Hội Chứng “Tim Vận Động Viên”

“Tim vận động viên” là thuật ngữ để chỉ một loạt các biến đổi về cấu trúc và chức năng ở tim của những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể lực nặng hoặc luyện tập thể lực với cường độ cao. Những biến đổi được coi là bệnh lý ở người bình thường này lại là sự thích nghi về thể chất ở các vận động viên. Tim nhờ vậy mà có thể cung ứng một lượng máu và ôxy cao hơn bình thường cho các bắp cơ trong các hoạt động thể lực nặng và kéo dài…

Đối tượng “tim vận động viên”

Vận động viên chuyên nghiệp và người chơi thể thao giải trí với chế độ luyện tập có cường độ cao và kéo dài (chẳng hạn như vận động viên marathon) được xem là nhiều khả năng có “tim vận động viên”.

Triệu chứng

Các dấu hiệu nổi bật của “tim vận động viên” là nhịp chậm (45 – 60 nhịp/ phút), tim to toàn bộ và phì đại thành tim đặc biệt là thất trái. Những biến đổi này không đi kèm với các triệu chứng của bệnh tim mạch như khó thở, mệt mỏi hay đau thắt ngực. Sự thích nghi sinh lý đối với tập luyện làm cho tim giãn to ra để đáp ứng với gắng sức thể lực. Do khả năng bơm máu hiệu quả hơn nên tim không cần đập nhanh như bình thường mà vẫn đủ cung cấp máu cho cơ thể lúc nghỉ ngơi.

Chẩn đoán

Bắt mạch là động tác đơn giản giúp phát hiện nhịp tim chậm. Tim to đôi khi thấy được qua thăm khám lâm sàng nhưng thường được xác định bằng chụp X quang lồng ngực hoặc ghi điện tâm đồ. Nghe tim có thể thấy được “tiếng thổi vô tội”, biểu hiện của một lượng máu lớn được tống ra khỏi tim qua mỗi nhát bóp. Siêu âm tim là một thăm dò hữu ích giúp loại trừ các bệnh lý về cấu trúc làm tim giãn to ra.

Xem thêm: Nhịp tim và chạy bộ

Điều trị

Các bất thường về nhịp, về kích thước và chức năng của tim nếu chỉ bắt nguồn từ việc luyện tập thể lực thì không cần phải điều trị vì đó không phải là biểu hiện bệnh lý.

Biến chứng

Khi những “bất thường” về tim như trên được phát hiện ở một vận động viên, điều quan trọng là phải khẳng định những biến đổi đó thực sự do quá trình tập luyện thường xuyên tạo thành chứ không phải do một bệnh lý tim mạch đồng thời nào đó. Đặc biệt cần lưu ý phân biệt “tim vận động viên” với các bệnh lý gây nhịp tim chậm (blốc tim) hoặc phì đại tim thứ phát do tăng huyết áp hoặc bệnh van tim. “Tim vận động viên” có thể gặp ở cả vận động viên và người bình thường do vậy cần thận trọng tránh nhầm lẫn, biến chứng lớn nhất chính là chẩn đoán sai.

Dự phòng

“Tim vận động viên” không phải là tình trạng bệnh lý do vậy không cần dự phòng. Những thay đổi như vậy của tim chứng tỏ rằng nó có khả năng làm việc hiệu quả hơn bình thường mà thôi.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Xem thêm: Hội chứng tim vận động viên […]

  • HR says:

    […] hơn. Những người này cũng có kích thước tim lớn hơn bình thường. Đây là hội chứng tim vận động viên, chứ không phải biểu hiện bệnh […]

  • […] trong một tình trạng sinh lý tổng thể, gọi là “Hội chứng tim vận động viên”. Chừng nào bạn không có các dấu hiệu thỉu, […]

  • […] Hội chứng tim vận động viên […]

  • >
    41 Shares