ryan Hall. Tôi không biết trong chai của anh ta có gì và không muốn uống từ chai đó. Ryan, người sau này phải bỏ cuộc khi qua khoảng 10 dặm do chấn thương gân khoeo, đang ở xa phía sau. Tôi đã phải chạy chậm lại để anh ta đuổi kịp, với hy vọng anh ấy cầm chai của tôi. Nhưng anh ấy không cầm. Tôi đưa chai cho anh ấy, anh ấy uống một chút, rồi bảo tôi uống nốt. Tôi đã làm như vậy vì lúc đó trời đã nóng và tôi biết rằng mình cần phải uống.

Đồ uống của Ryan làm bụng tôi không yên. Tôi bắt đầu bị chuột rút và rớt khỏi nhóm chạy thứ hai. Ngoài ra, đá cuội trên đường chạy làm tôi bị rộp da ở chân trái, ở chỗ mà tôi đã gặp nhiều vấn đề từ năm 2007. Đã có thời điểm, tôi tụt xuống vị trí thứ 21. Mọi việc càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Đã có lúc, tôi nghĩ, “Bỏ cuộc thôi. Mình đã chiến thắng ở New York. Mình đã có một tấm huy chương bạc Olympic. Mình không muốn làm tổn thương bàn chân thêm nữa, để rồi phải bỏ lỡ giải New York City trong 3 tháng nữa. Hãy dừng lại ở đây.” Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, “Không, đằng nào mình cũng đang ở trong tình thế này rồi, và mình sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể.”

Tôi nghĩ về lúc mình giành chiến thắng ở kỳ thi xét tuyển Olympic cự ly marathon vào tháng Giêng năm đó. Tôi đã nói rằng, “Chúng ta đang cử đi đội hình mạnh nhất, và tôi hy vọng chúng tôi có thể đại diện cho đất nước một cách xứng đáng.” Bỏ cuộc lúc đó là không thể. Vì vậy, tôi tự nhủ, “Dù thế nào đi nữa, mình cũng sẽ đến được vạch đích, dù có bị bao nhiêu người vượt qua.”

Tôi đã tập trung. Tôi đã cầu nguyện. Tôi đã cầu xin có được sức mạnh để trở lại với nhóm thứ hai.

Khi tôi đuổi kịp nhóm thứ hai, tôi đã tự nói với bản thân, “Nếu như mình có thể vượt được một người trong nhóm này, mình sẽ thấy vui vì điều đó.” Tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút. Tôi nghĩ, “Mình có thể vượt được hai người cũng nên.”

Khi những người khác đang rơi khỏi nhóm của chúng tôi, tôi lấy lại được sức mạnh tinh thần. Tôi đã ở rất gần với việc bỏ cuộc nhưng bây giờ lại đang tiến lên trên bảng xếp hạng. Tới điểm mốc 30 kilômét, tôi đang ở vị trí thứ 10. Một vận động viên người Nhật, Kentaro Nakamoto, bắt đầu tăng tốc. Tôi bám theo anh ta và hy vọng sẽ được kéo theo. Lúc đó tôi rất đau, nhưng đã tự nhủ, “Cố duy trì, rồi vượt anh ta ở đoạn cuối.” Thay vì vẫn làm như thường lệ và chạy theo vạch kẻ trên đường để đánh dấu tuyến chạy ngắn nhất, tôi đã bám theo Nakamoto để sống sót.

Ở kilômét số 37, khi chỉ còn 3 dặm nữa, tôi trông thấy Bob Larsen, huấn luyện viên của tôi trong thời gian dài, giơ lên sáu ngón tay. Tôi đã mất dấu đếm. Tôi không biết như vậy nghĩa là tôi hay Nakamoto đang ở vị trí thứ sáu. Đây có thể là một thời điểm tốt để làm rõ hoặc xin tạm nghỉ để trao đổi với huấn luyện viên, như trong các môn thể thao khác, nhưng trong một cuộc đua marathon, bạn chỉ có thể xin ý kiến của chính mình. Sau đó, tôi nhìn thấy một chiếc áo phông màu xanh lục phía trước. Tôi bắt đầu tính toán trong đầu: “Nếu tôi đang ở vị trí thứ sáu, thì áo phông xanh lục là vị trí thứ tư. Ai mà biết được, có thể một trong số những người nhận giải sẽ bị phát hiện sử dụng chất cấm và bị tước huy chương. Nếu tôi đuổi kịp áo phông xanh lục, thì có một cơ may nhỏ để tôi lại giành được huy chương một lần nữa!”

Mọi người thường hỏi tôi có chú ý đến đám đông trong các cuộc đua hay không. Tôi chắc chắn là có! Tôi yêu cảm giác nghe thấy họ hét tên mình hoặc “Tiến lên, Hoa Kỳ!” Trong cuộc đua này, khi còn cách vạch đích khoảng 1 kilômét, tôi nghe thấy ai đó kêu tên mình và nói rằng tôi có thể đuổi kịp người tiếp theo. Người gọi tôi đó hoá ra là một người Mỹ, Phil Racht đến từ Atlanta, đến đây để xem tôi chạy.

Tôi vượt qua được người mặc áo xanh lục, người hai lần vô địch giải Marathon New York City, Marílson Gomes dos Santos, khi chỉ còn 500 mét. Tôi đã rất phấn khởi, về việc mình từ chỗ suýt bỏ cuộc đã trở lại để về đích ở vị trí thứ tư, tới mức khi tôi tới gần vạch đích và nhìn thấy một khán giả cầm một lá cờ Mỹ, tôi đã cầm lấy nó và chạy về đích với nó trên đầu. Có thể bình thường chỉ người về nhất mới làm như vậy. Nhưng tôi cảm thấy mình đã có một thắng lợi cá nhân vô cùng to lớn, nhờ có sự giao tiếp liên tục trong cơ thể và đánh giá mục tiêu khi cuộc đua dần dần gợi mở.

Không phải cuộc đua nào bạn tham gia cũng là một thành công. Nhưng mỗi cuộc đua, dù hay hay dở, đều có thể là một bài học kinh nghiệm. Hãy thực hiện đánh giá sau mỗi cuộc đua. Hãy đợi ít nhất đến cuối ngày hôm đó, khi các cảm xúc mang tính thời điểm đã lắng xuống. Hãy hỏi bản thân mình, “Mình đã nỗ lực 100 phần trăm chưa? Mình đã chạy hết khả năng ngày hôm đó hay chưa?” Nếu câu trả lời là có, thì bạn hãy ngẩng cao đầu. Bạn còn đòi hỏi gì hơn ở bản thân nữa?

Chúng ta thường học được nhiều nhất khi mọi sự diễn ra không tốt đẹp. Sau một cuộc đua không được tốt cho lắm, hãy tìm ra điều gì còn thiếu. Bạn tập thiếu vài tuần chăng? Bạn đã bắt đầu với tốc độ quá nhanh? Có phải bạn bị mất tinh thần khi đã chạy được 2/3 quãng đường? Hãy thành thực nhưng đừng quá dằn vặt bản thân. Thay vào đó, hãy coi cuộc đua ấy như một bàn đạp để có thể làm tốt hơn trong lần tiếp theo. Sẽ luôn có chỗ cho sự tiến bộ.

 

About the Author chay365

follow me on:
  • […] một cuộc đua marathon thì việc rèn luyện một tinh thần kiên định cũng quan trọng không kém việc rèn luyện thể […]

  • >
    57 Shares