Tôi gặp anh vào một ngày trung tuần tháng 4/2023 ở Boston, buổi chiều sau giải đua Boston Marathon. Nơi chúng tôi gặp gỡ là nhà hàng Phương Nam thuộc ngoại ô Boston, có mặt hôm đó còn có những bạn đến từ Việt Nam qua tham gia giải đua Boston Marathon lần thứ 127. Nhìn người đàn ông tuổi trung niên, dáng đi khoan thai, chậm rãi có ai biết được anh là một vận động viên chạy marathon với những thành tích đáng nể, mặc dù không có thời gian luyện tập anh vẫn có thể hoàn tất Boston Marathon 2023 với thành tích 3:04:50, xếp hạng 244 trên 2052 runner lớp tuổi M50-54.
Anh tên là Lâm Vĩnh Giang, sinh năm 1972 ở Hà Nội và sang Mỹ năm 1979. Hiện tại anh đang làm tổng giám đốc cho Innovative Pharmaceutical Partners (IPP), công ty do chính anh sáng lập chuyên tư vấn và cung cấp các dịch vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản phẩm liên quan đến ngành y dược tại Việt Nam. Một điều làm tôi rất ấn tượng là mặc dù qua Mỹ khi mới có 7 tuổi mà Giang nói tiếng Việt rất sõi, chuẩn giọng Hà Nội.
Giang tâm sự rằng sau một ngày làm việc căng thẳng, anh thích mang giày ra đường chạy khoảng 10-15 km cho đầu óc thoáng đi. Anh chạy để tâm trí thư giãn, bớt căng thẳng, từ đó dễ nhìn ra tất cả các vấn đề; và anh gọi đó là “running in the zone,” một phương thức thiền trên đường chạy.
Câu chuyện chạy bộ của Giang bắt đầu vào một mùa hè ở tiểu bang Virginia nơi anh lớn lên, hồi bé anh nghe lời mẹ ra đường tập thể dục chạy bộ để nâng cao thể lực vì mẹ nghĩ anh gầy quá. Tuy nhiên, chạy bộ chỉ thực sự đến với Giang khi anh tham gia đội điền kinh năm lên cấp 3 trung học. Trong một dịp thử thách chạy 4 vòng sân vận động, khoảng 1600m, huấn luyện viên của trường phát hiện ra năng khiếu chạy bộ của Giang và anh đã được đôn vào trong đội chạy băng đồng của nhà trường. Như biết bao nhiêu sinh viên khác ở Mỹ, sau khi rời trung học cũng là lúc họ từ bỏ môn chạy bộ một cách chuyên nghiệp vì phải tập trung vào học tập. Tuy nhiên muốn từ bỏ chạy bộ cũng khó, nhất là đang sống và học tập ở gần thánh địa của đường đua marathon. Giang theo học trường MIT tại Cambridge, chỉ cách Boston một con sông và hàng năm cứ đến gần tháng 4 là cả thành phố lại xôn xao như ngày hội để chào đón runner từ khắp thế giới đổ về. Theo Giang kể vào đầu thập niên 90 mọi thứ rất đơn giản và Boston Marathon thời đó cũng đơn giản, những người không đăng ký (Bandits) có thể tham gia chạy bộ sau khi các vận động viên chính thức đã xuất phát. Người chạy có thể mặc bộ đồ như Doremon hoặc Barney cho vui. Lúc đó chưa có vụ khủng bố đánh bom vào năm 2013 nên cảnh sát không xem kỹ các vấn đề an ninh như bây giờ, nhưng một điều không thay đổi là dân chúng đứng đầy hai bên đường hét to cổ vũ các vận động viên, đặc biệt ở khu Đại Học Wellesley với Scream Tunnel, nơi mà các nữ sinh viên ra hét hò tiếp sức cho các vận động viên ở điểm nửa đường đến đích.
