VMM 100 km – Giấc mơ còn dang dở

VMM 100 km – Giấc mơ còn dang dở

Đinh Hữu Toàn
Cách đây 1 năm, tôi còn chưa biết chạy trail là gì, hoặc ít ra là không hiểu tại sao người ta lại thích chạy trail. Thời điểm đó, tôi mới chạy bộ được vài tháng, đang tập luyện cho cự ly chạy Marathon 42.2km đường bằng. Với bản tính nhút nhát, sợ chết, sợ khổ…cộng thêm việc đôi chân không hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường, với chấn thương dây chằng gối từ hồi đạp xe luôn sẵn sàng tái phát bất cứ lúc nào, tôi không thích những gì lồi lõm, gồ ghề, lổn nhổn, bẩn thỉu… Cho nên khi thấy người ta đi chạy ở địa hình rừng núi tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ tham gia.
Trước Long Biên Marathon 2016 tầm 1 tháng, thấy mọi người trong hội chạy đường dài nói nhiều tới VMM (Vietnam Mountain Marathon), rồi thì họ hồi hộp theo dõi kết quả, vỡ òa sung sướng khi thần tượng của họ về vị trí thứ 2 sau 1 vận động viên người nước ngoài ở cự ly khắc nghiệt nhất – 100km. Qua tìm hiểu thêm, tôi dự định sẽ tham gia giải này, dù lúc đó chưa biết sẽ tham gia ở cự ly nào.
Sau khi hoàn thành Long Biên Marathon, nói chuyện với cô bạn về VMM, về cự ly sẽ đăng ký và dự định là 42km. Nhưng rồi cô ấy nói: hay là đăng ký 70km? Lại thêm 1 thách thức nữa khiến tôi phải suy nghĩ. (Mãi sau này tôi mới biết đó chỉ là 1 câu nói đùa của cô ấy. Thất vọng nhưng tôi vẫn tiếp tục ý định của mình)
Đến tầm cuối năm, khi VMM mở đăng ký early-birds tôi quyết định chọn cự ly 70km và lập kế hoạch tập luyện ngay từ đầu năm, trong khoảng 9 tháng. Nói đến đây chắc nhiều người sẽ cười, cho rằng tôi quá cẩn thận. Nhưng tôi biết rõ mình là ai, mình đang có gì và cần phải làm gì. Với nền tảng thể lực thấp tại thời điểm đó, tôi lập kế hoạch tập luyện trong 8-9 tháng với mileage (số km) trong các tháng tăng dần từ mức 200 lúc đó tới mức 4-500km/tháng vào thời điểm tháng 8/2017. Chia đều ra thì mỗi tháng tăng thêm so với tháng trước cỡ 4-50km/tháng hay 10km/tuần, không quá nhiều để cơ thể quen và tăng dần khả năng chịu đựng, tránh bị sốc và chấn thương. Kế hoạch diễn ra đúng như mong muốn dù rằng vào các tháng cuối khá căng, với 500km/ tháng hay khoảng 120km/tuần, 2 ngày cuối tuần thường phải chạy dài mỗi ngày 30-40km…
Vào thời điểm giữa năm có 2 giải chạy trail mới được tổ chức lần đầu là VJM (Vietnam Jungle Marathon) Pù Luông và TMT (Tam Đảo Mountain Trail). Do phí đăng ký VJM khá cao (tương đương VMM) và mục tiêu quan trọng nhất với tôi lúc đó là VMM vào cuối năm nên tôi chỉ đăng ký chạy 42km Tam Đảo. Tới sát ngày diễn ra VJM thấy mọi người rộn rịch rủ nhau đi tôi lại thấy sốt ruột và định kiếm 1 suất chạy 25km để trong năm sẽ có đủ bộ 25-42-70km chạy trail. Kiếm không được bib 25 mà lại có anh bạn nhượng bib 70km, khá lo nhưng tôi vẫn có cảm giác mình có thể hoàn thành được vì lúc đó tôi cũng đã chạy theo kế hoạch được gần 5 tháng, với mileage lúc đó tầm gần 400km/tháng. Kết quả là tôi hoàn thành được 70km thật, dù khá lê lết với gần 18h, phải đi bộ hơn 20km cuối cùng do bàn chân mỏi nhừ và phồng rộp không thể chạy.

Là 1 trong 3 người về đích cuối cùng tại VJM 2017
Hoàn thành được 70km VJM và 42km TMT, bỗng dưng tôi lại không muốn chỉ chạy 70km VMM nữa mà bắt đầu mơ về con số 100 để có đủ bộ ba 42, 70, 100 trong năm nay. Tất nhiên là tôi biết việc hoàn thành nó không hề đơn giản, nhất là khi tôi chỉ hoàn thành được các cự ly trên với thời gian khiêm tốn, dưới mức trung bình.
Không để mình thấp thỏm quá lâu, tôi đã tăng cự ly đăng ký từ 70 lên 100. Và thường xuyên nghĩ tới thời khắc hoàn thành nó. Khi tham gia các giải chạy, tôi thường để ý hình ảnh người chạy về đích có người thân đứng chờ ở đó. Đối với bản thân mình, vợ con thì chưa có, gấu cũng không. Nhân tiện gia đình chị gái cũng mới tham gia chạy bộ, và cũng định đi chơi ở Sapa, tôi đã đăng ký thêm suất chạy 10km cho chị và mơ tới viễn cảnh gia đình anh chị và bố chờ mình ở vạch đích tối thứ 7, sau đó mình sẽ cổ vũ hoặc chạy cùng anh chị vào sáng hôm sau (nếu còn sức). Vì vậy, đối với tôi sự kiện này rất đặc biệt. Đến nỗi, khi công ty có tin sẽ tổ chức đi team-building ở Hàn Quốc vào đúng dịp diễn ra VMM, tôi đã cầu mong cho lịch này sẽ bị thay đổi, và cho dù không thay đổi thì tôi cũng sẽ chấp nhận bỏ chuyến du hí để hoàn thành cái mục tiêu hành xác kia.
Tới tháng 7/2017, tôi đạt mileage tối đa với 500km, tôi quyết định giảm tải vào tháng 8 và tháng 9. Có lẽ đây là sai lầm đầu tiên khi tôi nghỉ ngơi quá sớm và chạy khá tệ ở giải LUT vào cuối tháng 8. Vẫn là tình trạng bàn chân mỏi nhừ sau khoảng 40km. Vào thời điểm này, tôi bắt đầu thấy bạn bè post bài tập luyện chạy barefoot (chân đất), tìm hiểu ra thì thấy sai lầm tiếp theo của mình là đã bỏ qua bài tập này trong thời gian dài. Nguyên nhân là từ khi mới tập tôi chọn giày có hỗ trợ nhiều cho chân, khiến nó luôn được ưu ái và và bao bọc. Giống như một đứa trẻ, nếu được bảo vệ, nuông chiều quá mức nó sẽ trở nên yếu đuối. Bài học này tôi rút ra được từ quan sát cuộc sống và từ chính bản thân tôi, 1 đứa được bố mẹ lo lắng và làm hộ cho quá nhiều.
Thời gian còn quá ngắn không thể tập barefoot, tình cờ được cậu em phân tích quá trình tập luyện gần đây và lên kế hoạch tập trong vài tuần để nhằm đạt được trạng thái tốt nhất trước giải. Các bài tập trong thời gian này khá nặng, tốn rất nhều thời gian, ví dụ: chạy liền 2 ngày cuối tuần với thời gian 10h và 6h/buổi. Tôi thực sự choáng nhưng cũng thận trọng thử. Vốn trước khi tập mấy bài này tôi đang có chấn thương nhẹ ở đùi sau, chạy vẫn được nhưng không thật chân. Khi bước vào mấy bài tập nặng này, tôi đều nghe ngóng rất kỹ, nếu có hiện tượng chấn thương nặng lên tôi sẽ dừng ngay. Tuy vậy tôi cũng chỉ hoàn thành được cỡ 50-70% khối lượng mấy bài này. Về chấn thương thì nó cứ vẫn dai dẳng tới trước giải, không nặng lên nhưng cũng không khỏi hẳn. (Nhưng dường như sau khi chạy xong VMM thì nó hết luôn rồi)
Tất cả sự chuẩn bị của tôi chỉ có thế. Đây có thể nói là giải chạy đầu tiên tôi tham gia mà không rõ mình có hoàn thành được hay không. Nhưng tôi không quá lo lắng vì tôi cũng xác định tinh thần trước với sự chuẩn bị như vậy, nếu không hoàn thành được thì là điều đáng tiếc nhưng cũng không phải là thảm họa.
Nghỉ ngơi trước giải 1 tuần, người ta nói cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt trong thời gian này nhưng tôi không thay đổi được, vẫn giữ thói quen ngủ khoảng 5-6h/ngày, ăn uống cũng không có gì đặc biệt. Lịch chạy là 10h tối ngày thứ 6 nên tôi lên xe đi Sapa vào tối thứ 4, trước hầu hết mọi người 1 ngày để quen thời tiết và không bị ảnh hưởng bởi việc di chuyển bằng oto. Sáng thứ 5, tôi và cậu em đi xe máy vào Topas và xem qua 1 số đoạn trên cung đường chạy, nhưng chủ yếu cũng chỉ được chỗ bắt đầu và kết thúc. Sang ngày thứ 6, lượng người tham gia giải tới Sapa đã bắt đầu đông dần. Ăn trưa giao lưu với mọi người xong mấy anh em về phòng soạn đồ sẵn và tranh thủ ngủ thêm vì tối nay sẽ chạy xuyên đêm. Trong 3 anh em thì chỉ có 1 anh ngủ được, còn tôi và 1 anh nữa thì cứ trằn trọc, mắt thao láo. (Sau này chỉ có mỗi ông anh kia finish được, còn 2 ông mất ngủ thì DNF )
Hơn 8h tối, chúng tôi đi ra quảng trường trước nhà thờ Sapa để chuẩn bị lên xe của Ban tổ chức tới điểm xuất phát ở Topas. Từ xa tôi đã thấy rất đông người. Hóa ra là các anh em chạy các cự ly muộn hơn và đội support ra đó để tiễn đội 100k. Những cái bắt tay, những cái ôm động viên chúc may mắn khiến cho mọi người khá cảm động. Ngồi nhìn ánh mắt của 1 số anh em đi tiễn tôi thấy họ cũng muốn có có thử thách và cảm giác như những người đang ngồi trên xe, dù không nói ra. Tôi tin chắc trong vòng 1-2 năm tới họ cũng sẽ đăng ký chạy cự ly 100km này mà thôi.
Xe lăn bánh, không khí trên xe khá vui vẻ vì có nhiều thành viên tếu táo. Tôi hơi chóng mặt, cảm giác thường gặp khi bắt đầu lên oto. Vội vàng gục đầu xuống ghế trước, che tạm cái mũ để đỡ lạnh đầu, tôi chỉ lặng im nghe mọi người nói, thỉnh thoảng ngóc đầu lên chêm vài câu. Có cậu em Thịnh Thảo, 1 trong những nạn nhân bị tôi “dụ” chạy 100km, thì vất vả hơn khi say xe ngay từ đầu, xuống xe nôn hết những gì mới ăn lúc tối. (Vậy mà cuối cùng nó vẫn hoàn thành với thời gian hơn 20h). Khoảng 45phút sau xe tới Topas, rất may tôi không bị say xe mà chỉ hơi mệt. Còn 30phút trước giờ xuất phát, tôi tranh thủ đi đi lại lại cho tỉnh người, gửi đồ và chỉnh đốn lại giày tất, balo, kiểm tra đồng hồ GPS, chụp ảnh tập thể…
 Đúng 10h, cả đoàn xuất phát trong ánh pháo sáng đỏ rực của đội media. Tiếng bước chân rầm rập trên đoạn đường nhựa & bê tông từ Topas ra. Vài nhóm người dân đứng xem bên đường. Sau khoảng hơn 2km là chỗ rẽ trái vào bắt đầu 1 đoạn đường dốc trơn mà hôm trước chúng tôi đã đi thám thính.
Đoạn này cần có gậy nên tôi phải dừng lại lấy ra để sử dụng. Đường trơn và dốc xuống, ai cũng phải lò dò, tôi thì mấy lần suýt ngã. Ở phía xa xa có tiếng chó sủa theo đàn, là vì nhóm dẫn đầu đã chạy tới đó. Hơn 2km của đoạn này cũng nhanh chóng kết thúc, tiếp theo là quãng đường phẳng và dễ chạy hơn rất nhiều.
Tới CP101 tại km 12.5 sau khoảng 2 tiếng, bấm Lap đồng hồ để kiểm soát thời gian nghỉ tại CP, lấy nước và ăn hoa quả xong xem đồng hồ thời gian nghỉ tại đó là hơn 6 phút. Tiếp tục lên đường, đoạn này là 5km dốc cao nên đa số chỉ có thể đi bộ. Tôi cố gắng sử dụng gậy theo hướng dẫn mới xem được trên youtube mà chưa có dịp thực hành, cảm nhận thấy cũng có tác dụng khi lên dốc cao đều với vận tốc hơn 5km/h. Tiếng gậy của tôi và một số runners người nước ngoài cứ loẹt quẹt trên đường dốc bê tông giữa đêm vắng. Kết thúc 5km này là 1 trạm tiếp nước phụ. Do trong mô tả đoạn đường tiếp theo chỉ là 10km đổ dốc đường bằng, tôi chủ quan không lấy thêm nước mà chỉ ăn qua loa vài miếng dưa rồi tiếp tục chạy, trong đầu hình dung chỉ cần 1h để chạy xong đoạn dốc này và có thể tới CP103 (điểm xuất phát) trước 4h sáng, kịp gặp đội 70km, như vậy sẽ rất vui. Nhưng thực tế là phần mô tả này bị sai, chỉ có đoạn đầu là đường bằng còn lại sau đó là đường trail, đất đá lổn nhổn nên không thể chạy nhanh, thêm nữa là đoạn đường dài hơn dự tính khoảng 2km, đoạn cuối lại đi vào chỗ dốc trơn, hẹp nên phải đi rất chậm. Do không bổ sung nước ở trạm tiếp nước phụ trước đó nên tôi bị hết nước trước CP102 khoảng 2km.
Tới CP102 lúc 3h10 tại km 30, mấy anh em bắt đầu thấy khó chịu sau đoạn đường khá dài vừa rồi (gần 18km từ CP101 sang 102 với thời gian 3 tiếng). Chắc chắn mục tiêu về tới CP103 trước 4h là bất khả thi, thậm chí nếu chủ quan thì có thể DNF sớm vì không rõ đoạn dốc tiếp theo như thế nào, chỉ biết là những người chạy năm trước đều kêu khó. Thời gian nghỉ tại điểm này khá lâu (10p) trước khi leo dốc lên CP103. Tôi và anh Long H. Nguyen đi trước, dốc bắt đầu khá cao nhưng sau đó dễ chịu hơn và có thể chạy. Tôi cố gắng chạy bất cứ đoạn nào có thể, thỉnh thoảng hơi nhói ở chân thì đứng lại giãn cơ rồi tiếp tục. Quãng đường này chỉ hơn 4km mà cảm thấy rất xa. Có lúc đi ở dưới nhìn thấy ánh đèn người đi trước ở đoạn cua trên cao tận phía trên lại lắc đầu ngán ngẩm là sẽ còn phải leo lên đó. Cuối cùng thì cũng nhìn thấy ánh đèn phát ra từ Topas và tôi cũng ra khỏi đoạn leo dốc này để ra đường bằng về CP103 cách đó 1km. Đồng hồ chỉ 4h26p, nghĩa là đội 70km đã xuất phát được khoảng nửa tiếng rồi. Về trước cutoff nửa tiếng mà cảm thấy khá thất vọng vì không được gặp đội 70km. Không được đập tay với ông anh “Lò A Zí đến từ Hoàng Su Phì”, không được gặp team hổ báo Đô Tõm để khích mấy lão ấy năm sau chạy 100km. Và còn 1 số anh em khác nữa…
5h44, tiếp tục xuất phát từ CP103 theo đường chạy 70km. Vậy là tôi xuất phát sau đội 70km khoảng 45 phút. Lúc rời CP103, vẫn còn mấy anh em tới muộn đang ngồi nghỉ. Nhìn quanh, không thấy anh Long đâu nên nghĩ anh ấy tranh thủ đi trước vì đoạn vừa rồi anh ấy chạy không tốt lắm. Chạy mãi không thấy dấu vết tôi lại càng tin rằng anh ấy đã từng chạy cung đường này năm trước rồi nên thuộc và chạy nhanh. (Sau này tôi mới biết là nhầm, anh ấy xuất phát sau và cuối cùng dừng ở CP2). Đường sang CP1 bao gồm khoảng 7km đường road, chạy qua suối theo 1 cái cầu treo sang bên kia và bắt đầu đoạn đường trail dốc, có những chỗ mới được BTC tu sửa do các trận mưa lớn ở Sapa gần đây. Đoạn này tôi không đi được nhanh do đường hẹp, trơn.
Tại mốc 42.2km, xem đồng hồ thấy đã chạy gần 8 tiếng, thành tích chạy trail 42km tốt nhất từ trước tới giờ, lại là chạy đêm khiến tôi phấn chấn hơn một chút. Trước giải tôi có 3 buổi chạy xuyên đêm nên không còn lạ với việc này. Ngày xưa tôi nghĩ nó kinh khủng và điên lắm nhưng giờ thấy cũng bình thường. Thậm chí thấy đêm trôi qua rất nhanh nếu chạy bộ, Có lẽ câu “thức đêm mới biết đêm dài” không áp dụng được với hội chạy.
Dọc đường thỉnh thoảng tôi chạy cùng và bắt chuyện với các bác runner cao tuổi người nước ngoài. Thật tệ là sức tôi cũng chỉ ngang với các bác ấy trong khi chưa quá già. Chạy qua bản một lúc thì cũng ra đường bê tông tới CP1, tranh thủ ăn, lấy nước, cất đèn và lấy mũ ra đội vì trời bắt đầu nắng. Tại đây tôi được thông báo là còn 10km tới CP2, sau đó là 8km tới CP3 với đường rất dốc. Trên đoạn đường này tôi chạy cùng 1 bạn chạy 100k khá thong thả. Nhẩm tính thời gian không còn nhiều tôi giục bạn ấy cần phải tập trung chạy, nếu không sẽ bị DNF ở CP3. Chạy được 1 lúc thì bạn ấy tụt lại phía sau, tôi thì vẫn cắm cổ lao đi. Tiếp đó gặp anh Tùng Phạm chạy 70k đang ì ạch bước , chào hỏi anh rồi tôi cũng tranh thủ chạy trước. Đúng là nước đến chân mới nhảy, chỉ khi bị sức ép về thời gian tôi mới chịu tập trung. Có lẽ, năm sau, ngoài các cutoff của BTC thì tôi cũng sẽ tự đặt thêm các cutoff riêng cho mình.
Tới CP2 lúc 9h10, không kịp dừng cởi vest, cho nước vào túi sau. Tôi nhờ đội hỗ trợ lấy giúp 2 chai nước nhét vào túi trước cho nhanh rồi chạy tiếp luôn cho kịp. (Sau này tôi sẽ phải tập dùng nước dạng chai đeo phía trước vì “thủ tục” tiếp nước bằng túi nước sau (bladder) khá rườm ra và mất thời gian). Nhẩm tính đoạn đường tới CP3 còn 8km, thời gian còn khoảng 1h50p. nếu duy trì 5km/h thì tôi sẽ thành công. Đoạn đường sau CP2 bắt đầu bằng con dốc bê tông giữa trưa nắng. Tôi cố gắng duy trì tốc độ 5km/h ở đoạn này. Sau đó là đoạn trail dốc lên đồi ngô. Tính toán không thể kịp thời gian, tôi bắt đầu mất tinh thần và buông xuôi. Thỉnh thoảng leo mệt quá đứng lại ngắm cảnh vật phía sau, nơi có nhưng thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng đang được thu hoạch. Ở đồi ngô này tôi bị Nguyễn Ngọc Thành vượt qua. Cậu ấy xuất phát sau nhưng chạy vẫn còn rất khỏe. Có lẽ là do mới có người yêu nên tinh thần lên rất cao.
Ra khỏi đồi ngô là đường nhựa, thời gian còn 15 phút là tới 11h. Tôi thử nhấc chân lên chạy nhưng được vài bước là lại phải dừng. Nhìn lên phía trước thấy 1 hàng runners lững thững trên con dốc đường nhựa nóng bỏng, đi như xác sống, không còn sinh lực. Nếu lúc đó tôi biết là sẽ viết notes này thì tôi đã chụp lại cảnh đó, rất ấn tượng.
Khoảng hơn 11h, khi tôi dừng nghỉ cùng 1 runner người nước ngoài, nói chuyện với nhau về độ khó của cự ly này, về dự định chạy tiếp lần sau thì gặp người của BTC đi xe máy tới thông báo là sẽ nới cutoff thêm 30p. Một tia hy vọng lóe lên trong đầu tôi, vậy là mình có thêm cơ hội. Nhưng tôi nghĩ ngay đến tính khả thi của cơ hội này. Dựa vào tính toán của tôi lúc đó, với đôi chân đã mỏi rã rời thì nếu có hoàn thành được cũng phải mất hơn 24h. Với bản tính hơi “nghiêm túc”, không thích nhận được sự ưu ái từ bất kỳ ai mà không do nguyên nhân khách quan, tôi thấy mình không nên đi tiếp. Vì nếu tiếp tục thì thời gian sẽ vượt quá giới hạn ban đầu. Tôi muốn mình phải finish một cách đàng hoàng như ban đầu kia, dù là tròn 24h.
