Đột tử khi chạy bộ

Hôm rồi nghệ sĩ Chí Tài không may qua đời khi đang tập thể dục. Báo chí viết là “đột quỵ”.

Cần hiểu đúng, “đột quỵ” tiếng Anh là “stroke”, nghĩa là tai biến mạch não. Người đột quỵ có thể hôn mê, thậm chí sống thực vật,… nhưng thông thường không chết ngay. Nguyên nhân đột tử của anh Chí Tài nhiều khả năng là nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch vành cấp máu nuôi quả tim bị tắc đột ngột, khiến tim ngừng đập – như cái xe đang chạy bị nghẹt xăng, ruộng lúa đang được tưới nước thì ống dẫn nước bị tắc. Tim ngừng đập dẫn đến không có máu đi nuôi não, thận, cùng toàn bộ các cơ quan khác. Bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức.

Đồng ý rằng chạy bộ, cũng như mọi hoạt động thể thao khác, làm tăng nhu cầu oxy cơ tim, nghĩa là dễ dẫn đến đột tử hơn việc chỉ ngồi trên ghế sofa ăn bắp rang bơ. Nhưng có một câu nói rất hay, “Không có cái gì trên đời đột ngột cả”. Ngay cả đột tử cũng cần quá trình “chuẩn bị”. Anh Chí Tài có bệnh đái tháo đường lâu năm, đây là cơ sở để các mảng xơ vữa lắng đọng và tích tụ ở thành mạch máu. Một ngày xấu trời mảng xơ vữa bong ra và gây nghẽn tắc lòng mạch.

Vậy mỗi chúng ta – những người sắp bước vào tuổi trung niên, có nên chạy bộ hay tập thể thao không? Nếu chúng ta đã có sẵn bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành,… thì sao? Nguy cơ đột tử khi chạy bộ thế nào?

Cần hiểu rõ thế này: quá trình hình thành và tiến triển của mảng xơ vữa là một quá trình lão hoá tự nhiên, như nếp nhăn trên khuôn mặt, như tóc bạc trên đầu. Thành mạch của một người 50 tuổi không thể mềm mại trơn nhẵn như một đứa trẻ 10 tuổi. Trải qua nửa đời người, mạch máu cứng hơn, giảm độ đàn hồi. Chế độ ăn giàu chất béo, hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại, cùng các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường,… là những nhân tố thúc đẩy quá trình lão hoá này.

Tiến triển theo thời gian của mảng xơ vữa mạch máu

Chúng ta càng cao tuổi thì càng dễ mắc bệnh tim mạch. Đó là yếu tố không thay đổi được. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều yếu tố khác, như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt,… mà mỗi người đều có thể tự thay đổi, ngay từ bây giờ.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch

Do vậy, việc tập thể dục là cần thiết, vì nó giảm nguy cơ tim mạch. Chạy bộ là môn thể thao đơn giản, giúp đốt mỡ thừa và giảm cân hiệu quả. Một nghiên cứu đã cho thấy người chạy marathon giảm được 4 năm tuổi sinh học của thành mạch máu.

Cụ thể hơn, nguy cơ đột tử ở người tập thể thao đều đặn chắc chắn thấp hơn người quanh năm ngồi trên ghế bành gặm Mac Donald.

Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology, ESC) khuyên mỗi người bình thường nên tập các môn sức bền tối thiểu 150 phút/tuần (cường độ trung bình) hoặc tối thiêu 75 phút/tuần, nếu cường độ vận động nặng.

Đừng để các ám ảnh về bệnh tật ảnh hưởng quá mức tới bạn. Với nhóm nguy cơ tim mạch thấp (thế nào là thấp thì phải đi khám bác sĩ), có thể tập luyện hoàn toàn bình thường. Nhóm nguy cơ cao (High CVD risk), tuỳ cường độ tập luyện mà tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu hơn. Đọc kỹ ở đây.

Ngay cả khi hẹp động mạch vành, cũng tuỳ vào từng cá thể (có triệu chứng đau ngực hay không, chức năng tim thế nào, có rối loạn nhịp hay không, kết quả chụp động mạch vành ra sao) để thày thuốc quyết định mức độ vận động phù hợp.

Một ví dụ nổi tiếng là trường hợp của Dave McGillivray, giám đốc đường chạy Boston Marathon, ông được chẩn đoán hẹp nặng ba nhánh động mạch vành, nhưng vẫn có thể hoàn thành quãng đường 42km. Không phải do ông là một siêu nhân mình đồng da sắt (từng giữ kỉ lục chạy bộ xuyên nước Mỹ, từng 9 lần dự Kona), mà do các bác sĩ đã tiến hành một loạt các thăm khám đánh giá khả năng gắng sức của ông, trước khi đưa ra kết luận ông vẫn có thể chạy bộ bình thường.

Chay365 cũng đã có bài viết về Nguy cơ tim mạch trên đường chạy bộ, trong đó đúc kết những điểm nổi bật nhất về mối đe doạ tính mạng đối với dân chạy bộ đường dài.

Những trường hợp đột tử khi chạy bộ ở vận động viên chuyên nghiệp, như xảy ra với Ryan Shay hay “Ngựa Trắng” Caballo Blanco chỉ gặp với xác suất vô cùng thấp, ở những người có bất thường tim bẩm sinh từ trước. Đã là bệnh bẩm sinh thì dù chạy bộ hay không, biến cố vẫn xuất hiện thôi.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí y học Anh (British Medical Journal) cho thấy tỉ lệ đột tử trung bình khi chạy marathon chỉ là 1 phần 150 ngàn (150 ngàn người mới gặp 1 ca đột tử). Xác suất này chỉ bằng 1/10 xác suất bị sét đánh.

Tỉ lệ đột tử trung bình trong các giải marathon

Tóm lại, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào (hụt hơi, khó thở, tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực), cần đi khám để chẩn đoán xác định và phân tầng nguy cơ. Dựa vào kết quả phân tầng nguy cơ mà thày thuốc sẽ đưa ra lời khuyên về mức độ gắng sức phù hợp.

Nếu bạn là người khoẻ mạnh, tập thể thao sẽ trì hoãn quá trình lão hoá của bạn.

Nếu bạn còn lo lắng, hãy khám định kỳ chuyên khoa tim mạch, hoặc tham gia các buổi khám sức khoẻ cho runners do Chay365 tổ chức.

Chúc mọi người chạy khoẻ, chạy vui.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]

  • […] đường chạy bộ [3] Đột tử khi chạy bộ: https://chay365.com/dot-tu-khi-chay-bo/ TweetShareSharePin0 […]

  • […] Đột tử khi chạy bộ […]

  • >
    0 Shares