Trao đổi thêm về “Những buổi chạy độc hại”

Trao đổi thêm về “Những buổi chạy độc hại”

Hôm trước tôi có viết một bài về các buổi chạy vô bổ, không chỉ vô tác dụng mà còn có hại. Bài viết nhận được khá nhiều trao đổi trái chiều. Xin chia sẻ thêm vài suy nghĩ.

Mỗi người chúng ta đi chạy đều vì những mục đích khác nhau, có người chạy cho vui, có người chạy để giao lưu, chạy để thư thái tâm hồn hay tìm sự cân bằng trong cuộc sống, chạy để giảm cân, chạy để khoẻ mạnh, chạy để trải nghiệm, chạy đơn giản vì thích chạy,… Đó là vẻ đẹp của chạy bộ, môn thể thao giản dị mà hữu ích. Chạy bộ với nhiều người đã vượt qua khái niệm “đam mê”, mà thực sự trở thành một nhu cầu nội tại.

Sau 4 năm chạy bộ, tôi đã trải qua tất cả những lý do đấy. Nếu bạn đã và đang dành ra trung bình mỗi ngày 1 tiếng trên đường chạy, đã bỏ tiền và thời gian không ít để tham gia rất nhiều giải chạy, bạn sẽ đồng cảm với lý do quan trọng nhất với tôi hiện tại: chạy bộ để trở thành người chạy bộ giỏi hơn.

Trở thành người giỏi hơn là một cuộc chơi vĩnh viễn không có hồi kết, vì bạn không đua tranh với bất cứ ai, bạn chỉ phấn đấu để cải thiện chính mình, vượt qua những giới hạn của bản thân. Là người chạy bộ đường dài, chúng ta thường có hai mốc phấn đấu: quãng đường và tốc độ. Làm gì cũng cần thể lực và sự quyết tâm, nhưng nếu như thể lực căn bản, sự chuẩn bị chu đáo, và sự nhẫn nại có thể giúp bạn hoàn thành cự ly ultra cỡ 70-100 km, thì để chạy nhanh hơn một cự ly cụ thể (marathon chẳng hạn), bạn cần nhiều hơn thế. Phải có sự tập luyện bài bản, nghiêm túc và kiên trì trong hàng tháng, hàng năm. Phải cam kết với mục tiêu của mình, như VĐV và HLV vĩ đại Juma Ikangaa từng nói “The will to do means nothing without the will to prepare”.

Chạy nhanh hơn là mục tiêu của tôi hiện tại. Thành tích chạy marathon của tôi lần lượt là 4h37 (tháng 2/2014, lần chạy đầu tiên), 4h27 (tháng 5/2014), 3h53 (tháng 9/2014), 3h43 (tháng 10/2015), 3h39 (tháng 8/2016), và 3h33 (tháng 5/2017). Tôi vẫn đang nỗ lực để đạt chuẩn Boston. Còn cần rút ngắn 30 phút nữa.

Với một người đặt mục tiêu trở nên tốt hơn, nhanh hơn, trong khi thời gian lại không dư dả, tố chất không thật sự xuất sắc, tôi nghĩ cần xác định những buổi chạy vô bổ (hay độc hại), để loại bỏ chúng.

Đó cũng là nền tảng của các giáo án tập luyện hiện thời. Phương pháp tập truyền thống chú trọng vào mileage, trong khi các giáo án mới lưu tâm hơn đến các bài tập chất lượng (quality run). Jack Daniels, người được coi như một trong những huấn luyện viên chạy bộ vĩ đại nhất, có giáo án nổi tiếng 2Q, không bao gồm một bài chạy quá 30 km nào. Giáo án FIRST “Run less, run faster” chỉ gồm 3 buổi chạy mỗi tuần. Less is More!!!

Trong khi sự tranh luận giữa các trường phái (số lượng hay chất lượng) sẽ kéo dài bất tận, mỗi người chúng ta sẽ tự đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình, chừng nào bạn thực sự muốn chạy nhanh hơn khả năng hiện tại của bản thân.

Xem thêm: Is there such a thing as “junk miles”?

Bạn vẫn có thể chạy rất tốt, tiến bộ không ngừng, nếu bạn có mileage 100 km/tuần, bất kể chạy nhanh hay chậm. Nhưng điều đó có nghĩa bạn đầu tư rất nhiều thời gian cho chạy bộ, và nguy cơ chấn thương cũng không nhỏ.

Tôi tin rằng nền tảng cơ bản của một giáo án tốt bao gồm các bài: chạy interval, chạy tempo, chạy đường dài. Bên cạnh đó là các bài tập sức mạnh, tập chạy dốc (lên dốc và xuống dốc), tập làm quen với thời tiết nóng ẩm. Các bài tập chạy nên có mục đích cụ thể, tránh rơi vào tình trạng “cày mileage” đơn thuần.

Còn dĩ nhiên, nếu bạn chỉ chạy cho vui, chạy để thưởng thức cuộc sống, chạy vì hội nhóm, chạy để vượt qua những muộn phiền, bạn có thể quên đi các giáo án tập luyện (hay có thể để lại đồng hồ GPS trong nhà). Không có mục đích nào là tốt hơn hay xấu hơn.

Hai triết lý “số lượng” hay “chất lượng” không hoàn toàn đối lập nhau hay triệt tiêu lẫn nhau, hy vọng mỗi chúng ta, trong quá trình tập luyện để nâng cao năng lực bản thân, tìm được điểm cân bằng cho chính mình.

Xin nói thêm, “thế nào là một buổi chạy vô bổ” phụ thuộc năng lực của mỗi người. Các định nghĩa hôm trước là dành cho tôi (PR 1h30 cho cự ly HM). Có một cách tương đối khách quan để định giá sức nặng của mỗi bài tập, dựa theo VDOT (một chỉ số do Jack Daniels đề xuất), mong có thời gian chia sẻ cùng anh chị em yêu chạy bộ.

Thân mến,

Đinh Linh

 

P/S Hiện tại tôi không sử dụng Facebook nữa. Mọi người muốn trao đổi về chạy bộ có thể trao đổi trên website này.

About the Author chay365

follow me on:
>
56 Shares