Thoái hóa khớp gối có nên chạy bộ?

Sự nhầm lẫn cho rằng chạy bộ gây ra tình trạng thái hóa khớp và phá hỏng gối từ lâu đã được làm sáng tỏ. Vậy còn những người khớp vốn dĩ đã bị chấn thương trước đó có nên chạy hay không?

Trước tiên đi vào chi tiết, chúng ta cùng phải làm rõ rằng quan điểm xưa cũ cho rằng “chạy bộ sẽ làm hỏng gối” là quan điểm sai lầm. Chạy bộ không làm hỏng gối. Vô số nghiên cứu đã đối chiếu các nhóm chạy bộ và không chạy bộ trong nhiều thập kỷ và không tìm ra được bằng chứng cho thấy dân chạy bộ có nguy cơ bị thoái hóa gối hoặc phải thay khớp gối cao hơn. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy dân chạy bộ ít có nguy cơ gặp phải các bệnh về gối hơn, có thể do họ có trọng lượng cơ thể thấp hơn, ít có gặp tình trạng sưng viêm khớp, cũng như khả năng sụn thích nghi và phát triển trước những tác động của việc tập luyện đều đặn.

Xem thêm: Chạy bộ có gây hại cho khớp gối?

Nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là nếu vốn dĩ một người đã bị thoái hóa gối, tức phần sụn hấp thụ lực giữa xương ống chân và xương đùi, bắt đầu thoái hóa thì sao?  Xét cho cùng, chạy bộ không gây ra tình trạng thoái hóa khớp không có nghĩa chạy bộ giúp chúng ta tránh được tình trạng này. Khi bị thoái hóa khớp, khớp gối không còn hoạt động bình thường thì liệu chạy bộ có làm tình trạng này diễn biến xấu đi nhanh hơn không?

Tỷ lệ người bị thoái hóa khớp gối cao.

Đây thực chất là câu hỏi rất lớn trong bối cảnh theo thống kê của WHO, tỉ lệ bị thoái hoá khớp gối chiếm khoảng 20% dân số. Tại Mỹ, ở độ tuổi trên 55, con số này lên tới 80%. Tại Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ, tỉ lệ này ở người trên 40 tuổi chiếm trên 23% và đang ngày càng tăng nhanh. Và câu trả lời của giới khoa học là không có câu trả lời chắc chắn. Theo cách suy luận thông thường, nếu khớp gối đã gặp vấn đề từ đầu, áp lực mà chạy bộ tạo ra sẽ làm tăng tình trạng mài mòn phần sụn. Nhưng thực tế có rất ít bằng chứng làm cơ sở để đưa ra kết luận cụ thể.

Đó là lý do chúng ta nên tìm hiểu một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Thấp khớp Lâm sàng do nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Grace Lo thuộc Đại học Y Baylor thực hiện. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên Sáng kiến Thoái hóa khớp qua sự hợp tác của nhiều trung tâm khác nhau, quan sát gần 5.000 người tại Pawtucket, Columbus, Pittsburgh, và Baltimore trong thời gian khoảng 10 năm. Trong nhóm này, 1.203 người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp ít nhất một bên gối, trong đó 138 người tình cờ lại là các chân chạy trong suốt thời gian nghiên cứu.

Các đối tượng được nghiên cứu trải qua nhiều lần khám chẩn đoán khác nhau bao gồm chụp X quang để xác định tình trạng thoái hóa. Các lần thăm khám này được lặp lại 4 năm sau đó. Câu hỏi ở đây là: những người tham gia chạy bộ trong thời gian nghiên cứu có cho thấy triệu chứng nhanh hơn so với người không chạy hay không? Câu trả lời là không và dưới đây là nội dung mô tả của nhóm nghiên cứu:

Trái ngược với dự đoán ban đầu của chúng tôi, chúng tôi không tim được nhiều bằng chứng cho thấy chạy bộ có tác động tiêu cực tới nhóm nghiên cứu…Trong số những người từ 50 tuổi trở lên và bị thoái hóa khớp, chạy bộ không gắn liền với tình trạng đau khớp gối trầm trọng hơn theo thời gian hoặc tình trạng xấu đi về cấu trúc khớp gối theo hình ảnh X quang. Ngoài ra, nhóm chạy bộ có cải thiện tích cực hơn về vấn đề đau gối so với nhóm không chạy và qua đó chô thấy chạy bộ có lẽ có lợi ích nào đó đối với khớp gối ở những người bị thoái hóa khớp gối

Nếu chúng ta xem xét chỉ số “khe khớp hẹp” cho thấy xương tiến lại gần nhau hơn do sụn bị bào mòn, 23,6% nhóm không chạy bộ có chỉ số tiến triển theo hướng tiêu cực trong giai đoạn nghiên cứu, trong khi đó con số này ở nhóm chạy bộ chỉ là 19,5%. Tương tự, 29% nhóm không chạy bộ cho biết xuất hiện tình trạng đau gối thường xuyên mới so với con số 26,8% ở nhóm có chạy bộ. Ngược lại, 39,1% nhóm không chạy chô biết các cơn đau gối có tiến triên tốt trong khi con số này ở nhóm có chạy là 50%. Khi lồng ghép với các thông số khác như độ tuổi và chỉ số BMI, tỷ lệ cải thiện các triệu chứng liên quan ở nhóm chạy bộ là 70%.

Về cơ bản đây là những thông tin rất tích cực. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta không biết nhiều về khối lượng quãng đường chạy của nhóm chạy bộ hoặc sự khác biệt cơ bản nào khác giữa nhóm có chạy và không chạy. Rõ ràng, những người vẫn có thể chạy có sức khỏe phần nào có thể tốt hơn. Mặc dù các nhà nghiên cứu có xem xét yếu tố sức khỏe nhưng thấy rằng cả nhóm chạy và không chạy đều có tình trạng bệnh tương tự nhau và các chỉ số BMI tương đồng.

Chạy bộ không làm “hỏng” gối như nhiều người lầm tưởng

Có một điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là không ai yêu cầu nhóm chạy bộ tiếp tục chạy và chạy nhiều nhất có thể. Vậy nên nhiều khả năng nhóm chạy bộ vẫn duy trì tập luyện theo cảm nhận của cơ thể và lời khuyên của bác sĩ. Họ có chạy ngắn hơn hay ít thường xuyên hơn trước đây hay không? Họ có dừng lại để đi bộ về nếu gối bắt đầu có vấn đề trong khi chạy không? Chúng ta không có thông tin cụ thể.

Quyết định thay thế khớp gối hay sống chung với các cơn đau và khả năng linh hoạt giảm không phải là vấn đề đơn giản. Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của thoái hóa khớp gối là giảm hoạt động thể chất và từ đó là gia tăng nguy cơ dẫn tới một loạt các bệnh mãn tính khác như tim mạch và tiểu đường. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây thấy rằng những khó khăn khi đi lại do thoái hóa khớp gây ra liên quan tới 30% mức gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các tình trạng tim mạch khác.

Xem thêm:

Tại sao các chân chạy chưa bị hỏng gối?

Có thể có ý kiến cho rằng nếu gối “xuống cấp”, nên cẩn trọng và tập các môn “nhẹ nhàng với khớp” như đạp xe và bơi. Đó là đề xuất hoàn toàn hợp lý nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện và không gian và khí hậu để tập luyện các môn này cả năm. Trên thực tế, nếu có quyết tâm chúng ta vẫn có thể tập luyện nhưng với một số người nếu tập luyện đồng nghĩa với việc vượt qua điều kiện khắc nghiệt thì khả năng bỏ tập luyện là khá cao và dẫn tới những hệ lụy về sức  khỏe. Vậy nên, không nên cự tuyệt với chạy bộ khi chưa cân nhắc tất cả những lợi hại của bộ môn này.

Nghiên cứu mới này không khuyến khích chúng ta cứ chạy đi dù có bị thoái hóa khớp. Như lời tư vấn của những bác sĩ “ủng hộ chạy bộ”, về cơ bản mỗi người phải tự cảm nhận triệu chứng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải biết điều chỉnh quãng đường, tần suất tập và có thể cả tốc độ chạy. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta nên thử loại giày chạy mới, địa hình chạy mới hoặc tập các bài tập bổ trợ tăng cường vùng hông và đùi để giảm tải trọng lên gối. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc bỏ chạy một cách đột ngột. Nếu chúng ta tìm được một lộ trình tập luyện hài hòa với các triệu chứng của bệnh, các kết quả của nghiên cứu cho thấy dù gối có gặp vấn đề thì chạy bộ cũng không làm hỏng gối.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares