Trên tay Coros PACE 3

Ngày 24/9 tới đây, Eliud Kipchoge sẽ thi đấu giải Berlin Marathon. Trên cổ tay anh lúc đó hẳn sẽ là COROS Pace 3, sản phẩm mới nhất của hãng đồng hồ COROS. Người tiền nhiệm Pace 2 – đồng hồ GPS nhẹ nhất thế giới – đã được trang bị hầu hết mọi tính năng cần thiết cho một đồng hồ chạy bộ, nhưng Pace 3 thật sự có nhiều nâng cấp đáng giá.

Chay365 đã có cơ hội trải nghiệm sản phẩm này để chia sẻ với các bạn.

Thông số kỹ thuật

Bảng trên là các tính năng mới của đồng hồ COROS Pace 3, thông tin được cung cấp bởi chính COROS. Như vậy, so với tiền nhiệm Pace 2, Pace 3 có nhiều cải tiến đáng lưu ý:

  • Chế độ GPS băng tần kép
  • Tăng thời lượng pin sử dụng
  • Mặt đồng hồ cảm ứng
  • Cảm biến nhịp tim thế hệ mới
  • Cảm biến SpO2
  • Chế độ màn hình ban đêm

Đánh giá bên ngoài COROS Pace 3

Không có bất cứ điều gì lạ mắt về hộp COROS Pace 3. Hình thức của hộp đơn giản và gọn nhẹ

Các phụ kiện kèm theo đồng hồ (Ảnh: website COROS)

COROS Pace 3 phiên bản dây nylon trắng

COROS Pace 3 phiên bản dây nylon trắng

Đồng hồ COROS rất thân thiện và tiện dụng với người dùng. Chỉ bằng một thao tác quét mã QR, Pace 3 đã được cài đặt giống hệt chiếc Apex Pro 2 mà tôi đang sử dụng.

So sánh kích thước Pace 3 với Apex 2 Pro

COROS Pace 3 với màn hình cảm ứng có độ sáng cao

Độ sáng của đồng hồ COROS Pace 3

Phiên bản Pace 3 với dây nylon có trọng lượng rất nhẹ. Người dùng gần như không có cảm giác đang đeo đồng hồ. Theo nhà sản xuất, Pace 3 chỉ nặng hơn Pace 2 có 1 gr thôi.

Ảnh chụp trong phòng tối, so sánh màn hình Pace 3 với Apex 2 Pro, chế độ ban đêm (Night Mode)

So sánh độ sáng và kích thước của Pace 3 và Apex 2 Pro (chụp trong phòng bật đèn)

Apex 2 Pro có kích thước màn hình 1.3 inch, độ phân giải 260 x 260. Pace 3 có kich thước 1.2 inch, độ phân giải 240 x 240. Có thể thấy màn hình Pace 3 có độ sáng và độ tương phản không kém hơn Apex 2 Pro, thậm chí có phần sắc nét hơn.

Trải nghiệm thực tế với COROS Pace 3

Những điểm quan trọng của đồng hồ chạy bộ

Cảm giác đeo COROS Pace 3 rất thoải mái. Nhưng tính năng của nó ra sao?

Với tôi, đồng hồ chạy bộ trước hết cần phải là một thiết bị đáng tin cậy trong quá trình tập luyện và thi đấu của mỗi runner. Nghe nhạc hay điều khiển camera cũng hay, tuy nhiên những tính năng dưới đây được tôi quan tâm nhất (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp):

  • Tín hiệu GPS chính xác
  • Khả năng bắt tín hiệu GPS nhanh
  • Hiển thị chính xác các thông số trong bài tập chạy: tần số tim, guồng chân, công suất
  • Kết nối nhanh với điện thoại thông minh
  • Giao diện thân thiện, dễ sử dụng
  • Các thông số khác theo dõi quá trình hồi phục và sức khỏe người dùng: đo dao động tần số tim (HRV), SpO2, theo dõi giấc ngủ

Cách tốt nhất để kiểm định độ tin cậy của Pace 3 là trực tiếp so sánh với đàn anh Apex 2 Pro, thiết bị tôi đang sử dụng.

