Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang liên tục lan rộng, nhiều quốc gia phải hoãn hủy các sự kiện thể thao, thậm chí phong tỏa hoặc đóng cửa biên giới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách tự bảo vệ sao cho chạy bộ an toàn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả luyện tập của mình.

Lịch các giải chạy năm 2020 cập nhật mới nhất sau “cơn bão” virus Corona

1. Chạy bộ ngoài trời liệu có an toàn?

Chắc chắn rồi. Xỏ giầy ra ngoài chạy bộ với một vài người bạn, giữa thiên nhiên thoáng đãng sẽ an toàn hơn nhiều so với việc tụ tập trong phòng. Ở một không gian nhỏ, chỉ cần ai đó ho hay hắt hơi, virus – nếu có – sẽ theo những giọt nước li ti bám vào các vật dụng mà mọi người sẽ vô tình chạm phải và đưa lên mắt, mũi, miệng.

Tuy nhiên, hãy luôn cập nhật tình hình khu vực bạn đang ở. Nếu có người được phát hiện có nhiễm coronavirus, hoặc chinh quyền sở tại đang áp dụng lệnh hạn chế đi lại, thì bạn không nên ra ngoài.

Trường hợp nếu chinh bạn là người bị nhiễm virus, và đang trong thời gian cách ly, dĩ nhiên bạn sẽ không nên ra ngoài. Bạn vẫn có thể tự giữ cho mình khỏe mạnh bằng những bài thể dục trong nhà: nhảy dây, plank, hít đất… Nếu có thể, chạy bộ trên máy chạy trong nhà là một điều lý tưởng.

Cố gắng tìm nơi thoáng đãng, hoặc khung giờ vắng vẻ sẽ ít rủi ro hơn

2. Có cần phải tránh việc chạy theo nhóm?

Bạn không cần phải quá lo lắng khi chạy cùng bạn bè. Những người có triệu chứng sốt mệt, bản thân họ cũng chẳng có hứng thú đi chạy đâu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tự bảo vệ mình bằng việc giữ khoảng cách, và tránh các tiếp xúc không cần thiết, đập tay chẳng hạn.

Cuối cùng, hãy lưu ý rửa tay kỹ càng sau khi chạy về.

3. Các vật dụng nơi công cộng

Hoạt động ngoài trời, rất khó tránh việc phải chạm vào các vật dụng ở khu vực công cộng: máy bán nước tự động, cửa WC, nút bấm xin đường ở ngã tư… Thực tế là coronavirus hầu như không thể sống lâu bên ngoài dưới ánh mặt trời, nên bề mặt những nơi này không đáng lo ngại. Vấn đề ở chỗ, nếu có ai đó ho hoặc hắt hơi vào lòng bàn tay trước khi chạm vào các vật này, và bạn lại là người sử dụng ngay sau đó. Nếu bắt buộc phải chạm vào, hãy sử dụng găng tay (nếu có thể), tay áo hoặc khuỷu tay, và nhớ đừng đưa tay lên mặt.

Hãy cẩn trọng với những thứ dùng chung nơi công cộng

4. Coronavirus có lây qua đường mồ hôi hay không?

Bạn yên tâm. Coronavirus chỉ lây qua đường hô hấp trong một khoảng cách đủ gần (dưới 2m), không lây qua đường mồ hôi.

5. Nếu tôi không có biểu hiện triệu chứng, có nguy cơ lây không?

Câu hỏi có vẻ thừa. Nhưng đây lại chính là điểm nguy hiểm nhất, và dễ gây hiểu lầm nhất về coronavirus. Không ai có thể biết là mình đã bị nhiễm hay chưa, thậm chí ở những cơ thể khỏe mạnh, có thể bị nhiễm và tự khỏi trong một thời gian rất ngắn. Nhưng chính lúc ấy, bạn vẫn hoàn toàn có thể lây virus cho người khác. Vì vậy, bên cạnh bảo vệ bản thân, hãy có ý thức giữ cho người khác bằng việc luôn rửa tay sạch sẽ, và tránh tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt trên vùng mặt, nếu không thực sự cần thiết.

6. Hệ miễn dịch có yếu đi sau khi luyện tập vất vả cho cuộc đua marathon?

Khi “đốt” sạch lượng glycogen dự trữ sau một chặng đua, hệ miễn dịch của bạn sẽ không còn hoạt động tốt như bình thường. Nếu lúc này không may tiếp xúc với người có virus, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Ngoài ra, sự căng thẳng về cả thể chất lẫn tinh thần sau một quá trình luyện tập chăm chỉ, cũng là tác nhân làm gia tăng khả năng lây bệnh.

Lời khuyên cho thời điểm này là không nên luyện tập quá sức hoặc tham gia các cuộc đua “khô máu”. Duy trì các bài tập ở mức độ vừa phải, để đảm bảo mọi thứ được kiểm soát cho tới khi đại dịch qua đi. Nói cách khác, hãy nhắm tới mục tiêu dài hạn, thay vì quan tâm đến những thành tích ngắn hạn.

