Có nên tin tưởng thiết bị đo nhịp tim đeo tay?

Dân chạy bộ nói chung và đặc biệt những người chạy theo nhịp tim nói riêng, rất quan tâm tới chỉ số nhịp tim. Xét cho cùng, không có gì đáng ngại hơn việc đột nhiên bạn thấy tim cao hay thấp bất thường trong khi chạy. Có những lúc đang chạy nhẹ, nhịp tim có thể nhảy lên 190 lần/phút hoặc trong những bài chạy nhanh, nhịp tim có khi không lên tới 120 lần/phút. Đây là những dấu hiệu đáng ngại vì nó thể hiện có vấn đề gì đó không bình thường đối với sức khỏe chúng ta như loạn nhịp tim… Mà từ từ đã, có khi không phải vậy, có khi đó chỉ đơn thuần là thiết bị đo nhịp tim đang gặp vấn đề mà thôi.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các thiết bị đo nhịp tim đeo tay xuất hiện tình trạng đo sai, đặc biệt đối với các hoạt động có cường độ cao như chạy bộ. Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này sâu hơn qua bài viết dưới đây.

Cơ bản về đo nhịp tim

Hầu hết các thiết bị đo nhịp tim đeo tay đều sử dụng công nghệ quang học. Công nghệ này sử dụng ánh sáng để đo lưu lượng máu và đây là lý do thiết bị đeo tay có ánh sáng LED soi vào da. Ánh sáng khúc xạ qua máu lưu thông dưới da được đưa vào các thuật toán tính toán để cho ra thông số nhịp tim.

Dây đo nhịp tim đeo ngực lại sử dụng các cảm biến đo tín hiệu nhịp tim. Quá trình này đòi hỏi mặt tiếp xúc giữa dây đo và da phải có chút hơi ẩm để đảm bảo thông số chính xác hơn và đây là lý do dây đo nhịp tim có thể không chính xác khi mới bắt đầu bài chạy hoặc khi cơ thể chưa ra mồ hôi.

Vấn đề của thiết bị đo đeo tay

Ưu điểm của dây đeo ngực là đo gần như trực tiếp nhịp tim. Dây đeo ngực tốt có thể có độ chính xác lên tới 100% vì cơ bản dây được đeo trực tiếp lên khoang ngực và đo từng nhịp đập của tim một cách trực tiếp.

Trên thị trường có nhiều loại thiết bị đo nhịp tim khác nhau

Đối với nhiều thiết bị đo đeo tay, thông số nhịp tim có thể không chính xác vì nhiều nguyên nhân như đeo thiết bị không đúng vị trí do quá lỏng sẽ dẫn tới kết quả đọc sai, đeo quá chặt sẽ làm hạn chế lưu thông máu.

Một số vận động viên có đặc điểm sinh lý không phù hợp cho công nghệ này, có thể do vị trí mạch máu hoặc tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Nhưng quan trọng hơn cả, các môn thể thao cường độ cao tạo ra nhiều chuyển động rung lắc giống như trên máy bay.

Nghiên cứu về độ chính xác của thiết bị đo đeo tay

Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều trùng khớp dù kết luận có thể có chút khác biệt. Một nghiên cứu ngắn năm 2017 đăng trên Tạp chí Tim mạch của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã thử nghiệm đối với 50 người lớn khỏe mạnh sử dụng bốn thiết bị đeo tay và một thiết bị đeo ngực khi nghỉ, khi chạy trên máy ở các tốc độ 3km/h, 5km/h, 6,5 km/h, 8km/h và 9,5km/h. Trong khi dây đeo ngực cho kết quả có hệ số tương quan là 0,99 với kết quả đo bằng điện tâm đồ, hệ số của các thiết bị đo đeo tay dao động trong khoảng 0,83 đến 0,91. Kết luận của nghiên cứu này là “nhìn chung thiết bị đo đeo tay chính xác nhất khi đo ở trạng thái nghỉ và giảm khi vận động.”

Một nghiên cứu thực hiện vào tháng 8/2017 trên Tạp chí Y học và Khoa học Thể thao còn có kết quả đáng thất vọng hơn. Năm mươi vận động viên tập trên máy chạy, máy tập Eliptical và xe đạp tại chỗ với hệ số tương quan dao động từ 0,75 đến 0,92. Nghiên cứu này kết luận rằng “nên sử dụng dây đeo ngực khi cần đo chính xác thông số nhịp tim.”

Một số người có thể cho rằng nếu không cần đo chính xác, các kết quả này cũng khá tích cực. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Khoa học thể thao, Y học và Phục hồi BMC đưa ra kết luận nhịp tim do các thiết bị đeo tay đo “có độ chính xác ở mức chấp nhận được” qua nhiều hoạt động khác nhau. Phân tích kỹ hơn số liệu của nghiên cứu này cho thấy đối với hoạt động chạy bộ nhịp tim chênh lệch khoảng 10 nhịp mỗi phút so với nhịp tim thực tế trong khoảng 95% thời gian nghiên cứu, với tỷ lệ lỗi trung bình là 3 nhịp/phút. Nói cách khác, trong thời gian chạy 1 giờ, sẽ có khoảng vài phút thiết bị đo cho kết quả lệch trên 10 nhịp.

Một nghiên cứu khác năm 2018 trên Tạp chí Y tế Số cho thấy sai số tuyệt đối 1%-8% tùy thuộc vào thiết bị và ngưỡng vận động. Một tài liệu hội thảo năm 2017 chỉ ra rằng các đồng hồ đeo tay cho kết quả đo chính xác tới 89% ở chế độ nghỉ và độ chính xác giảm khi vận động. Một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Khoa học Thể thao cho thấy tỷ lệ lỗi dao động trong khoảng 2,4% và 13,5%.

Nên sử dụng đai đeo ngực nếu cần thu thập thông số chính xác phục vụ tập luyện

Nghiên cứu đặc biệt nhất, tuy nhiên, lại là một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Thể thao mở BMJ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng giá trị lỗi tuyệt đối dao động từ 3,3% đến 6,2% và kết luận rằng kết quả đồng hồ đo là chính xác. Vấn đề ở đây là nếu một vận động viên sử dụng thiết bị đo nhịp tim để duy trì vận động ở dưới ngưỡng hiếu khí. Ví dụ ngưỡng này của người đó là 150 và duy trì ngưỡng này giúp người đó đạt được các hiệu quả tập luyện mong muốn và thành tích tốt khi thi đấu ở cự ly siêu dài. Tuy nhiên, sai số 5% đồng nghĩa với việc người đó thực tế vận động ở ngưỡng nhịp ti, 157 và do đó khiến cơ thể bị quá sức khi tập luyện hoặc đuối sớm khi thi đấu).

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là ở điểm này. Số liệu sai số không đồng nhất. Nếu sai số luôn là 5% thấp hơn hoặc cao hơn, chúng ta có thể sử dụng thông tin này. Nhưng thực tế không phải vậy. Có những lúc nhịp tim lên đến 190 khi chạy nhẹ dù ngưỡng sai số bình quân có thể chỉ là 5%.

Lời kết

Liên quan đến độ chính xác của thiết bị đo nhịp tim đeo tay, chúng ta chưa có câu trả lời cụ thể, rõ ràng do không đồng nhất về cách đánh giá (cùng một số liệu có thể có nhiều cách kết luận khác nhau tùy vào phương pháp nghiên cứu). Một số thiết bị có thể chính xác với người này ở cùng một bài tập nhưng lại cho kết quả “không đẹp” đối với người khác cũng cùng bài tập đó.

Ngoài ra, các thương hiệu đồng hồ cũng có sự khác biệt và độ chính xác khác nhau. Công nghệ ngày một phát triển và có thể sẽ có những đồng hồ mới ra đời khắc phục được những nhược điểm của những đồng hồ hiện nay.

Nếu muốn thử nghiệm xem đồng hồ có chính xác không, bạn có thể thực hiện bài biến tốc 6×1 phút kết hợp 2 phút nghỉ phục hồi xen kẽ. Nhịp tim của bạn có vọt lên như đỉnh Fansipan hay không, có khớp với ngưỡng vận động bạn cảm nhận hay không? Nếu có thì thiết bị của bạn khá chính xác. Có thể đeo thêm dây đo đeo ngực để đảm bảo kết quả chính xác.
Tuy nhiên, nếu biểu đồ nhịp tim của bạn khi chạy giống như vẽ từ một chuỗi các số ngẫu nhiên, nhiều khả năng thiết bị của bạn vẫn đo chính xác khi nghỉ. Nhưng việc sử dụng thiết bị đó để đo khi chạy giống như việc xem giờ bằng đồng hồ hỏng dù mỗi ngày nó vẫn 2 lần báo giờ đúng.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares