Đừng Bao Giờ Tham Gia Một Giải Chạy Khi Không Bỏ Tiền

Chạy lậu (chạy không bib, hoặc banditing) và mua bán bib (bib-swapping) là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng chạy bộ thế giới. Những năm gần đây, khi phong trào chạy bộ tại Việt Nam bắt đầu lên cao thì những vấn đề này cũng đồng thời xuất hiện. Để trả lời cho câu hỏi “Nên hay không nên cho phép chạy lậu và mua bán bib trong các giải chạy chính thức”, chay365.com xin giới thiệu với độc giả bài viết dưới dạng hỏi đáp của Meghan Kita, một tác giả quen thuộc của tạp chí Runnersworld.

ĐỪNG BAO GIỜ THAM GIA MỘT GIẢI CHẠY KHI KHÔNG BỎ TIỀN

Ngay cả khi tôi tự mang nước uống và không dùng nhà vệ sinh cũng không được à?

Đúng vậy. Anh vẫn chiếm chỗ trên đường chạy có rất nhiều khách hàng trả tiền. Anh thừa biết là trên đường thường có xe cộ đúng không? Phải bỏ tiền ra để ngăn đường cho người chạy—tiền đó là của những vận động viên xung quanh bỏ ra cả đấy chứ.

Ngay cả khi tôi không vượt qua vạch đích hay nhận huy chương cũng không được à?

Đúng vậy. Nếu anh chạy bất cứ chặng nào thì vẫn cứ là đang hưởng miễn phí những thứ đáng lẽ phải mất tiền (một cách gọi khác của từ ăn cắp đấy). Nếu anh muốn tận hưởng niềm vui và không khí dọc đường chạy mà không muốn trả tiền thì anh có thể đứng xem, hoặc còn một cách nữa tốt hơn, là xin làm tình nguyện viên.

Ngay cả khi tôi chỉ dẫn tốc cho bạn cũng không được à?

Đúng vậy. Bạn anh đã bao giờ nghe nói đến nhóm dẫn tốc chưa? Đấy là một trong số rất nhiều tiện ích cung cấp cho những người trả tiền để chạy.

Nhưng tôi trả tiền mà—tôi đã trả cho tay bán bib trên Craigslist!

Bib chạy không giống như vé đi xem ca nhạc hay thể thao, mà giống như thẻ lên tàu: Thông tin cá nhân của người đăng ký gắn liền với bib. Vì vậy nếu như giữa đường đua mà anh cần được chăm sóc y tế mà không được đáp ứng, nhân viên y tế sẽ đối xử với anh như thể anh là anh chàng trên Craigslist: Họ sẽ gọi đầu mối cấp cứu của anh ta (không phải của anh) và xử lý như thể anh mắc vấn đề sức khỏe của anh ta (chứ không phải của anh). Hơn nữa, mua bán bib có thể làm xáo trộn giải thưởng. Nếu anh không cùng độ tuổi hoặc giới tính với anh chàng Craigslist, ngoài việc chạy không đúng với thông tin đăng ký, anh sẽ vớ được một giải thưởng không tương xứng với bản thân.

Nếu tôi hứa sẽ chạy chậm thì sao?

Bất kể chạy chậm đến mức nào thì anh vẫn đang chiếm chỗ ở một nơi anh không hề trả tiền để được hiện diện. (Trên thực tế, anh còn chiếm chỗ lâu hơn!)

Nhưng bạn tôi lỡ mua bib rồi mà giờ lại không chạy được. Thế thì phí cái bib quá!

Dùng bib của bạn thì có khác gì mua bib của anh chàng Craigslist đâu—bib đấy vẫn không phải là của anh.

Tôi sẵn sàng trả tiền để hợp pháp hóa việc chuyển bib của bạn tôi sang cho tôi nhưng giải này lại không có dịch vụ đó. Vậy là lỗi của giải chứ.

Không, là lỗi của bạn anh. Khi đăng ký là bạn anh đã đồng ý chấp thuận các điều lệ của giải rồi. Nếu như giải không sẵn sàng cung cấp dịch vụ thì đâu phải vì thế mà anh được quyền gian lận?

Tại sao chạy giải lại tốn kém vậy? Tôi không đồng ý và cứ chạy bừa đấy!

Để tạo ra được một đường chạy khép kín và đo đạc cẩn thận, cùng với các tiện ích và hạng mục giải trí đi kèm, cần phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt là ở khu vực nội thành, nếu muốn chặn đường sẽ còn tốn kém hơn nữa. Anh vẫn “bất chấp” bằng cách cuỗm toàn bộ chỗ đồ mang biểu tượng dấu ngoặc của Nike đang trưng ra trong câu chuyện mới nhất trên Instagram? Hoặc là chiếc iPhone 7 mà anh sử dụng để đăng câu chuyện đó? Những người tổ chức giải đua này nhận một phần lương của họ từ phí đăng ký. Họ sử dụng số tiền đó để mua đồ ăn cái mặc, bởi vì không phải ai cũng tặc lưỡi với chuyện trộm cắp như anh. Hay anh nghĩ rằng những người tạo ra một sự kiện mà anh rất muốn tham gia xứng đáng phải chịu cảnh đói khát, rách rưới?

Nhưng nếu bib chạy bán hết sạch mất rồi thì sao? Như vậy thì đâu có ai bị mất xu nào, đúng không?

Không. Cuộc đua nào cũng chỉ trông chờ vào số vận động viên không tham gia chạy được do ốm, chấn thương, hoặc bận việc—điều này giúp cho chi phí giảm xuống và tránh gây lãng phí. Nếu ban tổ chức mua đủ bánh trái cho toàn bộ số vận động viên đăng ký, chi phí sẽ tăng lên và bạn sẽ còn đắn đo hơn nữa khi bỏ tiền mua bib.

Nhưng mà từ bao lâu nay đã tồn tại vấn đề chạy lậu rồi! Tại sao bây giờ mới phản đối nếu như xưa nay không bị phản đối?

Từ xưa đã sai rồi. Trước đây còn sai lầm hơn khi hầu hết các cuộc đua đều không cho phép phụ nữ trả tiền để được chạy. Các nữ vận động viên chạy lậu để phản đối việc phân biệt đối xử này chỉ được thông cảm trong quá khứ thôi. Mọi người khác: trả tiền.

Nhưng nếu ban tổ chức cứ cho tôi bib vì tôi là người nổi tiếng hoặc đại loại thế thì sao?

Được thôi, không sao cả. Anh có thể chạy đua miễn phí khi—và chỉ khi—anh được ban tổ chức tặng bib, đăng ký bằng tên của chính anh.

Tác giả Meghan Kita

Meghan Kita là một nhà văn, biên tập viên, đã hoàn thành hàng chục cuộc đua marathon ở 10 bang của nước Mỹ. Cô đã từng được trao kỷ lục Guiness dành cho người chạy marathon nhanh nhất trong bộ trang phục hình đồ ăn nhanh. Cuốn sách đầu tay của cô là về đề tài chạy bộ: Làm thế nào để ị một cách chủ động: Và 999 lời khuyên khác dành cho tất cả mọi người chạy.

 

 

 

 

 

About the Author Khánh Toàn

Lê Khánh Toàn làm kinh doanh ở Sài Gòn. Anh xuất thân là biên tập viên Anh ngữ tại NXB Thế Giới, với các tác phẩm dịch thuật như "Hoa trên mộ Algernon," "Phù thủy phố Portobello," "Tình dục thuở hồng hoang,"... Với anh, chạy bộ là một cách để rèn luyện sức bền và tinh thần kỷ luật.

>
130 Shares