Chuyển Nhượng Bib Chạy: Thực Trạng Và Giải Pháp

Chay365 không đại diện cho một BTC giải chạy nào. Chủ đề này được đưa ra với mong muốn đóng góp cho cộng đồng chạy bộ lành mạnh và phát triển bền vững.

Góc nhìn của người mua và người bán

Một bài post xuất hiện trên group chạy bộ vào thứ Bảy “Còn ai dư bib chạy giải Ekiden Half Marathon không?” Giải đấu sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật.

Những bài kiểu này không được ban quản trị khuyến khích. Khi runner mua bib chạy, anh ta đã đồng ý với các điều khoản của Ban tổ chức, trong đó chuyển nhượng bib đa phần là trái luật.

Bạn có thể nghĩ rằng, tôi đã bỏ tiền mua bib, tôi toàn quyền sở hữu nó, tương tự sở hữu tấm vé xem bóng đá. Có hàng chục nguyên nhân để tôi không thể có mặt tại sự kiện đó: bị cúm, bận việc riêng, con ốm,… Đâu có gì sai khi tôi chuyển nhượng lại bib chạy ấy, đơn giản như rao lại vé xem đá bóng thôi. Mà có mấy vé xem bóng đá đắt tới 2 triệu đồng? Bib chạy thực sự là một khoản tiền không nhỏ. Bib giá 100K còn có thể tặc lưỡi…

Trái với dân phe vé, có lẽ không runner nào mua bib “early bird” với dụng ý sẽ bán lại kiếm lời. Không thể tham gia giải chạy thường vì lý do bất khả kháng. Đằng nào BTC cũng đã chuẩn bị huy chương, áo, race kit, đồ hỗ trợ,… cho bib chạy đó rồi. Nói chung, bán lại bib cho người khác sử dụng chẳng ảnh hưởng tới ai cả.

Cùng với đó là nhu cầu mua bib chạy. Nhiều người bỏ lỡ cơ hội mua vé, hoặc tình cờ rỗi rãi vào thời điểm có giải chạy. Vậy quá hợp lý khi họ dùng bib chạy thừa ra kia. Khác với bandit (chạy giải không đeo số bib), người mua bib chẳng lấy không cái gì của ai. Chưa có số liệu cụ thể, nhưng tình trạng mua bán bib chạy ở Việt Nam không phải hiếm, vì nó đáp ứng cả cung và cầu. Xét cho cùng, càng đông người chạy giải càng tốt, phải không?

Góc nhìn của Ban tổ chức giải chạy

Cùng với sự bùng nổ của phong trào chạy bộ trên khắp thế giới, rất nhiều giải chạy đủ mọi địa hình, cự ly, thể thức thi đấu cũng ra đời. Nhiều giải có lịch sử hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Thế nhưng đa số giải đấu không cho phép chuyển nhượng bib. Tại sao lại như vậy?

1. Bib chạy không phải vé xem bóng đá

Với một trận bóng đá, người mua vé chỉ đơn thuần là khán giả. Còn khi mua bib giải chạy, họ trở thành vận động viên, một phần cấu thành của sự kiện thể thao đó. Theo cách nhìn ấy, người chạy có vai trò tương tự cầu thủ trên sân. Có cầu thủ nào thi đấu mà không đăng ký với BTC?

Ngay cả khi bạn nói rằng, tôi chỉ chạy cho vui và không tranh đua, BTC vẫn có trách nhiệm quản lý vận động viên tham gia. Hãy cũng phân tích cụ thể hơn một chút

2. Lý do y tế và an ninh

Dù các số liệu cho thấy chạy bộ là một trong những môn thể thao an toàn nhất (an toàn hơn đua xe đạp, bơi biển, dù lượn,… rất nhiều), vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ khi thi đấu. Đó là lý do mà các BTC luôn yêu cầu người chạy khai báo về tiền sử bệnh lý y khoa cũng như số điện thoại liên lạc khẩn cấp. Khi runner mua bib (trên Facebook chẳng hạn) và chạy bib không chính chủ, BTC sẽ không thể quản lý và xử trí kịp thời nếu có điều không hay xảy ra.

Điều này đã từng gặp trong giải LDR Half Marathon 2018, khi một VĐV có biểu hiện sốc nhiệt và BTC không thể liên lạc được với người thân. Vì thế, bib chạy giải giống với vé lên máy bay hơn là vé xem bóng đá, khi mọi thông tin cần phải “chính chủ” và rõ ràng.

3. Đảm bảo cuộc chơi công bằng

Nhiều giải đấu có giải thưởng cho lứa tuổi và giới tính. Điều gì sẽ xảy ra nếu một VĐV nam dùng bib nữ và về đầu, hay một thanh niên 30 tuổi dùng bib của ông già 60 tuổi? Khi tổ chức giải HIHM 2018, Đinh Linh đã phải dành ra 2 tiếng đối chiếu camera vạch đích với bảng kết quả. Lý do: trong 10 bib nữ đầu tiên về đích cự ly HM có 3 bạn nam. Ba bạn nam này đương nhiên bị tính Disqualified, đồng thời trả lại công bằng cho 10 bạn nữ về đầu thực sự xứng đáng. Thực trạng đổi bib “vô tư” và khó kiểm soát cũng khiến các BTC ngại ngần khi tổ chức trao giải lứa tuổi.

Tiền Phong marathon: Ban tổ chức xử lý nặng VĐV gian lận

4. Lý do kinh tế

Giả sử bạn có một phòng trọ cho sinh viên A thuê. Sinh viên A không sử dụng tự ý chuyển nhượng lại cho sinh viên B. Chủ nhà có hài lòng không? Căn nhà là sở hữu của bạn, chỉ bạn mới có quyền cho ai đó sử dụng. BTC thả nổi việc chuyển nhượng bib sẽ tạo ra tâm lý không đăng ký để chờ săn “bib rụng” giờ chót. Điều này gây thiệt hại rõ ràng về kinh doanh cho nhà tổ chức.

5. Ghi nhận thành tích của VĐV

Cuối cùng, việc chạy bib không chính chủ có thể dẫn tới những sai lạc khi thống kê thành tích của VĐV. Hãy tưởng tượng trên cơ sở dữ liệu của Bigfoot lại ghi thành tích của Cao Hà chạy Full marathon là 4:20. Điều này tạo ra các bảng kết quả khá “lộn xộn” và thật khó để đưa ra những thống kê đáng tin cậy về trình độ của cộng đồng chạy bộ.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nhiều giải đấu ở Việt Nam đã bắt đầu hội nhập quốc tế với việc người chạy có thể sử dụng kết quả để đăng ký những giải major như Boston Marathon hay New York City Marathon. Ai đó cho Cao Hà “mượn” tên để kiếm suất BQ thì sao? Hoạt động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các Ban tổ chức.

Giải pháp nào cho tình trạng chuyển nhượng bib

1. Ban tổ chức cho phép bảo lưu đăng ký

Nếu runner vì lý do bất khả kháng không thể dự cuộc đua, BTC có thể linh động bảo lưu đăng ký của bạn cho giải đấu sang năm hoặc một giải khác trong cùng hệ thống thi đấu của BTC đó. Một số BTC thu phí cho việc bảo lưu này, có thể lên tới 40% giá đăng ký.

2. Ban tổ chức cho phép thay đổi thông tin

Thay đổi thông tin đồng nghĩa với chạy bib “chính chủ”. Tuy nhiên, cần nguồn lực đáng kể để thực hiện thay đổi một cách chính xác và kịp thời. Không phải BTC nào cũng sẵn sàng nguồn lực để làm điều đó, trong hoàn cảnh sát ngày thi đấu rất bận rộn. Ngay cả khi có hệ thống tự động để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót, vẫn có một “deadline” cho mọi sự thay đổi. Deadline đó càng xa ngày thi đấu thì càng thuận tiện cho BTC trong việc chuẩn bị. Không ai muốn bỏ tiền mua bib và đổi thông tin “chính chủ”, nhưng khi nhận race kit lại chỉ nhận áo nữ thay vì áo nam, phải không?

3. Một cộng đồng trao đổi bib minh bạch, có sự kết nối với các BTC giải chạy

Một giải pháp nữa có lợi cho tất cả đó là hình thành một bên trung gian cho hoạt động trao đổi bib. Để hoạt động tốt và công bằng, tổ chức này chỉ cho phép trao đổi bib các giải đấu mà BTC giải đấu đó chấp nhận. Người bán sẽ bán bib giá thấp hơn số tiền đăng ký (ví dụ, 80% giá đăng ký), đồng thời người mua sẽ phải mua cao hơn giá đăng ký muộn. Điều này khuyến khích các VĐV đăng ký sớm thay vì chờ đến giờ chót để nhặt bib rụng. Số tiền chênh lệch sẽ được chi trả cho bên trung gian cũng như nhân sự của BTC để hoàn thành việc thay đổi thông tin. Cộng đồng minh bạch này sẽ tránh được tình trạng trao đổi vé chợ đen cũng như chạy bib không chính chủ.

Lời kết

Tổ chức giải chạy là một hoạt động kinh doanh lành mạnh và thực sự đem lại các giá trị tích cực cho cộng đồng và phát triển phong trào chạy bộ. Chúng ta kỳ vọng các BTC chuyên nghiệp và cung cấp dịch vụ tốt thì cũng nên tôn trọng điều lệ của BTC và chuyên nghiệp khi đăng ký tham gia giải chạy.

Nếu BTC không cho phép thay đổi thông tin, đó không phải lỗi của BTC. Khi đăng ký tham gia bạn đã đồng ý với luật chơi do BTC đưa ra.

Điều lệ của giải TCB Marathon 2019

Race director cũng không thể như con đà điểu rúc đầu vào cát và lờ đi tình trạng đổi bib. Cần cân nhắc chính sách để cân bằng lợi ích các bên, cũng như có điều khoản rõ ràng đối với người phạm luật. Như giải Marine Corps Marathon (một trong 10 giải marathon lớn nhất nước Mỹ), người chạy bib không chính chủ có thể bị cấm thi đấu tới 2 năm. Các điều khoản về chuyển nhượng bib cũng có thể là một yếu tố để runner cân nhắc khi đăng ký tham gia giải, tương tự hàng loạt yếu tố khác (đường chạy phẳng không, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, huy chương đẹp không, giá vé,…). Nói ngắn gọn, giải đấu cho phép chuyển nhượng bib có thể sẽ được cộng đồng ưu ái hơn khi lựa chọn đăng ký.

Chay365 tin rằng đa số các trường hợp runner vô tình không biết luật hoặc không biết những hậu quả không hay của việc chuyển nhượng bib, tương tự cách đầy vài năm nhiều người vẫn vô tình chạy không đeo bib . Bài viết này mong góp một tiếng nói cho sự phát triển của phong trào chạy bộ.

 

 

 

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • Bib says:

    […] Chuyển nhượng bib: Thực trạng và giải pháp […]

  • >
    199 Shares