Tưởng nhớ Rafael Poliquit

Cho những ai chưa biết, nhà vô địch marathon Philipines, Rafael Poliquit - người được mệnh danh là "nhà vua marathon" - vừa qua đời ngày hôm qua, để lại giấc mơ SEA Games trên sân nhà còn dang dở.

Bài dưới đây mình dịch từ blog cá nhân của Soh Rui Yong, vận động viên marathon xuất sắc nhất lịch sử Singapore, đương kim vô địch SEA Games hai lần liên tiếp (2015, 2017), và với thành tích 2:23:42 vừa lập tại Seoul Marathon vừa qua, chắc chắn là ứng cử viên số một cho chức vô địch ở SEA Games 2019 tới đây. Sự tình cờ của số phận đã đưa Soh từ chỗ là đối thủ, lại có dịp huấn luyện cho Rafael, và chứng kiến màn trở lại ngoạn mục của vận động viên Philipines.

Có nhiều điều để suy ngẫm về bài viết này, giáo án tập luyện, sự nỗ lực, hay xa hơn nữa là cả một nền thể thao (VD: có ai biết kỷ lục quốc gia marathon Việt Nam là bao nhiêu, PR của Thế Anh hay Sơn là bao nhiêu, Nguyễn Văn Lai giờ sẽ thi đấu ở nội dung nào, vv và vv...), nhưng có lẽ, rồi chúng ta sẽ nghĩ về những điều ấy vào lúc khác.

Xin chia buồn cùng gia đình Rafael và cộng đồng thể thao Philipines.

Hình như có vài hạt bụi vừa bay vào mắt mình...

--------------

Tưởng nhớ Rafael Poliquit

Trái tim tôi trĩu nặng khi viết những dòng này. Bạn tôi, đối thủ đến từ Philipines của tôi, Rafael Poliquit, vừa qua đời rạng sáng nay.

Theo tôi được biết, Rafael bị viêm màng não hồi đầu tuần sau một đợt tập huấn tại Mỹ, rồi đi vào hôn mê. Sau vài ngày chiến đấu, hôm nay anh đã phải chịu thua căn bệnh của mình.

Tôi gặp Rafael lần đầu hơn 6 năm trước, ở chung kết nội dung 10,000 m trong Giải thể thao các trường Đại học Đông Nam Á ở Lào. Khi ấy, chúng tôi đều ở tuổi đầu 20, thi đấu ở cự ly ngắn hơn marathon rất nhiều. Tôi không nghĩ chúng tôi biết nhau, nhưng sau khi kết thúc cuộc đọ sức khô máu 25 vòng sân vận động, chúng tôi đều hiểu rằng người kia là khuôn mặt cần ghi nhớ trong những năm sắp tới. Cả hai chúng tôi đều phá sâu kỷ lục cá nhân.

Trong cuộc đua mà tôi đã dẫn đầu từ những vòng đầu tiên, Nguyễn Văn Lai của Việt Nam giành huy chương Vàng, Agus Prayogo huy chương Bạc, còn Rafael bứt tốc vượt qua tôi trong 100m cuối cùng để đứng trên bục nhận huy chương. Ngay lập tức tôi cảm nhận được sự gan góc cùng tinh thần chiến đấu của Rafael vào ngày hôm đó, và tôi tiên đoán anh sẽ sớm trở thành gương mặt đại diện cho chạy bộ đường dài Philipines.

Tại SEA Games 2015, cả Rafael và tôi đều chuyển lên nội dung marathon. Anh đã giành chức vô địch marathon Philipines năm 2014 (cúp Milo), còn tôi chạy 2:26:01 trong lần đầu thi đấu cự ly này, tại giải California International Marathon tháng 12.2014 – thành tích tốt nhất một người Singapore đạt được trong lần đầu chạy marathon. Chúng tôi cùng trông đợi cuộc tái đấu ở SEA Games.

Ở km số 5 [SEA Games 2015], bọn tôi bị chỉ đường sai và lỡ mất điểm quay đầu. Các vận động viên chạy lố được hướng dẫn quay lại và Rafael, vốn đang ở phía sau tôi một chút, nay lại chạy trước tôi một chút. Những gì tiếp sau, tôi sẽ ghi nhớ cả đời.

Mặc dù là đối thủ và chưa bao giờ trò chuyện hay tập luyện cùng nhau, Rafael và tôi giờ cùng chiến đấu để đuổi theo người dẫn đầu, Ashley Liew, đã vươn lên đầu tiên nhờ rẽ đúng đường, và có lợi thế hơn chúng tôi 50m. Cuối cùng, Rafael và tôi cũng bắt kịp, nhưng anh lại sớm rớt lại. Sau đó, tôi nhìn thấy Rafael gục xuống và được đưa bằng xe lăn lên xe cấp cứu.

Rafael đã phục hồi mạnh mẽ để lại trở thành nhà vô địch quốc gia năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016, thành tích của anh đi xuống và anh bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Anh mất chức vô địch năm 2016, mất luôn suất dự SEA Games 2017. Chân thành mà nói, tôi gần như không nghe về anh nữa tới mức tôi không chắc anh còn thi đấu ở đẳng cấp cao hay không.

Tháng 9 năm 2018, tôi nhận được một bức thư Rafael viết cho tôi:

“Chào người anh em,

Chúc mừng thành tích ấn tượng của cậu ở Berlin. Tôi ngưỡng mộ sự quyết tâm của cậu. Cậu đã chứng minh không gì có thể làm xao lãng việc luyện tập để đạt thành tích tốt.

Tôi đang chuẩn bị cho giải Milo [vô địch Philipines] tháng 12 tới. Tôi đặt kế hoạch tham dự SEA Games vì năm tới chúng tôi sẽ là nước chủ nhà. Tôi biết mình có đủ quyết tâm để làm điều đó một lần nữa, để thêm một lần đứng cạnh cậu ở vạch xuất phát. Vì vậy tôi nhờ cậu giúp tôi tập luyện để chiến thắng giải Milo.

Nếu không ngại, cậu có thể chia sẻ giáo án tập luyện của cậu với giải Berlin cho tôi được không? Tôi rất háo hức được luyện tập trở lại và quay lại đường đua. Hiện tại tôi không có huấn luyện viên, vì vậy tôi xin phép hỏi liệu cậu có thể giúp tôi không? Tôi mong phá PR 2:32 mà tôi đạt được 4 năm trước.

Cám ơn người anh em rất nhiều. Chúa phù hộ cậu.”

Nhiều người sẽ hỏi tại sao lại đi giúp đỡ đối thủ của mình, đặc biệt anh ấy là địch thủ có thể hạ thấp cơ hội chiến thắng tại SEA Games của tôi. Tuy nhiên, với bản thân mình, tôi tự cảm thấy tự hào khi một đối thủ nhờ tôi hướng dẫn. Tôi nhìn thấy anh ấy đang nỗ lực, đang gặp khó khăn, tôi muốn giúp Rafael quay lại đẳng cấp của anh ấy.

Tôi gửi giáo án cho anh từng tuần, tìm hiểu và vẽ ra trong óc hình ảnh của anh, thể lực, tâm lý, cá tính, vv… mặc dù tôi gần như chưa biết gì về con người này, ngoại trừ một điều anh là một trong những đối thủ đáng gờm nhất tôi từng gặp trên đường đua. Tôi khuyến khích anh quên đi những gì anh nghĩ là anh biết về chạy bộ, và tin tưởng tôi khi gò anh vào giáo án chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia. Tôi phải níu anh lại khi anh muốn tập nặng hơn, bảo anh đừng chạy với tốc độ 68-72 giây cho mỗi 400m (20 tổ), thay vì 74 giây mà tôi yêu cầu.

“Đừng chạy nhanh hơn chỉ vì cậu có thể làm như thế. Tốc độ mục tiêu là có lý do của nó, nó dạy cơ thể cậu về nhịp điệu khi chạy bộ” – Tôi từng viết cho Rafael như vậy sau một bài tập mà anh chạy quá nhanh.

Trong 12 tuần làm việc cùng nhau, tôi nhận thấy anh đã tiến bộ rất nhiều. Khi chỉ còn 1 tuần nữa là tới ngay thi đấu, tôi rất tự tin anh sẽ giành lại vương miện của nhà vô địch.

Tôi chỉ giúp anh có đủ thể lực để có mặt tại vạch xuất phát. Tinh thần chiến đấu của Rafael làm phần việc còn lại. Tôi không có mặt ở Philipines để theo dõi cuộc đua, nhưng nghe kể rằng, anh đã thực hiện kế hoạch chạy đua một cách hoàn hảo, bám ở tốp đầu trong 35km, trước khi bứt lên bằng một tốc độ hoang dại để bỏ xa người về nhì 3 phút, xác lập kỉ lục cá nhân 2:28:27.

Rafael đã phá sâu PR 2:32 trước đó, lẫn cột mốc 2:30. Sau cuộc đua, tôi biết rằng đội tuyển quốc gia sẽ gọi anh trở lại. Công việc và sự luyện tập sẽ làm tôi bận rộn, tôi nói với Rafael rằng giờ đây tôi trả anh lại cho đội tuyển điền kinh Philipines, nơi anh sẽ được dìu dắt bởi con người tốt nhất mà tôi có thể kỳ vọng – vận động viên chạy đường dài xuất sắc nhất lịch sử Đông Nam Á, Eduardo Buenavista, người đã giã từ đường chạy và chuyển sang công tác huấn luyện.

Tôi trông đợi lần tái ngộ với Rafael ở SEA Games 2019. Ở đó, mối quan hệ đối thủ, huấn luyện viên – vận động viên, rồi lại đối thủ, của chúng tôi sẽ đi hết một chu trình. Buồn thay, điều đó sẽ không đến.

Tôi sẽ là người đầu tiên nói với các bạn rằng, dựa trên nền tảng mà Rafael tích luỹ được trong 12 tuần làm việc cùng nhau, anh ấy có thể chạy tốt hơn thế rất nhiều. Dù thế nào, Rafael cũng từ giã chúng ta với tư cách nhà vô địch. Anh chắc chắn là vận động viên marathon xuất sắc nhất Philipines tại thời điểm hiện tại, và có thể thuộc nhóm những người xuất sắc nhất lịch sử.

Khi nhìn thấy niềm vui của anh khi phá mốc 2:30 và giành chiến thắng – chức vô địch cuối cùng của anh – tôi hiểu rằng việc theo đuổi một mục tiêu mà anh từng mơ ước có ý nghĩa thế nào đối với Rafael, và đó sẽ là kỷ niệm ngọt ngào nhất mà tôi nhớ về anh.

Tôi sẽ nhớ cậu rất nhiều, người anh em. Hãy tiếp tục chạy bộ trên thiên đường. Đừng chạy 20 x 400m quá nhanh! Hẹn ngày tái ngộ với cậu trên đường đua, khi chúng ta gặp nhau.

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares