Có dễ ngừng tim khi chạy đua hay không?

Có dễ bị ngừng tim khi chạy đua hay không? Các nhà khoa học đã thu thập số liệu từ nhiều giải chạy bộ ở Mỹ trong giai đoạn 2000-2010. Kết quả được đăng trên tờ New England Journal of Medicine, tạp chí y khoa lâu đời nhất và uy tín số 1 thế giới.

Kết quả nghiên cứu đã trả lời một số câu hỏi cơ bản:

  • Tỉ lệ bị ngừng tim khi chạy đua (lúc runners đẩy cơ thể lên mức tới hạn) là bao nhiêu?
  • Trong số những người bị ngừng tim, bao nhiêu người được cứu sống?
  • Biến cố ngừng tim thường hay xảy ra ở đối tượng nào? Tại giai đoạn nào của cuộc đua?
  • Căn nguyên gây ngừng tim là gì? Nhóm căn nguyên nào thường cứu được, nhóm nào không cứu được?
Toàn văn bài báo, các kết quả, các phân tích dưới nhóm chi tiết, bàn luận và so sánh, được đăng tải trên tờ NEJM số tháng 1.2012. Mời các bạn quan tâm xem ở đây.

Kết quả

Một số kết quả nghiên cứu cơ bản như sau:

  • Thống kê 10,9 triệu người tham gia các giải chạy bộ ở Mỹ từ 1/2000 – 5/2010
  • Tỉ lệ ngừng tim: 59 ca ngừng tim (tỉ lệ 0,54/100 000)
  • Tuổi trung bình: 42±13
  • 86% là nam giới
  • Tỉ lệ ngừng tim cao hơn khi chạy đua FM (1,01/100 000) so với HM (0,27/100 000)
  • Trong 59 ca ngừng tim: 42 ca tử vong (71%)
  • Biến cố ngừng tim hay gặp ở cuối cuộc đua (1/4 cuối chặng đường)
  • Các nguyên nhân chính gây ngừng tim
    • (1) Nhồi máu cơ tim (thường được cứu sống)
    • (2) Bệnh cơ tim phì đại (thường tử vong)
  • Nhóm ngừng tim được cứu sống có thời gian tập chạy lâu hơn (20 năm so với 11 năm), và mileage mỗi tuần nhiều hơn (85 km/tuần so với 66 km/tuần) so với nhóm tử vong. Tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê

Các nguyên nhân gây tử vong khi chạy đua

Độ tuổi trung bình của nhóm ngừng tim được cứu sống là 53, so với nhóm tử vong là 34. Điều này có thể giải thích do nhóm tử vong phần lớn do nguyên nhân bẩm sinh (bệnh cơ tim phì đại có căn nguyên bất thường gen). Như vậy, đột tử trên đường chạy marathon lại hay gặp ở đối tượng trẻ tuổi.

Đáng lưu ý, khi so sánh nhóm ngưng tim được cứu sống và nhóm không kịp cứu (tử vong), thì những người sống sót được cấp cứu kịp thời hơn hẳn. Thời gian trung bình kể từ lúc có biến cố tới lúc được ép tim ở nhóm sống sót là 1,5  phút, so với 5,2 phút ở nhóm tử vong. Như vậy, kỹ năng ép tim là điều mỗi người chúng ta – bất kể có phải nhân viên y tế hay không – cần thành thạo. Vì chúng ta có thể cứu sống một mạng người.

So sánh các đặc điểm của nhóm ngừng tim được cứu sống và không được cứu sống

Bài học cho mỗi chúng ta

Vậy chúng ta rút ra những bài học gì?

  • Chạy đua marathon và bán marathon (đường road) có an toàn hay không: Có
  • Các ban tổ chức giải có cần sàng lọc bệnh tim ở người tham gia hay không: Không. Vì tỉ lệ bệnh quá thấp, sàng lọc toàn bộ là không hợp lý trên khía cạnh chi phí – hiệu quả
  • Những ai cần lưu ý đặc biệt: Những người bị bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy, HCM) là đối tượng nguy cơ cao nhất.
  • Để cấp cứu kịp thời những người ngừng tim, phải làm gì? Nếu muốn tăng xác suất cứu sống (ở Mỹ chỉ có 29%), các Ban tổ chức cần bố trí máy sốc điện phá rung và chuyên viên có kinh nghiệm, đảm bảo kịp thời ép tim và sốc điện trong vòng < 4 phút kể tử khi xảy ra sự cố. Tốt nhất là bố trí ở 1/4 cuối của chặng đua.

Thời điểm dễ xuất hiện biến cố

Những người có bệnh HCM thường có một số yếu tố gợi ý trước đó: tiền sử gia đình, đau tức ngực, giảm gắng sức, điện tim bất thường, siêu âm tim bất thường). Đó là những người nên đi khám chuyên khoa tim mạch và chống chỉ định chơi marathon.

Kiến thức và bằng chứng khoa học là hành trang cho chúng ta khi theo đuổi đam mê và chinh phục giới hạn bản thân, chứ không phải những niềm tin mơ hồ có thể dẫn tới sự phòng vệ quá đáng không cơ sở, hoặc thúc đẩy các hành vi liều lĩnh nguy hiểm.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]

  • […] Có dễ ngừng tim khi chạy đua hay không? […]

  • >
    0 Shares