Lời giải nào cho sự “thống trị” của Eliud Kipchoge

Với chiến thắng thong thả tại Olympic Marathon tại Nhật Bản, Eliud Kipchoge đã đặt dấu chấm hết cho những nghi vấn về việc anh có phải là vận động viên vĩ đại nhất mọi thời đại ở cự ly marathon hay không. Liệu có ai có đủ can đảm để phản bác lại kết luận này khi anh là người liên tiếp giành 2 huy chương vàng Olympic marathon, đồng thời nắm giữ kỷ lục thế giới marathon (2:01:39) và cũng ở cự ly này, anh đã chạy với thành tích 1:59:40 trong một sự kiện mang tính “biểu diễn”? Vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao? Tại sao Kipchoge lại có thể vượt trội hơn so với những vận động viên khác? Bài viết dưới đây góp phần đưa ra những đáp án cho câu hỏi này.

Ba thập kỷ trước, các chuyên gia di truyền học thể thao như Claude Bouchard tin rằng câu trả lời là quá rõ ràng. Họ tưởng rằng Dự án Bản đồ Gen người đã mở ra một cánh cửa trước nay chưa từng ai mở. Họ chắc chắn sẽ sớm có thể xác định các gen di truyền liên quan đến mọi thứ, từ thành tích chạy ngắn cho tới kỷ lục marathon.

Tuy nhiên, điều này cho tới nay vẫn chưa xảy ra. Ngược lại, các chuyên gia ngày nay thừa nhận rằng thành tích của các vận động viên ưu tú là một hiện tượng “đa chiều” – tức là đâu đó giữa vô cùng phức tạp và hoàn toàn không biết gì.

Thực tế là không ai có thể giải thích hết được lý do Kipchoge lại là chân chạy vĩ đại nhất. Không có một câu trả lời đơn thuần và cũng không có một yếu tố đơn thuần đằng sau thực tế này. Và chúng ta cũng không biết là khi anh ấy cười ở cuối đường chạy marathon là do anh ấy đau hay anh cười vì anh đã đọc các nghiên cứu cho thấy vừa cười vừa chạy giúp chúng ta chạy nhanh hơn (nhưng đừng cười to quá).

10 Chiến Lược Để Chạy Marathon Nhanh Hơn

Tại sao tôi không thể chạy nhanh hơn?

Tăng guồng chân (cadence) để chạy nhanh: 3 bài tập không thể bỏ qua

Ngay cả các nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu nhất về sinh lý học marathon cũng như bản thân Kipchoge cũng chỉ có thể nêu lên một vài yếu tố như VO2 max, sợi cơ, sinh cơ học để lý giải cho những thành tích dường như không tuổi tác của anh. Dưới đây là nội dung thảo luận chi tiết về những yếu tố này.

Tập luyện: có tạo sự khác biệt không?

Chân chạy nào có lẽ cũng đam mê tập luyện vì tập luyện giúp các chân chạy ở cấp độ mới tập và trung bình cải thiện thành tích rất lớn. Tuy nhiên, điều này không phải hòan toàn đúng đối với vận động viên thành tích cao. Việc tập luyện của các vận động viên ưu tú thường tương đối giống nhau với khối lượng từ 160-190km mỗi tuần. Ít người tập ít hơn và chưa ai có thể leo lên bục Olympic mà tự tin tuyên bố “đây là nhờ tôi chăm chỉ tập luyện 240km/tuần.” Những chân chạy vĩ đại là những người tìm được sự cân bằng giữa đủ và quá nhiều.

Eliud Kipchoge tươi cười khi phá vỡ giới hạn 2 giờ tại sự kiện INEOS 1:59

Chúng ta không khó có thể tìm được 1 tuần tập luyện cơ bản của Kipchoge và có thể thấy, anh là người tập luyện nặng và dài với khối lượng khoảng 190km/tuần. Ngoài ra, anh cũng cho biết anh ít khi tập luyện trên ngưỡng cường độ 80%. Với anh, thi đấu là thi đấu, không phải là để sống ảo. Và anh cũng biết khi nào nên nghỉ ngơi phục hồi.

