Chạy trong cơn đau

CHẠY TRONG CƠN ĐAU

Bruce Vu

Đối với những dân chạy bộ chuyên cự ly dài thì chuyện đau đớn là điều mà họ thường xuyên phải trải nghiệm, nhất là ở một giải đua. Những ai có sức chịu đựng cao, có đủ tâm lý chế ngự cơn đau của thể xác và tinh thần, không biết bỏ cuộc, biết chấp nhận đau đớn sẽ là những kẻ hoàn thành cuộc đua với kết quả như mong muốn.

Luyện tập đều đặn với cường độ cao sẽ giúp cơ thể làm quen với đau đớn ở bài chạy dài, tempo và tốc độ và để chuẩn bị thật tốt cho giải đua marathon với hy vọng rằng tất cả khó khăn sẽ được khắc phục. Nhưng rồi, không sớm thì muộn, tất cả các VĐV cũng âm thầm rơi vào tình huống khi thể lực cạn kiệt và lúc đó cổ máy thật sự của runner mới xuất hiện – đó là tinh thần! Câu hỏi được đặt ra là “Bạn nghĩ gì khi phải đối diện với giai đoạn gay go nhất ở giải đua? Bạn đã áp dụng kỹ năng tâm lý gì để vượt qua đớn đau?”

Theo các cuộc khảo cứu về đề tài này thì hầu hết các VĐV phối hợp những suy nghĩ liên đới (nội tâm) và phân tán (ngoại cảnh). Những phân tán như ngắm cảnh, hát thầm ít được dùng hơn và nếu có dùng thì chỉ là ở giữa cuộc đua, nhưng dù sao thì cũng phải công nhận là phương pháp phân tán giúp giữ pace hay hoàn tất cuộc đua không được như mong muốn. VĐV marathon nổi tiếng người Nhật Sachiko Yamashita cho biết là cô ta nghĩ về âm nhạc hay ăn món gì sau cuộc đua nếu cô ta bị rớt pace, và đó là những điều mà cô không bao giờ nghĩ đến nếu cô chạy tốt. Khi phải đối diện với khó khăn, như ở 10km cuối, những khó khăn sẽ cố định thuộc về nội tâm.

Đa số nghĩ về cuộc đua thành từng giai đoạn ngắn hơn, càng khó thì càng phải chia ra nhiều đoạn ngắn hơn và dễ đạt hơn.

Nhiều người tìm được sức mạnh ở những điều thiêng liêng, có kẻ thì dựa vào tình đồng đội, có người thì do tính kiên trì, nói chung theo khái niệm của người Nhật, để vượt qua đau đớn thì cần có lòng tự trọng và danh dự. Sự bền bì tâm trí của người Nhật dựa theo quan điểm: gục ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần. Runner Nhật đánh giá sức mạnh của runner Châu Phi đến từ tôn giáo, và vì không có điều đó cho nên người Nhật phải dựa vào sức mạnh không bao giờ bỏ cuộc, luyện tập miệt mài và không bao giờ than thở.

VĐV người Romani Lidia Simon (hạng 8 marathon thế vận hội 2008 với thành tích 2:27) dùng câu thần chú nhiều sức mạnh đó là “Mama” bởi vì mẹ cô là niềm động lực khiến cô có thể làm bất cứ điều gì.

Tưởng tượng trong đầu hình ảnh mình băng ngang vạch đích một cách nhẹ nhàng là chiến thuật của Yamashita, trong khi Hendrick Ramaala, Paul Tergat và Simon dùng những câu thần chú như “chiến đấu” và “quyết chiến” khi trực diện với cơn đau và những miles dài trước mắt. Ryan Hall và Bill Rodgers thì nghĩ là nên chạy dễ dàng. Haile Gebrselassie thì cho rằng chúng ta phải chấp nhận cơn đau từ cuộc đua marathon thay vì chống chọi lại nó.

