Tôi đến với chạy bộ từ năm 13 hay 14 tuổi và đến năm 16 tuổi mỗi ngày tôi chạy khoảng 20km sau khi đi làm, sau khi đi học và tôi duy trì cường độ này trong nhiều năm sau đó. Bẵng đi đến năm 2005, tôi cảm thấy cơ thể mình có vấn đề gì đó không ổn. Rồi đột ngột tôi thấy cùng một quãng đường mà mình chạy chậm hơn nhưng vẫn mệt hơn. Tôi tự nhủ chắc mình sắp bị cảm cúm hay gì đó thôi. Tháng 1/2006, tôi đi khám bác sỹ vì tình trạng ngày càng nghiêm trọng và kết quả bác sỹ phát hiện có vấn đề gì đó với van tim ở động mạch chủ. Bác sỹ yêu cầu tôi khám định kỳ 6 tháng, ngoài ra mọi thứ đều bình thường. Nhưng sau đó mọi chuyện không bình thường cho tới mùa hè năm 2007 tôi cảm thấy không còn đủ sức để bước chân lên lầu 2 nhà mình. Ngày 16/10, chỉ 12 ngày sau sinh nhật lần thứ 34, tôi bắt buộc phải thay van tim nhân tạo khẩn cấp mới có thể tiếp tục sống khỏe mạnh.
Sau ca phẫu thuật, các bác sỹ nói tôi có thể tham gia tập thể thao nhưng phải kiểm soát nhịp tim không vượt quá 100 nhịp/phút. Tôi tự hỏi mình vừa nghe thấy điều gì vậy? Với nhịp tim đó thì đồng nghĩa với việc không thể thao gì nữa. Sau đó cuộc sống của tôi tiếp diễn, tôi trở thành hình ảnh trái ngược với chính tôi vài năm về trước.
Năm ngoái, tôi quyết định không thể xa rời thể thao mãi được. Tôi quyết định chạy lại, đầu tiên là đi bộ, sau đó đi bộ nhanh và sau đó xen kẽ chạy và đi bộ cho tới khi tôi có thể chạy liên tục 5km. Hàng năm tôi đều phải tái khám với bác sỹ tim mạch và biết được tình yêu thể thao của tôi, bác sỹ cho phép tôi tiếp tục tập luyện. Tôi đã tập nhiều hơn và thậm chí đã chạy được bán marathon. Cảm giác với tôi như sự sống và tình yêu đã quay trở lại. Tôi đã và vẫn yêu chạy bộ rất nhiều!
Tôi cho rằng có rất nhiều người như tôi gặp phải vấn đề tim mạch rồi buộc phải xa rời thể thao. Vậy nên tôi viết bài này để chia sẻ một suy nghĩ đơn giản rằng chúng ta không nhất thiết phải dừng tập luyện vì luôn có cách tập luyện để chúng ta có thể chạy trở lại.
Vài lời khuyên dành cho các bạn chạy bộ khi gặp vấn đề tim mạch:
1. Điều quan trọng nhất là chia sẻ với bác sỹ và chắc chắn bác sỹ sẽ có những giới hạn nhất định nhưng luôn ủng hộ chúng ta.
2. Xỏ giày và ra đường nếu cảm thấy có thể nhưng bắt đầu thật chậm với các bài tập như 1 phút chạy nhẹ hoặc đi bộ xen kẽ 1 phút chạy hoặc chạy nhanh hơn. Sau đó chúng ta có thể kéo dài thời gian chạy…
3. Đừng quan tâm tới kết quả thi đấu. Nhiều người thậm chí không chạy khi gặp phải vấn đề giống chúng ta. Chúng ta đang chạy đua với chính bản thân mình mà thôi.
4. Để ý thời tiết. Nếu chẳng may có bị cảm cúm hoặc bệnh tương tự, cần để cơ thể phục hồi khỏe mạnh mới chạy lại tránh tạo áp lực quá lớn lên tim và chạy khi điều kiện thời tiết tốt và cơ thể khỏe mạnh!
5. Mang theo nước uống, đừng chạy khi trời nắng nóng hoặc giữa trưa. Vào những ngày nóng nên chạy buổi sáng sớm hoặc chiều muộn hoặc buổi tối nhưng phải để ý độ ẩm và hơi nóng phả từ mặt đường lên.
6. Cuối cùng, đừng quá khắt khe với bản thân. Sẽ có những ngày chúng ta chạy khỏe những có những ngày yếu. Điều quan trọng là chúng ta bước ra ngoài và cảm thấy mình thật may mắn khi vẫn có thể tiếp tục chạy!