Anh bạn ngoại quốc kia quyết định nghỉ và lên xe máy. Tôi cũng quyết định nghỉ nhưng vẫn đi bộ về CP3. Tôi muốn hoàn thành trọn vẹn chặng đường tới CP3 mà không dùng phương tiện hỗ trợ. Tới CP3 lúc 11h36p, người của BTC nói rằng tôi vẫn có thể đi tiếp, nếu muốn. Đến đây tôi lại thấy thất vọng hơn một chút vì thực tế tôi cố tình về quá 11h30 rồi mà vẫn còn được ưu ái. Tôi cảm thấy có gì đó không nghiêm túc và nói với BTC rằng tôi quyết định dừng cuộc chơi tại đây, ở CP3 khi đồng hồ đếm được hơn 65km, tổng thời gian là 13h36p. (Thực tế có lẽ chỉ tầm 64km do trừ bớt quãng đường GPS nhảy quanh khi dừng nghỉ).
Sang ngày Chủ Nhật, có cự ly chạy Funrun 10km. Tôi có bib chạy (trước đây mua cho gia đình chị gái nhưng do việc đột xuất, chị không thể tham gia) nhưng tôi tặng lại anh bạn, không dùng vì không còn hứng thú. Sáng hôm đó mọi người gặp trêu bảo chạy kiếm cái medal 10k chống nhục đi. Mọi người đâu biết rằng nếu tôi thấy nhục thì chỉ có cái medal 100k mới có thể chống được thôi, chứ cái 10k thì tuổi gì. Ngồi ở đích xem mọi người hồ hởi nhận medal tôi thấy ngậm ngùi, dù chưa đến mức cay đắng. Tôi đã giấu nỗi buồn đó trong lòng, không thể hiện ra bên ngoài.
Tôi đã DNF như vậy. Thất vọng vì mình đã cố gắng rất, rất nhiều nhưng không được đền đáp. Khi quyết định dừng, tôi biết mình sẽ phải đối mặt với những lời chế giễu rằng tập nhiều cũng chẳng được gì, không bằng người ít tập. Thậm chí, tôi biết có người mong tôi thất bại để có dịp hả hê. Nhưng tôi biết là những gì tôi đã làm, đã cố gắng đến một lúc nào đó, bằng một cách nào đó sẽ có tác dụng, như câu chuyện về Connecting The Dots của Steve Jobs. Và tôi lại có thêm động lực để viết về thất bại của mình, tôi lựa chọn sẽ đối mặt với nó mà không lảng tránh.
Cuối cùng, có lẽ là nội dung dành cho việc lôi kéo và kích động. Tôi đăng ký chạy 100km là 1 phần trong mong muốn thoát khỏi vùng an toàn (comfort-zone) của mình. Bởi lẽ chạy VMM70 km là trong tầm tay đối với tôi. Trước ngày diễn ra giải, khi mà tôi phát hiện ra các sai lầm của mình, cộng thêm với thể lực và tinh thần không được tốt thì có cậu em sẵn sàng đổi bib 42 km cho tôi, và tôi chắc chắn sẽ có “ảnh về đích xinh tươi”, khi mặt trời chưa lặn… Nhưng tôi vẫn từ chối và chọn việc khó khăn. Tôi biết rằng vùng an toàn thực ra là 1 cái bẫy và muốn thay đổi bản thân thì phải thoát khỏi nó. Xem lại các sai lầm của mình, tôi thấy đều có liên quan tới cái comfort-zone này. Ví dụ: quá lo lắng cho cái chân mà không dám cho nó chịu thử thách, khiến cho giờ đây chạy vài chục km đã mỏi, thấy dốc xuống không dám tận dụng để đổ cho nhanh… Còn bạn, nếu chạy 100km xong mà không bị chết hay tàn tật vĩnh viễn (nói như ngôn ngữ chuyên ngành bảo hiểm) thì tại sao lại không thử 1 lần?

About the Author chay365

follow me on:
>
190 Shares