Xem thêm: Tìm hiểu giáo án tập luyện của Eliud Kipchoge

VO2 max, ngưỡng lactate và hiệu năng chạy

Quay trở lại thời điểm năm 1991 khi kỷ lục marathon thế giới là 2:06:50. Chuyên gia sức bền Michael Joyner của Mayo Clinic đã viết một nghiên cứu đưa ra ý tưởng cho rằng con người có thể chạy 42,195km trong thời gian 1:57:58 (và nhiều người khi đó đã phải cười lăn lộn vì ý tưởng này). Theo Joyner, chân chạy này phải có sự hội tụ của các yếu tố gồm khả năng hấp thụ oxy cao, ngưỡng lactate cao và đặc biệt hiệu năng chạy lớn. Ở thời điểm đó ông viết “qua phân tích này có thể thấy việc rút ngắn hơn nữa thành tích marathon là khả thi về mặt sinh lý học.”

Ngày nay có lẽ không còn ai có thể cười Joyner được nữa. Dù ông chưa bao giờ được nghiên cứu dữ liệu trong phòng thí nghiệm về Eliud Kipchoge nhưng ông cho rằng “tôi đoán các chỉ số của anh ấy đúng với mô hình ban đầu của tôi.”

Joyner cũng đa thay đổi quan điểm về vai trò của ba yếu tố chủ đạo. Có lúc ông cho rằng tốc độ ở ngưỡng lactate của một chân chạy marathon cao nhất là 85% ngưỡng gắng sức tối đa. Nay ông thay đổi và cho rằng có thể lên đến 90%, đồng nghĩa với việc sẽ có người có thể chạy marathon nhanh hơn 1:57.

Chuyên gia sinh lý học nổi tiếng người Anh Andy Jones đã tham gia tư vấn cho Nike ở dự án và nhờ đó ông là một trong số ít người được tiếp cận dữ liệu phòng thí nghiệm về Kipchoge. Ông không được phép đưa ra ý kiến về con số cụ thể vì điều đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ông này vẫn đưa ra những ý kiến chung chung như “sự kết hợp của ba chỉ số cơ bản ở Kipchoge thuộc nhóm tốt nhất trong những vận động viên chúng tôi đã kiểm tra.”

Vài thập kỷ trước, ông Jones cũng đã kiểm tra Paula Radcliffe để đánh giá những thay đổi sinh lý trong cô. Radcliffe lập kỷ lục thế giới năm 2003 với thành tích 2:15:25 và sau đó vận động viên người Kenya Brigid Kosgei đã xô đổ kỷ lục này với thành tích 2:14:04. Quan sát của ông Jones cho thấy Radcliffe và Kipchoge “rất tương đồng”. Cả hai đều có các yếu tố giống nhau: VO2 max cao, ngưỡng lactate cao, hiệu năng chạy cao. Paula do có phong cách “chạy gật gù” nên không được mượt mà như Kipchoge nhưng hiệu năng sử dụng năng lượng của cô là rất đặc biệt nên động tác gật gù không ảnh hưởng quá nhiều.”

Vận động viên Paula Radcliffe

Chỉ số mới: tốc độ tối ưu

Jones quan tâm tới một chỉ số sức bền mới mang tên tốc độ tối ưu và ông cho rằng đây là yếu tố khiến Kipchoge đặc biệt tỏa sáng. Tốc độ tối ưu là khái niệm tương tự như tốc độ ngưỡng lactate hoặc tốc độ chạy tempo. Tốc độ tối ưu của một chân chạy marathon càng cao, chân chạy đó càng có thể chạy nhanh hơn và xa hơn mà không bị đụng tường. Các bạn có thể tham khảo thêm về khái niệm đụng tường.

Ông Jones cho biết “Tốc độ tối ưu của Kipchoge gần như cao hơn bất kỳ người nào khác. Vậy nên, ở tốc độ chạy marathon cho mục tiêu 2:10, anh ấy chạy rất sâu dưới ngưỡng tốc độ tối ưu của mình so với các vận động viên khác. Nói cách khác, anh ấy chạy ở dưới ngưỡng đỏ.”

Một đặc điểm quan trọng của tốc độ tối ưu là sự suy giảm sau khoảng 2 giờ. Ví dụ, tốc độ tối ưu của một người có thể là 10 ở thời điểm xuất phát cự ly marathon nhưng sau 2 giờ, tốc độ chỉ còn 6. Nên khi mới xuất phát chạy ở ngưỡng 8 là ngưỡng thoải mái. Sau 32km, mọi thứ thay đổi. Nếu người đó tiếp tục duy trì ngưỡng 8, tức cao hơn ngưỡng 6, hệ quả tất yếu là  đụng tường.

Ông Jones chỉ ra rằng đây là tình trạng xảy ra ở Olympic Marathon. Kipchoge có khá nhiều người chạy cùng ở nửa đầu cuộc đua, trong đó có cả Galen Rupp. Nhưng sau đó mọi người bắt đầu tụt lại dần khi Kipchoge tăng tốc trong đoạn 30K đến 35K (chạy 5K với thời gian 14:28). Anh ấy khi đó vẫn chạy ở tốc độ thấp hơn tốc độ tối ưu của mình trong khi mọi người đã bước vào vùng đỏ.

Dưới đây là đoạn phim ngắn minh họa tốc độ chạy của Kipchoge so với các chân chạy khác. Chúng ta có thể quan sát thấy chấm đỏ là nhóm dẫn đầu sau đó tỏa ra thành nhiều chấm nhỏ khác khi Kipchoge bắt đầu tăng tốc ở 30K. Ông Jones cho biết tốc độ tối ưu sẽ có vai trò quan trọng hơn nữa trong điều kiện nắng nóng.

 

Ông Jones tiếp tục: “Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì quyết định tốc độ tối ưu? Về cơ bản đây là chỉ số kết hợp giữa tốc độ chuyển hóa oxy hóa bền vững cao nhất của một vận động viên, chủ yếu liên quan đến hoạt động oxy hóa ở cơ (năng lực hoạt động của ti thể cùng với khả năng đưa oxy tới cơ của hệ tim mạch) và hiệu năng chạy.”

Yếu tố thứ tư: khả năng chịu đuối mỏi của cơ

Trong nghiên cứu mang tính đột phá năm 1991 của mình, Michael Joyner thừa nhận rằng có những yếu tố ông vẫn chưa thể lý giải. Một trong những yếu tố này ngày nay được xác định là “khả năng chịu đuối mỏi của cơ”. Liệu có thể có chân chạy nào đó đó có những nhóm cơ có khả năng chịu đuối mỏi tốt hơn một số người khác không? Ông Joyner thắc mắc liệu các chân chạy dài hàng đầu có sử dụng nhiều nhóm cơ co nhanh, nhóm cơ được các chân chạy ngắn sử dụng hay không. Và nếu có, liệu chúng ta có thể luyện tập để nhóm cơ này vận cơ liên tục trong nhiều giờ mà không bị đuối mỏi hay không?”

Ông Jones đồng ý với quan điểm cho rằng khả năng chịu đuối mỏi có thể là một yếu tố quan trọng nhưng ít được nghiên cứu góp phần vào thành tích marathon xuất sắc. Ông gọi đây là yếu tố thứ tư sau ba yếu tố nêu trên và cho rằng “các chỉ số sinh lý của Kipchoge không suy giảm mạnh trong quá trình chạy marathon so với các vận động viên khác.”

Giải phẫu: nhỏ là đẹp

Khi các chuyên gia di truyền học và sinh lý học không thể lý giải hết nguyên nhân phía sau những thành tích marathon ấn tượng thì các nhà khoa học khác vẫn tiếp tục. Họ đo năng lượng đàn hồi của gân gót chân, khối lượng chân (cơ bắp chân), ngón chân dài, ngón chân ngắn và thu được nhiều kết quả khác nhau.

Chúng ta có bằng chứng chắc chắn rằng kích thước cơ thể nhỏ hơn (chiều cao, cân nặng, BMI) giúp chạy marathon nhanh hơn. Bảng dưới đây thể hiện chiều cao trung bình của những vận động viên nam giành huy chương vàng Olympic là khoảng 1,67m, cân nặng khoảng 56,6 kg và chỉ số BMI vào khoảng 19. Cân nặng của Kipchoge năm 2021 là 52kg, giảm 5kg so với 05 năm trước và anh có kích thước cơ thể nhỏ so với nhiều vận động viên đỉnh cao khác.

Chỉ số chiều cao, cân nặng và BMI của các nhà vô địch nội dung marathon nam qua các kỳ Olympic

Những vận động viên marathon hàng đầu thường có thân hình nhỏ để cải thiện hiệu năng, hạn chế chấn thương và tăng cường khả năng trao đổi nhiệt. Yếu tố cuối cùng có vai trò đặc biệt quan trọng khi thi đấu vào mùa hè ở giải Vô địch điền kinh thế giới và Olympic.

Chúng ta vẫn thấy các chân chạy marathon cao nhưng hiếm. Một ví dụ cụ thể là Galen Rupp ở kỳ Olympic vừa qua với chiều cao 1,80m, khá nổi bật so với các chân chạy còn lại. Vận động viên bốn lần vô địch giải Boston Marathon, Robert Kipkoech Cheruiyot, có chiều cao 1,90m. Đây là những trường hợp ngoại lệ so với nguyên tắc chung.

Chuyên gia nghiên cứu sức bền Alejandro Lucia người Tây Ban Nha được biết đến với nhiều nghiên cứu về các cua-rơ của giải Tour de France và các chân chạy đường dài. Ông đã hợp tác với hai ông Jones và Joyner. Trong một nghiên cứu, ông Lucia đã so sánh các chân chạy hàng đầu thế giới người Tây Ban Nha với các chân chạy người Eritrea. Các chân chạy của cả hai nhóm có chỉ số VO2max giống nhau nhưng các chân chạy Eritrea có cơ thể nhỏ hơn, chân dài hơn và bắp chân gầy hơn. Những yếu tố này giúp họ có hiệu năng chạy siêu việt.

Theo quan điểm của ông Lucia, “Tôi cho rằng Kipchoge có chế độ ăn tuyệt vời với hàm lượng đường bột cao và có đôi chân gầy, chắc giống như nhiều vận động viên Kenya. Điều này có nghĩa anh ấy có thể thi đấu ở tốc độ tương đương với tỷ lệ VO2 max thấp hơn so với các vận động viên khác. Ngoài ra, tim của anh cũng không gặp quá nhiều áp lực khi cung cấp máu chứa oxy tới các nhóm cơ chân đang hoạt động, não bộ và da để thoát nhiệt.”

Xem thêm: Tìm hiểu chế độ ăn của các vận động viên Kenya

Độ cứng của chân: có khiến chân nhanh hơn?

Bốn tháng trước, chuyên gia nghiên cứu sinh cơ học Geoff Burns thuộc Đại học Michigan công bố một nghiên cứu trong đó ông phát hiện chân của các vận động viên thành tích cao cự ly 1 dặm “cứng hơn” so với các vận động viên khác chậm hơn dù khối lượng tập luyện cao. Ông Burns cho biết “độ cứng của chân” là chỉ số đo lường mức độ nén ép và giãn của cơ thể theo trục thẳng đứng khi bàn chân trên mặt đất.”

Một người cơ thể cứng khi chạy là khi người đó “bật” khỏi mặt đường mà cơ thể không phải co lại trong từng bước chạy (gối trùng xuống quá mức). Động tác “bật” này xuất phát từ khả năng đàn hồi của cơ thể ở gân và dây chằng cũng như sức căng của cơ thể nói chung và khả năng điều phối hoạt động của hệ cơ.

Cơ thể con người khi chạy hoạt động giống như một cái lò xo và một cái lò xo cứng sẽ có sức bật hiệu quả hơn so với lò xo lỏng. Một chân chạy có cơ thể có độ cứng tốt khi chân tiếp đất sẽ chạy hiệu quả hơn một chân chạy có độ cứng thấp. Khi bàn chân tiếp xúc mặt đất, gân, dây chằng và các bộ phận có khả năng đàn hồi khác của cơ được kéo giãn hơn chiều dài thông thường, qua đó hấp thụ và tạm giữ năng lượng do tiếp xúc gây ra. Khi các bộ phận này phục hồi lại trạng thái chiều dài bình thường, năng lượng này được giải phóng và với khả năng điều phối đúng lúc và hài hòa của cơ, năng lượng được hướng về phía mặt đất và đẩy cơ thể về phía trước và lên trên.

Gậy pogo

Trong một nghiên cứu chưa công bố, ông Burns cùng các cộng sự Nam Phi đã so sánh độ cứng của chân ở một số vận động viên cự ly 10K rất nhanh của Kenya (thành tích khoảng 28 phút) và nhóm vận động viên phong trào (thành tích khoảng 43 phút). Vận động viên Kenya có độ cứng tương đối cao hơn nhiều (trên mỗi kg trọng lượng cơ thể). Các vận động viên Kenya cũng có những cấu trúc tạo lực gần giống với các hệ thống đàn hồi đơn giản và hiệu quả.

Theo ông Burns, “các vận động viên Kenya điều phối cơ thể giống như hệ thống gậy lò xo (gậy pogo). Tôi nghĩ Kipchoge cũng tương tự bằng cách điều phối một loạt các chuyển động của cơ thể và chân để có được động lực hiệu quả khi tiếp đất, tạo ra sức bật đặc biệt tốt.”

Nhưng khi quan sát dáng chạy của Kipchoge, chúng ta đâu có thấy anh ấy bật nảy lên?

