Nguy Cơ Tim Mạch Trên Đường Chạy Bộ

BS Đinh Huỳnh Linh

Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam

Trong giải London marathon vừa rồi, anh David Seath, một sỹ quan quân đội, đã gục xuống khi còn cách đích 5 km, sau đó tử vong mặc dù được cấp cứu rất kịp thời.

Cách đây không lâu, ở Mỹ cũng ghi nhận một trường hợp cô bé 16 tuổi tử vong sau khi hoàn thành cự ly half marathon.

Còn vài tai nạn thương tâm và đau lòng trên đường chạy bộ nữa. Phần lớn đều gặp ở người trẻ tuổi.

Điều này khiến người chạy bộ đường dài không khỏi lo lắng: liệu một tình huống tương tự có thể xảy đến với mình hay không? Có cần phải tầm soát nguy cơ hay không? Hay tốt nhất là xa rời chạy bộ – môn thể thao “nguy hiểm? “Có kiêng có lành!!!”

Trong bất cứ vấn đề nào (sức khoẻ, thể thao, cá chết,…) luôn cần cái nhìn khoa học khách quan, thay vì thưởng thức những niềm tin mơ hồ, nghe theo những đồn thổi vô căn cứ.

Trước hết, phải nói rằng xác suất đột tử trên đường chạy cực kỳ thấp. Mỗi ngày, trên thế giới có hàng trăm, hàng ngàn giải chạy bộ. Mỗi giải chạy lại có hàng trăm, hàng nghìn, hay cả chục nghìn người tham gia. So với toàn bộ số người chạy giải, vài ca đột tử lẻ tẻ chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ.

Sở dĩ chúng ta sợ hãi, vì ngoài hậu quả khủng khiếp của hiện tượng này, còn do một thứ gọi là “thiên kiến khẳng định” (confirmation bias) – chúng ta chỉ nhìn vào các bằng chứng “khẳng định” mà không biết gì về bằng chứng “phủ định”. Có nhiều ví dụ confirmation bias, nhất là trong xã hội Việt Nam.

Với tất cả sự tôn trọng và cảm thông dành cho các bệnh nhân, tôi chỉ xin lấy ví dụ sau: dùng thuốc Nam thuốc Bắc mà chữa được bệnh ung thư thì trong làng ngoài xóm trên Facebook đều biết; còn đa phần những trường hợp uống lá lẩu đủ loại không khỏi bệnh, thậm chí nhiễm độc gan thận, rối loạn nhịp tim, suy đa phủ tạng, tử vong nhanh hơn, thì mọi người chỉ biết ngậm ngùi “bệnh nan y”.

Ngoài ra, những huyền thoại “thuốc Nam chữa khỏi bệnh ung thư” phần lớn đều chỉ được truyền miệng, thiếu hẳn các nghiên cứu y khoa, như chẩn đoán bệnh là gì, phân loại giai đoạn bệnh, hoạt chất nào trong thảo dược có tác dụng dược lý, có so sánh với giả dược (placebo) không, có bằng chứng mô học bệnh học tế bào K đã biến mất hoàn toàn hay không?

Hỏi tôi có tin thuốc Nam chữa được ung thư hay không cũng không khác gì hỏi “Đi cúng có đỗ đại học được không?” – chẳng biết trả lời thế nào, vì bây giờ nhiều sĩ tử vừa ôn thi vừa cúng bái và xoa đầu rùa cũng đậu đại học thật.

Quay về với câu chuyện đột tử trên đường chạy bộ. Tạm định nghĩa đột tử là tử vong chưa rõ căn nguyên trong vòng 60 phút kể từ khi xuất hiện triệu chứng. 90% các ca đột tử là do nguyên nhân tim mạch, nếu đột tử ở lứa tuổi trẻ < 40 thì 99% là bệnh tim.

Căn nguyên ở đây có thể là bệnh tim mạch bẩm sinh hoặc mắc phải. Các bệnh tim bẩm sinh đáng ngại bao gồm: hội chứng QT kéo dài, hội chứng Marfan, hội chứng Brugada, bệnh cơ tim phì đại, bất thường động mạch vành, còn tồn tại luồng thông trong tim, các cơn nhịp tim nhanh kịch phát…

Các bệnh lý tim mạch mắc phải có thể gồm: tiền sử viêm cơ tim gây bệnh cơ tim hay rối loạn nhịp, bệnh cơ tim giãn do rượu, co thắt mạch vành do sử dụng cocaine, rối loạn nhịp tim do dùng thuốc.

12593848_216515542039196_5890998228129246143_o

Trong các môn thể thao thì chạy bộ đường dài – nhất là khi race nhịp tim lên zone 4,5 – có cường độ vận động thuộc loại cao nhất. Mất nước, rối loạn điện giải, say nóng, sự gắng sức quá mức, có thể đóng vai trò khởi phát quá trình bệnh lý. Dân chạy bộ lo sợ cũng có lý nhưng cần thận trọng với các nguồn thông tin, tránh sự hoang mang không cần thiết.

Có cần thiết tiến hành thường quy các thăm dò chức năng tim mạch để tầm soát nguy cơ trước khi chơi thể thao hay không? Câu trả lời chính thức của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association, AHA) là không. Tuy nhiên, có thể cần khai thác tiền sử, hỏi bệnh, và khám lâm sàng với những đối tượng nguy cơ cao.

Theo tôi, người chạy bộ có thể yên tâm tập luyện nếu thoả mãn TẤT CẢ các yếu tố dưới đây:

  • KHÔNG có tiền sử đau ngực, khó thở
  • KHÔNG có tiền sử cảm giác hẫng hụt ở ngực hay tim đập rối loạn không đều
  • KHÔNG có tiền sử mệt thỉu, thoáng ngất (giận bố mẹ, giận người yêu mà “ngất lịm” vài chục phút thì không tính nhé)
  • Trong gia đình KHÔNG có ai tiền sử bệnh tim từ lúc trẻ, hoặc đột tử khi trẻ (trẻ tạm tính là < 40 tuổi)
  • Theo dõi điện tâm đồ liên tục 24h (Holter điện tâm đồ) KHÔNG có đoạn ngưng xoang dài, và KHÔNG có rối loạn nhịp tim nặng
  • Số đo huyết áp KHÔNG vượt quá 140/90 mmHg
  • Siêu âm tim kết luận BÌNH THƯỜNG

Nếu ít nhất 1 câu ý trên là CÓ, cần đến khám chuyên khoa tim mạch nghiêm túc và kỹ càng.

Nói thêm về kết quả siêu âm tim. Bác sỹ có thể kết luận bạn bị hở van hai lá nhẹ, hoặc hở van ba lá nhẹ. Điều này hoàn toàn bình thường. Van tim của bạn hoạt động đóng-mở như một cánh cửa, dù đóng khít thế nào thì vẫn còn những khe hở nhỏ nhất. Các thế hệ máy siêu âm tim ngày nay đủ tân tiến để phát hiện dòng máu chảy qua những khe hở nhỏ ấy. Tim của tôi và 99% những người khác cũng bị hở van ba lá nhẹ, chắc chắn như thế. Do đó, bạn đứng quá bận tâm.

Đôi khi sau khi chạy dài (nhất là chạy ở ngưỡng lactat), bạn có thể hụt hơi hay chóng mặt đôi chút. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, toàn bộ cơ thể bạn đang trong trạng thái “nợ oxy”, và phải sử dụng năng lượng chuyển hoá yếm khí để vận cơ. Bạn chỉ cần bình tĩnh hít thở sâu vài phút là mọi việc trở lại bình thường.

Ngoài ra, những người tập thể thao đều đặn còn có thể gặp “hội chứng tim vận động viên”, biểu hiện là nhịp tim chậm hơn bình thường, và siêu âm có hình ảnh tim to. Đây cũng là một biến đổi sinh lý không có gì đáng ngại, nhất là khi bạn không biểu hiện triệu chứng và kết quả siêu âm hay điện tim không cho thấy bất thường gì khác.

Nếu bạn cần một bằng chứng khẳng định về việc chạy bộ ở người có bệnh tim, hãy nhìn “nữ hoàng chân đất” Nguyễn Thị Bình, quán quân đường chạy marathon ở Sea Games 2013. Cô bị bệnh thông liên nhĩ, đã được làm thủ thuật bít lỗ thông, và sau đó sinh hoạt hoàn toàn bình thường, thậm chí cường độ vận động còn vượt xa người bình thường.

Kết luận, dù thế nào, tập luyện chắc chắn là tốt hơn rất nhiều so với không tập luyện. Tập thể dục đều đặn giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu – đây đều là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong tim mạch.

Dĩ nhiên, bạn có thể đến khám bác sỹ nếu muốn. Nếu mọi kết quả thăm khám bình thường mà điều không hay vẫn xảy ra – như trường hợp anh David Sheath – thì xác suất đó nhỏ hơn xác suất bạn đi ngoài đường và bị sét đánh chết giữa trời quang mây tạnh.

Hãy nhớ rằng bản thân mỗi buổi tập thể lực hàng ngày đã là một bài kiểm tra tuyệt vời đối với sức khoẻ của bạn rồi. Không chỉ sức khoẻ tim mạch mà còn là sức khoẻ hệ cơ, xương, khớp, và cả sự dẻo dai bền bỉ về tinh thần nữa.

Chúc mọi người luôn chạy bộ vui vẻ và giữ gìn sức khoẻ.

Xem thêm: Chạy bộ từ góc nhìn y học

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] nhiên, vẫn luôn có những nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ. Nhưng tỉ lệ này rất thấp, và thường […]

  • […] Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ  […]

  • […] Tham khảo: Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ […]

  • […] cũng đã có bài viết về Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ, trong đó đúc kết những điểm nổi bật […]

  • […] Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ […]

  • […] [2] Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ: https://chay365.com/5952-2/ [3] Đột tử khi chạy bộ: https://chay365.com/dot-tu-khi-chay-bo/ […]

  • >
    1K Shares