Chạy bộ và vắc-xin COVID-19

Lịch sử hàng trăm năm nay đã chứng minh, vắc-xin (vaccine) là phương thức tốt nhất – nếu không muốn nói là duy nhất – giúp con người vượt qua các đại dịch bệnh truyền nhiễm. Chẳng sớm thì muộn, tất cả chúng ta sẽ tiêm vắc-xin COVID, hoặc bắt buộc phải tiêm, để cuộc sống trở lại bình thường như trước.

Khi càng nhiều người tiêm vắc-xin COVID, câu hỏi đặt ra là liệu những mũi tiêm này ảnh hưởng tới chạy bộ như thế nào?

Bài tổng hợp của Chay365 hy vọng giải đáp một phần thắc mắc của các bạn, những người đã tiêm hoặc sắp tiêm trong tương lai.

Vắc-xin là gì?

Khi một yếu tố lạ (gọi là kháng nguyên) xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ sinh ra tác nhân bảo vệ đặc hiệu (gọi là kháng thể). Đây là cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch.

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một (số) tác nhân gây bệnh. Nói cách dễ hiểu, tiêm chủng vắc-xin là đưa “hình nộm” quân địch vào cơ thể giúp huấn luyện “bộ đội miễn dịch” nhận diện và chuẩn bị đủ lực lượng, sẵn sàng ngăn chặn các cuộc xâm nhập “thật” trong tương lai.

Dù không thể đạt hiệu quả 100% trên từng người nhưng vắc-xin sẽ giúp nhanh chóng tạo ra “thành luỹ miễn dịch” bảo vệ cả cộng đồng rộng lớn.

Loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới là vắc-xin đậu mùa, do bác sĩ Edward Jenner phát minh năm 1796, qua đó giúp đẩy lùi đại dịch đậu mùa trên toàn thế giới. Ý tưởng thiên tài của bác sĩ Jenner (tạo hàng rào miễn dịch chủ động) được coi là đã cứu sống nhiều người hơn bất cứ một công trình nào khác trong lịch sử nhân loại.

Ca tiêm chủng vắc-xin đầu tiên trên thế giới (Ảnh: wikipedia)

Tập chạy bộ và hệ miễn dịch

Tập luyện thường xuyên, cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, giảm stress, đã được chứng minh có hiệu quả duy trì hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Hệ miễn dịch “khoẻ mạnh” là một hệ miễn dịch có thể sản sinh nhiều “bộ đội” khoẻ mạnh.  Các chuyên gia y tế khuyến cáo chúng ta vẫn nên tập luyện thể dục đều đặn trong giai đoạn dịch bệnh, dù có được tiêm vắc-xin COVID hay không. Tuy nhiên, người chạy bộ không nên tập quá sức, do tập luyện quá tải trong thời gian dài sẽ dẫn tới mất nước, giảm dưỡng chất cần thiết, và làm suy giảm hệ miễn dịch.

Bạn có đang tập chạy quá sức?

Chạy bộ và hiệu lực của vắc-xin

Chưa có bằng chứng cho thấy tập chạy ngay trước hoặc ngay sau khi tiêm có thể làm giảm hiệu lực vắc-xin. Một nghiên cứu cho thấy tập thể thao trong vòng 2-26 tiếng sau tiêm vắc-xin phòng cúm không ảnh hưởng tới hiệu lực vắc-xin cúm. Vì cơ chế của vắc-xin là kích thích cơ thể sinh ra hàng rào bảo vệ chủ động (kháng thể), hoạt động của nó không phụ thuộc vào sinh hoạt hay vận động của người được tiêm.

Anh TranXP, cái tên quen thuộc của cộng đồng chạy bộ, trở lại tập luyện sau tiêm vắc-xin 2 ngày (Ảnh: NVCC)

Có thể chạy bộ an toàn sau khi tiêm vắc-xin không

Việc tiêm vắc-xin không ảnh hưởng tới hệ hô hấp và tim mạch của bạn, vì thế bạn có thể chạy bộ một cách an toàn sau khi tiêm. Miễn là cơ thể bạn cảm thấy ổn.

Chạy bộ khi có các tác dụng phụ của vắc-xin

Vì là “hình nộm” gần giống thật, nên vắc-xin cũng ít nhiều gây các triệu chứng tương tự nhiễm cúm, như sốt, gai rét, đau mỏi người. Nếu bạn thấy mệt mỏi sau tiêm, tốt nhất là nghỉ ngơi vài ngày cho cơ thể hồi phục hoàn toàn. Cố tập luyện chỉ đem lại tác dụng ngược.

Bạn có thể đau vết tiêm (thường ở vai). Do đó cũng nên hạn chế tập chạy nếu bạn có thói quen di chuyển vùng vai nhiều trong lúc chạy bộ.

Chạy bộ khi đang dùng thuốc

Chạy bộ sau khi tiêm vắc-xin

Sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin được 2 tuần (thời gian đủ để cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động), nguy cơ nhiễm COVID của bạn giảm đi rất nhiều. Nhưng không đồng nghĩa bạn miễn nhiễm hoàn toàn với dịch bệnh. Vì thế vẫn cần lưu ý giãn cách xã hội và tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Chạy bộ an toàn trong mùa dịch

Các vấn đề khác về an toàn của vắc-xin

Những loại vắc-xin Pfizer, Moderna, Astra Zeneca nói chung đều rất an toàn, với xác suất biến cố nặng thấp tương đương xác suất đột tử khi chạy marathon.

Lấy ví dụ về biến cố huyết khối của vắc-xin Astra Zeneca. Theo báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association, AHA), biến cố tắc xoang tĩnh mạch não xuất hiện ở 62 ca trong số 25 triệu người châu Âu được tiêm vaccine Astra-Zeneca (tỉ lệ 2,5 phần triệu). Tỉ lệ này vô cùng thấp, chỉ bằng 1/10 biến cố tắc mạch nếu bị nhiễm COVID. Những người cơ địa tăng đông và suy giảm miễn dịch có nguy cơ tắc mạch cao hơn: phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, dùng thuốc tránh thai, điều trị hoá chất, nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, các bệnh nhân ung thư. Nếu được điều trị hợp lý, đa số hồi phục hoàn toàn.

Toàn văn bản hướng dẫn của AHA, gồm dịch tễ, yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị Huyết khối tĩnh mạch não sau tiêm vắc-xin, được đăng trên tạp chí Stroke (Đột quỵ) ngày 29/4/2021

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Hy vọng rằng Việt Nam sớm hoàn thành tiêm chủng vắc-xin để mọi người có tấm hộ chiếu dắt […]

  • >
    0 Shares