Vượt qua sự căng thẳng trước ngày race

Mười … chín … tám … bảy … sáu … năm … bốn … ba … hai … một

Tiếng MC giải đấu vang lên đếm ngược còn 10 giây nữa là thời điểm bắt đầu xuất phát cuộc đua. Bạn cảm thấy vô cùng hồi hộp lẫn háo hức. Vậy là sau bao nhiêu tháng ngày tập luyện, bạn đã đến được vạch xuất phát. Bạn tự nhủ trong đầu “Hôm nay là ngày tỏa sáng của mình rồi đây”, mặc dù bạn biết rằng bạn chỉ chạy với mục tiêu là phá kỷ lục cá nhân và không có ý định tranh giải.

Nhưng rồi, có điều gì đó không ổn, tim bạn đập nhanh hơn, bụng bạn hơi khó chịu, đồng hồ liên tục báo chỉ mới xuất phát nhưng nhịp tim của bạn đã ở mức cao, mọi người lao nhanh về phía trước khi cuộc đua vừa mới bắt đầu và hình như … bạn đang không theo kịp họ.

Bạn đã bao giờ từng gặp trường hợp đó chưa? Điều này tưởng chừng như chỉ xảy ra với những bạn mới lần đầu tham gia một giải chạy, nhưng nó cũng có thể đúng với những chân chạy đã có ít nhiều kinh nghiệm. Vậy tại sao lại như thế? Hãy cùng chay365 tìm hiểu lý do và giải pháp cho những vấn đề này nhé.

Lý do của việc lo lắng trước ngày race

Sự lo lắng luôn đến từ việc mơ hồ và không chắc chắn cho những điều trong tương lai. Bạn lo lắng trước cuộc đua bởi vì:

  • Liệu mình có đạt được mục tiêu đề ra không?
  • Liệu mình có theo kịp người khác không hay là pacer không?
  • Sự náo động của cuộc đua, đặc biệt là khi bạn là một người dễ bị kích động bởi tiếng ồn sẽ khiến cơ thể bạn phản ứng một cách bản năng theo nguyên lý fight or fly (chiến đấu hay trốn chạy) do đó dẫn tới việc cơ thể sẽ rơi vào trạng thái phòng phủ và trở nên căng thẳng…

Vậy làm thế nào để bạn có thể giảm thiểu sự hồi hộp và căng thẳng này?

Giải pháp giảm thiểu căng thẳng trước ngày race

Trước ngày race:

Hãy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ bạn cần:

Hãy chuẩn bị từ quần áo, giày tất, nón, kính mát, dinh dưỡng…. Bạn có thể lên danh sách những thứ này và kiểm tra lại một lần nữa trước khi bỏ đồ vào hành lý (nếu bạn phải di chuyển từ thành phố khác tới địa điểm race) hoặc một ngày trước khi ngày race bắt đầu.

Gợi ý checklist ngảy race, bạn có thể tự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu của bạn

Hãy xem lại chiến lược chạy, dự báo thời tiết cũng như đường chạy chính thức của cuộc đua để có những điều chỉnh phù hợp.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Sau một khoảng thời gian dài tập luyện, bạn hãy nghỉ ngơi và taper đúng cách cũng giúp cơ thể thư giãn trước ngày race. Bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết này để có thêm gợi ý làm thế nào để taper đúng cách nhé.

Trước giờ xuất phát

Đừng quên khởi động

Điều này không những giúp bạn làm nóng cơ thể mà còn đưa cơ thể vào trạng thái sẵn sàng để bắt đầu. Bạn cần tới sớm so với giờ xuất phát, làm quen với không khí ngày race cũng như làm những động tác khởi động quen thuộc của mình.

Tập hít thở:

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tập trung vào việc thở đều não bộ của chúng ta sẽ nhận được một thông điệp khiến cơ thể bình tĩnh và thư giãn. Sau đó, bộ não sẽ gửi thông điệp này đến toàn bộ cơ thể khiến tim đập chậm hơn do đó góp phần giúp bạn giảm căng thẳng.

Vì vậy nếu thấy mình đang quá hồi hộp, hãy thử tập trung vào hơi thở và thở chậm và đều nhé.

Chạy đều và thoải mái ở những km đầu tiên

Hãy chạy đều, thoải mái và chú ý tới form chạy ở những km đầu tiên vì bạn còn một chặng đường dài phía trước.

Đưa sự chú ý của bạn từ người khác về bản thân

Bạn sẽ thấy nhiều người lao vút trong những km đầu tiên và điều đó có thể khiến bạn có chút hoảng sợ. Nhưng đó là điều bạn không cần quan tâm, hãy quan tâm vào mục tiêu mà bạn hướng tới. Nếu không phải mục tiêu là tranh giải, bạn đâu cần chạy theo tốc độ người khác đúng không? Chưa kể ở cự ly full marathon, những km đầu tiên chẳng nói lên điều gì cả. Ngay cả khi một người đã chạy được 40km cũng có thể đụng tường và chậm lại.

Lo lắng chỉ mang tính chất tạm thời

Sự lo lắng trước cuộc đua chỉ mang tính chất tạm thời. Chỉ cần bạn vượt qua những km đầu tiên, khi đám đông đã dần giãn ra, bạn có thể tìm thấy cho mình một khoảng không yên tĩnh và rơi vào trạng thái dòng chảy như việc bạn tập luyện nhiều tuần, nhiều tháng trước đó.

Tin tưởng vào bản thân

Tin tưởng vào việc bản thân đã chuẩn bị và tập luyện đầy đủ. Hãy tập trung vào điều đó và cổ vũ bản thân, tự nói chuyện với chính mình. “Mình đã chuẩn bị rồi, còn điều gì phải lo lắng nữa chứ?”. Những thứ khác đều là ngoài tầm kiểm soát của mình, việc lo lắng cũng chẳng có ích gì.

Tập tưởng tượng

Tưởng tượng về việc bạn vượt qua các mốc của cuộc đua, cách bạn chạy qua vạch đích. Tưởng tượng tới việc bạn sẽ vừa chạy vừa ngắm bình mình ló rạng ở phía chân trời, những cái high-five của đồng run trên đường chạy.

Hoặc bạn cũng có thể tưởng tượng vào những điều vui vẻ hay hài hước: có thể là việc làm sao tạo dáng cho đẹp trước các nhiếp ảnh gia hay bạn bè và gia đình của bạn đang đợi bạn ở vạch đích. Có thể nghĩ tới đây bạn sẽ mỉm cười và cảm thấy bình tĩnh hơn.

Bạn lo lắng chỉ vì bạn thực sự quan tâm

Và cuối cùng hãy nhớ rằng : Bạn lo lắng là bởi vì thực sự quan tâm và đầu tư vào giải chạy này. Điều đó là hết sức bình thường. Như việc chúng ta tham gia một kỳ thi sát hạch sau bao ngày ôn tập trên trường, như việc chúng ta hồi hộp trước một bài thuyết trình trên công ty hay chốt deal với khách hàng quan trọng. Bạn lo lắng đơn giản bởi vì bạn thực sự mong muốn làm tốt trong ngày race. Vì vậy thay vì tập trung vào sự lo lắng này, bạn chỉ cần đơn giản là nhận diện nó và trân trọng những gì mà bạn đã chuẩn bị một thời gian dài để tới vạch xuất phat

Hi vọng những tips vừa rồi có thể giúp bạn vượt qua căng thẳng trong giải chạy (Nha Trang) sắp tới. Nếu có thêm kinh nghiệm cá nhân nào, hãy để lại bình luận ở cuối bài viết để mọi người cùng tham khảo nhé.

Chúc bạn có một ngày chạy vui vẻ và thành công.

About the Author Trần Mai Anh

Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.

>
0 Shares