Cà Phê Và Thành Tích Chạy Bộ

Uống cà phê sẽ làm tăng hay giảm thành tích?

Dzung Ng

Trích dịch (sơ lược):
Nguồn: Alex Hutchinson – Which comes first, Cardio or Weights? Fitness Myths, Training Truths and Other Surprising Discoveries from the Science of Exercise

Cho đến tận năm 2004, vận động viên Olympic có thể bị xét nghiệm dương tính với chất caffeine nếu họ uống 3 ly cà phê đặc trở lên. Sau đó, Tổ chức chống doping thế giới (WADA) phát chán với việc cố gắng kiểm soát một chất được sử dụng thường xuyên như thế, đã loại caffeine ra khỏi danh sách các chất bị hạn chế – và điều kỳ lạ nhất đã xảy ra.

Thực tế là sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, trong các xét nghiệm nước tiểu do WADA tiến hành, hàm lượng caffeine phát hiện được đã giảm hẳn ở hầu hết các môn thể thao. Rõ ràng là các vận động viên cho là nếu nó không bị cấm thì cũng không có gì hay để sử dụng.

Họ đã sai.

Giáo sư Terry Graham của trường Đại học Guelph, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về vấn đề này nói “Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì caffeine là chất làm tăng thành tích rất mạnh”. “Đây có lẽ là chất hỗ trợ đa năng nhất “.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, người ta đã xác định chắc chắn là caffeine giúp cải thiện thành tích chạy nước rút và làm tăng sức bền trong các hoạt động kéo dài đến hai giờ. Ngoài ra ngày càng nhiều bằng chứng về việc nó cũng hỗ trợ các bài tập sức mạnh như cử tạ.

Ý kiến phản đối thông thường là caffeine có tác dụng lợi tiểu, do vậy nó làm mất nước, ảnh hưởng xấu đến thành tích, đặc biệt đối với các cuộc thi cần sức bền. Nhưng những nghiên cứu gần đây hoàn toàn đánh đổ quan niệm đó, Graham nói.

Một tác dụng huyền bí khác thường được nhắc đến nhiều là caffeine cải thiện kết quả thi đấu vì làm cơ thể đốt cháy nhiều chất béo hơn để cung cấp năng lượng, cũng đã được chứng minh là không có căn cứ.

Hiện vẫn đang còn tranh cãi về cơ chế tác dụng của caffeine. Caffeine là một chất kích thích, và có thể có hiệu ứng giả dược (placebo) đối với một số vận động viên, nhưng còn có rất nhiều vấn đề khác có liên quan. “Giống như là ta đặt điện cực vào cơ bắp, và kích thích làm cho cơ bắp co duỗi mà não không hề tham gia, ta có thể thấy tác dụng [như từ caffeine] như vậy” – Graham nói. Các lý thuyết mới nhất cho rằng caffeine tác động trực tiếp đến việc co duỗi cơ ở cấp độ tế bào, nó làm cho tế bào co rút mạnh hơn mỗi khi nhận được tín hiệu từ hệ thần kinh.

Tuy nhiên cà phê thì không đồng nghĩa với caffeine. Nghiên cứu duy nhất so sánh trực tiếp tác dụng của caffeine (ở dạng thuốc viên) với cà phê được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Graham (tại thời điểm viết sách – ND). Điều đáng ngạc nhiên mà Graham và đồng nghiệp phát hiện ra là chỉ có caffeine tinh khiết có tác dụng tăng thành tích, thậm chí khi nồng độ caffeine trong máu (khi uống cà phê) giống hệt.

“Ban đầu chúng tôi không tin nó, vì vậy chúng tôi tăng số người thử nghiệm”, ông nói, “nhưng càng củng cố kết quả mạnh hơn.” Những nghiên cứu khác lại thấy cà phê có tác dụng tăng cường thành tích, do vậy Graham thận trọng khi đánh giá ý nghĩa kết quả nghiên cứu của mình. Điều rõ ràng ở đây là cà phê chứa hỗn hợp một loạt các chất có hoạt tính sinh học, nên việc xác định tác dụng của cà phê khó hơn nhiều so với việc xác định tác dụng rõ ràng của caffeine tinh khiết.

Ước tính hiện tại (năm viết sách – ND) có khoảng từ 82 đến 92 phần trăm người trưởng thành ở Bắc Mỹ uống cà phê thường xuyên. Việc sử dụng chất caffeine để cải thiện thành tích cũng phổ biến: một nghiên cứu của Anh công bố năm 2008 cho thấy 60% vận động viên đạp xe và 33% vận động viên điền kinh dùng caffeine để nâng cao thành tích thể thao. Tỷ lệ các vận động viên điều kinh tầm cỡ quốc tế sử dụng caffeine để tăng thành tích cao gấp đôi so với vận động viên cấp câu lạc bộ.

Nhưng Graham lưu ý vận động viên nghiệp dư nên cẩn trọng về giá trị thực sự khi đạt được thành tích cá nhân bằng cách sử dụng chất caffeine, vì mục tiêu của họ (vận động viên nghiệp dư-ND) thường là muốn vượt qua chính mình chứ không phải là đánh bại đối thủ cụ thể khác. Vể bản chất, nó (dùng caffeine –ND) giống như là ta thu ngắn quãng đường đua lại. Vì vậy, dù có tất cả những nghiên cứu của mình, Graham không bao giờ sử dụng caffeine trong 20 năm tham gia chạy marathon.

About the Author Dzung Ng

>
91 Shares