GPS của Apex 2 Pro

Nhân đây, tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về độ chính xác của đồng hồ GPS. Nhiều người nói cảm biến đeo chân (footpod, ví dụ như Stryd) đo quãng đường chuẩn hơn. Về lý thuyết là vậy, tuy nhiên khi so sánh trực tiếp đồng hồ Apex Pro 1 với Stryd, tôi thấy có sự chênh lệch quãng đường khá lớn (cỡ 10-15%). Tôi đã chạy nhiều đủ để có cảm nhận về tốc độ của mình, dựa theo nhịp tim, hơi thở. Tôi quyết định tin tưởng Apex Pro và bỏ Stryd. Thực tế cho thấy các giải marathon gần nhất (Breaking3, VM Nha Trang, VM Hanoi Midnight), quãng đường full marathon mà Apex Pro đo được không sai khác với con số 42,195 bao nhiêu.

Có những người tập luyện hoàn toàn theo công suất, cự ly marathon với họ là 43 hay 44km không quan trọng, họ chỉ tin Stryd. Tôi không phải runner kiểu đó. Tôi vẫn tin GPS của đồng hồ đeo tay.

GPS của Apex Pro 2 còn chính xác hơn Apex Pro 1. Thế nên tôi cần kiểm chứng Pace 3 với Apex Pro 2. Tôi đeo cùng lúc 2 đồng hồ khi tập chạy, sau đó đối chiếu tracklog của 2 thiết bị. Sẽ là bài test không dễ dàng cho “anh lính mới” Pace 3.

Tính năng đo nhịp tim của Apex 2 Pro

Tôi cũng từng so sánh tính năng theo dõi tần số tim của Apex 2 Pro với cảm biến nhịp tim Polar Verity Sense. Hai thiết bị này cho kết quả tương tự nhau, cho phép kết luận về độ tin cậy của Apex 2 Pro. Hãy cùng xem Pace 3 so với Apex 2 thế nào.

Đeo cùng lúc 2 đồng hồ khi tập chạy

Để có sự chính xác và khách quan tối đa, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng bài tập chạy, tôi thực hiện 3 bài chạy. Xin chia sẻ kỹ lưỡng 3 bài chạy này cùng các bạn. Phần này có thể quá thiên về kỹ thuật, nhưng tôi hy vọng sẽ hữu ích, vì nó là trải nghiệm thực tế.

  • Bài số 1: Chạy nhẹ 13 km theo cung Nguyễn Trãi – Trung Hòa Nhân Chính – Trần Duy Hưng – Láng. Chế độ Run. Chạy theo chiều kim đồng hồ. Đeo Pace 3 tay phải, Apex Pro 2 tay trái. Chế độ vệ tinh: All System On
  • Bài số 2: Chạy nhẹ 10 km quanh khu Royal City. Chế độ Run. Chạy theo chiều kim đồng hồ. Đeo Pace 3 tay trái, Apex Pro 2 tay phải. Chế độ vệ tinh: All System On
  • Bài số 3: Chạy biến tốc 20 x 400m, nghỉ giữa mỗi tổ 200m. Chạy trong sân vận động, chế độ Track Run. Chạy ngược chiều kim đồng hồ. Đeo cả 2 đồng hồ cùng tay trái. Chế độ vệ tinh: Băng tần kép (Dual Frequency)

Bài chạy số 1: Easy Run ngoài phố

Đây là cung chạy quen thuộc của tôi mỗi sáng. Lúc 5h sáng thứ Hai ngày 28/8, trời mưa nhỏ, khá nhiều mây. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới độ chính xác của GPS. Lúc bắt đầu, Pace 3 bắt tín hiệu GPS chậm hơn Apex 2 Pro khoảng 20 giây.

Trong lúc chạy, điều khiến tôi ngạc nhiên là 2 đồng hồ hiển thị thông số gần như giống nhau tuyệt đối. Tôi vẫn để màn hình tập luyện của mình gồm 4 thông số: nhịp tim, pace tức thời, pace trung bình, guồng chân. Tôi nhìn vào cổ tay trái rồi cổ tay phải, Pace 3 đang trả lời những thông số giống hệt Apex 2 Pro.

Tuy vậy, tôi lưu ý có thời điểm Pace 3 báo nhịp tim nhảy lên 150-160. Đây là điều vô lý vì tôi đang chạy easy. Hóa ra dây nylon bị lỏng. Tôi xiết lại dây nylon chặt hơn và tần số tim trở về mức quen thuộc 110. Đây là lý do mà với Apex 2 Pro, tôi đã bỏ dây nylon để dùng dây silicone.

Tracklog của Pace 2. Tốc độ trung bình 5:38. Tốc độ tối đa 5:05. Tần số tim trung bình 115.

Tracklog của Apex 2 Pro. Tối độ trung bình 5:37. Tần số tim trung bình 108

Như vậy, có thể thấy quãng đường sai khác đôi chút (12.89 km vs 12.92 km). Phải chăng do đeo Apex 2 Pro bên tay trái  và chạy xuôi chiều kim đồng hồ, nên vòng cua rộng hơn đôi chút, dẫn đến quãng đường dài hơn? Dù sao, khác biệt chỉ 30 m cho quãng đường gần 13 km cũng không đáng kể (0.2%).

Khác biệt thứ hai nằm ở tần số tim trung bình (115 vs 108). Như đã nói, có khoảng tầm vài trăm met dây nylon của Pace 3 bị lỏng, ảnh hưởng tới độ chính xác của cảm biến quang học đo nhịp tim.

Không hiểu sao Apex 2 Pro không hiển thị tốc độ tối đa. Hãy thử “soi” kỹ từng kilomet.

Tracklog của Pace 3. Lưu ý có đoạn kilomet số 5 và số 6 có “nhảy” nhip tim do dây nylon lỏng

Tracklog của Apex 2 Pro

Ở kilomet đầu tiên, tần số tim cao nhất mà Pace 3 đo được là 138, trong khi với Apex Pro là 145. Cả hai đồng hồ đều gặp vấn đề cảm biến nhịp tim không chính xác lúc bắt đầu bài chạy. Tuy nhiên đồng hồ tự điều chỉnh rất nhanh, thể hiện bằng nhịp tim trung bình ở kilomet đầu tiên vẫn thấp.

Tổng thể chung, hai thiết bị này cho kết quả giống nhau hoàn toàn, chênh lệch mỗi km chỉ vài giây. Có thể nói rằng đây là 2 thiết bị “sinh đôi”.

Tôi hay theo dõi guồng chân (cadence) của mình khi chạy. Chắc chắn rằng không đồng hồ nào có thể đo cadence chính xác như footpod. Ý nghĩa của guồng chân không nằm ở chỗ runner cần duy trì cadence 180 trong mọi trường hợp. Với tôi, cadence giảm là dấu hiệu cho thấy đôi chân bắt đầu mỏi mệt, cần phân phối sức hợp lý hơn. Giá trị cadence đo bằng Pace 2 giống hệt khi đo bằng Apex 2 Pro.

Mọi người có thể tải file GPX của 2 bài chạy này ở đây: Easy Run – Pace 3 vs Apex 2 Pro

Bài chạy số 2: Easy Run trong khu đô thị

Tôi tiếp tục thử nghiệm Pace 3 khi chạy trong khu Royal City có nhiều nhà cao tầng. Những ai thường chạy ở đây sẽ biết qua đoạn tòa nhà R6 và cổng sau trường BVIS, tín hiệu GPS bị chậm đôi chút. Thời điểm chạy là 5 rưỡi chiều thứ Hai.

Pace 3 quanh Royal City

Apex 2 Pro quanh Royal City

A ha, anh bạn trẻ Pace 3 có vẻ vẽ GPS không được “mượt mà” như Apex 2 Pro. Quãng đường cũng dài hơn tí xíu. Do đeo Pace 3 tay trái hay do nhà cao tầng ảnh hưởng tín hiệu nhỉ. Ngoài ra, mọi thông số đều tương đương.

Bài chạy số 3: Biến tốc trong sân vận động, chế độ băng tần kép

Chạy ở zone 0-1, Pace 3 rất tốt rồi. Thế còn zone 4-5 thì sao?

