Chiến thắng tử thần, cô gái 8X ung thư gan hoàn thành half marathon để mừng…tái sinh

Nguyễn Lâm Như Quỳnh

Trải qua hàng chục cuộc hóa trị, phải cắt 2/3 gan, thậm chí thay gan nhờ may mắn được hiến tạng, cắt phổi, cơ hội sống chỉ còn tính bằng tháng, Như Quỳnh chứng tỏ bản năng sống mạnh mẽ và sự kỳ diệu của y học khi cô vừa hoàn thành cuộc chạy half marathon để kỷ niệm 4 năm ngày tái sinh của mình.

Như Quỳnh cầm bó hoa cầu nguyện cho ân nhân đã hiến gan cho mình trong ngày kỷ niệm 4 năm (15/3) tái sinh cuộc đời. Ảnh: NVCC

“Hôm nay kỷ niệm 4 năm ca ghép gan thành công của em dưới bàn tay thần kì của đội ngũ bác sĩ, y tá ở Trung Tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức, coi  như là sinh nhật em được 4 tuổi. Đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức đã tái sinh em một lần nữa. Em chạy half marathon để muốn chứng minh rằng em vẫn còn khoẻ, tràn đầy sức sống, luôn yêu người, yêu đời dù trải qua nhiều kì hoá chất, ca mổ”. Đó là lời tâm sự của Như Quỳnh trong nhóm chạy bộ Doctors and Friends để chia sẻ với những ân nhân đã giúp đỡ cứu chữa, mang lại cuộc đời thứ hai.

Như Quỳnh tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Cạn kiệt tiền chữa bệnh ở Singapore mà không khỏi

Cách đây 7 năm, Quỳnh phát hiện ra mình bị ung thư gan trong một lần đi khám. Sau khi được nghe tư vấn, cô liền qua Singapore để chữa bệnh. Nếu mổ ngay, Quỳnh sẽ gặp rủi ro quá lớn nên cô phải xử lý hóa trị gần 20 lần từ nặng tới nhẹ nhằm thu nhỏ khối u. Quỳnh chữa bệnh ở Singapore đến cạn kiệt cả tiền nhưng khối u vẫn cứ mọc ra như trêu ngươi. 

Trở về Việt Nam, lá gan của Như Quỳnh bị cắt tới 2/3 ở bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 2 năm 2016. Ca mổ không thành công vì chỉ số ung thư của Quỳnh vẫn cứ tăng và cô bị rò đường mật gây sốt. 

Cuộc đời Như Quỳnh gắn liền với “dao kéo” trong bệnh viện: 2 lần mổ sinh con, cắt 2/3 gan, thay gan, cắt phổi, mổ dính ruột, hai chục cuộc hóa trị. Ảnh: NVCC

Bỗng một ngày may mắn, theo Như Quỳnh kể lại, cô được gặp bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa – Giám đốc Trung tâm ghép tạng bệnh viện Việt Đức – trong một hội nghị ghép tạng ở Sài Gòn vào tháng 2/2017. Bác sĩ Nghĩa hiện là Chủ tịch câu lạc bộ chạy Doctors and Friends, người khơi dậy phong trào chạy bộ cho một nhóm bác sĩ. 

“Tôi đưa hồ sơ cho bác sĩ Nghĩa xem và ra Việt Đức nhập viện với hy vọng được nhận gan hiến từ bệnh nhân chết não. Lúc đó bệnh tình của tôi khá nặng. Tôi nhớ bác sĩ Nghĩa nói với tôi nếu không được ghép gan, các khối u ở trong ổ bụng của tôi bị bể. Máu tràn ở bụng và tôi sẽ chết. Tôi chỉ có cơ hội sống khoảng 1,2 tháng nữa thôi”. 

Như Quỳnh trong một buổi chạy gần đây ở Mỹ. Ảnh: NVCC

Cầu xin được chết thanh thản, thoát khỏi nỗi đau đớn…

Họa vô đơn chí, ngày 5/3/2017, Quỳnh lại bị nhiễm trùng máu phải điều trị thêm 14 ngày nữa. Lúc ở viện, da Quỳnh vàng vọt, ven sưng hết. “Tôi nhớ tối hôm trước được tin có người hiến, tôi đã khóc và cầu xin ông trời cho tôi chết thanh thản chứ tôi đau đớn quá. Vậy mà hôm sau, tôi được tin gia đình một bạn nam 18 tuổi hiến gan vào ngày 15/3/2017. Mãi sau này khi ra viện, tôi mới biết em trai đó có cùng họ và cùng ngày tháng sinh nhật với tôi”, Quỳnh kể lại. 

Ca ghép gan kéo dài khoảng 15 tiếng đồng hồ đã thành công trong sự lo lắng của bác sĩ Nghĩa và các đồng nghiệp vì hậu phẫu khó khăn hơn các bệnh nhân ghép khác. 

“Các bác sĩ cầm bệnh án mà không khỏi ngạc nhiên và tin vào y học diệu kỳ. Họ khen đội ngũ bác sĩ ở Việt Nam giỏi”. Ảnh: NVCC

“Lúc chưa ghép gan, tôi rất tuyệt vọng. Tôi năn nỉ bác sĩ Nghĩa có cách nào giúp tôi được sống thêm vài năm để nếu tôi mất thì con còn nhớ mặt mẹ không? Bác sĩ Nghĩa cứ hỏi tôi câu: Em có quyết tâm không? Tôi nói quyết tâm lắm, giúp em, cứu em! Dù bị ung thư nhưng tôi luôn lạc quan và vui vẻ nên nếu tôi không nói ra chẳng ai biết tôi bị ung thư cả. Thậm chí tôi nói thật người khác cũng khó tin. Bác sĩ nói 1,2 tháng nữa nếu không được ghép gan thì tôi sẽ chết, tôi cũng cười tươi (nói chứ đêm về khóc rồi cầu xin trời phật). Lúc đó không biết bấu víu vào đâu nên tôi đi coi bói từ trong Nam ra ngoài Bắc để mong được hỗ trợ về mặt tinh thần. Được cái thầy nào cũng phán tôi không thể chết yểu. Thế nên, tôi nương vào đó để sống tiếp, để hy vọng. Và tôi đã được ghép gan như mong ước…”, Quỳnh tâm sự.

Chỉ 12 ngày sau ca ghép gan, Quỳnh đã được ra viện để trở về Sài Gòn gặp lại con. Tuy nhiên, sóng gió vùi dập cuộc đời Quỳnh vẫn không dừng lại ở đó. 6 tháng sau, Quỳnh bị khối u mọc tiếp ở phổi. Bà mẹ hai con này lại được các bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức mổ cắt u ở phổi lần nữa và lấy sinh thiết là ung thư di căn từ gan.

Như Quỳnh selfie sau cuộc phẫu thuật. Ảnh: NVCC

Các bác sĩ Mỹ…ngả nón với khả năng ghép tạng của Việt Nam

Năm 2019, Quỳnh qua Mỹ định cư. Cô tiếp tục khám ở UC San Francisco. Tại đây, các bác sĩ cầm bệnh án mà không khỏi ngạc nhiên và tin vào y học diệu kỳ. Họ khen đội ngũ bác sĩ ở Việt Nam giỏi. Họ nói thẳng với tôi là trường hợp của tôi y học không cho phép ghép tạng, bởi vì tôi có nhiều u và u to trong gan. Lịch sử mổ sẽ tùm lum nên ca mổ ghép gan khó thành công. Vậy mà giờ tôi vẫn sống khoẻ mạnh”, Quỳnh cho biết.

Năm ngoái, Quỳnh đi leo núi bị ngã ba lần. Do trong ruột có vết mổ nên cô bị dính ruột cấp cứu. Bác sĩ ở Mỹ lại cho Quỳnh lên bàn mổ để… mổ tiếp.

“Tôi cảm nhận mỗi bước chạy là một bước hạnh phúc”  Ảnh: NVCC

“Câu chuyện chiến đấu với bệnh tật của tôi dài như đi một vòng trái đất có khi chưa hết chuyện. Dường như ông trời sắp đặt cuộc đời của tôi vậy. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bác sĩ Nghĩa, các bác sĩ, y tá ở bệnh viện Việt Đức đã mang đến cho tôi một cuộc sống mới, để tôi được nhìn lại mình, biết quý cuộc đời và quý sức khoẻ mình hơn”, Quỳnh bộc bạch.

"Đối với tôi, được chạy, được thở, được về nhà gặp con là hạnh phúc rồi". Ảnh: NVCC

“Đối với tôi, được chạy, được thở, được về nhà gặp con là hạnh phúc rồi”. Ảnh: NVCC

Chạy half marathon để cầu nguyện cho ân nhân hiến tạng

Hiện nay, các chỉ số xét nghiệm của Quỳnh không còn bóng dáng ung thư. Cô tập yoga, leo núi và chạy bộ thường xuyên, khi thì 3 dặm (5km) lúc thì 5 miles (8km). Cuộc chạy half marathon (21km) vừa rồi có được cũng là nhờ nguồn cảm hứng từ vợ chồng bác sĩ Nghĩa, những người từng hoàn thành marathon đầu đời ở giải Longbien Marathon hồi tháng 11 năm ngoái.

Cuộc chạy half marathon một mình của Như Quỳnh mừng lên...5 tuổi ở cuộc đời thứ 2 của mình sau khi chiến đấu ròng rã với căn bệnh ung thư. Ảnh: NVCC

Cuộc chạy half marathon một mình của Như Quỳnh mừng lên…5 tuổi ở cuộc đời thứ 2 của mình sau khi chiến đấu ròng rã với căn bệnh ung thư. Ảnh: NVCC

“Trước khi chạy, tôi có hỏi bác sĩ Nghĩa liệu tôi chạy có bị…rớt gan không? (cười) để tôi còn liệu chuẩn bị đồ sẵn vô bệnh viện”, Quỳnh kể lại với Chay365 một cách hài hước. “Hôm qua, tôi cứ chạy, chạy một mình hơn 6 vòng trên cung đường chạy gần nhà. Nó hơi dốc. Tôi chạy không vì mục tiêu thời gian nào cả mà chạy vì thấy vui, biết ơn cuộc đời. Tôi mang bó hoa hồng tươi thắm đến bức tượng Đức Mẹ để cầu nguyện cho em Đạt, ân nhân đã hiến tạng cho mình”.

“Nếu có ai lỡ bị bệnh hay ung thư thì hãy vững tin luyện tập và tiếp tục chiến đấu, chiến thắng bệnh tật”. Ảnh: NVCC

“Tôi cảm nhận mỗi bước chạy là một bước hạnh phúc. Đối với tôi, được chạy, được thở, được về nhà gặp con là hạnh phúc rồi”.

Thời gian vừa qua, Covid-19 khiến studio phun xăm, thẩm mỹ của Quỳnh ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng và phải đóng cửa. Đại dịch khiến cuộc sống của “half marathon finisher” gốc Quảng Bình này gặp khó khăn.

Tôi nợ những ân nhân kiếp này nên tôi phải cố gắng sống tốt, sống khoẻ mạnh để xứng đáng với thành quả mà các bác sĩ, y tá đã hết lòng cứu chữa“. Ảnh: NVCC

“Tôi đôi lúc cũng mệt mỏi vì dịch Covid. Nhưng rồi tôi tự nhủ, mình đã trải qua khó khăn nhất cuộc đời rồi, nhiều lần đứng ở cửa tử rồi nên những thử thách khác không thể sánh bằng. Tôi sẽ giữ gìn và rèn luyện sức khỏe để sống tốt hơn, truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Tôi mong Covid-19 mau chóng qua đi, công việc ở studio thuận lợi để tôi có thu nhập tốt, hỗ trợ những người khó khăn. Hồi ở Việt Nam, tôi làm bánh ngọt bán để có tiền đi làm thiện nguyện. Tôi muốn làm điều gì đó có ích, muốn thành công ở Mỹ và giúp đỡ người khác. Tôi nợ những ân nhân kiếp này nên tôi phải cố gắng sống tốt, sống khoẻ mạnh để xứng đáng với thành quả mà các bác sĩ, y tá đã hết lòng cứu chữa. Nếu có ai lỡ bị bệnh hay ung thư thì hãy vững tin luyện tập và tiếp tục chiến đấu, chiến thắng bệnh tật”, Quỳnh nhắn nhủ.

Như Quỳnh (trái) trao quà bánh cho những người khó khăn khi còn ở Sài Gòn. Ảnh: NVCC

“Mọi người đừng đợi đến khi có bệnh mới tập luyện thể thao. Người có sức khỏe bình thường cũng nên tập. Trong năm nay, tôi đặt mục tiêu sẽ tập và hoàn thành marathon. Tôi sẽ về Việt Nam để chạy khi dịch qua đi. Cuộc đời tôi quá may mắn khi được sống thêm một lần nữa”.

 

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
  • […] Lực đàn hồi bàn chân: lực đẩy “miễn phí” trong chạy bộ Chiến thắng tử thần, cô gái 8X ung thư gan hoàn thành half marathon để mừng…… Có nên tập các môn bổ trợ cùng với chạy? Lỗi tư thế chạy không […]

  • >
    0 Shares