Hôm nay có người share hình ảnh SpO2 đo được là 91%. Nghĩa là thế nào?
Nghĩa là: đồng hồ của bạn đo không chính xác lắm đâu. Hãy bình tĩnh nhé.
SpO2 là gì? SpO2 là độ bão hoà oxy máu mao mạch, nó phản ánh gần đúng độ bão hoà oxy máu động mạch (SaO2). Nói chung, SpO2 sẽ thấp hơn SaO2 đôi chút.
Thành phần quan trọng của hồng cầu là hemoglobin. Hemoglobin sẽ đến phổi, nhận oxy. Oxy gắn vào hemoglobin và theo máu đi tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Tại đây oxy rời hemoglobin để hemoglobin theo tĩnh mạch về phổi. Hemoglobin chứa sắt, nên có màu đỏ, vì thế máu (động mạch) của chúng ta cũng màu đỏ. Màu nghèo oxy (máu tĩnh mạch) sẽ đen hơn máu động mạch một chút. Khi đi hiến máu, máu được hút ra từ tĩnh mạch, nên không có màu đỏ tươi. Không sao cả, khi truyền vào cơ thể người bệnh, máu được nhận oxy sẽ lại đỏ tươi. Hemoglobin còn được gọi là huyết sắc tố.
SaO2 là tỉ lệ phần trăm hemoglobin được gắn oxy. Ở người bình thường, SaO2 > 95%. Vì thế, SpO2 > 95%.
SpO2 91% cho thấy vì một nguyên nhân nào đó mà hemoglobin không nhận đủ oxy. Có thể phổi đang kém, khó thở, sắp suy hô hấp.
Ở bệnh nhân COVID phải điều trị trong bệnh viện, SpO2 giảm là một thông số để thày thuốc quyết định thông khí nhân tạo cho người bệnh (thở oxy, thở máy không xâm nhập, hay đặt ống thở để thở máy xâm nhập). Ngoài ra còn nhiều yếu tố cần cân nhắc, toàn trạng, nhịp thở, phân áp oxy, phân áp CO2, pH máu, tiên lượng sống được bao lâu nữa, vv và vv… Thậm chí, sự sẵn có của máy thở cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của thày thuốc. Đương nhiên kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của bác sĩ điều trị cũng vô cùng quan trọng, ví dụ có thày thuốc chủ trương đặt ống sớm để rút ống sớm. Có người lại nghĩ “cầm cự” sẽ tốt hơn cho cơ thể, tránh những biến chứng của thông khí nhân tạo, ví dụ bội nhiễm phổi.
Có những người chung sống được với SpO2 thấp trong thời gian dài, đó là các bệnh nhân bệnh tim bẩm sinh – từ lúc đẻ ra máu đã là máu trộn nghèo oxy, các bệnh nhân bệnh phổi mạn tính hay suy tim mạn tính, cơ thể đã quen với hoàn cảnh thiếu oxy do tim và phổi không đảm bảo được chức năng của mình. Những bệnh nhân này SpO2 có thể thấp cỡ 80-85%.
Lưu ý rằng những người thiếu oxy mạn tính, máu của họ cô đặc hơn chúng ta rất nhiều. Do khả năng sản xuất oxy (bệnh phổi) và vận chuyển oxy (bệnh tim mạch) bị suy giảm, cơ thể không có cách nào khác là tăng cường thiết bị vận chuyển – đó là các hồng cầu. Số lượng hồng cầu và huyết sắc tố có thể gấp rưỡi người bình thường. Đây là lý do mà thuốc kích sinh huyết sắc tố (EPO) được coi là doping trong thể thao, còn các chân chạy hổ báo thường lên núi (Iten, Boulder, Flagstaff, Mammoth) để luyện chưởng, mong cơ thể mình quen với trạng thái thiếu oxy.
Khác với tần số tim, khi đồng hồ thể thao cho ra kết quả gần như máy điện tâm đồ, nhất là nếu đo ở trạng thái nghỉ; còn xa thì những máy đo SpO2, kể cả thiết bị chuyên dụng dùng trong bệnh viện, mới phản ánh trung thành tuyệt đối tình trạng oxy máu động mạch. Phương pháp chính xác nhất là chọc kim vào động mạch, hút máu ra đem đi làm xét nghiệm.
Theo hướng dẫn của FDA, độ chính xác của máy đo SpO2 sẽ cao nhất nếu SpO2 trong khoảng 90-100%, trung bình nếu SpO2 80-90%, và thấp nhất nếu SpO2 dưới 80%. Nghĩa là những người SpO2 giảm, cần máy đo nhất, thì máy lại đo thiếu chính xác nhất. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính chính xác của máy, như sắc tố da, tần số tim,… Khi khó thở (tương tự như khi vừa gắng sức thể lực), nhịp tim sẽ tăng lên, vì thế máy đo sẽ kém chính xác hơn trạng thái bình thường.
Bài viết này không đi sâu về phân tích liệu SpO2 có cần thiết cho người chạy bộ hay không, hay chúng ta sẽ sử dụng thông số đó như thế nào.
Hiện tại, khi khả năng F0 được theo dõi và cách ly tại nhà ngày càng hiện rõ, câu hỏi là liệu có thể sử dụng đồng hồ chạy bộ để theo dõi SpO2 hay không. Có thể kết luận như sau:
– Không có bằng chứng nghiên cứu cho thấy đồng hồ thể thao có thể đo chính xác thông số SpO2, đặc biệt là SpO2 của những người bị suy hô hấp
– Không được dựa vào thông số SpO2 trên đồng hồ thể thao (bất kể loại nào) để đưa ra quyết định y khoa
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
Vậy các thiết bị đo SpO2 đầu ngón tay như trên hình trong bài (microlife) có tin tưởng ở mức độ tham khảo được không ad?
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]
[…] hoà oxy máu mao mạch (SpO2). Tuy nhiên, cần nhớ rằng SpO2 đo bởi đồng hồ thông minh chỉ có giá trị tham khảo, không thể dựa […]
[…] SpO2 đo trên đồng hồ thể thao có đáng tin cậy hay không? […]
Tạm được bạn ạ. Như đã nói, SpO2 chỉ có giá trị tham khảo thêm với người thày thuốc, không phải thông số tuyệt đối