Hiểu được giá trị của thử thách sẽ đưa bạn đến vinh quang

Ở giải Gold Coast Marathon chủ nhật vừa rồi, vận động viên New Zealand Zane Robertson đã cán đích thứ 3 với thành tích đạt kỷ lục quốc gia. Bài viết dưới đây là hồi tưởng của anh về cuộc đua này. Đinh Linh xin tổng hợp và lược dịch thêm vài bài gần đây trên Instagram của Zane. Theo dõi Instagram của bạn này học được nhiều kinh nghiệm tập luyện và thực chiến rất bổ ích, cũng như có thêm động lực và đam mê chạy bộ.

Một trận mưa như trút đổ xuống chỉ 3 phút trước giờ thi đấu, đúng lúc bản Quốc ca của Australia cất lên. Chúng tôi rời khỏi chỗ trú, tiến về vạch xuất phát. Chỉ còn vài khoảnh khắc nữa thôi, tôi cảm thấy sẵn sàng. Tôi muốn chạy ngay lúc này.

Tiếng súng lệnh vang lên, mọi thứ chợt hoàn toàn bình thản. Tôi đang làm công việc mà vì nó, tôi có mặt ở đây. Những km đầu tiên không hề dễ dàng khi trời mưa và đoàn đua phải chạy ngược gió. Tuy nhiên, tôi gần như không nhận thấy điều đó.

Sau km số 5, dây giày của tôi bị tuột vì trời mưa, dù đã buộc nút kép. Tôi nghĩ cần dừng lại. Không. Tôi đang cảm thấy rất thoải mái. Hai nhóm vận động viên đang chạy cùng nhau. Vì thế tôi nói với Kiprono – người dẫn tốc – vượt lên trước và tăng tốc độ. Ở km số 10, chúng tôi đang duy trì tốc độ sub 2:07, dù gió vẫn táp vào mặt.

Nhóm dẫn đầu nhanh chóng rút xuống chỉ còn khoảng 10 người. Sau điểm quay đầu ở vạch 16.5km, chỉ còn 6, 4 vận động viên và 2 pacer. Tốc độ chỉ có tăng lên từ thời điểm này [có lẽ do xuôi gió – Đinh Linh], tôi bảo pacer duy trì tốc độ 2:55 (2:55 phút/km), rồi 2:57.

Những điều tồi tệ bắt đầu xuất hiện khi chúng tôi vượt qua km số 20. Tôi biết rằng nếu duy trì tốc độ này chúng tôi sẽ hoàn thành nửa đầu trong 63 phút 30 giây, và cán đích dưới 2 giờ 07.

Trước khi kết thúc nửa chặng đường, cả nhóm còn lại 5 người. Ở km số 25, Kiprono tụt lại. Chỉ còn Vincent Yator tiếp tục dẫn tốc và giúp chúng tôi theo được guồng quay chóng mặt.

Chúng tôi tiến vào khu vực vạch đích ở km số 31.5, và đối diện với con dốc gắt nhất của toàn bộ chặng đua. Nhiệm vụ dẫn tốc của Yator đã hoàn thành. Anh tụt lại sau đôi chút. Nhưng tôi nhận thấy anh vẫn tiếp tục chạy, anh muốn hoàn thành cuộc đua [cuối cùng Yator cán đích với hạng 4 – Đinh Linh].

Vị trí dẫn đầu liên tục thay đổi khi chúng tôi cố gắng duy trì tốc độ. Có thời điểm cả bốn chúng tôi cùng chạy song song, giăng ngang đường đua.

Yator là người đầu tiên hụt hơi khi Kiptum và tôi cố gắng chạy với tốc độ 2:06 (hoàn thành cuộc đua trong 2 giờ 6 phút). Rồi tới lượt Yuta Shitara bị bỏ lại sau.

Chúng tôi quay đầu ở điểm 36.9 km, lúc này tôi hiểu rằng mình sẽ lại phải chạy ngược gió. Cả Kiptum và tôi đều phải gồng sức lên chạy, bắt đầu trả giá cho tốc độ 2:06 trước đó. Tới km 39.5, chúng tôi chậm lại đáng kể và khoảng cách 20 mét dần dần bị Yuta san lấp. Chúng tôi tuyệt vọng nhìn anh ấy vượt qua. Tôi gồng mình chạy một cách điên dại trong km cuối cùng. Thành tích 2:08:19, kỷ lục quốc gia mới của New Zealand.

Dưới đây là tốc độ của tôi trong cuộc đua này. Hãy nhìn vào những km cuối cùng, khi chúng tôi phải chạy ngược gió:

  • Km 1-10: 3.00, 3.05, 2.56, 3.04, 3.01, 2.58, 2.58, 2.56, 2.57, 2.59
  • Km 11-20: 3.00, 2.57, 2.57, 3.00, 3.01, 3.00, 2.58, 2.59, 2.57, 2.57
  • Km 21-30: 2.57, 2.55, 2.57, 2.57, 2.57, 2.57, 2.59, 2.59, 2.58, 3.00
  • Km 31-42: 2.58, 3.03, 2.59, 3.01, 3.02, 3.01, 3.03, 3.05, 3.11, 3.07, 3.16, 3.22

Cần rất nhiều cống hiến, rất nhiều thời gian luyện tập, rất nhiều sự tập trung, không được phép xao lãng. Các vận động viên Nhật Bản có một cuộc sống rất khiêm nhường, tương tự các vận động viên Châu Phi. Các quốc gia này thống trị bộ môn chạy bộ đường dài. Chúng tôi cùng tập luyện và sống theo cách giống nhau, chia sẻ cùng các giá trị. Đây không chỉ là một môn thể thao, đây là lối sống của bạn, bạn đầu tư cả cuộc sống của mình cho nó.

Nếu bạn chỉ chăm chăm đặt mục tiêu phá kỷ lục quốc gia, bạn có thể sẽ không đạt được nó. Nhưng nếu đặt mục tiêu lớn [sub 2:07?] như ngày chủ nhật, ngay cả khi tiết trời không thuận lợi, chúng tôi chỉ tuột mất sub 2:07 ở 4-5 km cuối cùng. Chúng tôi đã bị Shitara vượt mặt khi chạy ngược gió. Nhưng chúng tôi đã cháy hết mình.

Tôi không biết diễn tả thế nào. Mileage mỗi tuần chỉ là một con số. Thành thật mà nói, nếu cố gắng, tôi hoàn toàn có thể chạy 500km một tuần. Điều đó sẽ khiến tôi trở thành một runner giỏi hơn? Câu trả lời là KHÔNG! Nó chỉ khiến tôi trở thành một runner mệt mỏi, cạn sạch năng lượng để ra khỏi nhà và tập các bài tập chất lượng.

Lời khuyên dành cho những bạn mới bắt đầu chạy bộ, hãy chú tâm vào các bài tập nặng. Chúng sẽ giúp bạn thi đấu tốt hơn. Đừng chạy đua xem ai tập nhiều hơn, đừng cố thêm vài km để đạt được một con số nào đó. Chẳng ích lợi gì đâu.

Hai năm gần đây, tôi có hai lần chấn thương nặng khi vỡ xương cùng và rạn xương mác. Thêm vào đó là ba lần rách dây chằng, một lần gãy xương gót chân, một đợt viêm sụn sườn đau như gãy xương sườn. Cuối cùng là viêm cân gan chân dai dẳng suốt hai năm rưỡi và chỉ kết thúc vào tháng 3 năm nay.

Bài học ở đây là trong hoàn cảnh khó khăn bạn vẫn phải đứng dậy và tiếp tục giấc mơ. Không từ ngữ nào diễn tả được niềm vui của tôi khi được làm điều mình yêu thích, theo cách duy nhất mà tôi biết - chăm chỉ và nỗ lực. Tôi đã có rất nhiều ngày đen tối, và đã vượt qua chúng.

Nói thêm, Zane Robertson hiện đang sinh sống và tập luyện tại vùng núi Sululta, Ethiopia. Anh chuyển tới đây để theo đuổi giấc mơ chạy bộ đường dài của mình. Khi chạy 2:08:19 ở giải Gold Coast Marathon vừa rồi (giải marathon đầu tiên), anh đã phá kỷ lục quốc gia của chính Jake Robertson, người anh em song sinh với mình.

Bản thân Đinh Linh theo dõi Instagram của hai anh em và liên tục nhầm lẫn. Cách đây mấy hôm, Instagram của cả Zane và Jake đều có một bài giống nhau, tự hào rằng họ là cặp song sinh nhanh nhất trong lịch sử chạy bộ đường dài (thành tích của Zane là 2:08:19/59:47, của Jake là 2:08:26/59:57). “Chúng tôi sẽ còn nhanh hơn nữa, chúng tôi chưa dừng lại đâu”. Hẹn gặp lại cả hai ở thế vận hội Tokyo 2020.

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares