Lắng nghe chưa đủ, hãy thăm hỏi cơ thể của bạn

Mỗi khi có một tai nạn nào đó trên đường chạy, câu đầu tiên mọi người thường chia sẻ là “Cần biết lắng nghe cơ thể”. Chúng ta biết rằng nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ không cao, chúng ta cũng biết các lý do có thể dẫn đến thỉu, ngất trong lúc chạy. Sự cố đau lòng liệu có phải do runner đã không lắng nghe cơ thể?

5 nguyên nhân gây chóng mặt khi chạy bộ

Tại sao người chạy bộ gục ngã trong và sau các cuộc đua?

Có dễ ngừng tim khi chạy đua hay không?

Đột tử khi chạy bộ

“Đau khổ là tự nguyện”

Bất kỳ ai chạy bộ cũng biết câu nói này của Haruki Murakami. Chỉ sau vài km chạy bộ, sự hưng phấn qua đi, cơ thể rất nhanh chóng gửi các tín hiệu – thường là tiêu cực – tới não bộ. Đầu gối mỏi, toàn thân trì trệ, đôi chân nặng nề, bụng nhói đau, tiết trời oi nóng,… quá nhiều lý do cơ thể bảo chúng ta cần dừng lại.

Chạy bộ luôn đòi hỏi nỗ lực vượt qua chính mình

Có bao nhiêu người chạy bộ sẵn sàng tuân theo ý muốn ấy của cơ thể, khi mà xét cho cùng, nó đi ngược lại giá trị nội tại của môn thể thao này? Tất nhiên sẽ có lúc chúng ta dừng lại, DNF. Nhưng cơ bản, mỗi runner đều học được cách chạy trong đau đớn, vượt qua cám dỗ để hoàn thành buổi tập. Kết thúc bài chạy, thứ làm cho người chạy bộ hài lòng nhất chính là cảm giác chiến thắng chính mình (chứ không phải những bài đăng facebook).

Chạy như elite: Đối diện cơn đau trên đường đua

Chạy trong cơn đau

Sự nỗ lực càng rõ ràng vào ngày chạy đua, thời điểm đòi hỏi ý chí của runner cao nhất. Nói như Meb, “không phải ngày mai, không phải tuần sau, mà ngay hôm nay, ngay lúc này”. Nếu từng chiến thắng bản thân nhiều lần trong các buổi chạy đơn độc, người chạy bộ hẳn muốn làm điều đó một lần nữa vào ngày thi đấu, giữa không khí ngập tràn hân hoan của giải chạy, nhất là sau khi đã dành ra nhiều tuần nhiều tháng luyện tập chăm chỉ.

Không dễ dàng ghi nhận và xử lý thông điệp của cơ thể

Những người từng đau khớp do bệnh Gout, hay đau bụng do trào ngược dạ dày, sẽ biết “tiền triệu”, hay dấu hiệu khởi phát, của các bệnh lý này, do họ đã trải nghiệm nhiều lần. VĐV gục ngã khi chạy bộ không có nhiều cơ hội như thế. “Ngừng tuần hoàn được cứu sống”, thuật ngữ chỉ các trường hợp được cấp cứu thành công, không phải là tình huống dễ xuất hiện, chưa nói đến lặp lại lần thứ 2.

Nguyên nhân hàng đầu gây đột tử trên đường chạy là rối loạn nhịp tim. Thông thường nạn nhân vẫn gần như hoàn toàn bình thường trước đó. 20 năm thực hành y khoa, tôi đã chứng kiến hàng trăm ca ngừng tim đột ngột, nói chung bệnh nhân không có triệu chứng khởi đầu, hoặc nếu có thì chỉ trong thời gian rất ngắn, vài giây cho tới vài phút trước biến cố. Rung thất – nguyên nhân hàng đầu gây ngừng tim, không ưu ái cho nạn nhân nhiều thời giờ cảm nhận như các chấn thương hệ cơ xương khớp như ITBS hay viêm cân gan chân.

Phân biệt Đau hay Chấn thương

Ngưng tim khi chạy đua

Ngưng tim khi chạy đua

Vào ngày chạy giải, liệu runner có đủ tỉnh táo để nhận ra các thông điệp mờ nhạt mà cơ thể gửi đi? Nếu nhận ra, liệu họ có ý thức được rằng đó là những thông điệp vô cùng nghiêm trọng, đơn giản bởi họ chưa trải nghiệm bao giờ. Ngay cả khi cảm thấy cực kỳ bất ổn, họ có kịp dừng lại trước khi mọi sự quá muộn?

Lắng nghe cơ thể vào lúc nào?

Bài viết này không cổ vũ chúng ta chạy bộ và chạy đua all-out, bất chấp mọi tín hiệu cơ thể. Nhưng rõ ràng não bộ của chúng ta hoạt động thông suốt nhất vào thời điểm cơ thể nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang gắng sức tối đa với tần số tim ở zone 4, zone 5.

Không dễ dàng “lắng nghe cơ thể” khi đang tập trung cho chạy bộ

Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Châu Âu, mỗi người chơi thể thao bất kể chuyên nghiệp hay phong trào, cần tự tìm hiểu tiền sử gia đình mình có ai từng gặp biến cố tim mạch khi trẻ hay không? Có dấu hiệu gì gợi ý những người thân trực hệ từng có bệnh lý tim mạch do di truyền không? Có ai từng bị thỉu, ngất, hay phải cấy ghép thiết bị bảo vệ tim mạch không?

Khai thác tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch hay không

Bước tiếp theo là tự hỏi bản thân đã từng xuất hiện các triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch hay chưa? Các triệu chứng ở đây bao gồm: thỉu, ngất, hoa mắt chóng mặt, đau ngực, tức hay nặng ngực, khó thở, hụt hơi, hồi hộp đánh trống ngực (cảm giác tim đập loạn xạ). Các triệu chứng này xuất hiện khi nghỉ ngơi, trong lúc tập thể thao, hay sau khi tập thể thao.

Khai thác các triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch

Nếu tiền sử bản thân và gia đình có nghi ngờ bệnh tim mạch, bạn cần đến khám bác sĩ để được khám lâm sàng và làm các thăm dò cận lâm sàng phù hợp. Hiện nay có nhiều công cụ thăm dò và chẩn đoán, như điện tâm đồ, siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ tim, thăm dò điện sinh lý tim. Chỉ định thường quy tất cả những thăm dò này cho mọi người chạy bộ sẽ là một sự lãng phí nguồn lực khổng lồ. Vì thế, thầy thuốc chuyên khoa cần đánh giá kỹ để lựa chọn từng đối tượng phù hợp.

Các bước sàng lọc bệnh tim mạch ở người tập thể thao, tuỳ theo phân tầng nguy cơ tim mạch dựa trên hỏi bệnh và khai thác tiền sử. Nguồn: Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu

Ngoài triệu chứng tim mạch, tiền sử gặp các vấn đề về rối loạn thân nhiệt, rối loạn điện giải, rối loạn chức năng hô hấp,… cũng cần được lưu ý kỹ. Do đây là những vấn đề liên quan tới tiền sử bản thân, ngay cả khi đến khám bác sĩ, bác sĩ cũng không thể phát hiện được nếu bạn không mô tả chúng. Chúng ta biết rằng những người từng bị sốc nhiệt sẽ có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn, vì thế sự thận trọng cần tăng lên gấp đôi – ngay từ thời điểm chưa xỏ giày ra đường chạy.

Xem thêm: Phòng ngừa sốc nhiệt do gắng sức

Cuối cùng, ngay trước khi bắt đầu buổi tập hay thi đấu, tự hỏi cảm giác bản thân cũng rất quan trọng. Khi ấy, có thể cơ thể đã gửi đi những tín hiệu không tốt, bạn cần xử lý để quyết định một cách bình tĩnh và sáng suốt.

Một ví dụ là tình trạng viêm cơ tim do virus. Như mọi trường hợp nhiễm virus khác (nhiễm Covid chẳng hạn), viêm cơ tim có thể tự khỏi hoàn toàn không để lại di chứng trong vài ngày. Nhưng nếu gắng sức thể lực trong giai đoạn đang viêm, cơ tim có thể bị tổn thương và kích thích các rối loạn nhịp. Triệu chứng của viêm cơ tim đa phần rất mơ hồ, chỉ là sốt nhẹ hay đau mỏi người mà thôi. Khi ấy, dừng lại trước khi bắt đầu là giải pháp hợp lý nhất.

Các thể lâm sàng của viêm cơ tim. (A) Tiến triển âm thầm không triệu chứng, nhưng chức năng tim giảm dần. (B) Tiến triển nhanh kèm theo triệu chứng lâm sàng, nhưng khỏi hoàn toàn và không ảnh hưởng chức năng tim. Tuy nhiên trong giai đoạn cấp nếu gắng sức thể lực có thể kích hoạt một số rối loạn nhịp nguy hiểm. (C) Viêm cơ tim thể nặng, biểu hiện lâm sàng rậm rộ, chức năng tim giảm nhanh cần biện pháp hỗ trợ tích cực (VD: viêm cơ tim ở bệnh nhân COVID cần máy ECMO)

Kết luận

Chạy bộ nói chung là môn thể thao an toàn, tuy nhiên các biến cố vẫn có thể xảy ra. “Lắng nghe cơ thể” là lắng nghe và cân nhắc đầy đủ trước ngày thi đấu, trước lúc bắt đầu tập luyện. Điều này đòi hỏi sự đánh giá và nhìn nhận nghiêm túc từ phía bản thân người chạy bộ, có thể khám bác sĩ chuyên khoa nếu cần. Mục đích cuối cùng là đảm bảo bạn vẫn có thể theo đuổi đam mê, chạy bộ một cách vui vẻ, hiệu quả, và an toàn.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares