Đặc điểm lâm sàng của sốc nhiệt do gắng sức

woman-with-heatstroke

Đặc điểm lâm sàng của sốc nhiệt do gắng sức

Đặc điểm lâm sàng

Hai tiêu chuẩn chính để chẩn đoán EHS là nhiệt độ trung tâm cao trên 40 độ C, đo ngay khi vận động viên (VĐV) ngất trong khi tập luyện cường độ cao, và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương.

Nhiệt độ trung tâm

Lưu ý rằng không có thiết bị đo nhiệt ngoài cơ thể nào hiện nay được chứng minh có thể đo chính xác nhiệt độ trung tâm của vận động viên vận động trong trời nóng và đang bị tăng thân nhiệt. Các thiết bị đo nhiệt ngoài cơ thể, bao gồm đo qua đường miệng, màng nhĩ, thái dương, miếng dán trên trán, nách, không thể dùng để chẩn đoán EHS. Loại nhiệt kế chính xác nhất trong trường hợp này là loại nhiệt kế đo qua đường hậu môn để đo nhiệt độ trực tràng.

Rối loạn chức năng thần kinh trung ương

Rối loạn chức năng thần kinh trung ương có thể biểu hiện ở nhiều mức độ, bao gồm: mất định hướng, đau đầu, hành vi không thích hợp, kích thích, cảm xúc không ổn định, lẫn lộn, thay đổi nhận thức, hôn mê hoặc co giật.

Một quan niệm sai lầm là VĐV bệnh nhân bị sốc nhiệt vẫn tỉnh táo thì nghĩa là mọi việc vẫn ổn. Rất nhiều VĐV sắp rơi vào tình trạng EHS ban đầu vẫn có vẻ tỉnh táo, nhưng thực ra lại sắp tiến triển thành bệnh trạng nặng hơn. Quá trình bệnh khởi phát mà thần kinh vẫn đang tỉnh táo này có thể làm cho các nhân viên y tế đánh giá sai tình hình và làm cho chẩn đoán trở nên không rõ ràng hoặc bị chậm trễ. Giai đoạn minh mẫn này (gọi là khoảng tỉnh) thường trùng khớp với một tình trạng rối loạn chức năng nhỏ trong hệ thần kinh trung ương rất khó nhận ra.

Các tổn thương khác

Các biểu hiện lâm sàng khác rất đa dạng. Đa số VĐV có nhịp tim nhanh và tụt huyết áp. Ngoài ra có thể có nhịp thở nhanh, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, yếu chân tay, vã mồ hôi như tắm, mất nước, khô miệng, khát, chuột rút, mất chức năng của cơ, lảo đảo mất thăng bằng. Một số tài liệu mô tả các vận động viên sẽ ngừng ra mồ hôi khi họ bắt đầu bị sốc EHS. Điều này là không chính xác. Vì EHS xảy ra trong khi đang tập cường độ cao trong trời nóng, các vận động viên hầu hết đều tiếp tục ra mồ hôi ồ ạt khi quỵ ngã. Quan niệm phổ biến nhưng hoàn toàn sai lầm này về EHS có thể làm chậm việc chẩn đoán phát hiện ra bệnh và làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh.

Sốc nhiệt là một tổn thương đa cơ quan, không chỉ rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương (bệnh não) mà còn tổn thương các mô và cơ quan khác (ví dụ, tổn thương thận cấp, tổn thương gan, tiêu cơ vân) đi kèm với thân nhiệt cao. Thương tật và tử vong do EHS là hậu quả trực tiếp của thiếu máu và phản ứng oxy hoá – nitro hoá. Tiên lượng sẽ xấu hơn khi chậm làm mát và thân nhiệt bị duy trì ở mức nguy hiểm từ 40.5 đến 41 độ C.

Biến chứng của sốc nhiệt do gắng sức

EHS có thể dẫn tới một số biến chứng trong quá trình hồi sức và nằm viện sau đó. Các biến chứng này có thể là kết quả trực tiếp của các tổn thương liên quan đến nhiệt hoặc bệnh kèm theo, ví dụ rối loạn nước và điện giải và đáp ứng viêm toàn thân kéo dài.

Các biến chứng quan trọng cần cảnh giác ở bệnh nhân EHS bao gồm các tình trạng dưới đây:

  • Rối loạn điện giải và chuyển hoá (ví dụ, tăng hoặc giảm kali máu, tăng hoặc giảm natri máu, hạ đường máu, hạ phospho máu, hạ magie máu và hạ canxi máu)
  • Co giật (có thể thứ phát sau rối loạn điện giải và cần phải điều chỉnh, hạ đường huyết, tổn thương não, áp lực tưới máu não không thích hợp, hoặc nguyên nhân khác). Vì vậy, trong khi đang tìm nguyên nhân, cần bắt đầu điều trị ngay bằng thuốc an thần.
  • Mê sảng kích thích (thường thoáng qua và là hậu quả của tăng thân nhiệt, nhưng có thể thứ phát do hạ đường máu, áp lực tưới máu não không thích hợp, tổn thương não, hoặc nguyên nhân khác). Có thể điều trị bằng thuốc an thần tác dụng ngắn.
  • Suy hô hấp; hội chứng suy hô hấp cấp.
  • Tiêu cơ vân
  • Tổn thương thận cấp (thường đi kèm với tiêu cơ vân). Cần xem xét lọc thận càng sớm càng tốt nếu thấy nguy cơ
  • Tổn thương gan
  • Đông máu nội mạch rải rác (DIC)
  • Xuất huyết tiêu hoá và tổn thương ruột do thiếu máu
  • Tổn thương cơ tim, rối loạn nhịp tim (nhìn chung hồi phục nếu nhanh chóng làm mát, bù dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải)

Nguy cơ suy đa phủ tạng và tử vong do EHS phụ thuộc và mức độ khẩn trương của việc chẩn đoán và làm mát. Nếu điều trị sớm, tổn thương tim mạch do EHS thường phục hồi trong vòng vài giờ. Các chỉ số sinh học của tổn thương gan (ví dụ, tăng men gan) có thể tăng cao trong 24 đến 48 giờ trước khi giảm về bình thường, và có thể cần đến vài tuần hoặc tháng tuỳ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tổn thương thận có thể mất đến vài tuần để hồi phục. Các chỉ số tổn thương cơ đi kèm với tiêu cơ vân (creatine kinase, myoglobin) có thể tăng trong vòng 24 đến 96 giờ trước khi bắt đầu giảm, và có thể mất vài tuần để trở về nồng độ bình thường, phụ thuộc vào độ nặng của tổn thương.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Đặc điểm lâm sàng của sốc nhiệt do gắng s… […]

  • […] Đặc điểm lâm sàng của sốc nhiệt do gắng s… […]

  • >
    129 Shares