Xem thêm: Miễn Dịch Với Tất Cả

7. Tập trong phòng gym có an toàn không?

Không phải tự nhiên mà rất nhiều phòng tập đã tạm thời đóng cửa hoặc hạn chế việc luyện tập. Sử dụng chung dụng cụ máy móc trong một không gian kín, đưa tay quệt mồ hôi, chuyện trò trong khi nghĩ giữa các hiệp… là những rủi ro lớn cho lây nhiễm virus.

Nếu không có điều kiện luyện tập ngoài trời, thì thể dục tại nhà vẫn là lựa chọn tốt hơn cho thời điểm này, để giữ gìn cho bản thân và mọi người xung quanh.

8. Nếu giải chạy không bị hoãn hủy, tôi có nên tham gia?

Câu trả lời là: Không nên

Tôi biết, bạn cảm thấy rất tiếc cho những nỗ lực luyện tập chăm chỉ trong suốt nhiều tuần lễ. Tôi cũng vậy. Nhưng mục đích chính duy nhất bây giờ là phải an toàn, và tránh những nơi tụ tập đông người là việc cần thiết. Bạn nghĩ sao nếu sau khi chạy giải, bạn không may bị nhiễm virus và mang về “tặng” cho gia đình và người thân?

9. Nếu giải chạy bị hủy, nhưng vẫn có nhóm tập hợp nhau chạy vào dịp đó, có nên tham gia?

Bạn có thể sẽ nhận được những lời rủ rê tụ tập chạy riêng theo nhóm thay cho các giải bị hoãn hủy. Hãy cẩn trọng, đây chính là nguy cơ phát tán dịch bệnh nhanh nhất. Mặt khác, khi các hoạt động tụ tập đông người bị hạn chế, hẳn bạn không muốn bị vướng vào những rắc rối về pháp lý với chính quyền địa phương.

Mặc dù BTC Paris Marathon đã hoãn giải từ 5/4/2020 sang 18/10/2020, vẫn có một nhóm tập hợp để chạy cùng nhau. Đây chính là dịp dễ gây phát tán dịch bệnh nhanh nhất, khi rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau và cùng chạy.

10. Khạc nhổ trong khi chạy có nguy hiểm không?

Lây nhiễm Covid-19 qua con đường này là hoàn toàn có thể. Virus sẽ bám vào những giọt nước li ti khi ai đó ho hoặc hắt hơi. Và không may những giọt nước ấy đi vào miệng, mũi hoặc mắt những người gần đó. Đó là còn chưa kể đến đờm từ phổi hoặc vòm họng sau sẽ bám theo nước bọt khi văng bắn.

Ở những nơi đông người, như Công viên chẳng hạn, bạn nên tránh khung giờ đông đúc, và tránh chạy ngay phía sau người khác, đề phòng họ bất ngờ hắt hơi, ho hoặc khạc nhổ.

Mặc dù các chuyên gia chưa khẳng định về khả năng phát tán của coronavirus từ những bề mặt như quần áo, nhưng theo WHO khuyến cáo, chúng có thể tồn tại trên đó từ vài giờ đến vài tuần. Nếu quần áo bạn không may bị dây bẩn bởi khạc nhổ, cần tránh chạm tay vào đó, thay quần áo ngay khi có thể và rửa sạch tay ngay sau đó. Giặt nước nóng và sấy khô ở nhiệt độ cao để tẩy uế.

Lược dịch từ: https://www.runnersworld.com/news/a31439358/running-during-coronavirus/

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ có giá trị chính xác tại thời điểm đăng bài. Chay365 luôn cố gắng cập nhật nội dung nhất có thể, tuy nhiên tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất nhanh. Do vậy thông tin và hướng dẫn có thể thay đổi. Mọi người cần theo dõi sát các văn bản chính thức của cơ quan chức năng và chấp hành nhữnghướng dẫn chuyên môn của Bộ Y Tế. Xin vui lòng truy cập địa chỉ thông tin chính thức về dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y Tế ở đây: https://moh.gov.vn/web/dich-benh/huong-dan-chuyen-mon

About the Author Phụng Nguyễn

Admin nhóm chạy Công viên Thống Nhất TPR - PB: FM 3:12:01; Mục tiêu: FM 3:05

  • […] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]

  • […] Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch […]

  • […] Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch […]

  • […] Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch […]

  • […] Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch […]

  • […] Cách Chạy Bộ An Toàn Trong Mùa Dịch […]

  • […] Ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh như đợt dịch Covid-19, bạn cũng không phải ngừng hoàn toàn chạy bộ. Bạn vẫn có thể duy trì tập luyện, miễn là đảm bảo các quy tắc chạy bộ an toàn trong mùa dịch. […]

  • […] tiêu 1000 người chạy marathon dưới 4 giờ. Dù tình hình dịch bệnh khiến việc tập luyện và thi đấu bị cản […]

  • […] Chạy bộ an toàn trong mùa dịch […]

  • >
    334 Shares