Chúng ta hãy nghe các runners nổi tiếng chiến đấu lại cơn đau như thế nào…

KARA GOUCHER:

Kỷ lục 10K (30:55), 10 miles (53:16) và marathon (2:25:53), và đường đến vinh quang của Kara cũng không thiếu chông gai.
“Tôi ráng nghĩ đến những điều tích cực – những điểm tối ưu của dáng chạy, cách đánh tay, hơi thở, khán giả cổ vũ nhiệt tình. Bác sĩ tâm lý thể thao của tôi dạy cho tôi cả triệu điều khiến mình không thể tiếp tục chạy, nhưng nếu bạn tìm được điều giúp mình vượt qua, thì là điều vô giá.”

Tôi chia ra đường chạy làm bốn phần và tập trung vào phần cuối. Tôi dùng những ngôn từ sức mạnh để tập trung. Nếu tôi phải đấu tranh bản thân, tôi sẽ chia ra – một vòng nữa, một mile nữa, từng khúc tôi biết tôi sẽ làm được.

Tôi nghĩ rằng nếu bạn không thử nghiệm mọi tình huống: pace, cự ly, thử thách tâm lý, bạn không biết điều gì sẽ xảy ra ở giải đua.

Những giải đua tốt nhất của tôi là khi tôi quyết định ngay từ đầu, tôi có mặt ở đây, tôi sẽ chiến đấu đến khô máu!

Đã là VĐV đường trường thì bạn phải biết đối phó với cơn đau. Nếu bạn không chế ngự được cơn đau, bạn không nên trở thành một runner đường trường.

BILL RODGERS:

VĐV này thắng 27 trong 30 giải đua anh đăng ký tham gia năm 1978. Bất kể mức độ luyện tập và thi đấu rất cao, Rodgers vẫn cảm thấy mình là một “part-time runner”. Lúc đó ông chạy trung bình 140 miles (225 km) mỗi tuần, thế mà ông lại thiếu tập trung và tự tin. Các yếu tố đó cũng không ngăn cản được thành tích ấn tượng là 2:09:27 chạy marathon và 28 lần chạy dưới 2:15.

“Tôi chủ yếu tập trung vào những chuyện giúp tôi thắng giải, những chuyện như ‘giữ vững pace’ hay ‘duy trì dáng chạy.’ Tôi cố gắng luyện tập hiệu quả hơn để tránh mệt mỏi bởi vì khi bạn càng chạy thoải mái lâu hơn thì khi ra thi đấu bạn sẽ thấy dễ dàng hơn, và càng thi đấu nhiều hơn thì càng dễ tập trung bất kể mệt mỏi.

Tôi chạy giải marathon ở Stockholm với Dick Beardsley và tôi đọc những câu thần chú như ‘pace tuyệt vời,’ ‘chúng ta mạnh mẽ,’ và ‘sắp bắt kịp mấy đối thủ trước mắt rồi.’ Tình bạn của chạy bộ tiềm ẩn nhiều sức mạnh.

Tôi chạy quá nhiều, tham gia giải đấu quá thường xuyên và tôi không có tự tin với chế độ luyện tập của mình. Tôi nhiều khi thiếu chuẩn bị. Gebrselassie, Salazar và Shorter luyện tập thông minh và rất cẩn thận không thi đấu quá nhiều. Điều này giúp họ có lợi điểm tâm lý bởi vì họ tự tin về thể trạng của họ. Thông thường thì bạn sẽ dễ bị tổn thương tâm lý và thể lực do thi đấu quá nhiều. Ngược lại, tôi ở vạch xuất phát ở Fukuoka và tự nhủ mình phải thắng và tôi đã thắng. Để đạt được trình độ cao nhất của sức chịu đựng con người, VĐV cần phải tránh chấn thương và có tự tin.

Ở giải Boston năm 1978 tôi thắng Jeff Wells 2 giây khi bạn ấy gỡ lại 30 hay 40 giây ở mile cuối cùng. Jeff có lẽ đã thắng tôi nếu cuộc đua kéo dài thêm 50 mét nữa. Ở 800 mét cuối thật gay go. Tôi thật sự không suy nghĩ gì hết, chỉ muốn thi đấu tốt nhất, quay lại nhìn và tính toán còn phải chạy bao xa.

HLV của tôi đã không hò hét, la lối. Ông ta tự tin tôi là runner giỏi, mặc dù ông lúc nào cũng nói với bố mẹ tôi không nên hy vọng nhiều. Nhiều runner sinh ra với niềm tự tin, còn tôi niềm tin hầu hết đến từ HLV.”

LORRAINE MOLLER:

VĐV người Tân Tây Lan với 28 năm kinh nghiệm chạy bộ và 16 lần đoạt chức vô địch ở các giải marathon lớn, PR marathon của cô là 2:28:17.

“Tôi không bao giờ nghĩ cơn đau là cái gì ghê gớm lắm. Đau là dấu hiệu nguy hiểm và tôi chú ý đến nó, do đó tránh được chấn thương.

Tôi không thích dùng từ ‘đau’ để diễn tả chạy bộ. Đau là một khái niệm hoàn toàn khác biệt với ngoài vùng thoải mái – điều mà các runner đỉnh cao thưởng thức và đó cũng là yếu tố phân biệt họ với những ai thiếu tính cạnh tranh trong thi đấu.

Tôi bỏ ra nhiều thời gian lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc cần phải làm để chống lại sự tự hủy hoại hơn là lên kế hoạch với chiến thuật chống lại đối thủ. Cuối cùng thì đối thủ duy nhất chính là cá nhân tôi.

Trong luyện tập, tôi thực hiện những bài chạy đạt ngưỡng threshold với công cụ đo nhịp tim, có lần tôi đã chạy đến mức tối đa. Tôi sẽ dọ thám xem chỗ nào trên cơ thể dễ bị căng thẳng và tìm xem có cách nào thư giản nó. Thông thường tôi có thể tăng pace chừng vài giây mà không phải tăng nhịp tim. Chúng ta thường nghĩ rằng chạy nhanh hơn đòi hỏi nhiều nổ lực hơn. Mục tiêu của tôi là chạy nhanh hơn với ít nổ lực hơn.

Tôi áp dụng rất nhiều chiến thuật tâm lý, nhiều trò chơi trí não, như mặc cả với bản thân – ráng chạy 10 cột đèn nữa rồi xem cảm giác ra sao, hay là xé cự ly đua ra từng phần nhỏ và dễ chinh phục được.

Suy nghĩ trong tâm trí lập tức phản ánh trong cơ thể, và vì tâm thức chỉ có thể đón nhận mỗi lúc một suy nghĩ, tôi cố gắng tạo ra một suy nghĩ thật tích cực. Ở cuộc đua thế vận Barcelona [mang lại huy chương đồng] tôi chạm tới điểm muốn rơi khỏi tốp đầu. Một suy nghĩ tiêu cực xuất hiện. Thay vì vậy, tôi vượt lên trên mọi người, mặc dù chỉ dẫn đầu vài bước, nhưng tôi suy nghĩ ‘Kìa, rõ ràng mình đang thắng cuộc.’ Lập tức tôi thấy khỏe hẵn và đã thành công bám theo tốp đầu.

Tôi có một bài hát mà tôi thường tự hát cho mình nghe, bài nhạc mang tên ‘Nếu bạn hạnh phúc và bạn biết vậy.’ Lời bài nhạc như sau:

Tôi giỏi nhất thế giới và tôi biết vậy, tôi nhanh nhất thế giới và tôi sẽ chứng minh. Tôi nhanh nhất và khỏe nhất và kéo dài lâu nhất, tôi giỏi nhất thế giới và tôi biết vậy.

Tôi lớn lên từ nền văn hóa ngoài trời, và hồi bé tôi cũng mạo hiểm những trò chơi liều lĩnh. Tôi nghĩ là liều lĩnh chấp nhận rủi ro và đi xa hơn điều mà bạn nghĩ bạn làm được chính là nghị lực của con người. Chạy bộ là cách an toàn để đạt được điều đó.

HENDRICK RAMAALA

VĐV Gốc Nam Phi không cần HLV này có bằng luật sư, nổi tiếng ở giải New York City Marathon năm 2005 với nổ lực chạy 4 phút 22 giây ở mile thứ 16, tiếp theo là cuộc đọ sức với Paul Tergat ở mile cuối cùng. Tergat thắng dưới một giây. Ramaala phát biểu là anh không thích thua, và Tergat còn tệ hơn khi thua cuộc.

Mỗi ngày tôi luyện tập tâm lý và thể lực để hạ cơn đau. Kẻ thắng được cơn đau và chuẩn bị tốt là kẻ sẽ thắng cuộc. Ở giải đua lớn, tất cả runners đều chuẩn bị thể lực kỹ lưỡng. Cuối cùng sức mạnh tâm lý là điều quyết định. Cơn đau không giết ai được; người thắng cuộc là người kháng cự lại cơn đau và vượt qua được.

Những giải đua lớn phấn khích tôi hơn. Không khí sôi nổi, bạn bè người thân muốn bạn thi đấu tốt, giải thưởng rất lớn và bạn đang có nhiều động lực. Thắng những giải đua này sẽ thay đổi cuộc đời bạn, bạn sẽ trở thành nổi tiếng. Bạn hãy hình dung mình chiến thắng, bạn có đủ niềm tin mình sẽ thắng.

Thử thách gay go hơn và tốt hơn, khi mọi người sẽ bị đau đớn. Tôi thích khởi đầu nước cờ và đẩy cao pace. Tôi thích được dẫn đẩu. Tôi muốn bỏ rơi tất cả lại phía sau, vì thế khi thấy họ phải chống chọi lại cơn đau, tôi sẽ dập mạnh búa: càng nhiều lửa, càng đau!

Khi tôi chiến thắng, tôi cảm thấy sung sướng. Khi tôi bị hạ, tôi cảm thấy mệt mỏi và mặc cả với bản thân chạy đại cho xong.

Đôi khi do may mắn và định mệnh. Bạn tin mình sẽ thắng nhưng chiến thắng lại thuộc về kẻ khác, có lẽ do định mệnh đã an bài.

Một khi tâm trí chấp nhận điều gì, cơ thể sẽ phản ứng.

Là một người Phi châu, tôi chứng kiến cuộc vật lộn của đa số dân tộc tôi để tồn tại trong đời sống hàng ngày. Đau đớn chạy bộ không phải là cơn đau lớn nhất; đói khát, bệnh tật, tra tấn, v.v. mới đáng kể. Tôi rất may mắn. Tôi thỏa mãn sau một bài chạy khó khăn. Cơn đau chạy bộ dễ chấp nhận.”

BOB KEMPAINEN

Là chuyên gia về phổi ở trung tâm y khoa đại học Minnesota, từng chạy marathon với thành tích kỷ lục thứ tám của Mỹ là 2:08:47, khi tham gia vòng tuyển của Olympic marathon năm 1996 Bob đã nôn mửa sáu lần những vẫn thắng giải đua lần đó.

“Adrenaline cũng như háo hức chờ đợi dẫn đến giải đua sẽ khiến bạn sẵn sàng chịu đựng những điều khó chịu.

Tập trung của tôi chắc chắn là hướng nội. Tôi chạy 20 miles đầu của cuộc đua marathon một cách máy móc, và 10K cuối cùng tôi sẽ chạy nhanh hết sức. Tôi cố gắng đến thật gần với giới hạn tối đa mà không phải giảm tốc.

Tôi tận dụng từng giọt năng lượng tâm lý để tiến về phía trước. Tôi nghĩ rằng nếu tôi hình dung hay tĩnh tọa, nó sẽ lấy mất năng lượng và làm cho tôi chậm lại. Tôi quá mệt để tính thời gian splits. Tôi quá mệt để bấm đồng hồ đo thời gian.

Tôi không có khả năng bức tốc về đích, đôi chân tôi không có tốc độ cao, vì thế tôi sẽ nâng cao tốc độ ở 800m hoặc 2400m trước khi về đích và bung hết sức với khả năng cho phép. Ở 10K cuối tôi luôn nghĩ làm sao dưỡng sức để bung lụa.

Tôi tự đặt tiêu chuẩn cho mình – Hãy chạy 400m và xem cảm giác thế nào. Chạy đến mile kế tiếp, bỏ rơi ai đó hay bắt kịp ai đó cũng làm cho tôi hăng hái về mặt tâm lý.

Tôi không biết làm sao người ta có thể chạy bốn cái marathon trong một năm. Tôi bị cạn kiệt về thể xác lẫn tinh thần. Tôi không thể nào có một giải đua tốt sau một giải đua tốt. Tôi có khả năng thi đấu hết mình, nhưng không thể làm được vậy thường xuyên.”

RYAN HALL:

Từ thời trung học đã nổi bật sẽ là một hiện tượng của chạy việt dã Hoa Kỳ, Ryan Hall đã đạt thành tích marathon nhanh thứ hai của Mỹ, 2:06:17.

“Tôi nghĩ đến Chúa Jesus trên thập tự giá. Tôi nghĩ về vợ tôi. Tôi nghĩ về gia đình tôi đang ở nhà xem tôi thi đấu. Đôi khi tôi chả nghĩ gì hết cả. Tôi thấy cách tốt nhất để chế ngự cơn đau là đừng có một công thức gì hết bởi vì mỗi giải pháp chỉ hiệu quả ở mỗi thời điểm khác nhau. Điều quan trọng là những suy nghĩ tích cực.

Tôi chưa tìm thấy trò gì hiệu quả cho tôi. Tôi biết Paula Radcliffe thích đếm và tôi cũng thử nhưng nó không có kết quả đối với tôi. Tôi thích hòa mình với chung quanh. Ở London tôi quan sát những địa danh lý thú chúng tôi chạy qua, và ở Boston, tôi chạy thật gần đến những cô gái reo hò cổ vủ ở Wellesley. Khi tôi tham gia vòng tuyển ở thành phố New York, tôi nhìn vào mắt khán giả để lấy năng lượng từ họ.

Tôi không bao giờ thử nghiệm điều gì ở giải đua, thể xác hay tinh thần, mà tôi chưa hề thử qua khi luyện tập. Tốt nhất là bước vào cuộc đua với ý nghĩ là tôi chỉ lập lại những chuyện tôi đã thực hiện trong luyện tập.

Thành tích tốt nhất của tôi không phải vì tôi khắc phục nhiều cơn đau hơn mọi khi, thành tích nó đến dễ dàng. Tôi nghĩ là bạn thấy điều này xảy ra nhiều trong thể thao. Có kẻ thì đổ nhào ở vạch đích, trong khi đó kẻ thắng giải thì băng qua đích và còn chạy thêm một vòng ăn mừng chiến thắng. Tôi muốn làm việc với bản thân thay vì cố hạ gục nó.

Khi mới lớn tôi đã biết làm quen với những công việc lao động chân tay và tôi phải học cách đối phó với việc khó khăn. Khi tôi bắt đầu chạy bộ, việc thúc đẩy để chạy nhanh đến với tôi một cách tự nhiên. Chế ngự cơn đau cũng như mọi việc khác trên đời – càng làm nhiều thì bạn càng trở nên giỏi hơn.”

Chúc bạn chế ngự được đớn đau chạy bộ!

Bruce Vu
San Jose, CA
10/6/2017

About the Author chay365

follow me on:
  • […] cuối cùng của một cuộc thi marathon?” Nâng cao sức mạnh tinh thần của bạn cũng quan trọng như nâng cao sức mạnh […]

  • […] bạn phải học được cách chạy nhanh ngay cả khi toàn thân đau đớn, đôi chân đã tê mỏi, lượng […]

  • […] muộn và lo lắng, giúp bạn đối phó với những cơn đau đớn – thứ mà nhiều người chạy bộ phải […]

  • Runner says:

    Thank anh Vũ, chạy bằng ý chí thật khó nhưng trái thật ngọt

  • >
    97 Shares