Chạy đêm có nhanh hơn chạy ban ngày?

Chạy đêm, đặc biệt trong điều kiện “trăng thanh gió mát” tạo cho chúng ta cảm giác nhanh hơn nhưng thực tế nếu nhìn đồng hồ, có thể chúng ta sẽ thấy ngưỡng vận động thực tế có thể nặng hơn so với bình thường khi chạy ban ngày. Vậy đây chỉ là ảo giác của bộ não hay thực tế chạy đêm nặng hơn so với chạy ban ngày? Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng chạy đêm thực tế nặng hơn nhiều so với chạy ban ngày.

Đây là một nghiên cứu thú vị được các chuyên gia tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH Thụy Điển thực hiện phối hợp với quân đội nước này và các đồng nghiệp tại Slovenia. Nhóm nghiên cứu thấy rằng những người lính khi hành quân đêm thường tiêu hao nhiều năng lượng hơn so với dự tính lượng năng lượng tiêu hao để thực thi nhiệm vụ đó, đặc biệt khi họ phải đeo kính nhìn đêm có đặc điểm hạn chế quan sát xung quanh. Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu việc hạn chế tầm nhìn có phải là yếu tố khiến những người lính này phải thay đổi bước chân và đánh đổi hiệu năng di chuyển để tạo ra sự ổn định hay không. Nghiên cứu mới được thực hiện nhằm giải đáp lý thuyết này.

Nghiên cứu mới được thực hiện này được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng Châu Âu có sự tham gia của 15 tình nguyên viên thực hiện chuỗi các bài đi bộ kéo dài 10 phút trên máy chạy bộ trong 4 điều kiện: đeo và không đeo ba lô nặng khoảng 25 kg và bị và không bị bịt mắt. Máy chạy được thiết lập ở tốc độ thoải mái khoảng 19 phút/km cùng hệ thống cảnh báo bằng tia laze cảnh báo người tập sắp rớt ra khỏi phía sau máy chạy.

Kết quả cho thấy lượng oxy sử dụng (đại diện cho mức độ tiêu hao năng lượng), hơi thở và nhịp tim đều tăng đáng kể khi đeo ba lô như chúng ta có thể đoán trước. Điều ngạc nhiên là khi bị bịt mắt, mức độ gia tăng này cũng gần như tương đương. Các biểu đồ dưới đây minh họa các thông số này trong đó vòng tròn là bị bịt mắt và ô vuông là không bị bịt mắt:

Nguồn: Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng Châu Âu

Nếu so sánh các vòng tròn bên trái (bị bịt mắt nhưng không đeo ba lô) với hình vuông bên phải (không bị bịt mắt nhưng đeo ba lô), chúng ta có thể quan sát thấy xu hướng gần như giống nhau. Nói cách khác, đi bộ bị bịt mắt tiêu hao thêm nhiều năng lượng như đi bộ và đeo ba lô nặng 25 kg. Chính xác hơn, ba lô khiến lượng oxy tiêu thụ tăng lên 20% trong khi bịt mắt khiến lượng oxy tiêu thụ tăng thêm 19%.

Cơ sở lý giải cho hiện tượng này có thể là các chủ thể nghiên cứu điều chỉnh bước chân khi bị bịt mắt: bước chân của họ ngắn hơn 11% và rộng hơn 6% và họ cũng nhấc chân cao hơn 18%. Cần lưu ý rằng chúng ta đang thử nghiệm trên bề mặt máy chạy phẳng hoàn toàn và do đó không xuất hiện ổ gà hay hố ga: đây chỉ là phản xạ theo bản năng. Cũng cần lưu ý thêm rằng hiện tượng này có thể không chỉ đơn thuân là việc đối tượng nghiên cứu chưa quen với việc đi bộ khi bị bịt mắt: một thử nghiệm tương tự được thực hiện với những người mù cho thấy lượng năng lượng tiêu hao tăng khoảng 25% so với nhóm đối chiếu có thị lực bình thường.

Tất nhiên, việc bịt mắt tạo cảm giác khó chịu hơn nhiều so với việc ddeu kính n hìn đêm hay đơn giản là chạy ngoài trời trong điều kiện ánh sáng hạn chế. Điều đó đồng nghĩa với việc mức độ của hiện tượng này đã được gia tăng nhiều hơn. Ngoài ra, đi bộ khác với chạy bộ. Nhưng chúng ta cũng có cơ sở để kết luận rằng một cơ chế tương tự cũng xảy ra khi chúng ta chạy bộ ban đêm bên cạnh các cơ chế tinh tế hơn như cơ chế luồng quang lượng, tức mô thức các vật thể trôi qua tầm nhìn của chúng ta khi di chuyển qua không gian.

Khi chạy hoặc đạp xe trong bóng tối, chúng ta chỉ quan sát được những vật tương đối gần. Điều này có nghĩa những vật này xuất hiện trong tầm nhìn của chúng ta trong thời gian rất ngắn trước khi bị bỏ lại phía sau, tức luồng quang lượng diễn ra nhanh hơn so với chúng ta cảm nhận vào ban ngày. Một số nghiên cứu trước đó, đặc biệt là nghiên cứu của tác giả Dave Parry và Dominic Micklewright thuộc Đại học Essex trong đó họ thử điều chỉnh luồng quang lượng trong các điều kiện thực tế ảo, khiến các cảnh tượng bay qua nhanh hơn hoặc chậm hơn so với tốc độ của máy chạy hoặc xe đạp. Khi luồng quan lượng nhanh hơn, giống như khi chúng ta cảm nhận trong bóng tối, chúng ta có cảm giác mình di chuyển nhanh hơn và dù ở tốc độ chạy nào đi nữa, cảm giác luôn mệt hơn so với ban ngày.

Một hệ quả của các phát hiện này là khi chúng ta chạy trong môi trường mà hầu hết các điểm có thể quan sát ở gần chúng ta, chúng ta sẽ có cảm giác tốc độ dic huyển nhanh hơn khi ở môi trưởng mà các điểm có thể quan sát ở xa. Điều này có nghĩa việc chạy qua rừng cây hay đường phố sẽ tạo cho chúng ta cảm giác nhanh hơn so với chạy nơi đồng không mông quạnh.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy chạy đêm thực tế tiêu hao năng lượng và nặng hơn so với chạy ban ngày và chúng ta nên bỏ qua một bên sự khác biệt giữa tốc độ thực tế và ngưỡng cảm nhận của cơ thể khi chạy đêm nếu các bài chạy là những bài chạy nhẹ. Đối với những bài chạy nặng như tempo hay chạy nhanh, việc chạy tốc độ chậm hơn khi thực hiện bài chạy vào buổi tối có thể khiến chúng ta phần nào thất vọng và hụt hẫng. Nhưng dù sao chạy chậm hơn một chút vẫn tốt hơn là chạy nhanh, khó quan sát để rồi té ngã.

Theo tạp chí Outside

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares