Liệu có ổn không nếu bạn chạy bằng bib của người khác?

Quan điểm của các giám đốc các giải đua và một nhà đạo đức học thể thao về thực trạng rất phổ biến dù vi phạm điều lệ giải đấu hiện nay: mua bán và trao đổi số bib.

image

Sau sự kiện New York City marathon tháng trước, vận động viên người Ý Gianclaudio Marengo rời khỏi nhóm chạy và đi tàu điện ngầm 2 ngày trước khi được tìm thấy. Xung quanh nhiều chi tiết kỳ lạ của câu chuyện này, thì có một thực tế nữa đó là anh ta đã chạy bằng bib của một người khác, một đồng đội bị chấn thương và đã đưa cho Marengo cơ hội thế chỗ của mình (*).

Vấn đề ở chỗ, sử dụng bib chạy của người khác là bị cấm ở hầu hết các cuộc đua, kể cả giải NYC marathon. Và một khi Marengo đã bị đưa lên trang nhất, bí mật của anh ta cũng bại lộ: kết quả thi đấu bị hủy bỏ, anh ta và người đồng đội của mình có thể bị cấm thi đấu trong tương lai. Kể từ đó, các ban tổ chức giải đã lấy điều này như là một ví dụ giải thích vì sao trao đổi bib có thể nguy hiểm: Tên Marengo không đăng ký dự giải nhưng đang chạy đua, thêm vào đó là sự nhầm lẫn khi anh này đang được xem là mất tích.

Marengo chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất chạy giải bằng bib của người khác. Vì hầu hết mọi người không bao giờ bị bắt gặp, miễn là họ không lập được kỷ lục nào của cuộc đua, hoặc thu hút sự chú ý của xung quanh, họ sẽ không trong diện nghi ngờ bị kiểm tra lại kết quả sau giải đấu. Nhưng việc các vận động viên có thể thoát khỏi điều này, liệu họ có nên làm vậy? Chúng tôi đã nhìn vào những lý do phổ biến của tình trạng này, những hậu quả tiềm ẩn của nó và liệu rằng tình trạng này thực sự là một điều xấu.

Tại sao nhiều người lại chạy với bib tên của người khác?

Trong vài trường hợp hiếm hoi, một số người làm điều này với ý định cố tình gian lận: Ví dụ, một người đăng ký giải nhưng lại thuê một người khác chạy nhanh hơn thế chỗ mình để rồi đạt giải lứa tuổi, hay tìm một cơ hội để đạt chuẩn Boston. Tuy vậy, nhìn chung việc trao đổi bib không nhằm mục đích ấy, lí do phổ biến thường thấy hơn cả là người đó bị chấn thương, hoặc quyết định rời thành phố, hay chỉ đơn giản là cảm thấy chưa tập luyện đủ, do đó họ đưa bib cho người khác chạy.

Những lí do trên rất phổ biến với những giải đua đã bán hết bib, tương tự cũng sẽ có có những người mong muốn được chạy nhưng không thể đăng ký bib với tên họ được nữa. Những người không chạy được, đôi khi họ sẽ tặng lại bib, nhưng thường thì họ sẽ rao bán với giá bằng giá đăng ký ban đầu, hoặc thậm chí là cao hơn để lấy lời.

Điều tồi tệ gì có thể diễn ra?

Sự an toàn là mối lo lớn nhất của các giám đốc giải khi có tình trạng mua bán, trao đổi bib. Nếu vận động viên đó gặp tai nạn trên đường chạy và không thể phản ứng với sự chăm sóc y tế, thì thông tin bib của họ là đầu mối liên kết duy nhất để ban tổ chức liên hệ với người thân của họ trong trường hợp khẩn cấp.

“Chúng tôi đã từng gặp một trường hợp vận động viên phải nhập viện khi chạy dưới tên bib của người khác, chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ với số điện thoại khẩn cấp mà người này đã cung cấp từ lúc đăng ký giải, nhưng đó không phải là người thân của anh ta, lúc đó chúng tôi đã thực sự hoảng sợ”, Patrice Matamoros, giám đốc giải Pittsburgh marathon kể. (Để giải quyết tình trạng này, giờ đây Pittsburgh marathon là một trong những giải chạy hiếm hoi cho phép chuyển nhượng bib). Thông tin lúc đăng ký giải có thể bao gồm các thông tin về tình trạng dị ứng hoặc điều kiện về sức khỏe. “Nếu ai đó viết trong phần đăng ký rằng họ bị bệnh tiểu đường nhưng người chạy khác mang bib họ lại không bị bệnh này, đó thực sự sẽ là một mối lo cho chúng tôi và kể cả bác sĩ điều trị cho họ nữa”, cô kể.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, sự an toàn của người khác cũng bị đe dọa. Les Smith, giám đốc giải Portland marathon nhớ lại một năm diễn ra giải đấu, ban tổ chức đã nhận được một cuộc gọi từ người trông trẻ mà mẹ của đứa bé được biết là đang chạy đua. Đứa trẻ bị ngã, bác sĩ yêu cầu phải được phẫu thuật khẩn cấp nhưng trước hết cần được sự đồng ý của phụ huynh.

“Đội hỗ trợ trên đường đua đã tìm thấy người mang số bib đó, nhưng khi cô ta dừng lại, hóa ra không phải là mẹ của đứa trẻ; người này đã mua lại bib lậu trên trang Craigslist hoặc eBay”, ông kể. (Thậm chí tới hôm nay, ông ấy vẫn không hiểu vì sao người phụ nữ đó lại lừa dối về việc đi chạy của mình hay thực sự cô ta liệu có ở đó hay không).

Làm sai lệch kết quả cũng là một vấn đề liên quan tới tình trạng trao đổi bib. Ví dụ, một người đàn ông chạy đua mang trên mình bib của vợ hoặc bố anh ta có thể tình cờ đạt giải lứa tuổi trong khi giải thưởng đó đáng lẽ thuộc về một người khác.

Danh tiếng kết quả chạy của bạn trên trang web online cũng có thể bị ảnh hưởng khi bạn đưa bib của mình cho một người khác chạy chậm hơn. Với sự ra mắt của các website online tổng hợp kết quả các giải thi đấu như Athlinks.com, nếu một người đưa bib của họ cho người khác sẽ phải cảm thấy thoải mái khi kết quả cuộc đua đó sẽ được gắn với tên anh ta mãi mãi trên những trang web này.

Và đừng quên về việc bồi thường bảo hiểm. Nếu bạn không thể thi đấu vì bị ốm hay chấn thương, việc trao đổi bib có thể khiến bạn không thể yêu cầu bồi thường bảo hiểm: Smith kể rằng anh ta nhận được trát đòi ra hầu tòa vì một người yêu cầu bồi thường bảo hiểm với lý do đau ốm nhưng lại lập kỷ lục ở giải đấu marathon.

Nhưng nếu có ai đó đã trả tiền bib, sẽ không tốt sao nếu chúng ta sử dụng chúng?

Khi trả tiền đăng kí một giải chạy, bạn có quyền nhận được áo, huy chương và được phép sử dụng đồ ăn, nước uống, các dịch vụ y tế ở trạm tiếp nước trong và sau cuộc đua. Tất nhiên nếu bạn không chạy, thì bạn sẽ không nhận được bất kỳ quyền lợi nào cả. Theo cách hiểu này, việc trao đổi bib cũng tương tự như việc đầu cơ vé hòa nhạc hay chia sẻ các file bài hát mà bạn mua, Shawn E.Klein, một blogger của trang SportsEthicist.com và trợ giảng ngành triết học tại trường đại học Arizona State nói.

“Bởi vì rõ ràng không một ai bị hại bởi chuyện này, mọi người nghĩ nó không có gì nghiêm trọng cả, nếu không ai mua vé từ những kẻ đầu cơ hay người bán lại thì những chiếc vé đó cũng sẽ mất giá trị, còn chúng ta cũng không được tham gia sự kiện. Ngược lại, nếu chúng ta mua, không ai bị tổn thất mà chúng ta lại còn được tham gia sự kiện nữa – một tình huống đôi bên cùng có lợi”.

Nhưng trong hầu hết trường hợp, thông tin đăng ký (và những quyền lợi đi kèm) đều là những thứ không thể chuyển nhượng được, và những chiếc bib này chứa đựng các thông tin cá nhân mà những chiếc vé hòa nhạc hay các file bài hát kia không có. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, khi bạn đăng ký và đã đánh dấu vào phần chấp nhận nội quy của giải, bạn đang đồng ý các điều khoản của giải chạy đó, điều này cũng tương tự như việc bạn đang mua vé máy bay vậy.” Klein giải thích.

Ngoài ra, Smith cũng chỉ ra rằng các giải đua dựa vào phần trăm số người không tham gia để giảm chi phí tổ chức . “Không có bất kỳ sự kiện nào đặt làm áo hay huy chương cho tất cả những người đăng ký giải cả”, anh nói. “Bởi vì đằng sau đó thực sự có một giải thích khoa học liên quan các công thức tính, hay sự thật hiển nhiên rằng không phải ai cũng sẽ tham gia được.” Càng nhiều người chạy với những bib không sử dụng, thì công thức này càng bị sai lệch, và những người tới nhận bib sau sẽ không có đủ đồ để nhận trong khi họ đã trả tiền cho những thứ này.

Nhưng ít nhất tôi không phải là người chạy lậu trong cuộc đua, đúng không?

Trong cộng đồng chạy bộ, sử dụng bib tên người khác thường không bị chỉ trích nặng nề bằng việc chạy lậu – chạy đua mà không hề mang bib. Chạy lậu, suy cho cùng, sử dụng các nguồn lực từ giải đấu mà họ không hề trả tiền. Thậm chí họ còn khiến đường chạy trở nên đông đúc, thêm người khi chiếm chỗ của những vận động viên không tham gia.

Có nhiều giải đấu xử lý điều này rất nghiêm ngặt, ví dụ như thuê người để tìm ra những kẻ chạy lậu, và ngăn chặn những người này bước qua vạch kết thúc cuộc đua. Ngay sau giải marathon Baltimore năm nay, giám đốc giải này đã đăng lên mạng hình ảnh của hai người chạy lậu để răn đe họ có trách nhiệm cho việc làm sai trái của mình. Điều đó thực sự hiệu quả vì hai người này đã nhận trách nhiệm và quyên góp tiền cho quỹ từ thiện, sau đó bức hình của họ đã được gỡ xuống.

Một lần nữa, sử dụng bib chạy của người khác không có nghĩa bạn thuộc về cuộc đua. Bạn có thể sẽ không bị ánh mắt ngờ vực của các vận động viên khác trên đường chạy khi bạn có đeo bib, và bạn cũng có thể cảm thấy không mấy tội lỗi khi bạn uống điện giải Gatorade tại trạm tiếp nước, nhưng chắc chắn bạn không thể nói với chính mình điều bạn đang làm là đúng cả.

Vậy thì, điều này thực sự tệ đến mức nào?

Về mặt đạo đức, với nhiều người trao đổi bib dường như là một phạm trù không rõ ràng, Klein cho biết. “Một bên, nó vi phạm các điều khoản mà bạn đã đồng ý với ban tổ chức, phần còn lại, với nhiều người xem điều này tưởng chừng như vô hại: vì nó dường như không gây ra một sự cạnh tranh bất lợi hay có lợi với bất kỳ ai trên đường chạy.”

Nhưng những người trao đổi bib chưa bao giờ chắc chắn với lý lẽ “không ai bị tổn hại” này, bởi họ cũng không chắc với giả định rằng họ sẽ không làm sai lệch kết quả của cuộc đua hay không cần sự chăm sóc ý tế. Thêm vào đó, họ không thể lờ đi những điều lệ của giải đấu. “Một người phải cẩn thận với những thói quen đưa giả định chưa chắc chắn của mình, một khi ai đó có ý định vi phạm những quy định nhỏ nhặt, nó có thể tác động tới việc họ sẽ sẵn sàng vi phạm những quy định quan trọng trọng về sau”, Klein cho biết.

Nhìn chung, Klein kết luận rằng, các vận động viên có lẽ không nên mua bán trao đổi bib với các giải đấu nghiêm cấm việc này. Còn Smith, giám đốc giải và cũng là một luật sư, trả lời vấn đề này một cách đơn giản hơn “Sử dụng bib chạy không phải của bạn là hoàn toàn sai”. Trên thực tế, nó cũng là một hành động lừa đảo và mạo danh người khác, có nguy cơ khiến bạn bị xử phạt theo luật liên bang. “Ngày nay, việc làm này cũng giống như việc bạn sử dụng thẻ căn cước hay hồ sơ sức khỏe của người khác vậy”, ông cho hay.

Nếu việc trao đổi bib nghiêm trọng như vậy, vậy tại sao không có nhiều giải đấu hơn cho phép việc trao đổi chính thức?

Một số giải đấu cho phép chuyển nhượng bib cho người khác hoặc thay đổi cự ly, nhưng những việc này cũng sẽ tốn thêm nguồn lực, Smith giải thích. Lượng nhân viên của những giải đấu nhỏ với ngân quỹ hạn hẹp có thể sẽ không đủ để hỗ trợ vận động viên trao đổi bib, nếu muốn làm họ cần phải tuyển thêm người. Matamoros cũng cho biết, lệ phí 15 USD mà mỗi vận động viên phải đóng thêm để thay đổi tên bib hay cự ly tại giải Pittsburgh marathon được trả cho những người chỉ chuyên lo về việc thay đổi này.

Vậy thì tôi phải làm gì nếu tôi không thể chạy vào ngày thi đấu?

Hãy kiểm tra điều lệ của giải về việc hoàn tiền và chuyển nhượng bib. Nhiều giải sẽ cho phép bạn hoãn lại cuộc đua vào năm sau, mặc dù một số giải như New York marathon, bạn vẫn phải trả lệ phí cho lần thứ 2 (**)

Một số giải khác thậm chí còn có nhiều điều khoản thoải mái hơn: Ví dụ như giải The North Face Endurance Challenge series cho phép bạn chuyển suất chạy đó sang giải đua tương lai ở một địa điểm khác, hoặc cự ly khác, và bạn chỉ cần đóng phí thêm. Một số giải đua có nhiều chướng ngại vật, hay nhiều môn phối hợp như Ironman hay Spartan, cũng sẽ có những điều khoản chuyển nhượng tương tự.

Một số giải đấu, như Pittsburgh Marathon và Marine Corps Marathon, giờ đây đã cho phép chuyển nhượng bib chính thức. Điều này đảm bảo cho những ai muốn chạy khi giải đấu đã bán hết vé cũng như những người không thể chạy có thể trao đổi với nhau. Sau đó thì những người này sẽ có được bib mới với tên của mình, cũng như được xếp vào khu vực chạy có tốc độ phù hợp với họ.

Với các giải đấu trong tương lai, bạn nên cân nhắc đến việc mua bảo hiểm nếu có. Active.com, là một nền tảng đăng ký giải có điều khoản cho phép người đăng ký “bảo hiểm phần đăng ký” lớn nhất hiện nay với chi phí cho phần này là 7$. Bạn có thể sẽ được hoàn trả lại tiền thi đấu trong trường hợp bị chấn thương, ốm đau, các vấn đề liên quan đến đi lại, mất việc, trong thời kỳ bồi thẩm đoàn, và một số trường hợp khác… Nhưng rất tiếc, lỡ chuyến tàu không nằm trong trường hợp được bồi thường.

Bên cạnh những hướng giải quyết này thì sẽ không còn có cách nào khác một khi bạn đã đăng ký và đồng ý với các điều khoản của giải. Nhưng cũng hãy nhìn về mặt tích cực: Bạn luôn có thể tới chỗ lấy bib và đem áo giải về nhà. Tất nhiên, việc bạn có mang nó không, bản thân đó cũng là một tình huống đạo đức khiến mỗi người đều phải suy ngẫm.

Dịch từ tạp chí “Runner’s world”, 12/11/2015

Tác giả: Amanda Macmillan

Người dịch: Mai Anh

Chú thích của người dịch:

(*) Vào năm 2015, trong thời gian điều trị tại một trung tâm cai nghiện, một người đàn ông Ý 35 tuổi với cái tên Marengo tham gia hoàn thành giải NYC marathon sau khi được cho bib, tuy nhiên sau đó anh ta bị lạc và không trở về. Trung tâm này đã báo cảnh sát về sự mất tích của Marengo, câu chuyện này đã được đưa lên các trang báo, link chi tiết tại đây:

(**) Để tham gia NYC marathon, chỉ mỗi đăng ký thôi không đảm bảo bạn sẽ có cơ hội chạy giải này. NYC sẽ lựa chọn runner dựa vào kết quả xổ số (tương tự như giải Tokyo marathon), hoặc dựa vào thành tích đạt chuẩn, và một số điều kiện khác…

About the Author Mai Anh

Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.

  • […] Không bán lại hay chuyển nhượng lại suất chạy cho người khác (Bạn có thể đọc thêm 1 bài dịch của mình ở đây) […]

  • […] Liệu có ổn không nếu bạn chạy bằng bib của người khác? […]

  • Bib says:

    […] Chạy giải bằng bib của người khác […]

  • >
    466 Shares