Trung niên sinh nhật

Trung niên sinh nhật

Đào Trung Thành

 

Trung niên sinh nhật

Trung niên sinh nhật

Thế nào là trung niên? Rất khó có một định nghĩa chính xác nhưng một cách tương đối thì đó là một người đàn ông “quá niên trạc ngoại tứ tuần” và chưa đến tuổi về hưu để an nhàn. Trung niên có một khuôn mặt nhàu nát hoặc bảnh bao, đang ở trên đỉnh hoặc đang ngồi bệt dưới đất. Tuy nhiên đó là kẻ mà ai nghĩ gì đến mình cũng mặc trong khi ở độ tuổi hai mươi anh ta quan tâm đến tất cả các suy nghĩ về mình và sáu mươi thì nhận ra rằng thật ra chẳng ai nghĩ gì về mình hết.

Trung niên như quả vừa chín tới mà chưa đủ muồi. Theo Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì “Nó hườm hườm, chưa gọi là chín được mà cũng chẳng còn xanh nữa! Cho nên nó vẫn còn căng cứng, còn mơn mởn, mướt rượt chớ không xanh xao, ẻo lả, và dĩ nhiên nó cũng chưa mềm èo, mềm rục. Nó chuyển như mùa, như trời đất vào thu. Nó vàng mơ. Vàng ươm. Nó rạo rực. Nó thổn thức. Và nó tươm mật. Nghề nghiệp đã vững chãi. Kinh nghiệm đã no nê. Khó mà lường gạt nó trừ phi nó cố tình để cho lường gạt. Nó tự tin, tự tin ở chính mình, và từ đó, dẫn đến tự tại.” Ông nói về sự đằm thắm của phụ nữ tuổi bốn mươi nhưng nó cũng có thể đúng cho cả đàn ông trung niên.

Cố nhiên, trung niên không phụ thuộc giới tính nhưng thường thì khi nói đến trung niên là nói về đàn ông. Nguyễn Việt Hà cho rằng “ đàn bà cũng có “trung niên”, nhưng nếu phải so với chính họ thuở đang là mù lòa thiếu nữ hay lẳng lơ thiếu phụ thì đến tuổi này nhạt hơn, không nhiều chuyện để bàn. Nói chung, bọn họ đều đã yên ấm gia đình, thương chồng quý con. Nếu chẳng may khát vọng có còn thì cũng chỉ loay hoay nhặt nhạnh thêm tí tiền lẻ hay lãng mạn chấm mút một chút văn gừng văn nghệ. Hoặc hóng hớt buôn đi bán lại mấy căn chung cư đang ế. Hoặc nghẹn ngào một góc bẽn lẽn ngồi viết vài lục bát đoản thi.”

Trung niên đàn ông có nhiều chuyện để bàn. Đó là quãng đời dở ông, dở thằng, nhớ nhớ quên quên. Cho nên việc tổ chức sinh nhật là dành cho loại khá giả, có chút địa vị, vai vế. Khi đó, trung niên sinh nhật khẳng định địa vị đỉnh cao của mình, đón nhận sự tung hô ngưỡng mộ có chút ghen tỵ của kẻ khác. Còn thường thì sinh nhật trung niên rất nhạt, hoặc được quên đi.

Có một sự lo lắng không hề nhẹ khi đến sinh nhật, như một tay cua-rơ chuẩn bị đổ dốc, vừa hào hứng pha lẫn căng thẳng, tay chực chờ nhấn thắng nhưng lại hết sức cẩn thận tránh lộn nhào xuống dốc, một khuôn mặt tỏ vẻ bình thản nhưng tim loạn nhịp ở bên trong, muốn lao dốc thật nhanh, dũng mãnh, khí thế nhưng lại muốn hãm cho chậm lại, thong dong, tự tại, đó là một phức cảm (complex ) chỉ có ở trung niên.

Có thật trung niên hành động mặc ai nói gì thì nói không? Chưa hẳn vậy hoặc giả nếu có chỉ là bề ngoài. Anh ta buộc phải cương quyết, buộc phải mạnh mẽ khi trong lòng khá dao động. Đàn ông thường không khóc, họ nuốt nước mắt vào trong, trung niên thanh lịch nước mắt pha lẫn máu. Họ ghét sự thương hại nhưng cần được thông cảm. Họ cần chứng tỏ quyền uy nhưng cũng cần yêu thương. Họ mạnh mẽ nhưng cũng mong manh dễ vỡ như thủy tinh, dù trong suốt nhưng không phải lúc nào cũng có thể nhìn xuyên thấu được. Phụ nữ nên đối xử với họ như với một đứa trẻ 10 tuổi trong hình hài của người đàn ông 70 tuổi [(70+10)/2]. Điều mà đàn ông trung niên không chịu nổi là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. Đàn ông cả đời đi tìm không phải vợ, cũng không phải người tình mà là hồng nhan tri kỷ.

Trung niên thích nói chuyện chính trị? Hẳn rồi. Đó là lĩnh vực có thể tỏ rõ sự lịch duyệt của mình so với tuổi đôi mươi non nớt và tuổi lục tuần bảo thủ. Trung niên có học thì đá một ít sang văn học, nghệ thuật và triết học. Tất nhiên, chỉ một ít vì trung niên là trung dung, rất không thích đi vào thái cực. Vì vậy, các vụ nhìn lại, nhận thức lại, quan niệm lại thường rơi vào các vị đã về hưu, hết quyền lực và đẩy lên thành các cực ngược lại với niềm tin thời tuổi trẻ.

Tuy nhiên, mối bận tâm xuyên xuốt, thường trực, lâu dài âm ỉ là mối quan tâm dưới thắt lưng. Thực ra trung tâm thần kinh, chi phối các hoạt động của trung niên thanh lịch và cả không thanh lịch nằm dưới thắt lưng khoảng 20 cm chứ không phải ở tim hay não như người ta tưởng. Trên bàn nhậu, người ta bàn rất nhiều về đề tài này. Có lẽ nhiều hơn hẳn khi bàn về an sinh, xã hội, nhân quần, lương tâm, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái. Các chỉ số độ dài, rộng, kích cỡ, thời gian, tần suất được quan tâm như cách các chị em quan tâm về da, tóc và số đo ba vòng.

“Anh ạ, em có bài thuốc này hay lắm anh” là câu nói mà hảo thủ vẫn rỉ tai lãnh đạo. Hoặc các loại tráng dương, bổ thận từ hải mã, rắn, hổ, sừng tê giác đến các loại mối chúa, bổ củi, các loại nấm linh chi, nấm xanh, ba kích, dâm dương hoắc, không thứ gì không thử. Hình như trung niên rất thích độc, càng độc càng thích, nọc độc gây chết người có thể mang lại khoái cảm. Tất nhiên, đó cũng chỉ là “phép thắng lợi tinh thần mà thôi’. Cơ thể có quy luật thịnh suy của nó. Ông nào càng hùng hổ trên bàn nhậu càng có vấn đề.

Trung niên thanh lịch thường xuyên tập thể dục nhưng trung niên bình thường chỉ xem hoạt động thể thao là một phương tiện giao tiếp. Người ta đánh tennis thì ít mà nhậu trên sân thì nhiều cho nên càng đánh bụng càng to. Nhịp tim nhanh, Huyết áp cao, mỡ trong máu, tiểu đường là mặc định trong các kết quả khám bệnh định kỳ hàng năm của trung niên.

Sinh nhật trung niên hiếm khi có nến cũng không có hoa. Thường thì có thể là một bữa rượu thịt với mấy người bạn hoặc đồng nghiệp mà người dự cũng chưa chắc biết nguyên nhân, lý do của buổi tiệc. Trung niên rất sợ sinh nhật vì ngày này nó nhắc nhở anh ta không còn nhiều thời gian, đang đổ dốc không phanh. Và khi mình tự tưởng nhớ mình thì đấy là ngày sinh. Còn khi được người khác tưởng nhớ, thì đó chỉ là ngày giỗ. Đàn ông đã trung niên mà vẫn cố ngồi đếm tuổi thì hoặc là sắp qua trung niên hoặc là loại thần kinh. Đàn ông trung niên không tuổi.

Viết khi đang cố đếm đến 44, số tuổi hay số lần pushups (hít đất) trong một hiệp.

 

About the Author Thành Đào Trung

>
0 Shares