Tầm quan trọng của dáng chạy tốt và cách thực hiện

maxresdefault

Chương 2: Chạy như Meb

Tầm quan trọng của dáng chạy tốt và cách thực hiện

Chạy bộ là một trong số ít các môn thể thao mà ngay cả những vận động viên nghiêm túc cũng được dặn dò rằng không phải lo lắng về kỹ thuật của mình. Bạn sẽ nghe thấy nhiều người bảo rằng, “Cứ chạy đi, và cơ thể của bạn sẽ tự tìm ra dáng chạy hiệu quả nhất.”

Tôi không đồng tình với cách suy nghĩ như vậy. Với mọi điều ta làm, luôn có khoảng trống để tiến bộ, và chạy bộ không phải ngoại lệ. Một huấn luyện viên bóng chày sẽ không nói với cầu thủ đánh bóng rằng, “Cứ tập luyện vung chày đủ nhiều và cậu sẽ ổn thôi.” Huấn luyện viên đó sẽ chỉ ra những cách mà các cầu thủ đánh bóng có thể chơi hiệu quả hơn hoặc điều chỉnh vị trí một chút để phát huy hết năng lực của mình. Điều đó cũng đúng với chạy bộ.

Tại sao dáng chạy lại quan trọng

Có nhiều vận động viên với dáng chạy không đẹp đã từng chiến thắng trong các cuộc đua và tạo lập các kỷ lục. Ví dụ nổi tiếng nhất trong thể thao hiện đại là vận động viên người Anh Paula Radcliffe, người đã lập kỷ lục marathon nữ thế giới vào năm 2003 và hiện vẫn chưa ai vượt qua. Tôi nhớ lần đầu tiên trông thấy cô ấy, tại một cuộc đua 10.000 mét trên đường chạy tại Châu Âu. Tôi đã nghĩ, “Cô ta không thể nào giành được chiến thắng, với đầu và cổ lắc lư như thế.” Cô ấy đã thắng cuộc. Từ đó, tôi biết được rằng điểm cốt yếu nằm ở bộ máy động cơ bên trong – hệ tim mạch và và lá phổi của người chạy bộ.

Một người cũng giành huy chương bạc Olympic và vô địch giải New York City Marathon, Priscah Jeptoo người Kenya, cũng có dáng chạy không phổ biến đối với một vận động viên tầm cỡ thế giới. Cô ấy có dáng chạy đầu gối chạm nhau, với phần cẳng chân lăng ra bên ngoài trong từng bước chạy. Mặc dù vậy, cô vẫn nằm trong nhóm các vận động viên marathon hàng đầu thế giới. Do đó, rõ ràng người có dáng chạy tốt nhất chưa chắc đã là vận động viên giỏi nhất.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các vận động viên với các điểm bất thường về dáng chạy không thể cải thiện thành tích hiện tại của họ. Đôi khi chúng ta thừa hưởng những tật không thể sửa chữa trên cơ thể; như vậy, việc cố gắng chạy với một dáng chạy khác về cơ bản có thể sẽ là thảm hoạ. Nhưng ta luôn có thể cải thiện các điểm yếu của bản thân. Bàn tay trái của tôi có xu thế đánh ra ngoài một chút khi tôi chạy. Bằng việc để ý đến điều này và nhắc nhở mình giữ tay gần cơ thể hơn, tôi có thể chạy hiệu quả hơn.

Cách suy nghĩ của tôi là, nếu như tôi có thể chạy đạt được mức thời gian nào đó, với các nhược điểm trong dáng chạy của mình, thì tôi sẽ chạy được nhanh hơn nữa, một khi tôi tìm ra cách để loại bỏ các nhược điểm đó. Đối với trường hợp những người như Priscah Jeptoo, tôi nghĩ rằng nếu cô ấy chạy đua với ai đó có thể lực khoẻ tương đương nhưng lại có dáng chạy tốt hơn, thì người đó sẽ thắng cô ta.

Bạn luôn luôn có thể cải thiện điều gì đó. Mức độ mà bạn muốn cải thiện ở từng lĩnh vực nhiều tới đâu hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nói rằng, “Tôi sẽ trở thành vận động viên chạy tốt hết sức có thể, nhưng đừng để ý đến dáng chạy của tôi” là sai lầm.

Đơn giản là, với một dáng chạy hiệu quả hơn, bạn sẽ di chuyển được xa hơn với từng bước chạy trong khi sử dụng cùng một lượng năng lượng mà bạn tiêu thụ với một dáng chạy kém hiệu quả hơn. Điều đó sẽ đưa bạn đến vạch đích nhanh hơn. Ngoài ra, với chuyển động của bạn được định hướng tiến về phía trước tốt hơn, bạn sẽ ít có khả năng dồn áp lực vào các bộ phận cơ thể vốn không sinh ra để hấp thụ áp lực đó; như vậy, bạn sẽ giảm được nguy cơ bị chấn thương.

Bạn có thể dễ dàng gặp thất bại chỉ vì một điểm tồi nào đó trong dáng chạy của mình. Ví dụ như, đầu bạn nhô ra trước cơ thể, thay vì giữ ngang bằng trên vai và thân người, bạn có thể sẽ chạy bước quá dài, ngả người ra trước quá nhiều, hoặc có thời gian tiếp đất lâu hơn (hoặc cả ba lỗi này). Điều đó sẽ dẫn đến việc đưa cơ đùi sau ra phía sau thân người nhiều hơn là phía dưới thân người, có thể gây ra chuột rút hoặc chấn thương, cũng như chạy chậm hơn.

Những vấn đề kiểu như vậy có thể không ảnh hưởng lớn đến cuộc đua 5-K hoặc cuộc đua bán marathon (mặc dù nó sẽ làm bạn chạy chậm hơn). Nhưng với cự ly marathon, bạn sẽ gặp rắc rối. Điểm yếu về cơ chế chạy của bạn sẽ bị phơi bày, và chúng có thể làm bạn không đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài ra, dáng chạy tốt hơn có thể đơn giản là làm cho bạn cảm thấy chạy dễ dàng hơn và thích thú hơn. Ai mà không thích cảm thấy tốt hơn khi chạy bộ chứ? Bạn càng cảm thấy thoải mái khi chạy, thì bạn càng thấy muốn chạy hơn, và điều đó sẽ giúp bạn tiến bộ.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng dáng chạy nhìn đẹp hơn cũng là quan quan trọng. Hầu hết chúng ta nhận được động lực và sự thoả mãn từ những nhận xét tích cực của những người khác. Vì vậy, cũng như cố gắng gây ấn tượng với người khác bằng thành tích về thời gian có thể giúp bạn chạy nhanh hơn, việc cố gắng gây ấn tượng với mọi người bằng dáng chạy có thể là động cơ để bạn chạy một cách hiệu quả hơn. Một trong những lời khen tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được là khi Geoffrey Mutai, người nắm giữ kỷ lục đường đua Marathon Boston và New York City, nói với tôi rằng trông tôi chạy thật là uyển chuyển. Đó là một điều mà vận động viên chạy bộ chúng ta có thể tán thưởng nhau, cũng như một golf thủ tán dương vẻ đẹp cú swing của một vận động viên hàng đầu.

Tôi đã may mắn vì trong suốt sự nghiệp của mình có các huấn luyện viên nhấn mạnh tầm quan trọng của dáng chạy tốt. Ở trường cấp ba, chúng tôi đã tập luyện theo các bài tập như tôi mô tả ở cuối chương này, ví dụ như Nhảy chân sáo kiểu A (Skipping A) và Chạy bước nhỏ (Quick Feet). Ở trường đại học, tại UCLA (University of California, Los Angeles – ND), chúng tôi cũng tập theo các bài dạng diễu hành (cao gối), trong đó chúng tôi phải cố gắng liên tục tăng tốc để dạy bản thân cách di chuyển nhanh với dáng người chuẩn. Khi tôi mới bắt đầu chuyển sang chuyển nghiệp, tôi bỏ qua các bài tập dáng chạy thường kỳ trong một thời gian. Nhưng sau hồi phục từ chấn thương rạn xương mu năm 2007 và 2008, tôi tự bắt mình phải dành thời gian tập luyện để có dáng chạy tốt nhất có thể. Bây giờ việc luyện tập dáng chạy đã trở thành một phần thiết yếu trong bài tập mỗi ngày của tôi.

About the Author Mr Marathoner

>
0 Shares