Quay trở lại tập luyện theo chế độ nào sau khi bị dương tính COVID-19 và phục hồi có lẽ là câu hỏi mà nhiều chân chạy bị bệnh đang phân vân thắc mắc. Theo các chuyên gia, ngay cả khi đã hết hạn cách ly, đã âm tính, chúng ta vẫn nên cẩn trọng khi quay trở lại tập luyện. Bài viết dưới đây giúp các chân chạy có thêm thông tin để đưa ra quyết định phù hợp với thể trạng của bản thân.
Khi bác sĩ Jordan D. Metzl và đồng nghiệp tại Viện Y học thể thao HSS công bố hướng dẫn trở lại tập luyện sau khi khỏi COVID-19 hồi tháng 8, ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có nhiều phản hồi từ phía người bệnh đến như vậy.
Ông cho biết “có rất nhiều người đã liên hệ với tôi, nhiều người có triệu chứng nhẹ đến trung bình thậm chí trong thời gian 3 đến 5 tháng sau. Có lẽ họ không biết nên phải theo chế độ nào vì vấn đề này chưa được nhiều người nhắc tới. Có nhiều người như vậy hơn tôi tưởng tượng rất nhiều.”
Sau khi làm việc với các vận động viên có liên quan đến công việc của họ, nhóm của Viện HSS đã xây dựng một khung hướng dẫn dành cho vận động viên phong trào bị nhiễm virus ở mức độ nhẹ và trung bình, giúp họ quay trở lại tập luyện một cách an toàn nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mỗi người sẽ có khả năng phục hồi khác nhau, một số nhanh hơn, số khác phải mất nhiều tháng ngaey cả khi chỉ có những triệu chứng nhẹ. Tương tự, Cao đẳng Tim mạch, Thể thao và Thể dục Hoa Kỳ (ACC) cũng đã đưa ra hướng dẫn trở lại tập luyện hồi tháng 5 và bản cập nhật vào cuối tháng 10 dành cho các vận động viên chuyên nghiệp và các vận động viên phong trào có chế độ tập luyện cao.
Bản cập nhật làm rõ thêm nhiều thông tin. Những hướng dẫn này giúp ích rất nhiều cho các chân chạy, những người đang không biết nên quay lại tập luyện như thế nào sau khi dương tính với COVID-19, đặc biệt đối với những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo bác sĩ Jonathan Kim, chuyên gia tim mạch thể thao và đồng tác giả hướng dẫn của ACC, “chúng tôi cố tìm ra điểm cân bằng giữa những người cảm thấy khỏe mạnh khi quay trở lại tập luyện nặng trong khi không quy định áp dụng các biện pháp kiểm tra không cần thiết.”
Do bản chất khó lường của loại virus này, hướng dẫn được đưa ra một cách thận trọng.
Theo CDC, các nhà khoa học hiểu rằng “COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều cơ quan bao gồm cả phổi và việc nhiễm bệnh có thể khiến sức khỏe của người bệnh bị suy giảm theo nhiều cách khác nhau.” Cụ thể, các nhà khoa học đang theo dõi xem virus này gây ảnh hướng thế nào tới tim. Vấn đề giới khoa học đang lo ngại là bệnh viêm cơ tim.
Bác sĩ Kim cho biết “chúng tôi chưa thể xác định hoàn toàn chắc chắn về cơ chế đằng sau vì nó liên quan đến toàn bộ những thương tổn tim mà chúng tôi quan sát được ở những người bệnh nhập viện.”
Để tránh gây áp lực với tim trước khi cơ quan này sẵn sàng, các chân chạy không nên quay lại tập luyện ngay theo chế độ trước đó đã dừng lại. Hướng dẫn dành cho các vận động viên chuyên nghiệp và vận động viên phong trào tập luyện khối lượng lớn khuyến nghị nên nghỉ hoàn toàn 10 ngày và từ từ trở lại tập luyện với sự theo dõi đánh giá của chuyên gia y tế nếu có triệu chứng vừa phải hoặc kéo dài.
Nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khuyến nghị cập nhật của ACC khuyên có thể quay trở lại tự tập luyện chạy bộ. Bác sĩ Kim cho biết “một trong những điểm lưu ý của chúng tôi là cần từ từ quay trở lại chế độ tập bình thường nhưng nói chung vận động viên có thể tự tập luyện và không cần thăm khám bác sĩ tim mạch và làm xét nghiệm.”
Tất nhiên, nếu cơ thể vẫn ốm yếu, dù mức độ nặng nhẹ thế nào, chúng ta không nên tập luyện. Bác sĩ Kim cho biết “nếu bạn bị dương tính khi tiếp xúc với F0, bạn cần hiểu rằng sau tuần đầu tiên triệu chứng sẽ biến chuyển rất đột ngột. Một khi xác định bị bệnh, bạn cần cách ly xã hội và dừng tập luyện.”
Bác sĩ này cũng khuyên các chân chạy nên quan tâm đặc biệt trong trường hợp xuất hiện rõ các triệu chứng tim mạch khi trở lại tập luyện sau khi nhiễm COVID-19 như tức ngực, khó thở, cảm thấy khó thở khi tập một bài tập nhẹ nhàng khi ở trạng thái bình thường, cảm thấy váng đầu, hoặc bất tỉnh. Đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể chưa sẵn sàng trở lại tập luyện.
Hướng dẫn dành cho vận động viên phong trào có sự đa dạng tùy thuộc vào loại triệu chứng mà một người gặp phải (phổi, tim mạch, cơ xương…) nhưng nhìn chung đều áp dụng nguyên tắc 50/30/20/10 để trở lại tập luyện sau khi nhiễm COVID-19. Ở tuần đầu tiên, giảm 50% khối lượng tập luyện bình thường. Nếu cảm thấy thoải mái và không bị triệu chứng mới, tuần tiếp theo giảm 30%, sau đó là 20% và 10% vào tuần thứ tư. Quay trở lại tập luyện bình thường vào tuần thứ 5.
Bác sĩ Metzl cho biết “nếu một hệ thống trong cơ thể bị nhiễm bệnh, chúng ta cần tăng áp lực từ từ lên hệ thống đó và quan sát, theo dõi.”
Theo bác sĩ Emily Stonerman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan, “nếu bạn cứ gắng chạy thật nặng quá sớm, bạn chỉ đang tự hại bản thân. Cần để cơ thể có thời gian phục hồi và điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài thay vì đẩy cơ thể khi cơ thể chưa hoàn toàn phục hồi.”
Cả hai nhóm đề xuất những hướng dẫn trở lại tập luyện đều thừa nhận rằng với tình hình khó lường như hiện nay, hướng dẫn của họ có thể sẽ phải điều chỉnh trong tương lai. Bác sĩ Kim cho biết “tôi chỏ rằng mọi người đều hiểu những khuyến nghị này sẽ cần được điều chỉnh.”
Dù hướng dẫn này đã giúp khỏa lấp phần nào khoảng trống thông tin nhưng nhóm tác giả của ACC hy vọng một ngày nào đó có thể đưa ra cách tiếp cận dựa trên cứ liệu và theo bác sĩ Kim, “điều này cần có thời gian. Chúng ta cần thu thập, tổng kết số liệu nhưng hiện tại nhiều người cần những hướng dẫn này.”
Một vài khuyến nghị có thể áp dụng trong mùa cúm. Theo bác sĩ Kim, “ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID, tôi luôn tư vấn mọi người rằng khi cơ thể mệt mỏi, chúng ta không nên ra ngoài và đẩy cơ thể vượt giới hạn. Chúng ta cần cho cơ thể thời gian để phục hồi khi bị nhiễm virus.”
Bác sĩ Metzl cho rằng khó có thể thuyết phục các chân chạy vì họ quen với việc chạy ngay cả khi ốm yếu, thời tiết xấu, căng thẳng để thư giãn. Ông cho rằng “chúng ta lập trình bản thân để chạy trong mọi tình huống. Nói chung trong cuộc sống, đây là phẩm chất đáng quý. Chúng ta hoàn thành mọi việc, không để việc nào trong tình trạng dang dở.” Nhưng ông nhấn mạnh rằng hiện tại không phải là thời điểm làm những gì một người chạy bộ thường làm. Cần có biện pháp tập luyện phù hợp sau khi nhiễm COVID-19. Ông nói “với vai trò là bác sĩ thể thao, chứng kiến nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề khác nhau, bao gồm cả các vấn đề do COVID-19 gây ra, tôi cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần kiểm soát tư duy của một người chạy bộ và cần hiểu rằng đó về cơ bản không phải là điều tốt nhất cho mỗi chân chạy. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề, cần cẩn trọng và phải cẩn trọng hơn trước đây.”
Đây cũng là cơ hội để các chân chạy quay vào trong, hiểu rõ hơn cơ thể mình đang cần gì, đang truyền tải thông điệp gì. Bác sĩ Stoneman cho rằng “tôi cho rằng lời khuyên tốt nhất và cũ nhất là lắng nghe cơ thể và chậm lại khi cần thiết.”
Nhưng nếu thực sự cơ thể bạn khỏe mạnh và không có lý do nào cho thấy bạn đang bị bệnh, hãy cư ra ngoài, tận hưởng niềm vui chạy bộ, giữ khoảng cách. Bác sĩ Stoneman cho rằng “khi đó bạn hãy cứ chạy tiếp. Dù các giải phải hủy gần hết nhưng chúng ta tập luyện vì cuôc sống của chính mình và vì sự minh mẫn và bình tâm của chính mình trong thời điểm khó khăn như hiện nay.”
Bài viết sẽ được cập nhật khi có những thông tin/khuyến nghị mới từ các chuyên gia về lĩnh vực này.
Theo TrailRunnermag
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.