Với bài chạy biến tốc, tôi chọn chế độ băng tần kép cho cả 2 đồng hồ. Chế độ băng tần kép tăng độ chính xác cho GPS, đồng thời ngốn pin hơn. Tôi chọn chế độ Track Run thay vì Run. Với mỗi loop chỉ 400m, sự khác biệt giữa tay phải và tay trái có thể ngang khác biệt giữa chạy lane 1 và lane 2 trong sân vận động, vì vậy tôi đeo cả hai đồng hồ cùng tay trái.

Pace mục tiêu của bài chạy này là sub3:30 trong pha nhanh, tôi dự kiến hoàn thành mỗi 400m trong khoảng thời gian 1:15 – 1:30 phút. Sẽ rất thú vị để xem GPS của Pace 3 có kịp “nhảy” khi chuyển từ pha chậm qua pha nhanh hay không.

Bài tập của tôi có cấu trúc như sau: 5 km làm nóng, sau đó chạy 20 tổ, mỗi tổ 400m, xen kẽ là các quãng nghỉ 200m. Tôi thường chạy 5 km làm nóng ngoài đường nhựa, sau đó đi bộ về sân vận động để bắt đầu bài biến tốc.

Tracklog bài chạy interval với Pace 3

Tracklog chạy biến tốc với Apex 2 Pro

Không ngạc nhiên khi 2 thiết bị tiếp tục cho chỉ số tương đồng. Như vậy có thể thấy GPS của Pace 3 có độ chính xác tương tự Apex 2 Pro.

Tracklog chi tiết bài chạy biến tốc

Kết luận

Qua trải nghiệm thực tế, COROS Pace 3 sử dụng cùng công nghệ với Apex Pro 2, vì thế cho kết quả tương tự trong tất cả các bài chạy (Easy hoặc Interval). Tuy nhiên Pace 3 bắt tín hiệu GPS chậm hơn đôi chút, và chịu ảnh hưởng của nhà cao tầng nhiều hơn Apex 2 Pro.

Những điểm còn thiếu

Đáng tiếc là Pace 3 không cho phép đo HRV. Tôi thường dựa vào chỉ số HRV này để đánh giá khả năng hồi phục của cơ thể. Tuy nhiên, cảm biến điện tim có thể tăng đáng kể trọng lượng và kích cỡ thiết bị, vì thế không phù hợp với sản phẩm hướng tới tiêu chí nhỏ gọn, đủ tính năng cơ bản, như Pace 3.

Tổng kết

Sau 3 năm kể từ ngày COROS Pace 2 ra đời, Pace 3 đã đáp ứng được kỳ vọng với những nâng cấp rất đáng giá. Trong đó, điểm quan trọng nhất là chế độ GPS và cảm biến quang học thế hệ mới, cho phép theo dõi tốc độ và tần số tim hết sức chính xác. Những tính năng này được gói gọn trong một sản phẩm chỉ nặng có 39 gram, giá thành chỉ 6 triệu đồng (khoảng 40-50% giá của Apex 2 Pro).

Nói chung, sản phẩm công nghệ sẽ ngày càng “ngon, bổ, rẻ”, nhất là khi ta biết mình cần gì. Pace 3 có đủ các tính năng cơ bản nhất cho người chạy bộ, và các tính năng ấy được trang bị với công nghệ tốt nhất, đáng tin cậy nhất, không kém gì những thiết bị high-end

COROS Pace 3 chắc chắn là sự lựa chọn hợp lý cho người chạy bộ, bất kể newbie hay dân chạy bộ lâu năm. Tôi sẽ cảm thấy hoàn toàn tự tin khi dùng Pace 3 cho các bài tập của mình, cũng như trong các giải marathon.

Điểm mạnh:

  • Công nghệ tốt, GPS chính xác
  • Cảm biến nhịp tim chính xác
  • Màn hình có độ sáng tốt
  • Nhỏ gọn
  • Giá thành rẻ
  • Thời lượng pin lớn

Điểm yếu:

  • Bắt tín hiệu GPS chậm hơn dòng Apex Pro
  • Thiếu tính năng đo HRV

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares