Hiệu lực và tính an toàn của vaccine của Sinopharm

Hiệu lực và tính an toàn của vaccine Sinopharm trong một nghiên cứu đăng trên tờ JAMA

Trả lời câu hỏi: Liệu có nên tiêm vaccine Trung Quốc, mình đã thử tìm kiếm thông tin trên google, pubmed. Bài báo duy nhất về hiệu lực và tính an toàn của vaccine bất hoạt chứa WIV04 (Sinopharm) là một bài đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association, JAMA) ngày 21/5/2021.

Link bài báo

JAMA là một tạp chí được bình duyệt, với chỉ số ảnh hưởng Impact factor là 55,272 (năm 2020), đứng hạng 3 trong số các tạp chí y khoa trên thế giới, sau tờ New England Journal of Medicine và tờ The Lancet.

Nghiên cứu đăng trên tờ JAMA có rất nhiều số liệu, bảng, hình vẽ, phụ lục. Khi phân tích và trích dẫn, mình lưu ý:

  • Để cho gọn và dễ nhớ mình xin gọi tên 2 vaccine là Sinopharm và Sinovac
  • Mình chỉ trích dẫn các thông tin chính yếu nhất, vì thế biên tập lại một số bảng và biểu đồ
  • Do vaccine Sinovac chưa được nhập về Việt Nam nên mình chỉ tập trung phân tích vaccine Sinopharm (WV04) khi so sánh với giả dược thôi
  • Mình sẽ không tự làm thêm bất kỳ test thống kê nào, vì không có thời gian và cũng không đủ khả năng
  • Do thiếu thời gian nên mình cũng sẽ không Việt hoá các bảng và biểu đồ

Bất kỳ bạn nào quan tâm cũng có thể tự tra cứu toàn văn nghiên cứu.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành ở UAE và Bahrain, trong thời gian từ 16/7/2020 đến 20/12/2020/

Đối tượng nghiên cứu

Người khoẻ mạnh trên 18 tuổi, test COVID âm tính

Phân nhóm

Đối tượng nghiên cứu sẽ được phân ngẫu nhiên thành 3 nhóm theo tỉ lệ 1:1:1, mỗi nhóm khoảng 13470 bệnh nhân

  • Tiêm vaccine WIV04 (Sinopharm)
  • Tiêm vaccine HB02 (Sinovac)
  • Tiêm giả dược

Những người tiêm không biết mình được nhận vaccine nào hay nhận giả dược. Như vậy tránh hiệu ứng khi người được tiêm vaccine chủ quan và phơi nhiễm nhiều hơn.

Hình 1: Chọn mẫu và phân nhóm ngẫu nhiên

Theo dõi

Đối tượng nghiên cứu sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine, và đợi 14 ngày. Sau tiêm sẽ sinh hoạt bình thường tại cộng đồng.

Kể từ thời điểm 14 ngày sau tiêm đủ 2 liều, các nghiên cứu viên sẽ theo dõi và đánh giá theo 2 tiêu chí:

  • Tiêu chí hiệu lực: nhiễm COVID (test PCR dương tính) có triệu chứng lâm sàng
  • Tiêu chí an toàn: các phản ứng gặp phải khi tiêm

Phân tích số liệu

Phương pháp phân tích per protocol. Các bệnh nhân bị mất dấu hoặc rời nghiên cứu sẽ bị loại khỏi nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1: Đặc điểm tuổi, giới của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét:

Đối tượng nghiên cứu phân lớn là nam giới (84%), tuổi < 60 (tỉ lệ 98%). Tuổi trung bình của toàn thể mẫu nghiên cứu là 36.

Điều này cũng hợp lý do vấn đề đạo đức nghiên cứu, không ai tiêm giả dược cho một cụ già 70 tuổi có nhiều bệnh nền cả.

Đánh giá hiệu lực của vaccine

Thời gian theo dõi dao động từ 1 đến 121 ngày (kể từ lúc tiêm đủ 2 mũi được 14 tuần), với thời gian trung vị là 77 ngày.

Tần suất xuất hiện biến cố (COVID có triện chứng) được trình bày trong biểu đồ dưới

Biểu đồ 1: Số ca nhiễm COVID theo thời gian ở 3 nhóm: tiêm vaccine Sinopharm (màu cam), vaccine Sinovac (màu xanh), giả dược (màu đen)

Nhận xét:

Số ca nhiễm COVID có triệu chứng chủ yếu gặp trong giai đoạn đầu tiên. Sau ngày thứ 60 (kể từ lúc tiêm đủ 2 liều, bất kể vaccine hay giả dược), số trường hợp nhiễm tăng thêm không đáng kể. Điều này gợi ý có thể đối tượng không bị mắc không thuộc vùng dịch tễ có COVID , hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn (ví dụ 5K) nên không nhiễm bệnh.

Số lượng và tỉ lệ các ca được trình bày trong bảng dưới.

Bảng 2: Tỉ lệ biến cố ở 3 nhóm

Nhận xét:

Các tác giả đánh giá hiệu lực của vaccine dựa theo 3 tiêu chí: (1) số ca nhiễm COVID (mới) có triệu chứng, (2) số ca nhiễm COVID (mới) nặng, (3) số ca nhiễm COVID có hoặc không có triệu chứng.

a. Số ca nhiễm COVID có triệu chứng (đóng khung đỏ)

Số ca COVID có triệu chứng ở nhóm tiêm Sinopharm là 26 ca, tỉ lệ 1,21%. Số ca nhiễm COVID có triệu chứng trong nhóm tiêm giả dược là 95 ca, tỉ lệ 4,47%.

Hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm COVID của vaccine là 1-(1,21/4,47)=0,729=73%

b. Số ca nhiễm COVID có triệu chứng nặng (đóng khung xanh)

Số ca nhiễm COVID có triệu chứng nặng: nhóm tiêm Sinopharm không gặp ca nào, nhóm giả dược có 2 ca. Điều này có thể do đối tượng nghiên cứu là nam giới khoẻ mạnh. Cỡ mẫu cũng nhỏ để phát hiện các trường hợp biến cố nặng.

c. Số ca nhiễm COVID có và không có triệu chứng (đóng khung tím)

  • Nhóm tiêm Sinopharm: 42 ca. Trừ đi 26 ca có triệu chứng, như vậy có 16 ca nhiễm COVID nhưng không triệu chứng
  • Nhóm tiêm giả dược: 116 ca. Trừ đi 95 ca có triệu chứng, như vậy có 21 ca nhiễm COVID không triệu chứng

Chưa có điều kiện làm test thống kê sâu hơn nhưng dường như tỉ lệ nhiễm COVID không triệu chứng ở hai nhóm có và không tiêm vaccine là gần tương đương nhau.

Đánh giá tính an toàn của vaccine

Biểu đồ 2: Tác dụng phụ của vaccine Sinopharm khi so sánh với giả dược

Trong vòng 7 ngày sau tiêm, tỉ lệ phản ứng của vaccine Sinopharm là 41,7%, so với nhóm giả dược là 46,5%. Tác dụng phụ phổ biến nhất của vaccine là đau tại chỗ tiêm (24,3%), đau đầu (12,9%). Tiếp đó là mệt mỏi, đau mỏi cơ, tiêu chảy, ho, sốt.

Đa số các tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ đến vừa, thoáng qua và tự hết mà không cần điều trị.

Trong vòng 8 đến 28 ngày sau tiêm, tỉ lệ gặp phản ứng là 48.3% ở nhóm tiêm vaccine và 50.5% ở nhóm dùng giả dược.

Tổng cộng có 201 phản ứng phụ nặng, có hoặc không liên quan tới mũi tiêm, với tỉ lệ 0,5% ở nhóm vaccine và 0,6% ở nhóm giả dược. Nghiên cứu không trình bày cụ thể về tác dụng phụ nặng, nhưng tỉ lệ đều ≤ 0,1%.

Bàn luận

Điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu

Điểm mạnh:

  • Có so sánh nhóm tiêm vaccine với nhóm chứng không tiêm vaccine
  • Có số liệu về các tác dụng phụ và phản ứng không mong muốn
Điểm yếu:
  • Đối tượng nghiên cứu phần lớn là nam giới khoẻ mạnh, tuổi < 60,
  • Cỡ mẫu còn nhỏ và thời gian theo dõi ngắn nên chưa ghi nhận nhiều biến cố (xét cả tiêu chí hiệu lực và tính an toàn)
  • Không rõ tỉ lệ hiện mắc trong cộng đồng (UAE, Bahrain) tại thời điểm tiến hành nghiên cứu. Tỉ lệ này có ngang tỉ lệ COVID ở Sài Gòn hiện tại hay không? Vì tỉ lệ hiện mắc của bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu lực của vaccine
  • Phân tích per protocol vì thế kết quả nghiên cứu không tối ưu

Kết luận chung

  • Vaccine Sinopharm giảm 73% nguy cơ nhiễm COVID có triệu chứng khi tiến hành nghiên cứu ở đối tượng nam giới khoẻ mạnh, tuổi dưới 60
  • Vaccine Sinopharm an toàn, với tỉ lệ biến cố ngoại ý tương đương giả dược. Tỉ lệ biến cố nặng khoảng 0,1%.

Cuối cùng, để trả lời câu hỏi: Có nên tiêm vaccine Sinopharm hay không? Đây là quyết định của mỗi cá nhân. Nghiên cứu cho thấy đây là một vaccine an toàn, với hiệu quả bảo vệ tương đối tốt.

Looking for the best nursewatches.co.uk site 2024 in the world? Buy now High-Quality replica watches for the best price on nursewatches.co.uk website.

Best Omega Replica Watches For Sale.Buy Omega Replica Watches online with cheap price.

Breitling replica show Swiss luxury replica Breitling watch here best cheap price with AAA High quality fake watches.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares