Lỗi tư thế chạy không thể bỏ qua

Tư thế chạy là thuật ngữ chỉ sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận tham gia vào quá trình đẩy cơ thể chuyển động về phía trước. Thiếu đi sự đồng bộ này, không những tốc độ chạy bỉ ảnh hưởng do sải chân hạn chế mà cơ thể còn tiêu hao năng lượng một cách vô ích và về lâu dài sẽ dẫn tới những chấn thương không đáng có.

Những bộ phận chính chúng ta cần lưu ý để có tư thế chạy hợp lý giúp tiết kiệm sức và giảm nguy cơ chấn thương khi chạy gồm:

  • Bàn chân và mắt cá
  • Chân và gối
  • Hông
  • Thân người
  • Cánh tay bao gồm bàn tay và khuỷu tay
  • Đầu và cổ

Chỉ cần một trong các bộ phận này có tư thế không đúng cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực tới việc chạy hàng ngày của chúng ta. Việc điều chỉnh tư thế chạy sao cho hợp lý không chỉ giúp chúng ta lên facebook đẹp hơn mà còn giúp tiết kiệm sức khi chạy (hiệu năng chạy) và giảm thiểu tình trạng đau mỏi ở các bộ phận trên cơ thể và qua đó nâng cao khả năng vận động và giảm nguy cơ chấn thương.

Một số đặc điểm tư thế không tối ưu ở người mới tập chạy gồm:

Đầu và cổ

Hiện tượng sai tư thế phổ biến nhất đối với vùng đầu và cổ là đầu “thò” ra quá xa về phía trước trong khi chạy, gây ra tình trạng căng và đau vùng gáy và cơ vùng bả vai. Trong khi chạy, chúng tă không nên “thò” đầu ra vượt quá vai mà nên ở tư thế cân bằng và thẳng so với thân người. Ngoài ra, việc nghiêng đầu sang hai bên trong khi chạy cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng.

Tóm lại, chúng ta nên duy trì tư thế đầu tẳng, vai thả lỏng xuống phía dưới và hơi mở về phía sau. Tránh tư thế khòm lưng/vai về phía trước hoặc co vai, rụt cổ trong khi chạy.

Tay

Tay cũng là bộ phận khiến chúng ta hao phí nhiều năng lượng nếu không vận động đúng cách. Tránh mắc lỗi đánh tay sang quá phần giữa cơ thể trong khi chạy hoặc đánh tay quá cao, quá xa cơ thể. Tư thế này giống như khi cánh tay luôn nằm phía trước thân người và khuỷu tay hầu như không di chuyển ra sau thân trong khi chạy. Lỗi này sẽ gây ra tình trạng căng cứng vùng vai và ảnh hưởng tới tốc độ guồng chân khi chạy.

Để có tư thế hợp lý, cánh tay di chuyển một cách tự nhiên, bàn tay di chuyển ngang hông khi tay đánh về phía sau và khuỷu tay di chuyển ngang hông khi đánh tay về phía trước (xem hình). Khi đánh tay, khuỷu tay tạo thành góc 90 độ, giữ cánh tay sát người. Bàn tay nắm hờ (tưởng tượng cầm quả trứng trên tay), không nắm chặt tay vì có thể tạo cảm giác căng cứng vùng cơ bàn tay và cẳng tay.

Thân người

Một lỗi thường gặp là chúng ta hay để phần thân người xoay theo biên độ quá lớn (hình a) theo trục dọc của cơ thể trong khi chuyển động, tương tự như chuyển động của máy giặt, khiến cơ thể tiêu hao năng lượng không cần thiết và làm giảm hiệu năng khi chạy. Hiện tượng này thường xảy ra khi phần cơ hông và cơ thân trên yếu, dẫn tới vai bên này phải đánh mạnh hơn về phía trước để cân bằng với chuyển động về phía trước của chân đối diện. Trong một số trường hợp, phần thân người bị ngả quá nhiều về phía trước (hình b – ngả từ hông) hoặc bị kéo ngả về sau (hình c), làm giảm độ dài sải chân và cản trở chuyển động đẩy về phía trước, có thể dẫn tới hiện tượng đau thắt lưng và chấn thương trong khi cơ thể không thể di chuyển nhanh.

Hông

Lỗi mà nhiều chân chạy hay gặp phải ở phần hông là hiện tượng xương chậu bị gập quá nhiều về phía trước (hình b) hoặc quá nhiều về phía sau (hình a). Cả hai lỗi này đều tác động tiêu cực tới việc chạy, làm giảm lực đẩy về phía trước hoặc giảm sải chân. Ngoài ra, tình trạng xương chậu bị gập quá nhiều về phía trước còn có thể dẫn tới tình trạng võng lưng và gây căng cứng, đau vùng thắt lưng.

Gối

Một lỗi thường gặp ở phần gối là gối ở trạng thái duỗi thẳng, bị khóa cứng và tạo dáng chân thẳng và cứng khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Chân thẳng cùng với gối bị khóa cứng làm tăng lực hãm và giảm khả năng hấp thụ lực và giảm xóc của gối. Hiện tượng này sẽ khiến lực tác động nhanh chóng được truyền qua chân lên vùng hông, cột sống, cổ và đầu và tăng nguy cơ chấn thương.

Bàn chân

Một lỗi thường thấy trong giai đoạn bàn chân tiếp đất và lấy lực đạp về phía trước là mũi bàn chân hướng ra ngoài. Hiện tượng này khiến sải chân bị hạn chế (và dẫn tới hạn chế tốc độ) và có thể gây áp lực lên mặt trong của mắt cá chân.

Tư thế tối ưu

Hình a, tư thế tối ưu nhất, 3 đường thằng và các chấm tạo thành một đường thẳng. Hình b: các chấm và đường thẳng tạo thành hình cong.

Từ những nội dung trên, chúng ta đi tới xem xét tư thế chạy tối ưu khi có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận trên cơ thể. Chúng ta cùng quan sát hình trên để hiểu rõ hơn về sự phối kết hợp này. Để dễ hình dung, chúng ta chấm 4 chấm lên lần lượt phần giữa đầu, giữa cổ, giữa thân người và giữa hông. Sau đó dùng 3 đường thẳng nối các điểm này lại với nhau.Nếu ba đường thẳng này không hợp thành 1 đường thẳng duy nhất, người chạy đang có vấn đề nhất định về tư thế, đặc biệt những người có hiện tượng đầu không thẳng hoặc hông bị đẩy về phía trước hoặc phía sau quá nhiều.

Phương pháp đơn giản để đánh giá tư thế chạy của bản thân là nhờ bạn tập quay chậm mình khi chạy theo hướng ngang sườn và nếu có thể hãy sử dụng phần mềm tương tự như Coach’s Eye để tạo ra bốn chấm nêu trên (đầu, cổ, thân và hông). Từ quan sát này, xác định bộ phận cần điều chỉnh ở buổi tập tiếp theo và quay lại tư thế tập sau vài ngày để có tư thế tối ưu nhất.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares