Đà Nẵng Marathon 2013

Trải nghiệm về Đà Nẵng Marathon 2013

Dzung Ng

Giải chạy Đà Nẵng marathon 2013

Giải chạy Đà Nẵng marathon 2013

Gần 20 mét cuối cùng trước đích: bước chân phải, rồi kéo chân trái theo, rồi lại bước chân phải, cảm giác rõ rệt giờ đây bắp chân phải cũng bắt đầu co rút, sắp đến giây phút tê liệt hoàn toàn cả hai chân. Cố ngước lên nhìn lên để ước lượng chắc chắn mình sẽ qua vạch đích, thực tế là cổng chào và cũng là nơi xuất phát cuộc thi. Cơn co rút ở chân trái khiến tôi không thể đứng vững được nữa, nhăn nhó. Một người đứng bên trái đường nhìn và mỉm cười có vẻ khích lệ như muốn nói “I knew it”. Cuối cùng tôi cũng đã qua vạch đích! Cảm giác lúc này là hai chân hoàn toàn không nghe lời nữa, và đột nhiên sức lực rời bỏ, tôi từ từ ngồi xuống rồi bệt ra đường, mặc kệ nhóm tình nguyện viên trước mặt lúng túng vì không biết nên làm gì, giúp đỡ tôi hay trao kỷ niệm chương, mặc kệ mặt đường bỏng rát, mặc kệ mọi người nhìn. Tiếng loa vang lên thông báo tên người đến đích, nghe người châu Âu đọc tên mình mà như tên người nước ngoài. Trong đầu nghĩ thế là xong, không rõ rệt vui sướng, cũng không thất vọng, chỉ thấy nóng và đau chân. Một kết thúc như thế, cho cuộc thi Marathon đầu tiên, trước đó vài tiếng đồng hồ, và thậm chí suốt cả thời gian tập luyện hàng năm trời, tôi không bao giờ nghĩ đến.

Lần đầu tiên tôi nghĩ mình sẽ chạy marathon là cuối năm 2010, khi ngồi với một nhóm bạn, mỗi người giới thiệu ngắn về bản thân và hobby của từng người. Lúc đó tôi mới tập chạy bộ được gần một năm với mục tiêu giảm cân vì đã phát phì tới 80kg trong khi chiều cao 1m56cm. Từ chỗ không chạy nổi 5 phút liên tục, đến lúc đó tôi chạy được khoảng 8-9km, và cân nặng thì giảm đáng kể. Chắc do kết quả chạy khá ổn nên đột nhiên nghĩ tại sao lại không mơ sẽ có ngày chạy marathon. Tuy vậy, phải 2 năm sau, sau khi tham gia chạy một cuộc thi chạy 10km ở Hà Nội cuối năm 2011 và chạy 20km cuối năm 2012 và về đích ngon lành hơn so với tưởng tượng thì khả năng tham gia một cuộc thi marathon mới trở nên hiện thực. Đến thời điểm đó Việt Nam chưa có cuộc thi marathon nào cho nghiệp dư. Có người bạn thân sống ở Viên và cũng yêu thích chạy đường dài kể về Vienna Marathon mời sang chơi và cùng tham gia nên tôi quyết định sẽ đăng ký marathon Viên 2014, rồi lên kế hoạch tập marathon một cách nghiêm túc từ đầu năm 2013. Trong lúc lang thang trên mạng tìm hiểu về những cuộc thi marathon trong khu vực, vô tình phát hiện ra tháng 9 năm 2013 ở Đà Nẵng sẽ tổ chức cuộc thi marathon quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Thế là đăng ký để tạo động lực cho bản thân, và cũng để có kinh nghiệm trước khi tham gia một sự kiện “tầm cỡ quốc tế” vào năm sau.

Ban Tổ chức chọn ngày thi marathon vào ngày 1/9, Chủ nhật. Rất thuận tiện vì hôm sau mùng 2/9, quốc khánh Việt Nam, được nghỉ bù. Thứ Bảy, ngày 31/8, đến Đà Nẵng vào đầu giờ chiều. Chọn đến một khách sạn ở gần điểm xuất phát, check in rồi đi bộ ra nơi tập trung. Thủ tục lấy số diễn ra chóng vánh. Công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục, nhìn quanh thấy vẫn đang dựng lều, các biển báo Km đang còn xếp một chỗ, chắc đến tối mới được đặt vào vị trí. Nhìn biển báo 41km rồi tần ngần tự hỏi không hiểu ngày mai lúc nhìn thấy tấm biển đó thì tình trạng và tinh thần mình sẽ như thế nào. Về khách sạn đã chiều, nằm một lát, hy vọng ngủ nhưng không được, lang thang tìm quán Ý để ăn tối, thực hiện một cách máy móc việc carbo loading. Vào Mr Pizza, trên đường Trần Phú, gọi một đĩa mỳ sốt cà chua bò băm, một đĩa mỳ sốt kem và một đĩa salad. Đồ ăn quá chán, nhưng vẫn cố gắng xơi hết. Thèm cà phê quá, đã nhịn từ mấy hôm rồi. Tôi đọc ở đâu đó rằng cà phê có tác dụng như một chất doping hợp pháp, nhưng để có tác dụng tốt nhất, thì nên nhịn cà phê trước đó vài ngày và uống ngay trước cuộc thi. Đành hài lòng với việc ngồi ở một quán vỉa hè bên bờ sông Hàn, đối diện với Memories, nghe đâu là quán do Nguyễn Cao Kỳ Duyên mở, gọi ly nước chanh đá, ngắm người qua lại, tự hỏi không biết có nguời nào đi qua quan tâm đến việc ngày mai có sự kiện như vậy diễn ra không. Gần 10 giờ tối lững thững đi bộ về khách sạn. Sau khi chuẩn bị đồ, tôi lên giường định ngủ sớm, mà mãi vẫn không ngủ được, một phần vì tuần trước đó quen ngủ muộn, thậm chí rất muộn, phần có lẽ vì hồi hộp. Lại lên FB nhắn tin cho các bạn trong nhóm Outdoor. Mọi người nhắn tin khích lệ, thấy vui vẻ, nhưng mãi vẫn không ngủ được. Lại dậy, xem phim, lướt internet, 2 giờ đêm mới thiếp đi. Ngủ không sâu.

Tôi đã lên chương trình và tập luyện cho cuộc thi marathon này trong gần 6 tháng. Tôi chọn chương trình của Hal Higdon trong số vô vàn các chương trình trên internet. Một phần do Hal Higdon là một tên tuổi khá nổi tiếng, phần khác là do thấy Hal có nhiều chương trình cho các đối tượng khác nhau. Tôi chọn bài tập 3 buổi/tuần, bao gồm chạy nhẹ đầu tuần, chạy nhanh (tempo) giữa tuần và chạy dài cuối tuần. Xen giữa là việc nghỉ ngơi và tập thêm các bài tập yoga, tạ, đạp xe… Việc tập diễn ra khá suôn sẻ. Cho đến khoảng 2 tháng trước cuộc thi thì tôi đã hoàn thành xong bài tập chạy dài nhất, sớm 2 tuần so với dự kiến. Sợ đến lúc chạy thi sẽ không duy trì được sức bền cần thiết, tôi tính toán mình phải chạy thêm một lần 30km khoảng 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, việc này lại khó thực hiện hơn là dự tính. Lúc thì bị ốm do đạp xe trời mưa, lúc lại cảm thấy mệt do vừa đi touring 2 ngày dài vùng núi ở Lào Cai, lúc thì trời lại quá nóng và oi, cố vài lần mà không hoàn thành được thêm một lần nữa 30km. Lần nào cũng phải chấp nhận dừng ở 15-20km. Thậm chí, trước khi thi khoảng 3 tuần, quyết tâm chạy bằng được nên chuẩn bị rất kỹ, nghỉ ngơi trước đó, ăn đủ, mang đủ 2 lít nước uống pha oresol, mang cả tất sơ cua để thay phòng khi ướt chân, do tôi ra mồ hôi rất nhiều khi chạy. Nhưng mới chạy được 20km thì phải dừng vì quá mệt, chạy không còn đúng tư thế, sợ bị chấn thương nếu cứ tiếp tục chạy, có lẽ do nóng và oi. Hôm đó lại chạy lên tận Hồ Tây, báo hại lúc về phải bắt taxi về nhà.

Tỉnh giấc 5 phút trước lúc chuông kêu, 4 giờ kém 20 ngày Chủ nhật, 1/9. Nhìn ra ngoài, trời còn tối mịt, tắm rửa nhanh, rồi ăn sáng gồm bánh mỳ do con gái làm từ hôm trước với một ít phomat, thêm một quả chuối, uống một cốc cà phê nóng, mặc quần áo, xoa bột tan vào chân, đi tất và giày, đeo đồng hồ. Xong hết các thủ tục đã là 4 giờ 30. Vội vàng chạy từ khách sạn đến nơi tập trung là Công viên bãi biển Phạm Văn Đồng trên đường Hoàng Sa. Vừa chạy vừa nghĩ coi như làm nóng người luôn, nhưng quả là không cần thiết, vì trời quá nóng, đến nơi vã mồ hôi. Trên đường ăn thêm một gói sport beans để nạp thêm năng lượng. Mọi người có vẻ đã đến từ trước khá lâu, phần lớn đang nói chuyện, đi lại, hay khởi động nhẹ. Tôi vội tìm lều gửi đồ, đính lại số bip, nhờ mấy người chụp cho mình mấy kiểu ảnh làm dáng, rồi thắt lại dây giầy là đến lúc tiếng loa gọi các vận động viên tập trung chuẩn bị xuất phát vang lên. Theo thông báo có gần 180 người đã đăng ký tham gia full marathon, nhưng số người đông hơn nhiều, vì chạy cùng với hơn 200 người đăng ký half marathon. Ban Tổ chức thông báo có cả một veteran runner tầm 70 tuổi, đã chạy hơn 200 marathon ở hơn 100 nước thì phải, cũng tham gia, nhưng gọi tên mãi không thấy đâu, mặc cho mọi người huýt sáo, hú hét, và nhìn chằm chằm vào bất cứ ai có vẻ có nhiều nếp nhăn ở mặt. Có lẽ veteran runner cũng suy nghĩ lại và thực sự không muốn phải dậy vào lúc 4 giờ kém chỉ để làm thứ đã làm hàng trăm lần trước đó.

Ban Tổ chức thông báo trên loa những dặn dò cuối cùng, về đường chạy, lưu ý cho những người muốn dừng giữa chừng, nhắc tất cả uống nhiều nước, và giữ sức vì ngày hôm nay sẽ rất nóng. Quả thực, trời rất oi mặc dù mới 5 giờ sáng, không một chút gió. Nhạc vang lên, mọi người ồn ào, đứng dồn vào phía vạch xuất phát. Tôi thấy mình hơi căng thẳng, nhìn quanh, xốc lại túi nước, kiểm tra đồng hồ Garmin đã bật chưa, nhìn kỹ lại vị trí nút Start ở đâu để đảm bảo không bấm nhầm. Tất cả vỗ tay, đếm ngược 10 giây cuối, tiếng súng xuất phát vang lên, nghe bé hơn hình dung. Tôi chạy phía bên phải, qua vạch xuất phát, cố ý giơ tay lên để nếu vô tình lọt vào tấm ảnh nào được lên báo thì trông cũng ra dáng . Chạy từ từ, nhìn đồng hồ tốc độ gần 9km/giờ. Trời vẫn lặng gió. Xung quanh hai bên đường những người đi tập sớm đứng xem, tiếng còi xe máy công an và xe mô tô nghiệp dư dọn đường ầm ĩ. Rất nhiều người vượt lên, tôi vẫn chạy chậm, tự nhủ rằng mình còn phải duy trì tốc độ ấy ít nhất 4 tiếng nữa.

Khoảng hơn 1km tôi tăng tốc lên khoảng 9,5km/h để bám theo một nhóm nhỏ, có vẻ là các học sinh trường thể thao nào đó. Các bạn này vừa chạy vừa cười đùa, nói chuyện, có khi còn để ai đó chụp ảnh nhau, nhưng quả thực dáng chạy rất đẹp. Dựa trên kết quả chạy 10km và 20km trước đó của tôi, theo các chương trình dự báo nhan nhản trên mạng, tôi thấy mình có thể đạt được 10,6km/h chung cuộc. Nhưng một phần đây là marathon đầu tiên, phần nữa trong thời gian tập luyện tôi thường giữ tốc độ ở mức 9,5km/h, nên lần này không mạo hiểm, chỉ tự đặt ra ở mức hoàn thành với 9,5km/h. Trong đầu tuy thế hy vọng nếu qua được ½ chặng đường mà còn sức thì sẽ tăng tốc. Trời vẫn nóng, không có một chút gió. Chạy được 3 km đã thấy mồ hôi ra nhiều. Trước đó một tuần xem dự báo thời tiết, thấy báo sẽ mưa hai ngày cuối tuần, lo lắng vì chạy 42km trong mưa, ướt chân là một cực hình, vì tôi đã rất dễ bị rộp chân khi tất ướt do mồ hôi. Vài ngày trước, dự báo chuyển thành mưa tối thứ Bảy, chủ nhật trời mây mù. Khi xuống sân bay Đà Nẵng, vừa ra đến ngoài, hy vọng trở thành thất vọng. Trời nắng rất to, hỏi người lái taxi trên đường về khách sạn hóa hoàn toàn không có mưa đêm trước, và cả đêm Chủ Nhật cũng không hề có mưa. Nhiệt độ 35-36 độ C, nhưng Real Feel khoảng 40 độ.

Chạy trời mưa, ướt giày bị rộp chân là một trong những mối lo chính, bên cạnh những mối lo khác. Hai tuần trước cuộc thi tôi hơi lo ngại về bàn chân phải vì có cảm giác đau mặt xương phía trong. Chân trái thì vẫn hơi đau phần xương metarsar ngay dưới ngón cái, nhưng đây là cảm giác khá quen thuộc và tôi biết chắc rằng chỉ cần nghỉ ngơi đủ nó sẽ mất đi. Khi tập chạy 32km lần đầu tiên, tôi bị chuột rút nhẹ khi đã chạy được gần 30km. Đang chạy trong công viên, đột nhiên có đứa trẻ con chạy sang đường khiến tôi phải đổi hướng chạy. Chân trái có cảm giác chuột rút, nhưng đi bộ khoảng 10 bước lại thấy bình thường và tiếp tục chạy, kết thúc bài tập mà không có vấn đề gì. Phần lớn các vấn đề của tôi khi tập chạy dài là việc phồng rộp da lòng chân do bị ra mồ hôi quá nhiều, ướt tất, cũng như khi đeo túi nước (racevest) thì bị xước lưng do cọ sát vào người. Những vấn đề này tôi luôn để ý, ghi nhớ đầy đủ, hy vọng có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi marathon đầu tiên.

Khoảng 4km, gần 30 phút, trời đã sáng lên, nhìn đồng hồ không cần bật đèn màn hình. Qua km thứ 6, gặp cây cầu đầu tiên là cầu Trần Thị Lý, tôi chạy lên chầm rãi rồi tăng tốc chạy xuống đúng như cách chạy dốc tôi đã đọc về trong các cuộc thi marathon và ultra marathon. Nhóm nhỏ các bạn học sinh trường thể thao ngày càng bỏ xa tôi, có lẽ tốc độ của họ tầm 10km/h, nhưng tôi không bám theo, cố gắng duy trì tốc độ trung bình 9,5km/h. Các trạm tiếp nước đặt cách nhau 2-3km, có Revive, một thứ nước thể thao của Pepsi, và Aquafina thì phải. Nhiều người dừng hẳn lại, uống nước, đi bộ một đoạn rồi mới chạy tiếp. Nhưng tôi chạy bỏ qua chúng, không vào vì tôi không thích thứ nước thể thao ngòn ngọt ấy, và nhất là tôi tính toán rằng chạy vào lấy nước sẽ tốn thêm thời gia của mình, tôi sẽ cố gắng chạy liên tục và chạy đều như đã tập chạy, sẽ dùng nước oresol mà tôi đã pha sẵn gần 2 lít và mang theo túi Racevest trên lưng. Tôi mang đầy đủ các trang bị, đồ nghề, vì ưa có sự chuẩn bị cho (phần lớn) các tình huống. Tôi thường cảm thấy bực dọc mỗi khi bị vào tình thế “mình đã nghĩ đến rồi mà sao không làm”. Lần này, đến Đà Nẵng tôi mang theo ngoài túi nước là 2 quần triathlon, 2 áo T-shirt chạy tôi thích nhất, 2 đôi giày đã chạy quen chân và 3 đôi tất tất chạy của Wright Sock. Ngoài ra là mũ, khăn đội đầu để thấm mồ hôi, Moleskin, Body glide và cả bột phấn rôm. Bên cạnh đó đủ cơ số oresol để pha nước, 4 gói GU Gel, nhiều hơn bình thường 2 gói, và tất nhiên là chiếc Garmin 305 Forerunner đã xạc đầy pin.

Qua cầu Trần Thị Lý, tuyến đường rẽ phải dọc theo sông Hàn bên tay phải. Lần lượt chạy qua điểm đầu cầu Rồng, rồi đến cầu sông Hàn. Phía này của đường chạy, không có chút gió. Đường khá vắng, chủ yếu một số xe máy chở hàng sớm trên đường, lập tức bị công an tuýt còi bắt tránh luồng phải. Qua Km thứ 10 bắt đầu nhìn thấy cầu Thuận Phước từ xa. Cầu Thuận Phước cao hơn 90m tính từ chân cầu lên đỉnh, dài gần 2000m. Nhìn xa, dáng cầu thanh thoát trong nắng, nhưng đối với tôi lúc này điều quan tâm duy nhất là đoạn lên cầu tương đương 1km dốc 10%. Bắt đầu đến chân cầu thật ra thấy độ dốc cũng không đáng sợ như tưởng tượng. Tuy nhiên, tệ nhất là cái nắng và cái nóng, chạy đến giữa cầu, trên cao thoáng hai bên, mới chỉ khoảng 6 giờ hơn mà không có chút gió. Đằng trước vài người lác đác đi bộ. Tôi vẫn cố gắng chạy, tuy rất chậm. Lên đúng đỉnh cầu, bắt đầu tăng tốc chạy xuống để vớt lại thời gian. Sau chân cầu là một quãng dài gần 4km không nhìn thấy biển đâu. Những người chạy đằng trước dần dần biến mất khỏi tầm mắt. Chạy một lúc, thấy một số người vượt lên, băn khoăn vì không kịp nhìn họ chạy half marathon hay marathon. Gặp một đôi nam Âu nữ Á chạy đằng trước một đoạn rồi đi bộ, nói chuyện. Tôi vượt qua hai người này ngoái lại nhìn, họ đeo Bip màu xanh đậm, là những người chạy half marathon. Tự nhiên nảy ra câu hỏi nếu mình chạy hai người thì mình sẽ chạy chậm lại để đợi bạn hay chạy theo kế hoạch của mình.

Bụng đói, tôi lấy gói GU Gel đầu tiên ra ăn, bụng bảo dạ hôm nay không cần thiết phải đợi như mọi hôm. Mỗi khi tập chạy dài hơn 20km, tôi thường ăn lót dạ trước khi chạy, và mang theo mấy gói GU Gel. Những ngày chạy tốt thì đến sau Km thứ 20 mới cảm thấy đói và cần bổ sung năng lượng. Thường thì sau đó cứ khoảng 8-9km lại ăn một gói. Tôi đã thử một số loại như Sport beans, Gu Gel, rồi Energy packs… nhưng thấy khi chạy dùng Gu Gel là tiện nhất, vì nó lỏng, không phải nhai, không ảnh hưởng đến nhịp thở như khi dùng Energy packs hay Sport beans. Vị của nó lần đầu tiên ăn thử khi đi Củ Chi, trời nắng, ăn một thứ đặc đặc, ngọt ngọt thấy rất tệ. Nhưng một lần ăn khi đang chạy, bụng đói meo, người rã rời lại thấy rất dễ chịu. Tôi hay dùng vị cà phê. Tôi đã thử vị chuối, dâu ăn khi nóng nực rất chán.

Khoảng 2km sau cầu Thuận Phước, lại gặp một cây cầu, ngạc nhiên vì không nhớ có nó ở trong bản đồ đường chạy, nghĩ có lẽ vì nó nhỏ quá mình không để ý chăng. Tuy nhiên, cầu này cũng có một đoạn lên dốc đáng ngán nhất là dưới cái nắng chang chang. Ngay trước chân cầu, ở km thứ 15 có trạm tiếp nước. Chạy đến trạm tôi quyết định dừng lại, tranh thủ nghỉ trong lúc thay đôi tất mới. Đôi tất đang đi đã quá ướt, có lẽ nếu cố chạy nữa sẽ bị rộp chân thì rất tệ. Ngồi xuống vệ đường, lấy đôi tất để ở túi trước ngực ra thì thấy ẩm, có lẽ do mồ hôi ngực thấm qua túi vào tất. Tự nhủ lần sau phải bọc tất vào túi nilon để chống ẩm. Lúc kéo tất lên, cảm giác hơi căng căng, lạ lạ ở chân. Chột dạ đứng lên, từ từ chạy tiếp, bụng bảo dạ may quá không có việc gì xảy ra. Đến Km thứ 18, đường bắt đầu vòng lại sang phải, biển hiện ra phía bên tay trái. Được vài trăm mét, đột nhiên bắp chân trái co cứng, thấy rõ chuột rút, phải dừng lại đi mấy bước, đợi vài chục giây cho trở lại bình thường, rồi chạy tiếp. Hơi ngạc nhiên vì bị chuột rút sớm thế. Trước kia mới có một hai lần bị chuột rút, nhưng là khi đã chạy khá lâu, hoặc chạy bứt tốc ở những km cuối cùng khi chạy thi 21km. Kể cả hôm thấy mệt đến nỗi phải bỏ dở giữa chừng ở Km thứ 20 khi chạy ở Hồ Tây cũng không hề có dấu hiệu chuột rút. Còn 1km trước đích, cổng xuất phát đã hiện ra, tiếng loa oang oang, thông báo tên những người kết thúc phần thi 21km của mình. Khoảng 500m trước vạch xuất phát/đích thì đường chạy chia làm 2 làn, bên trái cho những người kết thúc half marathon, bên phải cho những người chạy tiếp full marathon. Tôi chạy vào làn full marathon, 200m, rồi 100m, thấy hai hàng người hai bên, có lẽ phần lớn là tình nguyện viên, giơ cao biểu ngữ, vỗ tay khích lệ, đang định giơ tay vẫy thì ôi thôi, cơn đau rút ập đến, không thể nào chạy được đành phải đi bộ vài bước. Cảm giác tất cả mọi người nhìn vào, nghĩ bằng mọi giá cố chạy tiếp qua vạch half marathon, nhưng cơn co rút mãi không giảm, phải tập tễnh đi tiếp, dở khóc dở cười. Người đứng ở vạch đích cẩm micro hỏi “Are u ok man?”, đành phải cười nói “I am OK” vậy. Bụng bảo dạ thế là đi tong hình ảnh hoành tráng cho truyền thông .

Qua vạch đích mấy trăm mét mới phục hồi chạy tiếp được. Từng km sau đó, vẫn con đường cũ, bình thường tôi sẽ cảm thấy khích lệ hơn vì đã qua một nửa, nhưng lúc này thấy rất mệt, trời vẫn nắng, mà sao mà nắng và oi thế. Chưa bao giờ nếm trải Đà Nẵng ở khía cạnh này. Thường mỗi lần đến Đà nẵng, đi dọc bờ biển, với bãi cát dài, biển xanh vẫy gọi, tâm trạng rất vui vẻ. Giờ đây, vẫn con đường ấy, hàng dừa, những bãi tắm nhưng cảm giác chán ghét bốc lên trong đầu. Nhìn đồng hồ, biết chắc sau mấy lần dừng vì chuột rút thì không còn duy trì tốc độ trung bình 9,5km được nữa, lúc này chỉ còn khoảng 9,2km/h.

Đến km thứ 23-24, chạy vòng lại trên cùng con đường ấy, thấy có 2-3 người chạy sau khá xa, cảm giác nhẹ nhõm hơn vì dù sao tôi vẫn chưa phải là người chạy cuối. Biến cố xảy ra ở vạch half marathon thật bất ngờ. Cảm giác lo lắng khi biết rõ chuột rút lần này không phải vì bất cẩn như xoay chân, hay cử động nhanh, mà là một tín hiệu rõ ràng cơ thể không ổn rồi, và tệ hơn nữa là đã dừng lại đi bộ mà cũng không hồi phục ngay. Lo sợ chuột rút xuất hiện lại, một phần do mệt, nóng và khát, lúc này tôi chạy rất chậm. Chắc chắn mục tiêu 4:30 là không đạt, nhưng mọi suy nghĩ cố giữ để đạt trung bình không thấp hơn 9km/h. Khá thất vọng vì đã phải đi bộ một đoạn khá dài. Trong mấy tháng trước đó, khi tập marathon, tôi tự đặt cho mình một quy định là chỉ chạy, không đi bộ, nếu có vấn đề thì dừng lại, xử lý xong sẽ chạy tiếp. Ý nghĩ này có lẽ bắt chước tác giả “What I talk about when I talk about running”. Bản thân tôi trước cuộc thi này chưa hề hiểu được trong thực tế nó có nghĩa là gì. Lần thứ hai tiếp tục chạy qua con đường Nguyễn Văn Thoại dài và đông đúc, chạy sát các quán cà phê, quán ăn sáng, mọi người tò mò nhìn mình, thỉnh thoảng cắt qua các đường nhỏ có họp chợ hay đông cửa hàng, phải để ý tránh xe qua lại. Đi bộ lên cầu Trần Thị Lý, chạy xuống rồi vòng ra đường 2/9 dọc sông Hàn. Chạy rất chậm, nhưng là chạy, thậm chí đôi khi vượt qua được một hai người đi bộ trước mặt.

Km thứ 28, ngồi nghỉ, uống nước, thay nốt đôi tất khô cuối cùng. Một anh chàng châu Á mệt mỏi ngồi xuống bên cạnh, mặc chiếc áo của Hongkong Marathon. Hỏi ra là người Nhật, nhưng lại sống ở Singapore. Tôi nói nóng quá, tao chắc mày chạy ở Singapore cũng rất nóng. Anh chàng ta cho biết đã từng tham gia Iron Man, và một số cuộc Marathon, nhưng thời tiết hôm nay thì thật kinh khủng, có lẽ kinh khủng nhất. Tôi cảm thấy phần nào an ủi, kể cả khi sau đó chàng này đứng dậy và chạy bỏ tôi lại đằng sau. Lần này, cơn chuột rút mới ập đến khi chuẩn bị đến Cầu Rồng. Lại nghiến răng đi bộ, nhưng mấy chục mét, rồi mấy trăm mét không thấy ăn thua gì. Cú rút cơ này có vẻ sâu hơn, và hiểm hơn. Đau đớn nhìn người mình vừa vượt qua đuổi kịp và dần dần biến mất. Đành phải chấp nhận đứng lại, cố gắng duỗi chân trái, tì bàn chân vào lề đường để căng chân một lúc. Lai thêm vài người vượt qua. Cảm giác đỡ đau, thử nhấc chân chạy mấy mét thì lập tức lại nhói lên, đành phải tập tễnh đi bộ tiếp, không dám liều. Toàn bộ quãng đường dọc sông Hàn trở thành một điệp khúc chạy một đoạn ngắn, rồi đi bộ một đoạn dài. Đoạn chạy được ngày càng ngắn, đoạn phải đi bộ ngày càng dài ra, dài hơn đoạn chạy nhiều lần. Những người phía trước hình như thỉnh thoảng vẫn đi bộ xen kẽ chạy, nhưng khoảng cách với họ ngày càng xa hơn, không còn hy vọng đuổi kịp trừ phi họ mắc sai lầm gì rất tệ hại. Biện pháp tinh thần như chia nhỏ đoạn đường, tự nhủ mình cố gắng chạy đến đích cụ thể là trạm nước tiếp theo, rồi sẽ đi bộ để chân hồi phục đều không có tác dụng. Nó không phải là mệt mỏi vì hết sức lực, không nhấc nổi chân lên,, mà đơn giản là đau quá vì co rút cơ bắp chân, không chỉ chân trái mà cả hai chân thay nhau chuột rút, co cứng. Có lúc đi một đoạn dài, nhìn thấy cây cầu lừng lững trước mặt, mừng quá nghĩ là đã đến cầu Thuận Phước, mấy giây sau mới nhìn ra là cầu sông Hàn. Tôi nhận ra là mình đã quá mệt, đến nỗi nhìn cầu sông Hàn mà tưởng và hy vọng đó là cầu Thuận Phước, mặc dù hai cây cầu khác hẳn nhau về kích thước.

Những chỗ có trạm nước đều nghỉ lấy nước uống, mặc dù trong balo vẫn còn nước, nhưng cảm giác mệt khát đến nỗi thèm nước trắng, uống cho thỏa cảm giác khát. Uống cả Revive, rồi lại uống nước trắng. Thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, tốc độ trung bình thấp tệ hại, chỉ còn trên 8km/h một chút, tuy nhiên vẫn hy vọng cố gắng về đích trong 5 tiếng. Đi qua mỗi ngã tư là cả một sự vất vả cả về tinh thần lẫn sức lực. Lực lượng công an dàn quân dừng tất cả xe cộ lại để tôi, mỗi mình tôi đi qua, và mặc dù rất sợ đi nhanh quá cũng có thể chuột rút, nhưng cảm giác ngã tư ấy vô tận và tất cả mọi người đều sốt ruột vì mình khiến tôi phải cố gắng bước nhanh hơn. Cầu Thuận Phước, lần 2. Đi bộ lên cầu, trời có mây, đỡ nắng, gió thổi làm mát mẻ hơn hẳn. Thấy tiếc rẻ vì không thể lợi dụng mà chạy được. Nhớ lại những ngày tập ở Hà Nội, Hồ Tây, rất nóng và mệt nhưng có cơn gió mát thì người lập tức cảm thấy dễ chịu, nhịp tim chậm đi, dễ dàng tăng tốc. Giờ đây thì chịu, nghĩ giá mà vòng thứ nhất trời mát như thế này, thì có lẽ đã không bị mất sức, và chuột rút tới mức như vậy. Lên điểm cao nhất, bắt đầu xuống, thử chạy một tẹo. Lần này chạy bằng gót, để không bị tác động nhiều đến cơ bụng chân. Thử chạy rất chậm, 10m không thấy gì, rồi 20 mét, rồi 100 mét vẫn ổn, nhìn tốc độ hơn 8km, gần 9km/h sung sướng quá. Nghĩ bụng ai bảo mình sẽ chạy bằng gót thế này trong cuộc thi marathon thì chắc mình không bao giờ tin. Lại nhớ đọc đâu đó về một nghiên cứu trong một cuộc thi marathon tại thời điểm km thứ 21 rất nhiều người đang chạy lòng bàn chân bắt đầu chuyển sang chạy gót. Chạy được gần 1km, thậm chí còn vượt qua cả một người đi bộ trước mặt mới phải ngừng vì chuột rút tái phát. Nhìn đồng hồ thấy thời gian chạy đã gần 4 tiếng, mà còn gần 8km, không thể về trong vòng 30-40 phút, nhưng nếu mình duy trì được như thế này thì vẫn có thể về trong khoảng 5 tiếng.

Đường Lê Đức Thọ, mây qua, gió ngừng, trời lại nóng, mệt, khó chịu, suy nghĩ nên mừng vì chẳng phải tiếc là trời mát không đúng lúc hay không nên mừng vì nóng quá, mệt quá. Đầu ngón chân trái đau tức vì thúc vào mũi giày. Cổ và gáy bắt đầu đau, chắc vì đeo túi nước nặng. Tự nghĩ lần sau sẽ không đeo ba lô nước như thế này nữa, mà sử dụng nước của ban tổ chức, sẽ không quá tự tin cho rằng mình có thể chạy một mạch không cần nghỉ nữa, bla bla…. Đi bộ tiếp mấy trăm mét, rồi lại thử chạy, vẫn chậm và vẫn bằng gót, lần này cũng được 800 mét. Trạm nước tiếp theo, uống nước, tranh thủ làm mát người với quạt nước. Đi bộ tiếp bên cạnh một anh châu Á đi mỗi tất không, giày adidas xách tay, chắc là có vấn đề. Hỏi thăm, anh cố giải thích nhưng không hiểu, hình như anh không nói đựơc tiếng Anh, chỉ chỉ vào giày và nói “problem problem”. Tiếp tục chạy tập tễnh, nhưng lần này chỉ chạy được 200-300m thì lại đau đớn, phải đi bộ. Qua hết đường Lê Đức Thọ, còn hơn 4km đến đích, chuẩn bị rẽ ra đường Hoàng Sa, thì anh châu Á chạy không giày chạy vượt qua, chạy rất từ từ, nhưng cứ chạy mãi. Không bỏ được ý nghĩ tiếc rẻ vì một ứng cử viên cho tốp cuối lại có thể tiếp tục như vậy. Cố gạt đi, tự nhủ chỉ tập trung vào bản thân, rằng marathon là môn thể thao tự mình chiến thắng bản thân, chứ không phải thi đua với ai nữa, vì giờ đây, hình như tất cả những người mình nghĩ đi đằng sau mình đã vượt lên. Tốc độ trung bình đã xuống dưới 8km/h khá sâu. Giờ đây, chỉ mong sẽ về đích một cách tương đối đàng hoàng, là chạy qua đích, còn thời gian tổng chắc chắn sẽ gần 5 tiếng rưỡi rồi, đã vượt qua mọi lằn ranh giới mình đã từng hình dung ra. Nhìn biển báo chỉ còn 4km nữa thôi, nghĩ bụng chiến thuật sẽ là cố chạy được một phần đầu của 4km ấy, sau đó chấp nhận đi bộ thật dài để hồi phục, làm sao sau đó có thể chạy 1km cuối cùng, chạy qua đích một cách đàng hoàng, đừng để như lúc trước.

Tính sĩ diện vẫn trỗi dậy, kể cả những lúc này, và lập tức bị trừng phạt ngay. Vừa nhớm chân chạy, chuột rút nặng chân trái. Lần này, nặng thực sự, nặng đến nỗi không thể đứng thẳng được nữa, vặn xoắn lại, tôi khụy xuống tì vào chân bên phải, lập tức chân bên phải chuột rút. Không thể làm gì nữa, đành phải ngồi phệt xuống vệ đường, cố gắng duỗi hai chân. Nhưng cơn chuột rút này bất trị hơn tất cả các cơn trước, cảm giác nó chạy từ dưới gót lên trên khoeo đầu gối, chạy từ bụng chân ra đằng trước ống đồng, và cứ hết cơn này cơn khác nổi lên. Không chỉ cảm giác cơn co rút bằng đau đớn, thực sự có thể nhìn thấy rõ từng cơn sóng cuộn lên ở bắp chân, chỗ lõm sâu hút vào như xoáy nước, chỗ khác lại phồng lên, lớp trên biến đi chỉ để lớp dưới xuất hiện, lớp này lớp khác cứ nối nhau cùng với đau đớn. Tôi có cảm giác bị co thắt cả những nơi chưa từng bị, phần bắp đằng trước chân, phần háng, phần hông. Và khi đưa tay ra để kéo bàn chân thì lại gây ra một cơn chuột rút khác ở phần thân trên. Không có chốt y tá nào ở gần, tôi đành ngồi nguyên, cắn răng chịu. Thầm nghĩ cứ như thế này chưa biết chừng mình sẽ là người về cuối, và nếu có hoàn thành marathon thì cũng do cut off time rộng rãi 8 tiếng đồng hồ. Gần 3 phút trôi qua cơn đau mới dịu, loay hoay đứng dậy cố đi tiếp. Lúc này không còn dám thử chạy nữa, cơn chuột rút vừa rồi làm tôi bỏ hoàn toàn ý định chạy, chỉ cố gắng đi bộ quãng còn lại, và sẽ chỉ thử chạy một lần duy nhất lúc gần đích nữa thôi. Hết bước này rồi lại đến bước khác, và lại một bạn nữa rất già, chạy vượt qua mình chậm rãi. Tôi thèm thuồng ngắm nhìn bắp chân của bạn này. Từ đằng sau có thể thấy rõ những múi cơ lên xuống nhẹ nhàng, có vẻ không hề đe dọa gây ra những cơn chuột rút khủng khiếp như của tôi. Một km tiếp theo, rồi lại 500m, đã nhìn thấy đích. Hàng người vắng vẻ, không còn như lúc cách đây gần 3 tiếng, khi chạy được nửa chặng. Cảm giác tơi tả. Tính trong đầu sẽ cố gắng chạy 500 mét còn lại, hay 300m, 200m. Cứ mỗi lần nhớm chân chạy, cảm giác ở bắp chân lập tức khiến phải dừng ngay. Qua cả mốc 200m, cả mốc 100m, đi bộ tiếp đến khi còn 50m cuối cùng. Phải chạy thôi, 40m, 30m, chuột rút chân trái, lò cò bằng chân phải, mặc chuột rút, lê tiếp những bước cuối qua đích ./.

Một vài suy nghĩ sau 2 ngày: Đã hoàn thành cuộc marathon đầu tiên, nhưng cách hoàn thành thì rất khác so với cách đã từng nghĩ. Thực tế đã không đạt được kỳ vọng về thời gian, cận trên (gần 4 tiếng) cũng như cận dưới (4:30 phút), thậm chí không dưới nổi 5 tiếng (ngưỡng xấu hổ) mà tệ hơn thế rất nhiều. Tôi cũng đã phải đi bộ nhiều km, chứ không phải là hoàn toàn chạy cuộc thi marathon này. Nhiều tính toán, chuẩn bị hoàn toàn chệch, như mang túi nước thực tế không giúp được nhiều. Nhiều vấn đề vẫn thường gặp thì không xảy ra (đau gối, đau bàn chân, rộp chân) trong khi đó lại gặp phải những vấn đề hoàn toàn mới (chuột rút nặng, mỏi vai, cổ…). Thực ra, đến ngày này suy nghĩ lại, đột nhiên mới thấy tất cả những cảm giác ấy mới chính là điều hay, vì đấy là thực tế mà không gì thay được, khiến mình hiểu về marathon sát thực hơn một chút. Rộng hơn là ngộ ra mình còn biết rất lơ mơ về marathon, rằng có những điều không thể lường trước, về sức khỏe, về điều kiện thời tiết, địa hình, và sự phối hợp của tất cả những thứ ấy, và cái mình cần lường trước chính là sẽ có những điều không lường trước được xảy ra để lần sau có thể đạt thời gian tốt hơn, nhưng có lẽ cũng để độ lượng với chính bản thân mình hơn. Mình lại muốn tham gia một cuộc marathon mới.

About the Author Dzung Ng

  • […] ông ấy rất tự hào là không bao giờ đi bộ trong mọi trường hợp. Mình nghe anh Dzung Ng kể bị chuột rút trong đợt thi marathon Đà Nẵng, khi chỉ còn cách đích vài km. […]

  • >
    116 Shares