Cơ bản về hạ natri máu trong các sự kiện sức bền

Trong luyện tập thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng, có lẽ nhiều lần chúng ta nghe được lời khuyên uống nhiều nước để đảm bảo cơ thể đủ nước. Ý niệm về việc bổ sung nước nhiều nhất có thể cho cơ thể trong quá trình tập luyện thể thao đã hằn sâu vào tư duy của rất nhiều người đến nỗi việc thay đổi có lẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn. Có lẽ bạn đã từng tham gia các giải đấu đường núi, qua các trạm nước và được đội tình nguyện hay bạn chạy khuyên nên liên tục bổ sung nước. Có thể khi đó bạn đang khát và bổ sung nước là cần thiết cho cơ thể. Nhưng xin bạn hãy dành chút thời gian đọc hết bài viết này để hiểu không phải cứ bổ sung nước liên tục là tốt cho cơ thể mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân của nguy cơ này là hiện tượng hạ natri máu.

Hạ natri máu (hyponatremia) được định nghĩa là nồng độ natri trong máu hạ dưới ngưỡng bình thường. Nồng độ natri trong máu bình thường là 135-145mEq/l. Nếu nồng độ này dưới mức 135mEq/l, bạn bị hạ natri máu. Tình trạng hạ natri máu trong quá trình hoặc ngay sau khi vận động được gọi là hạ natri máu do vận động (EAH). Tình trạng natri máu thấp khiến nước thẩm thấu vào các tế bào theo cơ chế thẩm thấu và gây ra tình trạng sưng trương phồng tế bào. Tình trạng nguy hại nhất xảy ra khi hiện tượng trương phồng tế bào diễn ra ở phổi và não bộ. Nước tích tụ trong phổi dẫn đến tình trạng khó thở. Khi tình trạng trương phồng tế bào xảy ra ở não bộ có thể gây ra tình trạng đau đầu, rối loạn tâm thần, mất phương hướng, co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng EAH xảy ra khá phổ biến ở các giải đấu siêu dài. Các nghiên cứu tiến hành trong các giải đấu 100 dặm tại Bắc California cho thấy tỷ lệ này dao động từ 5-51%. Mặc dù các trường hợp tử vong vì EAH chưa xảy ra ở nội dung siêu marathon nhưng tình trạng này đã dẫn tới một vài ca tử vong ở các sự kiện thể thao sức bền khác, bao gồm cả marathon như tại giải Boston Marathon năm 2022, Marine Corps Marathon năm 2022 (Seigel, 2007).

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng EAH. Về cơ bản, EAH liên quan đến tình trạng nạp quá nhiều nước và/hoặc nồng độ natri trong máu bị thiếhụt. Nguyên nhân khả dĩ hơn cả là tình trạng nước bị nạp quá nhiều vào cơ thể và có liên quan đến việc cơ thể tiết ra hai loại hormone. Loại hormone thứ nhất là AVP hay còn có tên gọi khác là ADH (hormone chống bài niệu) khiến thận hấp thụ nước trở lại. AVP được tiết ra một cách hợp lý khi áp lực thẩm thấu máu gia tăng. Nhưng thực tế có một số yếu tố kích thích phi thẩm thấu khiến cơ thể tiết ra loại hormone này trong đó bao gồm vận động thể thao, ảnh hưởng của nắng nóng, hư hại cơ và tình trạng buồn nôn/ói (những yếu tố rất phổ biến khi chúng ta tham gia thi đấu nội dung chạy siêu marathon). Một loại hormone khác là Peptide natri lợi niệu não (BNP-Brain natriuretic peptide) khiến muối bị thận bài tiết ra ngoài. Chính sự kết hợp của việc bổ sung nước quá nhiều, giữ nước và bài tiết muối qua đường tiểu tiện đã gây ra tình trạng EAH.

Từ những hiểu biết cơ bản nêu trên về EAH, rõ ràng động thái tốt nhất chúng ta có thể thực hiện khi nhận thấy cơ thể dư nước là tránh bổ sung thêm nước để không làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và nếu cần thiết, cần có các biện pháp ức chế để cơ thể không tiết ra AVP thông qua việc vận động chậm lại, làm mát cơ thể và xử lý tình trạng buồn nôn. Việc bổ sung natri (muối) dưới dạng viên con nhộng hay thực phẩm không nhất thiết sẽ khiến tình trạng trở nên tích cực hơn vì lượng muối dư thừa bổ sung vào có thể sẽ bị thận bài tiết ra ngoài. Trong một số trường hợp, việc bổ sung muối qua đường ăn uống có thể tạo cảm giác khát và dẫn tới tình trạng dư thừa nước nghiêm trọng hơn.

Vậy làm sao để tránh xảy ra tình trạng dư thừa nước trong cơ thể? Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng nước được lưu trữ cùng với glycogen (thực tế cứ mỗi gram glycogen chứa khoảng 3 gram nước). Điều này có nghĩa, khi kho lưu trữ glycogen được sử dụng trong quá trình vận động, một lượng nước đáng kể sẽ được “xả” vào trong cơ thể. Giả sử một người bắt đầu xuất phát một sự kiện nhất định với kho dự trữ glycogen trong tình trạng tốt và lượng nước trong cơ thể ở trạng thái cân bằng, khi kho dự trữ glycogen bị tiêu hao do vận động, chúng ta cần phải giảm 2-3% trọng lượng cơ thể để đảm bảo lượng nước trong cơ thể ở trạng thái phù hợp và cân bằng. Đối với những người cơ thể đã quen với việc đốt mỡ để chuyển hóa thành năng lượng, mức độ giảm cân còn lớn hơn. Do đó, việc tăng cân sau hoặc thậm chí tăng cân ngay trực tiếp trong quá trình vận động là bằng chứng rõ ràng về việc cơ thể đang dư thừa nước. Nhưng ngay cả khi không có cân để đo đếm, cách hiệu quả nhất để tránh bị dư thừa nước là uống theo cơn khát.

Nhiều người cho rằng việc thiếu natri/muối trong cơ thể là nguyên nhân sâu xa của tình trạng EAH. Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng cơ thể có nguồn dự trữ natri/muối ở các mô mềm và xương và nguồn dự trữ này sẽ được kích hoạt để duy trì ngưỡng natri trong máu trong quá trình vận động. Nhiều bằng chứng thực tế (chủ yếu từ các nghiên cứu đối với các vận động viên ba môn phối hợp) cho thấy, thời gian vận động khoảng 12 giờ thì lượng muối/natri bổ sung trong quá trình vận động là không cần thiết vì nguồn dự trữ natri của cơ thể đã được kích hoạt trong quá trình này. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nếu chúng ta giảm tối thiểu 3% trọng lượng cơ thể ban đầu, chúng ta rất khó có nguy cơ bị EAH trong những sự kiện có thời gian kéo dài như vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đối với các sự kiện chạy siêu marathon 100 dặm cho thấy EAH vẫn có thể xuất hiện trong những trường hợp trọng lượng cơ thể giảm mạnh (trên 5%). Những trường hợp này có thể xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến tình trạng suy giảm muối/natri trong cơ thể. Do đó, đối với các sự kiện kéo dài trên 12 giờ, chúng ta có thể cần bổ sung muối/natri.

Cuối cùng là một vài ý kiến về thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Loại thuốc NSAID khiến mạch máu tới thận bị co hẹp lại. Những loại thuốc này cũng làm tăng độ linh hoạt của AVP đối với thận. Do đó, NSAID không chỉ làm tăng nguy cơ tổn thương thận cấp tính mà còn tăng nguy cơ gây ra EAH. Rõ ràng việc sử dụng các loại thuốc NSAID trong các sự  kiện sức bền là rất rủi ro.

Lời kết

Chúng ta nên có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm khi bổ sung nước trong quá trình tham gia các sự kiện kéo dài nhằm tránh để cơ thể rơi vào tình trạng thiếu nước cũng như thừa nước. Đảm bảo cơ thể ở trạng thái đủ nước và kho dự trữ glycogen đầy đủ trước khi vận động, hướng tới mục tiêu giảm 2-3% trọng lượng cơ thể trong khi tham gia các sự kiện sức bền và cao hơn khi cơ thể chuyển sang đốt mỡ để chuyển hóa thành năng lượng.

Việc bổ sung muối/natri trong các sự kiện kéo dài 12 giờ trở xuống có thể không cần thiết trong việc phòng ngừa EAH nhưng có thể là cần thiết trong các sự kiện dài hơn. Cụ thể, nếu trọng lượng cơ thể giảm tối thiểu 2-3%, việc bổ sung muối có thể không phải là vấn đề đáng quan ngại và có thể kích thích cơn khát của cơ thể. Tuy nhiên, nếu trọng lượng cơ thể không đổi hoặc tăng, không nên tiếp tục bổ sung muối/natri và nước cho tới khi nước trong cơ thể về lại trạng thái cân bằng.

Không sử dụng các loại thuốc NSAID khi vận động thể thao. Những loại thuốc này làm tăng nguy cơ AEH và gây ra tình trạng tổn thương thận cấp tính.

Lắng nghe cơ thể khi bổ sung thực phẩm và nước uống trong quá trình vận động, không nên bổ sung nước theo một chu kỳ cố định vì có thể tăng nguy cơ cơ thể rơi vào tình trạng dư nước.

Theo Ultrarunning

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares