Lược dịch từ chương đầu cuốn “Run Forever: Your Complete Guide to Healthy Lifetime Running” của Amby Burfoot. Amby là nhà vô địch giải Boston năm 1968. Người đàn ông gày gò giản dị này có một tư tưởng rất nhất quán về chạy bộ: chạy bộ đơn giản, đừng biến nó thành một hoạt động phức tạp, đừng đóng khung bản thân trong những thuật ngữ, tư tưởng về dáng chạy hay thiết bị. Hãy chạy thư giãn và giản dị, đó là cơ sở để “Going further”, “Getting faster”, và “Running forever” (tên các chương trong quyển sách mới xuất bản của ông).
Nói chung, tôi không bao giờ khuyên các bạn sắm đồ chạy bộ. Tôi thường bảo “Có rất nhiều thiết bị hiện đại và thú vị, nhưng…” Nhưng ai cần chúng? Chúng không giúp bạn chạy, chỉ gây phân tán tư tưởng mà thôi. Nếu bạn hỏi tôi, câu trả lời sẽ là càng ít “đồ chơị” càng tốt. Bạn nên tập trung vào việc chạy bộ, từ hơi thở cho tới nhịp chân, tới những suy nghĩ đầy màu sắc vụt qua đầu.
Giày chạy bộ lại là câu chuyện khác. Chúng tạo ra sự khác biệt. Một đôi giày phù hợp sẽ giúp bạn chạy tốt hơn đáng kể. Đừng hoang phí tiền bạc cho những thứ linh tinh. Dùng tiền đó để sắm một đôi giày ngon nghẻ.
Nhãn hàng nào? Nike, adidas, ASICS, Puma, Brooks, New Balance, Saucony, Mizuno, Under Armour? Còn rất nhiều rất nhiều nữa. Không quan trọng. Chưa bao giờ có nhiều thương hiệu giày trên thị trường như hiện nay, và cái tên nào cũng tốt. Đừng quan tâm đến thương hiệu. Bạn cần thử vài đôi trước khi xác định đôi nào phù hợp nhất với mình.
Vậy phải chọn giày như thế nào?
Đầu tiên, đừng mua một đôi giày quá mỏng, loại giày siêu nhẹ, kiểu “barefoot” hay “minimalist”. Cách đây vài năm, một đợt sóng mạnh mẽ cổ vũ đi giày nhẹ đã xuất hiện, khởi xướng từ câu chuyện đầy cảm hứng của Chris McDougall, “Sinh ra để chạy”, khi ông kể về những thổ dân Tarahumara huyền thoại cư ngụ trong các vách núi Mexico. Họ hoàn thành cự ly siêu khủng chỉ bằng đôi dép huaraches thô sơ, chế tạo từ lốp ôtô cũ và vài sợi dây buộc.
Giờ đây, trào lưu ấy có vẻ đã cân bằng hơn một chút. Tôi thấy như thế hợp lý hơn. Như mọi người khác, tôi cổ vũ những gì “thuận tự nhiên”, ăn uống tự nhiên và chạy bộ tự nhiên. Nhưng không nhiều người (nhất là người mới tập) có thể chạy tốt trên những đôi giày siêu nhẹ.
Bạn không nên xài các đôi giày nặng, cứng, kiểu giày quân đội hay ủng leo núi. Nhưng bạn cũng nên dành cho bàn chân mình một chút, đừng quá nhiều, đệm êm để bảo vệ bàn chân. Mắt cá chân, đầu gối, hông, sẽ cám ơn bạn.
Thứ hai, ưu tiên chọn một đôi giày thoải mái. Năm 2015, Benno Nigg, một tác giả người Canada, đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu đặc điểm chuyển động của người chạy bộ và các đôi giày chạy. Công trình của anh được đăng trên tạp chí Y học thể thao Anh (British Journal of Sports Medicine). Kết luận rất đáng ngạc nhiên: người chạy bộ nên phớt lờ phần lớn các thông số kĩ thuật mà nhà sản xuất đưa vào đôi giày chạy (và quảng cáo rất tích cực về chúng nữa).
Thay vào đó, Nigg khuyên nên lựa đôi giày khiến bạn thấy thoải mái nhất. Bạn có thể hoài nghi, “thoải mái” là đánh giá hoàn toàn chủ quan, không có cơ sở khoa học. Nigg nghĩ khác, “thoải mái” là hệ quả cuối cùng của trao đổi thông tin bậc cao giữa bộ não, đôi chân, và bàn chân. “Khi mua giày, hãy chọn sản phẩm thoải mái nhất, dựa theo các tiêu chí riêng của bạn. Điều này tự khắc làm giảm nguy cơ chấn thương”, Nigg kết luận.
Thứ ba, mua giày ở cửa hàng chuyên dụng. Vâng, điều đó có nghĩa là bạn phải theo xu thế. Mua hàng online có thể rẻ hơn đôi chút, nhưng không gì sánh được với sự tư vấn của người bán có kinh nghiệm. Quan trọng nhất, bạn cần phải xỏ thử chân vào vài đôi giày khác nhau, để cảm nhận và so sánh.
Ngoài ra, người bán sẽ cho bạn biết mẫu giày nào đang được ưa chuộng nhất, mẫu giày nào tốt nhất cho người mới bắt đầu, cho người chạy bộ cường độ cao? Chỉ có người bán hàng đã từng tiếp xúc hàng trăm khách hàng mới có thể giúp bạn.
Cuối cùng, hãy bỏ qua các thuật ngữ phức tạp. Thế giới giày chạy bộ đầy rẫy các từ chuyên môn. Ngả trong, ngả ngoài, độ cao vòm chân, độ dốc gót-mũi, đế giữa, orthotics, vv và vv… Đừng bị ám ảnh và chi phối bởi các thuật ngữ ấy.
Mua một đôi giày – không quá mỏng, không quá dày – giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất, linh hoạt nhất, êm ái nhất. Xỏ chân vào đôi giày phù hợp, bạn sẽ có cảm giác nó được một người thợ thủ công từ thế giới cổ xưa “đo ni đóng giày”, thiết kế dành riêng cho bạn.
Hàng thập kỉ nay, các sách về chạy bộ, các tạp chí chạy bộ khuyên chúng ta nên làm “test chân ướt” – nhúng chân vào nước, sau đó bước lên một bề mặt khô, để xem hình thù bàn chân như thế nào, vòm chân cao hay bẹt. Thế rồi, năm 2010, thuỷ quân Hoa Kì đã tiến hành kiểm chứng phương pháp này. Kết luận của họ là: lựa chọn giày dựa theo hình dáng của vòm chân chẳng liên quan gì đến chấn thương.
Hãy tin vào chính mình!
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Trong cuốn “Run Forever” (tựa tiếng Việt “Không bao giờ ngừng chạy”), Amby Burfoot, nhà vô địch Boston 1968, người nổi tiếng với phong cách giản dị và thực tế, có viết: “Giày chạy tạo ra sự khác biệt. Một đôi giày phù hợp sẽ giúp bạn chạy… […]
[…] quá trình đi tìm một đôi giày lý tưởng cho từng mục đích sử dụng, Chay365 xin gửi đến cộng đồng lựa chọn của hai […]