Năm 1992 bạn bè Giang rủ nhau trải nghiệm chạy Boston Marathon. Nhóm định mặc bộ đồ gì mà cùng nhau chạy nhưng vì đường xa mà chưa ai từng tham gia marathon nào nên cuối cùng nhóm quyết định đổi làm mấy cái áo trắng ghi tên mỗi người cho đồng bộ thôi. Lúc mới bắt đầu thì anh chỉ ham vui, tham gia một sự kiện liên hoan lớn, dự định chạy hết 42 km xong rồi thì về. Nhưng rồi càng chạy thì anh càng cảm thấy sự gắn bó của cộng đồng chạy bộ, cụ thể là cả thành phố đổ ra đường để hỗ trợ tiếp sức cho người chạy đến đích thành công! Áo của Giang và các bạn ghi tên mỗi đứa lên phía trước để mọi người hai bên đường chạy đọc tên cổ vũ. Tên của anh là Giang, không phải dễ cho người Mỹ đọc nên hôm đó anh đã được nghe tên mình phát âm đủ kiểu khác nhau. Có người kêu “Let’s go Ging”, người khác thì “Go Gan”, có người cố gắng đọc nhưng rồi bỏ cuộc chỉ gọi “Let’s go white shirt”. Ban đầu anh hơi bực vì họ không đọc tên mình đúng, anh thoáng có ý nghĩ nên viết tên khác để họ đọc cho dễ, nhưng sau đó anh lại thấy vui vì mọi người dù đọc sai nhưng rất nhiệt tình cổ vũ cho anh, một người mà họ không quen biết. Thậm chí có người còn mời cam, chuối, nước nữa. Nói chung, tính cộng đồng rất tích cực! Giang rất ấn tượng, anh không thể tưởng tượng được là cả một thành phố sẽ ra ủng hộ nhau như vậy. Cảm giác rất tích cực, rất gần gũi, rất tình cảm. Có rất nhiều tuýp runner, cao thấp già trẻ nam nữ trắng đen, ai cũng được cổ vũ rất nhiệt tình suốt đường chạy 42 km. Hôm đó Giang đã được gặp nhiều người chạy cùng, anh phát hiện ra nhiều người chạy tốt hơn anh tưởng tượng khi mới gặp. Sức bền khác sức nhanh, mạnh. Đến đích rồi mọi người nghỉ ngơi rồi chuẩn bị liên hoan buổi tối, anh về đích rồi mỏi hết cả người, gần như không cử động được 2 chân luôn, về nhà ngủ một giấc dài …
Bẵng đi 3 thập niên, năm nay Giang mới lại chạy Boston Marathon, anh có cố gắng tập những bài cơ bản để chuẩn bị tinh thần cũng như cơ thể để chạy 42 km theo những ngọn đồi nổi tiếng của Boston, tuy nhiên vì công việc nên anh không có nhiều thời gian để tập luyện như mong muốn. Giang đã gặp vấn đề cũng ở gần Heartbreak Hill, một điểm rất là khó cho nhiều vận động viên. Tuy nhiên anh cũng đã về đích an toàn với thời gian 3:04:50, thành tích không hề tệ cho một runner tuổi 51.
Giang chia sẻ kinh nghiệm nếu có nhiều thời gian hơn, anh sẽ tập nhiều bài long run kết hợp với tempo run. Hơn nữa, vì đặc thù của Boston Marathon là những đồi dốc ngay khi qua cự ly 21 km, anh sẽ luyện chạy dốc nghiêm túc hơn. Khi chạy đến cự ly 21 km, cơ thể đã hơi mệt rồi mà phải đối phó với 4 con dốc liên tục sẽ khó cho cả các vận động viên, thậm chí Elite runner, cho nên luyện chạy đồi dốc rất quan trọng khi chuẩn bị chạy Boston Marathon. Ngoài ra, khi có tuổi đôi chân không còn khỏe như hồi trẻ nên anh nghĩ rất cần, tối thiểu 1 lần 1 tuần, luyện tốc độ và sức mạnh của các cơ bắp trong 2 chân của mình. Theo Giang, khối lượng cần thiết cho mỗi tuần là 50 miles để chuẩn bị cho một giải chạy marathon, hay ít ra phải là 40 miles. Tuy nhiên đối với những người bận rộn và thời gian không cho phép thì chạy từ 30-40 miles cũng được, ít hơn thì rất khó để đạt thành tích tốt.
Khi được hỏi về phương pháp tập luyện ưa khí tối đa (Maximum Aerobic Function) Giang đánh giá cao về lý thuyết này, riêng cá nhân anh hiện nay chủ yếu chạy để giải trí và mục tiêu mỗi buổi chạy là “Run in the zone”, khi đó anh cảm thấy như tâm trí, suy nghĩ và tất cả các tế bào trong cơ thể đang giao tiếp một cách dễ dàng và hiệu quả. Có thể nói anh đang tiếp cận phương pháp MAF một cách vô tình và ngẫu nhiên.
Giang nghĩ mọi người nên để ý một số vấn đề cơ bản rất quan trọng: tăng/giảm km hàng tuần từ từ, không nên chạy nhanh hằng ngày, phần lớn thời gian chạy là tốc độ chậm thôi, cần cho cơ thể của mình thời gian để làm khỏe những bộ phận cần thiết, ví dụ hệ thống cơ ở khu vực bụng. Ngoài ra, tùy vào tuổi và cơ địa mỗi người, nên dành nhiều thời gian cho việc khởi động. Lúc trẻ anh khởi động khoảng 1 mile là đủ, dạo này có ngày phải 2 mile, có ngày phải 3 mile mới đủ.
Về việc hít thở khi chạy bộ, Giang nghĩ mọi người nên tự cảm nhận từ cách mình thở, còn không thì có thể đo nhịp tim để đánh giá khi nào cơ thể mình sẵn sàng workout.
Cách ăn uống bổ sung dinh dưỡng theo Giang cũng rất quan trọng khi tập luyện cũng như khi chạy marathon. Quan trọng nhất là nước. Mọi người đã biết nên uống đủ nước để bổ sung cho lượng nước bị mất khi mình ra mồ hồi rồi, nhưng ít ai để ý nếu uống nhiều quá cũng nguy hiểm. Có một lần trong giải đua marathon, thời tiết không nóng nhưng lại nắng làm anh sợ người bị thiếu nước nên trên đường chạy anh đã uống quá nhiều nước. Khi gần về đích anh bị chóng mặt, gần như muốn xỉu. Anh đã cố gắng lết về đích rồi nghĩ mình thiếu nước nên lại tiếp tục uống nước. Sau đó, đứng không được, mất thăng bằng nên được đội y tế đưa đi viện.
Ngoài nước thì cần năng lượng, tức chất bột hoặc đường. Gần đây, nhiều người cố gắng tránh tinh bột và đường. Giang nghĩ khi tập long run cần có năng lượng kiểu như carbo-load trước khi chạy marathon đó. Không đủ năng lượng thì bài tập sẽ không hiệu quả. Về cơ bản, cơ địa mỗi người sẽ khác nhau, anh nghĩ mình nên để ý xem cơ thể mình đang cần gì. Năm 1992, sau khi về đích Boston Marathon, không hiểu sao tự nhiên anh rất thèm ăn bánh phô mai (cheesecake). Thường anh cũng thích bánh phô mai nhưng chưa bao giờ thèm như lúc đó. Anh nghĩ do đã dùng rất nhiều năng lượng để hoàn thành cự ly nên cơ thể muốn bổ sung năng lượng thôi. Cơ thể mình biết mình đang cần những gì và sẽ luôn báo cho mình, hãy để ý xíu sẽ thành công!
Ngoài khả năng chạy marathon, Giang còn có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng chạy bộ, đặc biệt là năm 2019 với vai trò giám đốc giải đua, anh đã tổ chức thành công giải đua Huế Marathon với hơn 1300 vận động viên tham gia, trong đó có trên 200 vận động viên ngoại quốc. Huế rất bé so với Sài Gòn và Hà Nội, nhưng tổ chức được một giải đua và thu hút được số lượng đông đảo tham gia lúc bấy giớ không phải là chuyện dễ làm. Giang đã đóng góp công sức vì anh nghĩ đơn giản là muốn giới thiệu Kinh Đô thần bí, qua đó giúp mọi người quan tâm hơn về sức khỏe và môi trường.
Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.