Đoạn phim trên đây ghi lại những phút cuối trong lần chạy marathon 1:59 của Kipchoge. Anh ấy và các vận động viên hàng đầu khác tốn rất ít năng lượng vào động tác cơ thể bật nảy không cần thiết. Đây chính là đặc điểm của một cơ thể có độ cứng cao khi cơ thể không bị nén ép quá nhiều dưới tác động của phản lực từ mặt đất và là một đặc điểm của dáng chạy tiết kiệm năng lượng. Theo ông Burns, gậy pogo là biểu hiện của một hệ thống lý tưởng trong đó năng lượng được tái tạo theo từng bước bật nảy. Ông cho rằng: “không có chân chạy nào có một hệ thống hoàn hảo, kể cả Kipchoge nhưng người có cơ thể với độ cứng phù hợp và khả năng điều phối lực tốt sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn trong từng bước chạy.”

Thái độ có vai trò lớn

Theo ông Rodgers, một người nghiên cứu khá kỹ thành tích marathon kể từ khi ông về nhất giải Boston năm 1975 cho rằng, địa điểm mới là yếu tố quan trọng. Ông cho rằng các vận động viên Đông Phi khi sinh ra và lớn lên đã có ưu thế về độ cao. Ông cũng cho rằng “các yếu tố khác như hỗ trợ tài chính thì rất khó khăn ở các nước nghèo. Những vận động viên này không có nhiều cơ hội và việc giành một giải thưởng khiêm tốn nhất cũng rất ý nghĩa đối với các vận động viên Đông Phi. Tôi cho rằng Eliud là một vận động viên mạnh về mọi khía cạnh. Cơ thể anh ấy không to lớn nhưng có nền tảng thể chất mạnh mẽ và tâm trí cũng rất cương nghị. Tôi cho rằng sự kết hợp của các yếu tố này giúp anh ấy liên tiếp giành chiến thắng.”

Yếu tố cuối cùng: tâm trí của vận động viên

Dù tới nay chúng ta chưa thể đo lường được sức mạnh tâm trí của vận động viên nhưng bất cứ ai khi đã tiếp xúc với Kipchoge đều ấn tượng bởi cách tiếp cận với cuộc sống và thách thức như một thiền sư của anh ấy. Quan trọng hơn cả, Kipchoge có một cuộc sống rất đơn giản, tập luyện chăm chỉ, nghiên cứu thể thao và rõ ràng không e ngại đẩy cơ thể vượt qua giới hạn giống như câu nói của anh rằng “con người không có giới hạn.”

Với Eliud Kipchoge, sự bình tâm luôn khiến anh vượt qua khó khăn, thử thách

Năm 2005, hai vợ chồng tôi tham gia một nhóm các chân chạy Mỹ tới thăm tỉnh Rift Valley của Kenya và trại tập luyện của các chân chạy hàng đầu. Chúng tôi dành một buổi chiều tập luyện với nhóm của Kipchoge tại Kaptagat (hơn 2400m trên mực nước biển) bao gồm một buổi chạy 7km với các vận động viên Kenya và buổi uống trà.

Vợ tôi là người năng động nhưng chạy chậm và cô ấy lo sẽ gặp khó khăn khi chạy dốc ở điều kiện địa hình cao. Vậy nên tôi hỏi một số vận động viên Kenya xem có ai muốn chạy cùng chúng tôi ở tốc độ 6:50 hay không. Kipchoge giơ tay và bước lên trước với nụ cười cởi mở. Khi đó anh ấy mới 20 tuổi và sẽ chỉ chạy marathon lần đầu 8 năm sau. Trước đó, vào mùa hè, anh ấy đã đạt thành tích 3:50 cự ly 1 đặm và 12:46 cự ly 5000m.

Mọi người bắt đầu với tốc độ nhanh nhưng Kipchoge vẫn chạy cùng chúng tôi suốt quãng đường. Tôi cho rằng sẽ không có nhiều vận động viên ưu tú khác có thể làm được điều này. Tôi không nhớ rõ nội dung buổi chạy và trò chuyện hôm ấy nhưng không thể quên một câu hỏi. Tôi hỏi liệu anh ấy có lo lắng khi đua với các chân chạy ưu tú của Ethiopia như Haile Gebrselassie không? Kipchoge trả lời: “Không, tôi không lo lắng gì cả. Bản thân tôi cũng đã rất nhanh rồi.”

Và thực tế đúng là như vậy.

Tác giả Amby Burfoot viết cho tạp chí Podium Runner

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares