Đánh giá chất lượng dịch vụ lọc ảnh theo số bib

Lời Ban biên tập:

Lọc ảnh theo số bib giờ đây có lẽ là một chuẩn mực của giải chạy. Tuy nhiên, không phải cứ có phần mềm nhận diện số bib hay khuôn mặt là runners có thể dễ dàng tìm ảnh theo nhu cầu. Để cộng đồng hiểu thêm về công nghệ này, xin chia sẻ bài viết của bạn Tony Đoàn, co-founder của bibpix.net, đơn vị cung cấp giải pháp lọc ảnh theo số bib tại nhiều giải đấu ở Việt Nam.

1. Làm được phần mềm và làm được phần mềm tốt là hai việc khác nhau

Để code được một chức năng cho phần mềm ứng dụng có hàng trăm cách khác nhau. Mỗi lập trình viên có thể chọn một cách riêng, thường ít ai giống ai. Hai phần mềm nhìn bề ngoài có thể y hệt như nhau, nhưng thực tế bên trong hoàn toàn khác biệt. Cùng là chức năng tìm ảnh theo số bib, không có gì đảm bảo chất lượng hai phần mềm là tương đương, không gì đảm bảo số lỗi tiềm ẩn như thế nào, độ chính xác bao nhiêu…. Nói chung là việc đánh giá chất lượng sản phẩm là một việc khó, đánh giá những tiêu chí ẩn thì lại càng khó hơn nữa.

Một giải đấu có tính năng lọc ảnh nhưng sau vài ngày mới có ảnh trên server, tuy nhiên truy cập không dễ, số lượng ảnh không nhiều, và test chức năng tìm kiếm theo khuôn mặt chỉ thấy những người gần giống. Như vậy không thể nói rằng đó là một sản phẩm tốt dành cho các VĐV.

Người ngoại đạo không trong lĩnh vực phần mềm thường cho rằng “làm được tính năng xong là xong”. Thực tế có thể là xây xong một cái nhà cao tầng, mà cũng có thể chỉ là xong một túp lều.

Ảnh của giải chạy Breaking3 Marathon được đưa lên hệ thống trong vòng 4 tiếng sau khi kết thúc sự kiện. Ảnh: Breaking3 Marathon

2. Đánh giá chất lượng phần mềm như thế nào

Rõ ràng đánh giá chất lượng phần mềm là không dễ nhưng không phải không có cách. Mỗi phần mềm viết ra đều có tiêu chí để đánh giá tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của phần mềm đó. Với phần mềm viết ra để làm chức năng tìm bib, có thể dựa vào các tiêu chí sau:

  • Runner rất mong sớm có ảnh để sống ảo vậy tiêu chí có ảnh sớm rất quan trọng. Vậy thời gian xử lý một khối lượng ảnh là bao lâu? Với một giải chạy có 20 ngàn ảnh mà sau 24 giờ chưa có ảnh lên hệ thống thì quá chậm. Với 73 ngàn tấm ảnh của giải Tiền Phong Marathon 2022, thời gian xử lý của mình khoảng 7 tiếng kể từ lúc kết thúc sự kiện. Như vậy tầm 4-5 giờ chiều là runners có thể bắt đầu tìm ảnh của bản thân.
  • Khi xử lý xong sẽ có hàng trăm người muốn có ảnh,  thậm chí hàng ngàn người truy cập hệ thống cùng lúc. Vậy khả năng đáp ứng của máy chủ ở thời điểm đó cũng là một yếu tố rất quan trọng.
  • Độ chính xác của việc xử lý ảnh cũng là một tiêu chí quan trọng. Phần mềm viết càng tốt, thì khả năng AI đọc được số bib bị mờ, bị khuất càng cao. Tuy nhiên việc này rất khó để lượng hoá. Có thể đo lường qua tiêu chí phụ là số ảnh của bib / tổng số ảnh. Chỉ số này cũng phụ thuộc vào người chụp chứ không chỉ vào bên lọc ảnh.
  • Đối với chức năng xử lý bib thực ra khá khó để đo lường nhưng chức năng tìm theo khuôn mặt thì lại khá dễ để đánh giá kết quả. Độ chính xác của việc tìm kiếm khuôn mặt có thể nhìn thấy thông qua việc test thử. Nếu phần mềm đủ tốt thì sẽ chỉ đưa ra những hình ảnh đúng của người đó còn nếu không thì sẽ suggest rất nhiều ảnh của người khác.

Thực tế hoàn toàn có thể xây dựng được bộ chỉ số để đánh giá chất lượng của một dự án phần mềm. Tuy nhiên việc này cần người thực sự hiểu và có tâm, và kể cả đã có như vậy thì nó vẫn là một việc rất khó.

Khả năng nhận dạng của phần mềm, với từ khoá tìm kiếm “Dinh Linh”. Ảnh: Breaking3 Marathon

3. Đánh giá dịch vụ hình ảnh cho một giải chạy

Thực tế rất nhiều người nghĩ rằng chụp ảnh cho giải chạy chỉ đơn giản là việc cầm máy ảnh lên mà chụp thôi. Thực tế chụp ảnh thể thao đã khó, chụp ảnh cho giải chạy để trả ảnh cho VĐV lại là một việc rất khó. Có nhiều tiêu chí ẩn mà ngay cả các BTC cũng khó lòng hiểu được. Với vai trò một người bên ngoài đôi khi chỉ cần xem một album ảnh đẹp là đủ, nhưng với VĐV thì khác.

  • Tổng số dành cho mỗi VĐV là tiêu chí rất quan trọng. Chụp ảnh cho một vài người so với chụp ảnh cho hàng ngàn người là việc khác. Vậy làm sao để chụp được nhiều VĐV nhất có thể cũng như làm sao để mỗi người có nhiều ảnh nhất là một việc cần tính toán. Đội chụp ảnh cần am hiểu đường chạy cũng như có sự phân công công việc nhóm hết sức linh hoạt.
  • Một việc tương tự là số người có ảnh cũng quan trọng không kém. Đảm bảo làm sao mỗi người có nhiều ảnh nhất có thể, việc này cũng không hề dễ dàng.
  • Vì lý do ảnh cần có nhanh, lại có thể lọc được theo bib nên cách chụp ảnh rất quan trọng. Ảnh không chỉ cần đẹp, mà cần chất lượng đồng đều. Ảnh cần được upload sớm nhất có thể thay vì phải chờ xử lý hậu kỳ qua photoshop, tốt nhất không cần lọc chọn ảnh. Tạo ra sản phẩm phục vụ số đông rất khác chỉ phục vụ vài cá nhân đơn lẻ. Khi làm việc nhóm, một nhiếp ảnh gia không thể bắt cả đội phải đợi, để mình có thời gian chỉn chu retouch từng tấm hình.

Tính năng nhận diện theo khuôn mặt cho phép các tình nguyện viên tìm được ảnh của mình. Ảnh: Breaking3 Marathon

Tính năng nhận diện ảnh theo khuôn mặt rất hữu ích trong một số trường hợp số bib bị khuất. Ảnh: Tien Phong Marathon

Tóm lại, ai đó nói “hoàn thành” hay “có tính năng đó”, thực ra mới là một phần nhỏ của câu chuyện. Thực tế chất lượng sản phẩm như thế nào đo lường bằng các con số cụ thể như thời gian, số lượng và các chỉ số đánh giá mới có thể cho ta được cái nhìn chính xác.

Tạo ra một tính năng rất khác với tính năng đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của những giải chạy quy mô lớn. Câu chuyện này trong phần mềm và dịch vụ lại càng quan trọng hơn nữa.

 

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares