Nhật ký PF

Mình bị viêm cân gan chân (PF) phải nghỉ chạy trong 9 tháng. Trong 9 tháng đó, mình đã đọc vô số tài liệu, khám rất nhiều thày thuốc, tham khảo nhiều diễn đàn của dân chạy bộ, cũng như thử rất nhiều biện pháp điều trị. Kiến thức và trải nghiệm của mình về PF chắc không kém ai.

Nhân kỉ niệm 2 tuần quay lại đường chạy, mình xin ghi lại vài kinh nghiệm cá nhân. Hy vọng nó bổ ích cho ai đó.

Thăm dò chẩn đoán hình ảnh

Có thể chẩn đoán xác định PF khá dễ dàng chỉ bằng hỏi bệnh và khám lâm sàng (vị trí đau, thời điểm đau, tính chất đau,…) nên nhiều người nghĩ rằng chụp chiếu không quan trọng. Thật ra, chụp chiếu sớm cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích. Chụp ở bệnh viện nào cũng đều tốt cả vì nói chung đây là thăm dò cơ bản, không quá phức tạp.

Chụp XQ bàn chân

Chụp XQ bàn chân trả lời câu hỏi: có bị gai xương gót (heel spur) hay không. Gai xương gót không liên quan nhiều đến PF, nhưng nó có thể làm nặng thêm tình trạng đau gót chân. Gai xương gót là một dấu hiệu của thoái hoá xương, đồng thời cho thấy tình trạng quá tải. Bác sĩ Paul D’Alfonso của phòng khám Maple Healthcare là người đề xuất mình nên chụp XQ.

Gai xương gót. Nguồn: Wikipedia

Chụp MRI gót chân

Một trong những điều mình hối tiếc là không chụp MRI gót chân ngay từ sớm. Khi vận động viên chuyên nghiệp bị chấn thương thể thao, điều đầu tiên họ làm là chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI cho thấy hinh ảnh cân gan chân (plantar fascia) dày lên, kèm theo phù nề tổ chức xung quanh. Bình thường cân gan chân có bề dày < 3mm ở đoạn bám với xương gót. Một số tác giả khuyên nếu cân gan chân dày quá 10mm thì nên phẫu thuật.

Cân gan chân bình thường (hình trái) và cân gan chân dày lên trong bệnh cảnh viêm (hình phải). Nguồn: Ifaclinic

Chụp MRI giúp tiên lượng bệnh và đánh giá quá trình điều trị. Mình đã chụp MRI gót chân 2 lần, bằng máy chụp MRI 3 Tesla. Phim chụp cộng hưởng từ đợt trước Tết Âm lịch cho thấy cân gan chân còn dày, xém chút là mình lên bàn mổ. Hình ảnh MRI gần như bình thường hồi tháng 4 là một trong những lý do khiến mình tự tin hơn với quá trình trị liệu.

Phòng khám điều trị

Mình đã ghé qua nhiều phòng khám cơ xương khớp và y học thể thao. Xin chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân, với góc nhìn khách quan và công tâm nhất.

Phòng khám ACC

Phòng khám ACC sạch đẹp, lịch sự. Tuy nhiên chi phí đắt và bác sỹ không dành nhiều thời gian khám lâm sàng. Việc đưa ra các gói sale này nọ khiến mình cảm giác đang tiếp xúc một nhân viên môi giới bán hàng hơn là một thày thuốc y khoa (trong trường hợp của mình là bác sỹ Erik W. Waardenburg). Khi mình hỏi kỹ về liệu trình cũng như tác dụng phụ thì bác sỹ không nhiệt tình giải đáp. Trị liệu bằng siêu âm, sóng xung kích (shock wave) và xoa bóp đều do kỹ thuật viên thực hiện.

Phòng khám Maple Healthcare (Sài Gòn)

Mình biết tới phòng khám này qua sự giới thiệu của chị Trang Carmen. Bác sỹ nhiệt tình. Sẵn sàng khám bệnh online trước khi mình bay vào Sài Gòn. Khi tới khám, mình được bác sỹ (Paul D’Alfonso) trực tiếp xoa bóp và tư vấn trong khoảng 40 phút. Đế chỉnh hình rẻ, hiệu quả. Phòng khám không có máy điều trị bằng sóng xung kích.

Phòng khám cột sống Việt Mỹ Clinic

Bác sỹ nhiệt tình. Kỹ thuật viên thực hiện shock wave còn thiếu kinh nghiệm.

Trung tâm IRC

Bác sỹ điều trị là Choi Ju-young, bác sỹ của đội tuyển bóng đá quốc gia. Đây là bác sỹ khám lâm sàng cho mình tỉ mỉ nhất, người duy nhất có so sánh hai bàn chân để đánh giá sự khác biệt. Bác sỹ trực tiếp trị liệu bằng tay (mỗi buổi 15-30 phút), trực tiếp làm shock wave và điều chỉnh cường độ sóng xung kích một cách linh hoạt. Chi phí không rẻ, địa điểm không thuận tiện, nhưng mình đánh giá đây là phòng khám y học thể thao tốt nhất.

Một số phòng khám y học thể thao ở bệnh viện công

Các thày thuốc nói chung chỉ quen điều trị các chấn thương nặng cỡ khiến bệnh nhân không di chuyển được. Vì thế trong mắt họ, một chấn thương cỡ PF (mình vẫn có thể vận động sinh hoạt bình thường) thì chả có gì phải lo ngại. Lời khuyên mình nhận được là “Chạy bộ đau chân thì kiếm môn thể thao khác mà chơi”.

Các bài tập

Bài tập lăn bóng

Mình hay dùng bóng golf. Nhưng đợt vào Maple Healthcare được tư vấn dùng bóng Ksone Lacrosse. Mềm hơn bóng golf, nhưng cứng hơn bóng tennis hay các quả bóng mát-xa có gai. Với mình bóng này tốt nhất.

Bài tập với khăn tắm

Đây là bài tập mình được bác sỹ Choi hướng dẫn. Mục đích là làm khoẻ cân gan chân. Có đợt ngày nào mình cũng thực hiện bài tập này.

Bài tập giãn cơ

Bản chất PF không chỉ nằm ở gan chân, lại càng không chỉ ở gót chân, dù đau gót là triệu chứng nổi trội. PF là hệ quả của sự căng cứng toàn bộ hệ cơ chi dưới. Vì thế các bài tập giãn cơ rất quan trọng. Tìm trên có rất nhiều bài tập kiểu này, bản chất là làm căng phần bắp chân.

Với mình, bài tập giãn cơ là quan trọng nhất. Mình có trao đổi với anh Jack Mccush, chồng chị Hà (hai anh chị ở Colorado, anh Jack là Boston Qualifier), được khuyên tập bài chống tay vào tường 15 phút mỗi ngày.

Bài tập giãn cơ

Úp mặt vào tường 15 phút mỗi ngày là khoảng thời gian tưởng ngắn mà không ngắn. Tuy nhiên sau khi đọc bài về chị Yugeta Mariko thì mình biết đến bục gỗ giãn cơ, cho phép vừa giãn cơ cẳng chân vừa làm được các công việc thường ngày. Mình quyết định tự đóng một bục gỗ như thế để giãn cơ mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đánh răng, ăn tối, hay xem TV. Nhờ đó mà thời gian giãn cơ mỗi ngày của mình lên tới gần 60 phút.

Đặt hàng đóng bậc gỗ giãn cơ

Giãn cơ tại nhà

Thuốc và chế độ ăn

Mình không dùng thuốc gì đặc biệt ngoài vài viên giảm đau. Các thuốc nhóm steroid được chứng minh không có hiệu quả và nhiều tác dụng phụ. Một số tài liệu nước ngoài đề cập liệu pháp truyền huyết tương giàu tiểu cầu, nhưng cá nhân mình thấy chưa đủ bằng chứng.

Anh bạn mình, bác sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến, giám đốc trung tâm chỉnh hình bệnh viện Việt Đức, đồng thời là một runner chịu khó cày cuốc 300km/tháng, đề xuất mình phẫu thuật cắt bỏ cân gan chân (cơ sở của biện pháp này là cân gan chân sẽ mọc lại một cách lành lặn và mạnh khoẻ). Nhưng sau khi tham khảo nhiều nguồn tài liệu (UpToDate chẳng hạn) mình quyết định đây sẽ chỉ là biện pháp cuối cùng. Hoặc giả cứ nén đau mà chạy đến lúc cân gan chân bị đứt, bản chất cũng không khác phẫu thuật là bao.

Có một đợt mình chuyển sang ăn chay. Hệ quả là tăng cân khá nhanh, % mỡ cơ thể tăng lên. Rất có thể khi mình tập nặng thì chế độ ăn thuần chay sẽ giúp mình hồi phục nhanh hơn (Scott Jurek và anh Bruce Vu đều bảo thế). Nhưng không phải lúc mình vẫn còn đau chân chưa chạy được. Cộng thêm gánh nặng chuẩn bị bữa ăn chay dồn lên vai vợ, mình ngừng chế độ ăn chay dù đã bắt đầu quen với nó.

Các thiết bị hỗ trợ

Lót giày chỉnh hình (Orthotic insole)

Các loại lót chỉnh hình này được thiết kế riêng cho từng người, nhằm mục đích khắc phục sự không ổn định của bàn chân khi tiếp đất. Một trạng thái mất cân bằng nhỏ (do các đặc điểm giải phẫu) về lâu dài cũng có thể dẫn tới chấn thương nặng nề như viêm cân gan chân. Hiện tại mình luôn luôn đặt lót chỉnh hình trong giày. Các phòng khám cột sống theo mình hiểu đều sản xuất loại lót chân này.

Giày chuyên dụng cho người bị PF

Loại giày chuyên dụng này êm ái một cách đặc biệt. Nếu đã bị PF mức độ nặng bạn sẽ hiểu cảm giác đặt bàn chân xuống đất mà đau như kim châm, đặc biệt sau khi bất động chân quá lâu. Mình đặt mua 2 giày chỉnh hình chuyên dụng của hãng Orthofeet, một đôi dùng trong bệnh viện, một đôi dùng khi đi chơi, giảng bài,… Giá không đắt lắm, ngang đôi Nike Pegasus. Có thể từ giờ tới cuối đời sẽ chỉ dùng loại giày này thôi.

Lót và giày chỉnh hình chuyên dụng của hãng Orthofeet

Nẹp đêm (Night splint)

Như đã nói, cần duy trì trạng thái giãn cơ nhiều nhất có thể. Ban đầu mình mua nẹp cố định dành cho người chấn thương. Loại nẹp chống xoay của Obre, giá 350K. Tuy nhiên, nẹp này rất cứng và khó chịu.

Theo tư vấn của anh Jack, mình đặt mua tất giãn cơ ban đêm, loại cao tới đầu gối. Từ 3 tháng nay đêm nào mình cũng đeo. Kết quả là buổi sáng dậy đỡ đau chân hẳn.

Tất chuyên dụng cho người bị PF

Bục gỗ giãn cơ

Như trên đã nói, các bục gỗ này trở thành một phần thiết yếu của mình. Thật sự, mình vừa gõ những dòng này vừa giãn cơ.

Mình có 3 cái bục giãn cơ kiểu này. Đặt ở nhà 1 cái, bệnh viện 1 cái. 1 cái gọn nhẹ sẵn sàng cho vào balo khi đi du lịch. Hiện tại ngoài thị trường có bán bậc giãn cơ bằng nhựa, nhưng mình đặt loại bằng gỗ thấy dùng tốt hơn. Chị Yugeta cũng dùng loại bằng gỗ. Bậc nhựa có thể điều chỉnh độ cao, nhưng thật ra độ cao thấp nhất đã rất dốc rồi.

Vừa viết bài vừa giãn cơ

Thay đổi trong suy nghĩ

Cuối cùng, 9 tháng vật lộn với PF đã giúp mình nhận ra một điều quan trọng: chấn thương là một phần của tập luyện – đặc biệt nếu chúng ta tập luyện ở ngưỡng thách thức giới hạn bản thân.

Những đôi giày quá chật, bàn chân tiếp đất không chuẩn, cường độ tập luyện cao, thiếu bài tập bổ trợ, thiếu bài tập giãn cơ, gánh nặng của sự lão hoá,… tất cả – mỗi thứ một chút – góp phần tạo nên các chấn thương.

Mình phải chấp nhận bây giờ rất khó để hết đau hoàn toàn, nhưng cần nỗ lực tối đa để cơn đau kết thúc trước buổi chạy kế tiếp. Đi giày chỉnh hình, đeo lót chỉnh hình, đi tất giãn cơ ban đêm, đứng trên bục giãn cơ bất cứ khi nào có thể,… đây là trạng thái “bình thường mới” của mình, và sẵn sàng duy trì trạng thái này đến lúc nào còn chạy bộ.

Cũng như dịch Covid-19 đó thôi, khi dịch bệnh đi qua chúng ta sẽ nhận ra những thói quen như hạn chế tiếp xúc quá thân mật, giữ khoảng cách vật lý với những người xung quanh, giữ vệ sinh nơi công cộng (đeo khẩu trang là một ví dụ), thật ra chỉ có lợi chứ không hại gì, và xứng đáng để chúng ta duy trì lâu dài.

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • Brian Pham says:

    Cảm ơn Đinh Linh. Mình cũng gặp vấn đề tương tự và cũng cố gắng thích nghi vừa duy trì
    chạy vừa phục hồi giãn cơ để có thể chạy tiếp.

  • Lê Anh Tuấn says:

    Mình cũng bị đau PF do chạy bộ quá tải. Từng có giai đoạn đau đến mức không bước chân xuống giường nổi. Không chạy được gì nữa, đi bộ cũng rất đau. Lúc bị là sau ngày 17/01/2021, chạy FM lần đầu giải HCMC.
    Cách trị bệnh của mình là mua “Dụng cụ massage chân bằng gỗ” có bán trên Tiki. Mình mua loại nhẹ nhất, rẻ nhất, sau đó dùng tay để cầm, rồi lăn phần gỗ tròn lên chân, lăn dọc lăn ngang khắp khu vực bị đau. Trung bình 1 ngày là 60p (thời gian đầu), bây giờ chỉ còn 15p lăn cho 1 ngày.
    Sau khoảng 2 tuần thì chân đỡ dần, hiện giờ thì chân vẫn đau, nhưng chỉ khoảng 10% so với trước đây. Mileage trung bình 1 tuần của mình là từ 60~100km mà không bị nặng thêm. Sáng dậy thì ép ngược bàn chân lên khoảng 1p là bước xuống giường nhẹ nhàng, đi lại tầm 5p là hết đau rồi.
    Gần đây giải Bà Đen Moutain Marathon ngày 24/4/2021 mình có chạy FM lại (thành tích giảm đi 1 tiếng so với lần đầu :D). Sau chạy thì cũng không bị nặng thêm.
    Bạn có thể tham khảo cách này, có thể giúp ích được cho bạn và người khác nếu phù hợp.

  • Nguyen Toan says:

    A có thể cho e xin ít thông tin hình ảnh về sản phẩm “Dụng cụ massage chân bằng gỗ” như a có đề cập trong bài được ko a?

    E cũng đang bị chấn thương PF hơn 1 tháng nay mà không có dấu hiệu suy giảm

  • chay365 says:

    Nói kiểu dụng cụ massage chân bằng gỗ thì ad ko rõ, nhưng dụng cụ massage khác thì ad giới thiệu được.

  • Lê Anh Tuấn says:

    Bạn search trên Tiki là ra đó bạn. Tại comment ở đây mình không chèn hình được. Nó là 1 miếng hình chữ nhật, chia làm 2 phần. Mỗi phần có 5 thanh gỗ tròn có gai to. Giá khoảng 60k.
    Bạn dùng tay cầm 1 bên, xoa bên còn lại vào gót chân vị trí bị đau, xoa ngang xoa dọc đều được.
    Thời gian đầu chịu khó kiên nhẫn ngày 1 tiếng, chia thành nhiều lần cũng ok, miễn sao tổng time 1 tiếng là đuowkc.

  • Đông says:

    Cám ơn Đinh Linh, mình bị nhẹ hơn và lăn bóng tennis khắp nơi cũng đỡ phần nào. Chúc Linh chóng hồi phục và có nhiều bài viết chia sẻ với cộng đồng

  • Nguyen Toan says:

    OK e cam on a Tuấn 😉

  • Tạo says:

    A ơi a có dùng thuốc gì k ạ

  • Trần Linh says:

    Chúc anh Đinh Linh, dù phải chuyển sang trạng thái “bình thường mới” vẫn luôn giữ tình yêu với chạy bộ và happy với nó, chúc anh an chân, mọi việc tiến triển tốt đẹp.

  • […] Sử dụng bục giãn cơ để phòng tái phát … […]

  • Đinh Linh says:

    Mình không dùng thuốc gì cả. Đinh Linh

  • Kenzao says:

    Chào bạn. Cho mình hỏi Giày và lót Orthotic mua ở đâu vậy bạn?

  • Kenzao says:

    Mình xem Orthotic chỉ bán ở nước ngoài mà ko mua được

  • Thăng says:

    Em tìm chỗ bán Tất chuyên dụng cho người bị PF, mà chưa tìm được. Anh có thể chia sẻ nơi bán được không. Cám ơn anh.

  • >
    0 Shares