Hành Trình Đua Marathon Của Kỹ Sư Gốc Việt

Hôm nay chúng ta hãy làm quen với David Trần, sinh năm 1988, một chân chạy marathon trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt. Năm 2022 David 3 lần lập kỷ lục cá nhân (PR) với kết quả tốt nhất là 2:35:27 ở California International Marathon vào cuối năm 2022. Trước đó, David đã PR ở Chevron Houston marathon vào tháng 1/2022 với thành tích 2:37:37 và Berlin marathon vào tháng 9/2022 với thành tích 2:36:08. Hành trình đến với chạy bộ của David rất thú vị và có nhiều điều đáng để chúng ta học hỏi.

2022 Berlin Marathon

Thời học sinh: không hứng thú chạy bộ

Từ miền nam California, chúng tôi đã kết nối được với người bạn trẻ gốc Việt đầy tài năng này, anh đã vui vẻ nhận lời phỏng vấn của Chay365 và chia sẻ những thông tin cá nhân cũng như quá trình luyện tập và thi đấu ở các giải đua marathon của mình.

David sinh ra và lớn lên ở thành phố Oakland, California, nơi mà bố mẹ anh đã chọn làm quê hương thứ hai sau khi bỏ nước ra đi vào cuối thập niên 70. Anh theo học ngành Computer Science ở đại học danh tiếng Stanford và hiện tại đang sống và làm việc ở San Francisco.

Cũng như bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, David thích xem và chơi bóng rổ. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ giỏi về bộ môn này và việc bị chọn là người cuối cùng bước vào sân làm cho anh càng thêm mất tự tin. Trong những năm trung học, bố mẹ của David đi làm sớm và thả anh ở trường một tiếng rưỡi trước khi lớp học đầu tiên bắt đầu, không có việc gì làm cho nên anh tập ném bóng rổ. Anh thực sự thích bộ môn này và khi lên lớp 9 anh xin thử sức để vào đội tuyển của nhà trường. Huấn luyện viên Blakeley đã nói thẳng với anh rằng có thể bóng rổ không phải môn thể thao của anh, nhưng có vẻ như anh chưa bao giờ thực sự mệt mỏi khi ở ngoài sân bóng, vì vậy có lẽ anh nên cân nhắc chuyển qua môn chạy việt dã. Đó là lúc David bắt đầu chạy băng đồng.

Vào buổi tập đầu tiên của đội chạy băng đồng, mẹ David thả anh vào nhầm khu vực của Công viên Joaquin Miller, và anh chạy quanh công viên, bị lạc và không bao giờ tìm thấy đội. Lần luyện tập thứ hai diễn ra tốt hơn một chút, nhưng ngay cả ở một ngôi trường nhỏ, chạy chắc chắn chưa bao giờ thực sự là sở thích của anh. David thích được ở trong đội, nhưng anh chưa bao giờ thực sự thích chạy bộ. Anh nghe thấy những từ như “tempo” và “workout”, nhưng anh không biết và cũng không hỏi ý nghĩa của chúng là gì trong suốt ba năm tham gia đội chạy băng đồng.

Headland 50K (PC: Tiare Bowman)

Anh còn nhớ rõ là đã về kế chót trong một giải đua. Khi lên đại học ở Stanford, bất kể thời tiết tuyệt vời ở đây David đã ngừng chạy bộ và thay vào đó là tập tạ và bóng rổ vì ở đó anh có thể sử dụng miễn phí một phòng tập thể dục và sân bóng rổ tuyệt vời. Anh bắt đầu tăng cân, thêm vào đó cơ bắp cũng phát triển do nâng tạ, nhưng lúc đó anh chẳng quan tâm. Nhưng đến năm thứ ba đại học, anh cảm thấy thực sự nặng nề và không hài lòng với cân nặng của mình, vì vậy anh bắt đầu chạy bộ trở lại, chủ yếu chỉ chạy vòng trong khuôn viên trường và cuối cùng là chạy vài ngày một tuần.

“Chạm ngõ” với chạy bộ đường dài

Bước đột phá lớn đối với David đến khi anh phát hiện ra Runkeeper và sau này là Strava. Thông tin về tốc độ, theo dõi tự động, mục tiêu, thành tích cá nhân tốt nhất trên các phân đoạn — Anh  đã bị cuốn hút và tất cả những điều này đã giúp hình thành thói quen chạy bộ mà anh không thể bỏ được. Khi anh có thể theo dõi tất cả các lần chạy của mình và thấy sự cải thiện từng ngày, từng lần chạy, anh bắt đầu thích chạy bộ hơn rất nhiều.

Khi David bắt đầu thành lập công ty, anh không có đủ ngân khoản cho một phòng tập thể dục, và mặc dù anh vẫn được phép đến phòng tập thể dục Stanford trong một hoặc hai năm sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, thời gian không cho phép, việc xỏ giày vào và phóng nhanh ra khỏi cửa để chạy đã nhanh chóng trở thành phương pháp hữu hiệu nhất để giảm căng thẳng, thiền, trị liệu cũng như thoát khỏi việc ngồi viết code. Sau đó, anh gặp rất nhiều bạn bè, cộng đồng chạy bộ và câu lạc bộ chạy bộ; những yếu tố này đã khơi dậy niềm đam mê chạy bộ trong anh. Kể từ đó, David đã chạy chín giải marathon, bao gồm cả cuộc chạy marathon ở Boston đầu tiên vào tháng 4 năm 2018.

Thành phố San Francisco, nơi David đang sinh sống, nổi tiếng với những ngọn đồi vì vậy đa số các buổi chạy của anh được thực hiện trong những cung đường với địa hình dốc lên xuống liên tục. Đặc biệt là trên Strava anh hay đăng các bài chạy chung với một cô gái da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Được hỏi thì anh cho biết đó là Amanda, hôn thê của anh. Họ gặp nhau vào một buổi chạy chung nhóm, lúc bấy giờ cô ấy mới bắt đầu vai trò mới ở một tổ chức từ thiện bất vụ lợi, nơi mà David thường xuyên tình nguyện. Họ trở thành bạn bè và sau đó khám phá ra rằng họ là hàng xóm của nhau, việc gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử. Mới đây, vào tháng 2 năm 2023, David đã chạy chung với Amanda ở giải đua “Mountain 2 Beach” tại Ventura và cô ấy đã lập PR trên 3 phút.

David và hôn thê Amanda (PC: Bryan Walker Ting)

Ngoài chạy bộ, David còn là một doanh nhân thành công. Anh là người đồng sáng lập ra tổ chức Flow Club, một công ty startup được hình thành qua mảng Ycombinator và trong năm 2021 họ đã gây vốn 5 triệu đô. Mục tiêu của công ty là xây dựng một nền tảng và cộng đồng nhằm cải thiện cuộc sống làm việc của mọi người, bắt đầu là một mô hình trực tuyến để giúp đỡ hàng nghìn nhân viên, học giả, nhà sáng lập và sinh viên, đặc biệt là những người có vấn đề về thần kinh, tìm ra cơ cấu và giải pháp để hoàn thành công việc của họ với sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng. Hầu như mọi ngày anh đều phải viết code, trao đổi với người sử dụng code mình viết và giết bọ để sửa lỗi! Anh thích giải quyết vấn đề, đó cũng là lý do tại sao anh hướng tới những cuộc đua dài hơn như marathon và xa hơn — bạn không bao giờ biết những vấn đề nào có thể nảy sinh cần sự giải quyết của chúng ta.

Những thành tích ấn tượng ở các giải đấu

Khi được hỏi về đường đua CIM, David cho biết năm 2016 là lần đầu tiên anh chạy ở CIM, anh đã phá PR sâu 25 phút đạt chuẩn Boston lần đầu tiên, và từ đó đến nay anh trở lại đường đua này hàng năm. CIM được tổ chức tốt với rất nhiều bạn bè của David từ Bay Area đến tham dự và đây là một đường đua nhanh, thường có điều kiện thời tiết lý tưởng vào tháng 12. Năm 2022 là lần thứ 6 David chạy CIM với một ý nghĩa đặc biệt vì cả anh và hôn thê đều DNF vào năm 2021 sau khi cả hai đều có những chuẩn bị thực sự tuyệt vời để rồi cả hai bị ốm nặng trong tuần diễn ra cuộc đua với một căn bệnh không phải do COVID. Đến với giải đua CIM 2022, bởi vì mới chạy Berlin marathon trước đó không bao lâu cho nên anh chỉ mong có một chiến thuật chắc chắn và thông minh. Nửa đầu anh chạy với một người bạn cùng câu lạc bộ, tuy rằng cả hai chạy 10km đầu khá nhanh, nhưng đến nửa đường đua họ vẫn cảm thấy khỏe và thời gian chỉ quá 1:17 và đó cũng là nằm trong tính toán của David. Sau đó hai người tách rời nhau và David phải chiến đấu bản thân, rồi sau khi gặp vô số bạn bè và những người lạ cổ vũ anh đã nổ lực vượt qua cơn đau do bị chuột rút từ mile thứ 18 trở đi. Theo David, marathon không bao giờ là hoàn hảo, nhưng anh rất hài lòng với những gì đã đạt được; đã có thể vượt qua cơn đau, chỉ positive split tí xíu và vẫn kết thúc không đến nỗi tồi với một PR nhỏ sau giải đua Berlin.

2022 CIM, David nhái động tác ăn mừng “Night Night” của cầu thủ bóng rổ Steph Curry

Ngoài ra David còn là một chân chạy siêu marathon có hạng, anh đã chạy nhiều giải ultra và đạt được thứ hạng top 10, đáng kể là 2019 Jed Smith 50K (vô địch với thời gian 3:33:21), 2021 Golden Gate Trail (hạng 3 chung cuộc, 2:20:59), 2022 Quicksiver Endurance 100K (hạng 3 chung cuộc, 10:14:12), 2022 Skyline 50K (hạng 3 chung cuộc, 3:59:21),  2023 Skyline 50K (vô địch, 4:03:21).

2023 Skyline 50K (PC: Albert Lin)

Trong các giải đua ultra, Skyline 50K vẫn là giải đua anh yêu thích nhất, lần đầu tiên tham gia là vào năm 2018, cung đường tuyệt đẹp có những khúc chạy qua công viên Redwood Regional nơi mà đội việt dã băng đồng trung học của anh thường luyện tập, vì thế cũng như giải marathon CIM, giải ultra Skyline 50K coi như là sân nhà cho nên David lên lịch chạy ở đây hàng năm.

2023 Skyline 50K, nhận tiếp nước từ Amanda (PC: William Dai)

David thích chạy cả đường mòn và đường nhựa, nhưng khi so sánh với ultra thì road marathon giống như là môn toán học hay khoa học bởi vì các thông số được hiểu rõ hơn. Theo David, quá trình luyện tập của mỗi người không khác biệt gì nhiều, và vào ngày đua chiến thuật của mỗi người lại càng không khác nhau mấy. Chúng ta thật sự nhận thức được phản ứng của cơ thể khi chạy 8 hoặc 10 dặm ở tốc độ marathon, lúc mới bắt đầu quá trình tập luyện thì ai cũng gặp khó khăn khi phải chạy với tốc độ này, cụ thể là không thể chạy được 1 hoặc 2 dặm với tốc độ marathon, rồi dần dần sự tự tin được tăng lên để chúng ta có thể chạy 10 dặm với tốc độ đó, và sau cùng là đến ngày đua, phải thực hiện bài tập chạy tốc độ marathon 1 x 26,2 dặm! Riêng về chạy trail và ultra, David có nhận xét như sau:

2023 Skyline 50K (PC: Siobhan Taylor)

“Chạy địa hình và chạy ultramarathon đối với tôi như là một nghệ thuật hoặc cũng có thể nghĩ là một mô hình thu nhỏ của cuộc sống (microcosm), chúng ta cố chuẩn bị tốt nhất có thể nhưng không bao giờ có thể chính xác đến từng giây. Khi ra race tôi luôn lên kế hoạch cho mọi thứ chính xác đến từng giây, nhưng đối với ultramarathon thì điều đó bất khả thi và chúng ta phải chấp nhận. Một điều gì đó chắc chắn sẽ không diễn ra theo kế hoạch, và đó là lúc chúng ta phải phản ứng, sự việc này làm tôi nhớ đến khi tập thiền mình phải ngừng lại trước khi có phản ứng. Nếu bạn vẫn giữ được bình tĩnh (đặc biệt trong các giải đua vào ngày trời nóng), tin tưởng vào quá trình tập luyện và chuẩn bị của mình, biết tìm cách giải quyết cho từng vấn đề không thể tránh được, thì bạn thực sự có thể tận hưởng những giải đua ultramarathon siêu dài.”

David Tran, vô địch 2023 Skyline 50K (PC: Amanda Ables)

Hỏi đáp cùng David

Sau đây là phần đặt “câu hỏi và trả lời” nhanh dành cho David Trần.

  1. Anh có tập tốc độ như intervals và tempo không và tần suất như thế nào? ——— Vâng, tôi hiện tại chạy 6 ngày một tuần, với Thứ Hai là ngày nghỉ ngơi, vì vậy hầu hết thời gian, tôi sẽ tập tốc độ vào Thứ Tư và huấn luyện viên của tôi và tôi thích kết hợp tập luyện với nỗ lực căng hơn vào các lần chạy dài của mình— chẳng hạn như thực hiện 4/3/2/1 dặm hoặc 10 dặm ở tốc độ marathon trong một bài chạy dài 20 dặm vào Thứ Bảy. Vì vậy các buổi tập tốc độ thường là thứ Tư và thứ Bảy. Thỉnh thoảng trong quá trình xây dựng nền tảng sức bền, tôi có thể thực hiện một vài tuần tập luyện tốc độ vào Thứ Ba và Thứ Năm, hoặc thậm chí thỉnh thoảng là một ngày có hai lần tập tốc độ, nhưng những điều đó rất hiếm đối với tôi.
  2. Theo anh, một người tập luyện trung bình bao nhiêu dặm một tuần là tối ưu?——— Tôi không nghĩ có khối lượng tối ưu — đặc biệt tất cả chúng ta ai cũng phải cân bằng giữa cuộc sống, công việc và mọi thứ khác. Nó cũng còn phụ thuộc vào mục tiêu của bạn là gì. Nếu bạn đang cố gắng chạy marathon, quãng đường chạy hàng tuần rất quan trọng – được cho là quan trọng hơn việc tập luyện cường độ cao. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào tố chất và lịch sử chấn thương của bạn. Tôi biết đây không phải là một câu trả lời hữu ích, nhưng câu trả lời là… còn tùy. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là hãy thử và thử nghiệm xem cơ thể (và tâm trí) của bạn phản ứng như thế nào khi tăng khối lượng và hãy khám phá cái cảm giác khi bạn cố gắng đạt tốc độ cao trong khi tập luyện. Nếu bạn cảm thấy khá thoải mái với quãng đường 30 hoặc 40 dặm một tuần, có thể thử một tuần chỉ cao hơn mức đó một chút, thí dụ ở mức 35 hoặc 45 dặm trước khi quay trở lại mức bình thường chỉ để xem cảm giác như thế nào. Một số người phản ứng tốt hơn với khối lượng lớn, còn một số thì không — Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng quan trọng là có thể phục hồi tốt như thế nào sau khi tập với khối lượng lớn (giấc ngủ, dinh dưỡng, những căng thẳng khác trong cuộc sống). Đối với tôi, trong quá trình luyện tập chạy marathon, tốc độ 60-80 dặm một tuần thường mang lại cảm giác tuyệt vời và tôi có thể có một tuần cao điểm ở mức cao nhất là 80 dặm, nhưng tôi luôn nghỉ ngày Thứ Hai, tức là trong 6 ngày. Tôi đã thử nghiệm vượt qua mức đó hoặc chạy hơn 80 dặm/tuần trong nhiều tuần liên tiếp và cơ thể tôi không kịp hồi phục. Đó có thể là điều tôi muốn thử nghiệm nhiều hơn nếu sinh hoạt đời sống cho phép.
  3. Anh có nghe qua phương pháp Chức Năng Hiếu Khí Tối Đa (MAF) do Tiến sĩ Phil Maffetone đề xuất hay không. Phương pháp này tập trung vào việc chạy ở nhịp tim thấp. Nếu là anh, anh có tin nó có tác dụng không? Anh nghĩ gì về phương pháp này?——— Tôi biết rõ phương pháp MAF. Tôi chưa bao giờ trong một thời gian dài tập luyện với MAF một cách nghiêm ngặt, nhưng tôi chắc chắn rằng việc xây dựng nền tảng và phát triển hệ hiếu khí là cực kỳ quan trọng. Tôi đã học được rất nhiều điều từ huấn luyện viên của mình, David Roche, và tôi luôn mong muốn học hỏi nhiều hơn, nhưng nhìn chung tôi chạy 80-90% khối lượng hàng tuần của mình một cách rất dễ dàng (thường là Vùng 1 và một số Vùng 2 trong mô hình 5 vùng) và thường xuyên tập luyện nhiều tuần hiếu khí thuần túy mà không cần cường độ cao. Tôi nghĩ rằng tập luyện MAF đặc biệt trong một thời gian dài có thể mang lại hiệu quả nếu bạn vẫn có thể tìm cách củng cố running economy và vẫn có thể tạo ra năng lượng về mặt cơ sinh học— vì vậy có thể chỉ cần thực hiện những bài chạy strides trên đường phẳng và trên đồi cùng với MAF vì mấy bài chạy strides thường ngắn đủ để nhịp tim của bạn không thực sự tăng quá cao.
  4. Anh chủ yếu tập luyện một mình hay với bạn?——— Chắc chắn là kết hợp! Tôi chạy với cùng một nhóm bạn trong câu lạc bộ của tôi, Excelsior, vào mỗi sáng thứ Ba lúc 5:45 sáng, và nếu không thì cố gắng chạy với bạn bè, đồng đội và Amanda khi thời gian và lịch trình cho phép. Tuy nhiên, đa số khối lượng của tôi là từ chạy một mình.

    David và Amanda at Koko Head (PC: Kristian Seidman)

  5. Nhiều VDV tin vào tầm quan trọng của dáng chạy và kỹ thuật thở. Anh cho ý kiến về chủ đề này? ——— Tôi không phải là chuyên gia về dáng chạy hay tập thở, nhưng tôi nghĩ việc rèn luyện sức mạnh, sự ổn định và thực hiện các bước sải chân chạy strides (cả bằng phẳng và lên dốc) sẽ giúp củng cố dáng chạy tốt hơn. Về vấn đề hít thở, tôi nghĩ việc tập thiền của tôi giúp ích rất nhiều. Trong các cuộc đua, thường có ít nhất một vài khoảnh khắc tôi cố gắng nhắm mắt lại 1 hoặc 2 nhịp thở và chỉ tập trung vào hơi thở để thư giãn bản thân. Trong những lần chạy nhẹ, tôi chắc chắn sẽ cố gắng tìm thời gian để làm điều này!
  6. Hãy cho chúng tôi biết về chế độ dinh dưỡng của anh trong quá trình tập luyện và thi đấu.——— Về bản chất, tôi có thân hình nặng hơn một chút so với hầu hết các vđv marathon/vđv ultramarathon và tôi thuộc nhóm người đổ mồ hôi rất nhiều, vì vậy tôi thường cố gắng nạp nhiều năng lượng hơn một chút. Trong một cuộc chạy marathon, tôi đặt mục tiêu tiêu thụ một loại gel 100 calo cứ sau 5 km và tôi thường sử dụng hỗn hợp Gu Roctanes với sodium và một ít với caffeine, cũng như các loại gel không có sodium như Maurten, Spring hoặc Science in Sport. Để hấp thụ nhiều calo như vậy mà không bị đau dạ dày, tôi nghĩ bạn cần phải tập nạp năng lượng theo cách đó trong thời gian dài, vì vậy, với bất kỳ cuộc chạy nào dài hơn 90 phút hoặc lâu hơn, tôi thường sẽ nạp nhiên liệu. Đối với những cuộc chạy siêu marathon dài hơn, tôi đã cố gắng tập luyện dạ dày của mình để đạt gần mức tối đa theo lý thuyết là 90 đến 120 g CHO/giờ mà cơ thể bạn có thể hấp thụ, nhưng tôi thường sẽ cố gắng hấp thụ nhiều lượng đó dưới dạng cả calo lỏng (thường là Trà Gu Roctane Summit hoặc Dâu Hibiscus).

2022 Berlin Marathon (PC: Amanda Ables)

  1. Anh có tập bổ trợ chéo như bơi lội và đạp xe không?——— Tôi thích đạp xe đến và về từ văn phòng hoặc chạy việc vặt! Tôi ước mình có nhiều thời gian hơn để tập luyện chéo, nhưng với thời gian có hạn, chạy thường là cách tốt nhất để đạt hiệu quả cao.
  2. Anh có tham gia XC và tracks thời còn đi học không?——— Tôi đã chạy cả hai (băng đồng và điền kinh trong sân vận động) tại một trường trung học nhỏ D5. Tôi chưa bao giờ thực sự yêu thích chạy bộ ở trường trung học, mặc dù tôi rất thích tình bạn đồng đội và chơi thể thao có nghĩa là tôi có thể học thêm lớp AP thay vì thể dục. Tôi nhớ mình đã thực sự thích thú với những cuộc chạy dài hơn mà chúng tôi thỉnh thoảng thực hiện tại Công viên Vùng Redwood thay vì chạy lặp vòng thường lệ dài 4 dặm, vì vậy có lẽ đó là một điềm báo tốt cho việc khám phá ra tiềm năng chạy ultra địa hình trong tôi về sau.
  3. Mục tiêu và kế hoạch tương lai của anh khi tham gia chạy marathon là gì?——— Tôi chủ yếu tập trung vào chạy địa hình vào năm 2023, nhưng tôi rất hào hứng sẽ chạy Tokyo Marathon vào năm 2024. Một điều khích lệ khi tôi lập được PR ở cự ly 10 dặm và 5K trong năm 2023 ngay cả khi không tập trung nhiều vào chạy road hoặc tốc độ, vì vậy tôi muốn biết quá trình tập luyện diễn ra như thế nào trước giải đua Tokyo Marathon, và nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ cố gắng lập thành tích cá nhân tốt nhất ở đó. Về lâu dài, tôi nghĩ về tốc độ hơn là tổng thời gian, nhưng tốc độ 5:45/mile (3:34/km) cho tôi cảm giác rất thoải mái trong một vài cuộc chạy bán marathon cũng như trong lúc tập luyện — Tôi rất muốn biết liệu một ngày nào đó tôi có thể chạy tốc độ đó cho một cuộc đua marathon hay không, và nếu tôi có thể phá vỡ con số tròn 2:30 thì thật tuyệt vời.
  4. Anh còn điều gì muốn chia sẻ không?——— Tôi muốn tuyên dương một vài vận động viên chạy bộ người Mỹ gốc Việt xuất sắc khác trong cộng đồng! Bạn tôi David Lam vừa hoàn thành giải chạy sức bền Western States Endurance Run vào ngày sinh nhật của mình và bác sĩ vật lý trị liệu Anh Bùi ở Oakland đang hướng tới kỷ lục quốc gia Việt Nam cho nữ là 2:45.
  5. Anh có lời khuyên nào về chạy bộ dành cho độc giả của chúng tôi không?——— Chúng ta cần thêm nhiều vận động viên Việt Nam trong cộng đồng và tại các giải đua.

Bruce Vu
8/27/2023

About the Author Bruce Vũ

Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.

>
0 Shares